Con trai nhạc sĩ Anh Bằng: Ba tôi được trời cho “thiên phú” sáng tác

Qua lời kể của Trần An Thanh - con trai nhạc sĩ Anh Bằng, công chúng lại biết thêm một vài khía cạnh về cuộc sống và chặng đường sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa.

Diệu Nguyễn
08:00 10/08/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Ba tôi – nhạc sĩ Anh Bằng là người làm nhiều việc trong cùng một thời gian. Ông cùng hai chú Lê Dinh và Minh Kỳ thành lập nhóm Lê Minh Bằng. Nơi hội họp thường xuyên của nhóm là tiệm bánh mình Michaud Frères và quán Làng Văn của gia đình tôi, cùng nằm trên đường Trần Quang Khải, Tân Định. Nhóm Lê Minh Bằng hợp tác cùng bác Nguyễn Tất Oanh, một doanh thường giàu có ở đất Sài Gòn thuở đó, trông coi Nhà xuất bản Sóng Nhạc, tập dượt cho các sĩ, phụ trách về kỹ thuật thu thanh cho những bản nhạc mới tại hãng đĩa Sóng Nhạc. Ngoài ra, nhóm Lê Minh Bằng mở lớp dạy nhạc tại nhà chú Minh Kỳ ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định và phụ trách ban Sóng Mới trên Đài phát thanh Sài Gòn.

Ngoài lĩnh vực âm nhạc, ba tôi còn làm chủ một công ty nho nhỏ với vài chiếc xe đò lớn, chạy tuyến Sài Gòn – Đà Lạt cùng với người em đồng hao hùn hạp, trông coi. Ông cũng là chủ của 2 tiệm cà phê Làng Văn nổi tiếng và đông khách nhất nhìn Sài Gòn lúc ấy.

Tuy công việc bộn bề như vậy nhưng lúc nào ba tôi cũng trông ung dung, nhàn hạ. Cuối tuần nào ông cũng dành thời gian dẫn anh em chúng tôi đi ăn mì Quảng, hủ tiếu Mỹ Tho, ăn phở 79,… Tôi mê nhất là những bữa ăn tại nhà hàng Đồng Khánh nằm ở Chợ Lớn. Đó là nơi ông thường khoản đãi bạn bè và mỗi lần như vậy chúng tôi thường được đi ăn ké.

chang-duong-su-nghiep-cua-nhac-si-anh-bang-qua-loi-ke-cua-con-trai-1
Nhạc sĩ Anh Bằng cùng các con

Sau biến cố năm 1975, gia đình tôi sang Mỹ. Chúng tôi mất một khoảng thời gian dài để làm quen với cuộc sống mới và ổn định sinh hoạt gia đình. Sau đó, ba tôi mới bắt tay vào sáng tác nhạc mới và thành lập Trung tâm băng nhạc. Ban đầu, trung tâm lấy tên là Lê Minh bằng, sản xuất được một thời gian thì ba tôi nghiệm thấy chú Minh Kỳ đã không còn nữa, lại không có chú Lê Dinh ở đây nên rất khó để hoạt động dưới danh nghĩa nhóm Lê Minh Bằng. Trước đó ba tôi cũng đã liên lạc với chú Lê Dinh bàn về ý định hợp tác, nhưng vì hoàn cảnh và công việc của gia đình, chú Lê Dinh không đồng ý. Thế là ba tôi đã đổi tên trung tâm thành Dạ Lan.

Dạ Lan sản xuất và phát hành băng nhạc thứ nhất mang tên “Như một nụ hồng”. Thật may băng nhạc này rất thành công, nhờ đó ba tôi có chú vốn để mở một phòng thâu thanh lớn hơn, thay thế cho phòng thâu thanh quá nhỏ trước đây. Sau đó, ba tôi lại nhường Trung tâm Dạ Lan cho người cháu ruột là anh Trần Thăng và chị Minh Vân làm chủ. Ông đi thuê một tòa nhà khác nằm trên đường Garden Grove để lập một trung tâm mới lấy tên là Asia. Sau một thời gian học hỏi, tìm hiểu về âm thanh, ba tôi tự mày mò vẽ kiểu cho phòng thâu mới và dồn tiền mua một dàn máy thâu thanh tối tân không kém những phòng thâu hiện đại nhất của Hollywood lúc bấy giờ. Nhưng đúng thời gian này, ba tôi lại gặp vấn đề về thính giác. Chỉ trong vòng 3 năm, từ một người hoạt động đủ mọi mặt về nghệ thuật, ba tôi trở thành người thiếu hẳn khả năng liên lạc, ông không thể tiếp xúc được với ai. Nhất là anh chị em nghệ sĩ, những người ông cần phải liên lạc mỗi ngày để làm việc thì nay đành phải chịu bó tay.

chang-duong-su-nghiep-cua-nhac-si-anh-bang-qua-loi-ke-cua-con-trai-2
Băng nhạc "Như một nụ hồng" do Trung tâm Dạ Lan sản xuất

Thế là sau khi khánh thành phòng thâu mới, ba trao lại việc quản lý Trung tâm Asia cho em gái tôi là Thy Vân. Về phần tôi, tôi không thể đỡ đần hay phụ giúp gì được ông trong khoảng thời gian này vì tôi đang bận với công việc Designer cho một hãng tại Huntington Beach.

Thy Vân là người có khả năng làm chủ, điều hành, tổ chức,… nghĩa là chỉ có khả năng quản trị chứ không có khả năng chuyên môn về sáng tác và hòa âm. Thế là em ấy nhờ vợ chồng nhạc sĩ Trúc Hồ và Diệu Quyên về hợp tác quản lý Trung tâm Asia cùng. Trung tâm đi vào quỹ đạo hoạt động, ba tôi cũng không còn thường xuyên ghé đến nữa, ông chỉ đến khi có việc thực sự cần thiết mà thôi.

Sự hợp tác của Thy Vân và vợ chồng nhạc sĩ Trúc Hồ, Diệu Quyên đã đưa Trung tâm Asia liến lên hết sức mau lẹ. Ba tôi nói với tôi, nhạc sĩ Trúc Hồ là người có khả năng chuyên môn cao, và đặc biệt là có những quyết định rất chính xác, rất tốt cho sự phát triển và thành công của Asia. Quả thật suy nghiệm và nhận định của ba tôi rất đúng, dưới sự hợp tác của Thy Vân và Trúc Hồ, Diệu Quyên, Trung Tâm Asia đã trở thành một trong những trung tâm lớn nhất của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Ba tôi về hưu trong tình trạng đôi tai mất hẳn thính giác. Nếu không có hearing aids đeo vào, ông sẽ không nghe được âm thanh gì hết. Thật may khi ấy, bác sĩ Thủy B, cháu ruột của ba tôi, hiện đang cộng tác với bệnh viện UCLA đã đưa ba tôi đến viện để làm giải phẫu tai. Sau cuộc giải phẫu ấy, ông có thể nghe và hiểu được 40-50 phần trăm câu chuyện. Tôi cứ ngỡ sự nghiệp âm nhạc của ba sẽ phải chấm dứt từ ấy, nhưng không, việc ấy chỉ ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của ông rất ít. Ba tôi chẳng những sáng tác bình thường mà còn viết nhanh và hay hơn trước Trong một khoảng thời gian ngắn ông viết liên tục từ bản này đến bản khác, đều là những ca khúc rất dễ thương và tình tứ. Bước qua độ tuổi 70, ba tôi thường chọn những bài thơ trữ tình với nhiều ý mới, táo bạo để phổ nhạc. Ông hay tâm sự rằng, mình lớn tuổi rồi, viết những lời thơ tình tứ quá, lãng mạn quá thì khó coi lắm, nên phải nhờ vào những bài thơ trữ tình của các thi sĩ.

Những thi phẩm hợp với ba thì ba tôi sáng tác rất nhanh, rất trôi chảy, chi có khi vài tiếng đồng hồ là xong một ca khúc như bài “Chuyện giàn thiên lý” chẳng hạn. Kết quả là hầu hết những nhạc phẩm ấy đều được thính giả hoan nghênh, ủng hộ. Ngoài những bài thơ do ông tự lựa chọn, ba tôi còn phổ nhạc theo yêu cầu của mấy người bạn nhà thơ gửi tới và kết quả của những bài thơ phổ nhạc kiểu này chỉ là những kỷ niệm văn nghệ trong tình bạn nghệ sĩ với nhau thôi.

Một người nhạc sĩ chỉ cần có 1-2 nhạc phẩm được công chúng mến mộ là sẽ được những người mến mộ ấy nhớ tên cả đời. Ba tôi, nhạc sĩ Anh Bằng dường như có rất nhiều nhạc phẩm vinh dự như vậy. Vài người bạn văn nghệ của ông trong nước có viết thư nói rằng, hiện nay ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng và ăn khách nhất nhì trong nước. Ba tôi xem xong thư chỉ cười nói: “Các chú thương ba nên nói vậy thôi con à!”. Tôi nghĩ đúng vậy, bởi nước mình có quá nhiều nhân tài về âm nhạc, ba tôi chỉ là người được trời cho năng khiếu đặc biệt về phương diện sáng tác mà thôi, gọi là cái tài “thiên phú” thôi. Tôi thấy không nên so sánh hơn thua, hay dở giữa các nghệ sĩ với nhau. Bởi những điều ấy chỉ có khán thính giả mới là người đánh giá và nhận xét được.

Xem thêm: Con trai nhạc sĩ Anh Bằng: "Ba là người đáng kính, đáng yêu nhất đời của chúng con"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận