Nhạc sĩ Lê Hoàng Long kể chuyện nhạc sĩ Văn Cao: “Anh ít nói nhưng khi nói lại rất dí dỏm, tiếu lâm”

Trong cuốn sách “Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến” xuất bản năm 1996, nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã kể lại những kỷ niệm vui giữa ông với nhạc sĩ Văn Cao thời còn học ở Trường Nhạc. Bài viết tuy ngắn nhưng cũng đủ để người đọc có thêm cái nhìn thú vị về một “bậc kỳ tài” của đất nước.

Diệu Nguyễn
08:00 27/08/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Suối mơ!

Bên rừng thu vắng,

giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.

Ngày chưa đi sao gió vương?

Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương…

(Trích “Suối mơ” nhạc và lời Văn Cao)

Đầu năm 1950, rời ghế nhà trường, tôi đi làm văn nghệ kháng chiến. Đến giữa năm, được tin trường Nhạc mở tại Tuyên Quang (thuộc Liên khu Việt Bắc) tôi bèn trực chỉ Tuyên Quang. Đến nơi, sau khi vào làm thủ tục thì tôi được nhận vào học. Vào trường tôi mới biết nhạc sĩ Văn Cao là hiệu trưởng và ban Giáo sư gồm có: Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (dương cầm), nhạc sĩ Tô Vũ (hòa âm và vĩ cầm), nhạc sĩ Xuân Lôi, Xuân Tiên (sáo, clarinet và saxophone), nhạc sĩ Xuân Thư (flute traversiere, nhạc lý). Thời bấy giờ chúng tôi sống ngay tại trường, các học sinh sống chung trong hai căn nhà sàn, một chon nam, một cho nữ. Tuy ban giảng huấn mỗi người đều ở riêng với gia đình, nhưng cũng gần đó nên thường ngày chúng tôi vẫn sang chơi rất thân mật. Thâm tình với tôi nhất khi ấy là anh chị Tô Vũ. Lúc ấy, anh chị mới sinh con đầu lòng, có những hôm tôi sang chơi, chị vừa ru cháu ngủ vừa hát tôi nghe những bài “Tạ từ”, Tiếng chuông chiều thu”,… của anh.

Chúng tôi gặp nhạc sĩ Văn Cao lần đầu khi anh nói chuyện về cách tổ chức, sinh hoạt và chương trình học của trường. Tối tối, anh thường sang căn nhà sàn nơi chúng tôi ở để trò chuyện. Mùa đông, gió rít từng cơn nên tối đến mọi người thường đốt lửa giữa nhà, rồi ngồi xung quanh để sưởi ấm.

Nhạc sĩ Văn Cao người nhỏ nhắn, ít nói nhưng khi nói lại rất dí dỏm, tiếu lâm. Đặc biệt nhất của anh là cặp mắt rất có thần vì thế mà ít kẻ đứng trước mặt anh mà lại dám nói dối. Tôi nhớ có lần, bên trường Sư Phạm tổ chức đêm văn nghệ mời trường Nhạc tham dự. Theo chương trình, tôi phải độc tấu một bài vĩ cầm. Trong mấy ngày tập dượt, tôi có chuyện bất đồng với anh lớp trưởng nên đúng ngày trình diễn tôi giả vờ bị té gãy tay để không biểu diễn nữa. Được tin này, anh Văn Cao gọi tôi đến để coi sự thể ra sao. Một vài vài chương mở đầu, anh hỏi tôi về cái tay. Anh cầm và nắn nắn chỗ tay tôi buộc lên cổ, mắt anh nhìn thẳng vào mắt tôi với nụ cười hóm hỉnh. Nhìn ánh mắt với nụ cười ấy tôi không dám nói dối nửa lời bèn kể ra chuyện giữa tôi với anh T. Sau lần ấy, tôi vui vẻ xử hòa với anh T. và cầm đàn lên sân khấu biểu diễn. Tối hôm ấy, tôi độc tấu ca khúc “Thiên thai” của nhạc sĩ Văn Cao và bài Celebre Serenade của Schubert.

nhac-si-le-hoang-long-ke-chuyen-nhac-si-van-cao (1)
Chuyện nhạc sĩ Văn Cao được nhạc sĩ Lê Hoàng Long viết trong cuốn "Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến"

Có những buổi chiều thứ bảy, chủ nhật tại nhà anh Tô Vũ, các anh rất thường hòa nhạc, chúng tôi đến nghe thấy thú vị vô cùng. Thời ấy, anh Văn Cao mới viết xong bài hát “Trường ca Sông Lô”. Một biểu chiều, anh Xuân Lôi chơi clarinet, anh Xuân Tiên chơi thổi clarinette, anh Tô Vũ kéo violon, anh Hữu Hiếu chơi accordion,… hòa nhạc bài này. Anh Văn Cao, anh Xuân Thư và chúng tôi ngồi nghe.

Khi chấm dứt để về ăn cơm, tôi có nói với anh Văn Cao rằng: “Bài Trường ca Sông Lô anh kết bằng dominante (quán âm), có phải ý anh muốn cho mọi người hiểu đến bây giờ và mãi mãi, sông Lô vẫn chảy không?”.

Nhạc sĩ Văn Cao nhìn nhạc sĩ Xuân Thư đứng bên cạnh rồi trả lời: “Chú mày mà cũng biết được điều đó à? Khá đấy!”.

nhac-si-le-hoang-long-ke-chuyen-nhac-si-van-cao
"Thiên thai" - một trong nhiều ca khúc ấn tượng của cố nhạc sĩ Văn Cao

Tuy thời gian sống ở trường nhạc khá ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Mới ngày nào mà thấm thoát đã hơn 45 năm trôi qua rồi. Bây giờ mỗi lần đến thăm anh chị Tô Vũ, ngồi nhắc lại ngày xưa với những kỷ niệm ở trường nhạc, anh Tô Vũ và tôi vẫn nhớ để kể lại một cách say sưa.

Sống tại Trường Nhạc thời kháng chiến, gần gũi với anh Văn Cao chỉ chừng vài ba tháng ngắn ngủi, nhiều lần được nói chuyện tâm tình song chưa lần nào tôi dám hỏi cuộc đời tình cái của anh để có được “Thiên thai”, “Buôn tàn thu”, “Bài thơ bên suối”. Nhạc sĩ Văn Cao là người Hải Phòng, nghe đâu thời trai trẻ anh có một mối tình tuyệt vời với đóa hoa đầy hương sắc của đất cảng.

Hôm nay, anh Văn Cao đã vĩnh viễn ra đi. Tin này đến với mọi người với cả niềm tiếc thương. Một ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật nước nhà đã tắt nhưng “Thiên thai”, “Trương chi”, “Suối mơ”,… vẫn sẽ là những đóa hoa rực rỡ muôn đời.

Xem thêm: Văn Cao và Phạm Duy: Tình bạn hiếm có khó tìm qua lời kể của họa sĩ Văn Thao

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận