Nhạc sĩ Lê Dinh kể chuyện nhạc sĩ Anh Bằng: “Tôi có cảm tính với cái tên Anh Bằng ngay từ lần đầu gặp gỡ”

Nhân dịp sinh nhật năm thứ 82 của nhạc sĩ Anh Bằng, nhạc sĩ Lê Dinh – người bạn tri âm tri kỷ đã viết đôi lời kể lại những kỷ niệm giữa mình với người bạn, người đồng nghiệp thân thiết.

Diệu Nguyễn
08:09 14/08/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Bài viết được đăng vào tháng 4 năm 2008. Dưới đây là phần 1, viết về những kỷ niệm giữa nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng trước năm 1975.

Đầu năm 1966, vào buổi trưa, lúc tôi đang làm việc trong phòng sản xuất tại Đài phát thanh Sài Gòn, một anh quân nhân mặc sắc phục lên lầu tìm gặp tôi. Tuy không quen biết nhưng nhìn qua phù hiệu của Biệt đoàn văn nghệ thì tôi cũng đoán được người này thuộc giới văn nghệ. Anh tự giới thiệu mình là nhạc sĩ Anh Bằng. Qua cái bắt tay chào hỏi, anh mở tờ giấy đang cầm trên tay đưa tôi, đó là một bản nhạc anh đem tới nhờ tôi “lancer” giùm. Từ “lancer” được coi như là từ phổ biến trong giới sáng tác.

Tuy không quen biết với nhạc sĩ Anh Bằng trước đây, nhưng tôi lại rất có cảm tình với cái tên Anh Bằng và ca khúc “Nếu vắng anh” của anh. Bài hát được phổ từ thơ của Nguyên Sa và được giọng ca tha thiết của Lệ Thanh gửi vào lòng khán thính giả, trong đó có tôi:

“Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió

Nếu vắng anh, ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố

Nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về

Kề bóng em ven sông chiếu chiều, gọi tên người yêu…”

Với những cảm tình có sẵn, tôi vui vẻ mời anh Anh Bằng ngồi để nói chuyện về bản nhạc mới mà anh đưa tôi xem. Nơi tôi làm việc khi ấy được xem như là nơi gặp mặt của tất cả các anh em văn nghệ sĩ, từ trưởng ban đến ca sĩ, nhạc sĩ tân nhạc cũng như cổ nhạc, rồi nhạc công, kịch sĩ, thi sĩ,… cộng tác với đài phát thanh. Theo một lịch trình đã định sẵn, mọi người lần lượt đến đài để thu thanh trước những chương trình sắp phát sóng. Các nghệ sĩ đến sớm trước giờ thu thanh khoảng chừng vài mươi phút sẽ thường đến phòng tôi nói chuyện, hoặc thi thoảng tôi sẽ bước qua phòng vi âm để trò chuyện đôi câu với những anh chị em ca nhạc sĩ. Nên tôi có cơ hội quen biết với tất cả anh chị em nghệ sĩ cộng tác với đài phát thanh khi ấy và việc đưa một sáng tác mới để nhờ ca sĩ hay trưởng ban “lancer” giúp cũng không có gì khó khăn cả.

Trở lại với bài hát vừa viết xong của nhạc sĩ Anh Bằng đó là bài “Hẹn anh đêm nay”. Đây là một bài hát rất buồn, được viết với âm điệu Si thứ, nội dung là lời nhắn nhủ của một cô gái gửi đến cho người yêu là một quân nhân sắp ra chiến trường. Tình bạn giữa nhạc sĩ Anh Bằng và tôi cũng bắt đầu từ lần gặp gỡ đầu tiên này. Và cũng ngay chiều hôm ấy, chúng tôi hẹn nhau tới nhà anh Minh Kỳ để tôi giới thiệu anh Anh Bằng với anh Minh Kỳ, người mà tôi quen biết từ nhiều năm trước.

nhac-si-le-dinh-ke-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-anh-bang (2)
Nhóm Lê Minh Bằng huyền thoại

Khi mới biết nhau, chúng tôi đều có những sáng tác riêng của mình và cũng được nhiều người biết đến. Nhạc sĩ Minh Kỳ là người lớn tuổi nhất, anh nổi tiếng với những bài như Nha Trang, Nhớ Nha Trang, Xuân đã về,… Nhạc sĩ Anh Bằng thì có Nếu vắng anh, Lẻ bóng,… còn tôi thì được mọi người biết qua những ca khúc như Tấm ảnh ngày xưa, Ga chiều, Cánh thiệp hồng, Tình yêu trả lại trăng sao,… Tuổi tác của chúng tôi xấp xỉ nhau, khuynh hướng sáng tác cũng tương tự nhau nên chúng tôi dễ kết thân với nhau. Rồi thống nhất thành lập nhóm Lê Minh Bằng và mở lớp dạy nhạc, ít lâu sau thì làm cố vấn cho hãng đĩa Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh.

Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1927 tại Thanh Hóa. Nghệ danh Anh Bằng là cái tên An Bường của anh đọc ngược lại. Tôi thấy đó cũng là một sự khôn khéo, bởi ai gọi Anh Bằng thì dù lớn tuổi hơn cũng phải kêu anh bằng “anh”. Tính anh Anh Bằng rất hiền lành, bãi buôi, vui vẻ nhưng so với tôi và Minh Kỳ thì anh rất ít nói. Mà những người ít nói lại thường hay được lòng phái nữa. Đã vậy anh lại có duyên dáng trong lời nói, cái duyên dáng đáng yêu ấy đã bộc lộ trong một số lời ca của anh như:

“Từ lâu, tôi biết câu thời gian là thuốc tiên

Đời việc gì đến sẽ đến

Những ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên”

(Sầu lẻ bóng)

Hoặc như:

“Đời như cánh chim bay ngàn phương

Chia tay rồi đây, mỗi người đi một đường

Chuyện tâm tình thôi đành dở dang,

Siết tay nhau một lần, kết chặt tình bạn thân”

(Ly cà phê cuối cùng)

Trong việc giao thiệp hằng ngày nhạc sĩ Anh Bằng cũng thường ít xuất hiện, nếu như có xuất hiện thì cũng thường hay làm thinh, và nếu có nói thì lời nào anh nói ra cũng đều rất duyên dáng. Vì Lẽ đó mà anh rất… đào hoa. Bạn bè thường bảo rằng Anh Bằng có cái duyên ngầm. Vì cái duyên đó mà có rất nhiều cô mến anh, thích anh rồi yêu anh và anh cũng yêu lại người ta. Nhưng không vì thế mà anh bỏ bê gia đình mình, anh vẫn chăm lo, săn sóc vợ con. Vợ anh là người anh cưới từ khi chưa di cư, lúc còn ở thị trấn Điền Hộ. Năm 1954 cả nhà anh di cư vào Nam, đến năm 1975 thì anh di cư sang Mỹ cùng cô con gái nhỏ và những cậu con trai. Một thời gian sau, khi đủ điều kiện để bảo lãnh gia đình, anh tiếp tục bảo lãnh vợ và con gái sang Mỹ để sống hạnh phúc đến ngày nay. Ở địa hạt tình cảm, nhạc sĩ Anh Bằng là người trái ngược với nhạc sĩ Minh Kỳ, cho nên chúng tôi thường hay nói rằng Anh Bằng là người ướt át nhất, tuy là người có tình cảm nhưng lại không mất cảm tình khi vì hoàn cảnh phải chia tay với một ai đó, anh đã nhắn nhủ điều này qua bài Sầu lẻ bóng: “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”. Hờn giận người ta thế nào được khi người ta vẫn còn nhớ đến mình…

nhac-si-le-dinh-ke-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-anh-bang (3)
Nhạc sĩ Lê Dinh chụp cùng nhạc sĩ Anh Bằng ( 2 người góc trái)

Trong vấn đề sáng tác, sự bộc lộ yêu thương qua lời ca tiếng nhạc được xem là chuyện bình thường của người nhạc sĩ, nhạc sĩ Anh Bằng cũng thường bộc lộ sự hờn giận qua nét nhạc và lời ca của mình. Ví như, trong một phút hờn dỗi Giám đốc hãng đia Sóng Nhạc, anh Anh Bằng liền có ý nghĩ để lời ca sau đây vào bài “Trở về cát bụi” của nhóm Lê Minh Bằng, coi như lời nhắc nhở ông Nguyễn Tất Oanh xem lại cách cư xử đối với anh em qua lời ca như sau:

“Sống trên đời này, có đây rồi lại mất

Cuộc sống mong manh, nhắc ai đừng đổi trắng thay đen

Làm người sang giàu, đừng vì bạc tiền bỏ nghĩa anh em…”

(Trở về cát bụi)

Trong việc làm ăn đôi khi không tránh được những hiểu lầm, vướng mắc nho nhỏ, cho nên chuyện của anh em chúng tôi với giám ông Nguyễn Tất Oanh cũng là điều bình thường. Một người hờn giận không nói ra mà chỉ bày tỏ qua lời hát, nhưng ông chủ hãng đĩa Sóng Nhạc đâu có biết, tưởng đâu nhóm Lê Minh Bằng viết bài “Trở về cát bụi” không phải để “nhắn nhủ” mình, mà lời ca ấy chỉ đơn thuần nghiêng về giáo lý của nhà Phật, cuộc đời là hư không, khi nhắm mắt chẳng đem theo được gì. Ca khúc “Trở về cát bụi” được coi như một lá thư ngỏ gửi ông Nguyễn Tất Oanh ấy vậy lại trở thành một bài hát đem đến cho ông khá nhiều vài tài chính qua số lượng đĩa hát tiêu thụ với giọng ca thu đĩa lần đầu là của Elvis Phương, sau đó là tới tiếng hát của Thế Sơn làm ca khúc này sống lại ở hải ngoại.

Xem thêm: Con trai nhạc sĩ Anh Bằng: Ba tôi được trời cho “thiên phú” sáng tác

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận