Nhạc sĩ Hoàng Trọng: Ông “vua tango” rực sáng trên bầu trời tân nhạc Việt

Ở dòng nhạc tiền chiến trữ tình, nhạc sĩ Hoàng Trọng được biết đến với danh hiệu “Vua tango” với những nhạc phẩm mang điệu tango sống mãi với thời gian như “Tiễn bước sang ngang”, “Mộng ban đầu”, “Ngỡ ngàng”,...

Diệu Nguyễn
20:00 03/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ HOÀNG TRỌNG

  • Tên thật: Hoàng Trung Trọng
  • Nghệ danh: Hoàng Trọng
  • Ngày sinh: 1922 - 1998
  • Quê quán: Hải Dương
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến, tình khúc 1954 - 1975
  • Ca khúc nổi tiếng: Ngàn thu áo tím, Tiễn bước sang ngang, Cánh hoa yêu,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan,...
  • Thời gian hoạt động: 1938 - 1998

Nhạc sĩ Hoàng Trọng là ai?

Nhạc sĩ Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương. Năm lên 5 tuổi, ông theo bố mẹ đến sống ở Nam Định. Năm 1933, nhạc sĩ Hoàng Trọng bắt đầu học nhạc qua người anh ruột tên Hoàng Trung Quý. Có năng khiếu nên ông học rất nhanh và chơi được rất nhiều loại nhạc cụ như vĩ cầm, ban cầm, hạ uy cầm và sáo.

Từ năm 1937, nhạc sĩ Hoàng Trọng chuyển đến học nhạc tại trường Thày Dòng Saint Thomas Nam Định. Cũng trong năm này, khi mới 15 tuổi, ông đã tập hợp 2 anh ruột là Hoàng Trung An và Hoàng Trung Vinh và mấy người bạn là nhạc sĩ Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ,… tạo thành một ban nhạc. Lúc này, ban nhạc vẫn chưa có tên, chủ yếu là chơi để giải trí và học hỏi lẫn nhau.

Năm 1938, khi mới 16 tuổi nhạc sĩ Hoàng Trọng đã có sáng tác đầu tay mang tên “Đêm trăng”. Thời ấy, tân nhạc Việt Nam cũng chỉ mới vừa khởi phát bởi, nên Hoàng Trọng cũng là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc.

Năm 1940, Hoàng Trọng mở một lớp dạy đàn ở Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu sâu về âm nhạc, học hàm thụ ở Universelle de Paris và sáng tác thêm nhiều ca khúc mới.

Năm 1945, nhạc sĩ Hoàng Trọng mở phòng trà và lập ban nhạc tên Thiên Thai ở Nam Định. Cũng trong năm này, ông kết hôn với người vợ đầu và có với 3 người con. Năm 1946, chiến tranh bùng nổ, Hoàng Trọng và gia đình lánh cư đến Phủ Nho Quan, Phát Diệm rồi đến Hà Nội. Tại đây, ông kết nối được với những ca sĩ tân nhạc nổi tiếng của đài phát thanh Pháp Á như Châu Kỳ, Mộc Lan,… nên những tác phẩm ông sáng tác trong giai đoạn này được phổ biến rộng rãi khắp mọi miền đất nước, điển hình như “Đêm trăng”, “Thu qua” “Lạnh lùng”, “Khúc nhạc xuân”,…

nhac-si-hoang-trong-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-vua-tango-hoang-trong-1
Năm 1938, khi mới 16 tuổi nhạc sĩ Hoàng Trọng đã có sáng tác đầu tay mang tên “Đêm trăng”

Năm 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng gia nhập quân đội và được giữ chức Trưởng ban Quân nhạc Bảo Chính Đoàn, điều khiển dàn nhạc nhẹ của chương trình phát thanh trên đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này ông đã sáng trên 20 ca khúc, trong đó bài “Nhạc sầu tương tư” và “Dừng bước giang hồ” đã rất thịnh hành, trở thành ca khúc yêu thích của khán thính giả khắp cả nước.

Đến năm 1954, ông mang theo 3 con nhỏ di cư vào miền Nam. Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Trọng thành lập các ban nhạc chuyên trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, đài Tiếng nói tự do và cả đài Truyền hình Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 1967, ban nhạc Tiếng Tơ Đồng là ban đại hợp xướng nổi tiếng, đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt.

Trong khoảng thời gian từ thập niên 1950 đến năm 1975, sức sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trọng vô cùng bùng nổ. Đặc biệt, ông là người viết nhạc tango sớm, nhiều và hay nhất thời điểm đấy. Chính vì thế mà Hoàng Trọng được giới mộ điệu xưng tụng là “Vua tango” một thời.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Trọng vẫn ở lại trong nước hoạt động, ông chỉ sáng tác một vài ca khúc nhưng không phổ biến lắm. Ca khúc cuối cùng mà ông viết là bài “Chiều rơi đó em” để tặng cho người vợ thứ 2 của mình.

Đến năm 1922, ông sang Mỹ định cư và qua đời vào ngày 16/07/1998.

Chân dung những cuộc tình của nhạc sĩ Hoàng Trọng

Năm 1945, ở tuổi 23 nhạc sĩ Hoàng Trọng lập gia đình với một cô gái xinh đẹp, giàu có, quê Nam Định. Cả hai có với nhau 3 người con, đều được đặt tên theo nốt nhạc là Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa và Hoàng Bạch La.

Theo lời kể của người con trai cả - Hoàng Nhạc Đô, ngày ấy khi tìm hiểu nhạc sĩ Hoàng Trọng, cả gia đình bên ngoại đều phản đối. Nhưng vì tình yêu quá mãnh liệt nên cả hai đã bất chấp đến với nhau.

Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân của cả hai không mấy hạnh phúc vì vợ ông Hoàng Trọng là người rất hay ghen, lúc nào cũng nghĩ chồng có người khác. Đỉnh điểm của những cơn ghen là khi cô con gái út Bạch La mới chỉ 3 tháng tuổi, vợ của nhạc sĩ Hoàng Trọng đã khăn gói bỏ đi, để lại chồng với 3 người con nhỏ vì nghe dư luận đồn thổi giữa ông và danh ca Tâm Vấn (một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của tân nhạc thập niên 1940 -1950) có mối quan hệ mập mờ. Khoảng thời gian sau đó nhạc sĩ Hoàng Trọng một mình gà trống nuôi con, sống trong u buồn và đau khổ, một thời gian dài không muốn lấy vợ mới.

nhac-si-hoang-trong-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-vua-tango-hoang-trong-2
Nhạc sĩ Hoàng Trọng và người vợ hai Thu Tâm cùng 2 người con

Sau khi nỗi buồn đã nguôi ngoai, nhạc sĩ Hoàng Trọng đó đánh tiếng với các con về ý định muốn lấy vợ mới. Khi ấy, bên cạnh ông có một người bạn tri kỷ trong âm nhạc là nữ thi sĩ Vĩnh Phúc. Nhưng cô con gái út Bạch La nhất mực phản đối, bảo cha có 3 đứa con là đủ rồi. Từ đó, ông không còn ý định tái hôn nữa.

Cho đến tận sau năm 1975, khi Bạch La đã trưởng thành, có thể thấu hiểu được nỗi cô đơn của cha khi về già thì nhạc sĩ Hoàng Trọng mới được các con động viên đi bước nữa. Người vợ hai của ông có tên Thu Tâm, ít tuổi hơn cả con gái út Bạch La.

Thời điểm năm 1975, Thu Tâm là sinh viên trường đại học Văn Khoa. Vào mùa hè năm 1977, cô nhận đàn cho ban nhạc thuộc công ty du lịch trong thành phố và quen biết với nhạc sĩ Hoàng Trọng, người cũng đang chơi nhạc tại đây. Sau đó, Thu Tâm thường đến thăm nhà nhạc sĩ Hoàng Trọng để học hỏi thêm về âm nhạc. Khi biết tin ông ngất xỉu vì bệnh tiểu đường, Thu Tâm hết sức lo lắng, thường bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ. Tiếp xúc lâu ngày, cả hai dần nảy sinh tình cảm, dù tuổi tác chênh lệch như cả hai lại thấy rất hợp nhau về âm nhạc lẫn cuộc sống. Thế là hai người về chung một nhà và có với nhau 2 đứa con là Thiên Út và Kim Mi. Cả hai chung sống hạnh phúc với nhau đến khi nhạc sĩ qua đời.

Vua tango Hoàng Trọng  – Rực sáng trên bầu trời tân nhạc

Ở tuổi 16 trăng tròn, chàng thiếu niên Hoàng Trọng đã có cho mình nhạc phẩm đầu tay “Đêm trăng” (1938), cùng với Nguyễn Văn Tuyên, Văn Chung, Lê Thương,… trở thành những nhạc sĩ tiên phong của làng tân nhạc Việt Nam.

Từ thành công của ca khúc đầu tay, nhạc sĩ Hoàng Trọng tiếp tục sáng tác thêm nhiều ca khúc nữa. Trong đó ca khúc “Tiếng đàn ai” – một trong những bản được viết theo điệu tango đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, theo tiếng hát của ca sĩ Phạm Duy và gánh hát Đức Huy, đi đến khán giả khắp mọi miền đất nước.

Năm 1945, toàn quốc kháng chiến, nhạc sĩ Hoàng Trọng lại tìm về Hà Nội để nối tiếp dòng âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến. Tại đây, Hoàng Trọng cứ thế đắm chìm vào âm nhạc giữa kinh kỳ phồn hoa. Cũng tại mảnh đất này, ông có cơ hội liên lạc được với những ca sĩ tân nhạc nổi tiếng của đài Phát thanh Pháp Á như Mộc Lan, Châu Kỳ, Minh Diệu,… nên nhiều tác phẩm của ông sáng tác bắt đầu được phổ biến rộng rãi hơn.

Vào thập niên 1940, 1950, điệu tango còn khá xa lạ với giới thưởng ngoạn, chính nhạc sĩ Hoàng Trọng đã nâng điệu nhạc này lên đỉnh cao nghệ thuật với hàng loạt các ca khúc đình đám như: “Phút chia ly”, “Gió mùa xuân tới”, “Nhạc sầu tương tư”, “Mộng đẹp ngày xanh”, “Một thuở yêu đàn”,…

nhac-si-hoang-trong-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-vua-tango-hoang-trong-3
Nhạc sĩ Hoàng Trọng và ba Tiếng Tơ Đồng lừng danh một thời

Với tham vọng tiếp tục phát triển dòng nhạc tango này, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã đem theo 3 người con di cư vào Nam. Với khả năng và kinh nghiệm, lưu lạc ở Sài Gòn một thời gian ngắn, nhạc sĩ Hoàng Trọng cùng với những người bằng hữu lập ra ban nhạc với nhiều ca sĩ tên tuổi để trình diễn trên đài phát thanh ở Sài Gòn. Ban đầu là ban nhạc Tây Hồ, rồi đến Đất Nước Mến Yêu,… và lừng lẫy nhất, vang vọng nhất phải kể đến Tiếng Tơ Đồng. Ban nhạc này đã đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt, tạo dựng nhiều tiếng hát tên tuổi và đưa hàng loạt sáng tác của nhiều nhạc sĩ lên đỉnh vinh quang. Nhờ có Tiếng Tơ Đồng mà khán thính giả có dịp thưởng ngoạn được âm nhạc bán cổ điển, dịu êm, mượt mà.

Khoảng thời gian ở Sài Gòn cũng là lúc sức sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trọng “bùng nổ”. Từ năm 1955 đến 1960, ông cho ra đời khoảng 40 ca khúc, trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến như: “Tình không biên giới”, “Mộng lành”, “Bên bờ đại dương”, “Mộng ban đầu”, “Tiễn bước sang ngang”,…

Bước vào thập niên 1960, nhạc sĩ hoàng Trọng tiếp tục sáng tác thêm nhiều nhạc phẩm mang điệu tango và những bài trữ tình lãng mạn, nổi tiếng như: “Ngàn thu áo tím”, “Tình đầu”, “Một thuở yêu đàn”, “Một người lên xe hoa”, “Hai phương trời cách biệt”,…

nhac-si-hoang-trong-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-vua-tango-hoang-trong-4
Nhạc sĩ Hoàng Trọng còn rất thành công trong mảng sáng tác nhạc phim

Sau năm 1975, chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trọng dừng lại hẳn, ông chỉ viết một số bài thánh ca và tình ca nhưng không quá nổi bật. Đến năm 1978, Hoàng Trọng sáng tác nhạc phẩm cuối cùng mang tên “Chiều rơi đó em”.

Có thể nói, trong lịch sử tân nhạc Việt Nam không ai viết nhạc tango sớm, nhiều và hay như nhạc sĩ Hoàng Trọng – người được giới mộ điệu ưu ái gọi với cái tên “Vua tango”.

Tuy nhiên, ngoài những bản nhạc được viết với tiết điệu tango, người nhạc sĩ tài hoa này còn nổi tiếng với các ca khúc điệu khác như bài “Ngàn thu áo tím” (điệu Valse), “Cánh hoa yêu” (điệu bolero), “Gió mùa xuân tới” (điệu Rhumba),… Không chỉ vậy, nhạc sĩ Hoàng Trọng còn tham gia viết nhạc phim, nổi tiếng nhất là ca khúc cùng tên trong phim “Người tình không chân dung” và “Bão tình”.

Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng

Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác khoảng 200 nhạc phẩm. Trong đó ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài, số còn lại được các thi sĩ và nhạc sĩ khác viết lời, có thể kể đến là Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Dạ Chung,…

nhac-si-hoang-trong-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-vua-tango-hoang-trong-5
Nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác gần 200 ca khúc

Những nhạc phẩm viết riêng: Bẽ bàng, Bên sông đưa người, Bến mơ, Bơ vơ, Bóng trăng xưa, Buồn nhớ quê hương, Cánh hoa xưa, Châu Đốc miền quê yêu, Chiều mưa, Chiều rơi đó em, Chiều về thôn xưa, Chiều vũng tàu, Dừng bước giang hồ, Đêm trăng, Đêm về, Đường về, Đường về dĩ vãng, Hai phương trời cách biệt, Hẹn gió xuân về, Hoa xuân, Hồn thanh niên, Hương đời đẹp tươi, Khóc biệt kinh kỳ, Khúc ca màu xanh, Khúc đàn tâm, Khúc nhạc xuân, Nhặt lá vàng, Nhớ hoài, Nhớ thương, Rồi ngày sẽ trôi qua, Say say say, Thu qua, Tiếng đàn tôi, Tiếng lòng, Trang nhật ký, Trăng sầu viễn xứ, Vào mộng, Vui cảnh xây đời,…

Nhạc phẩm viết chung: Bão tình (lời Duy Viêm), Cánh hoa yêu (thơ Vĩnh Phúc), Chiều tha hương (thơ Quách Đàm), Còn gì cho nhau (lời Song Hương), Dừng bước giang hồ (lời Quang Khải), Hững hờ (lời Châu Kỳ), Hình ảnh quê xưa (lời Y Vân), Muôn kiếp ngậm ngùi (thơ Mai Trung Tĩnh), Lạnh lùng (lời Quách Đàm), Người đi chưa về (thơ Vĩnh Phúc), Phút chia ly (lời Nguyễn Túc), Tình thơ mộng (lời Vĩnh Phúc), Thương về quê cha (thơ Vĩnh Tâm), Thanh bình nhạc khúc (với Đinh Sơn Cầm), Trao nhau lời cuối (lời Hoài Linh), Vui cảnh mùa hè (lời Hoàng Dương),…

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Hoàng Trọng

Sau hơn 40 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã đóng góp gần 200 nhạc phẩm vào kho tàng âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt, ở hạt địa tân nhạc, dòng nhạc tiền chiến trữ tình, ông “vua tango” Hoàng Trọng đã để lại rất nhiều ca khúc mang giai điệu tango sống mãi với thời gian, với rất nhiều đóng góp trong ngôn ngữ và cấu trúc của tiết điệu đặc sắc này.

Nhắc đến sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Hoàng Trọng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến ban Tiếng Tơ Đồng – một ban hợp xướng do ông thành lập năm 1967 và đích thân chỉ huy. Ban nhạc quy tụ khoảng 40 nhạc sĩ, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Âm nhạc của Hoàng Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử tân nhạc Việt

Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét về âm nhạc của Hoàng Trọng như sau: “Hoàng Trọng đã phục vụ cho nền tân nhạc Việt Nam từ lúc phôi thai cho đến khi trưởng thành, tất cả đều có một hành trình rất phong phú… Trong đời tôi, chưa thấy ai nhu mì như nhạc sĩ Hoàng Trọng cả”.

nhac-si-hoang-trong-la-ai-va-suc-anh-huong-cua-vua-tango-hoang-trong-6
Ông "vua tango" Hoàng Trọng sẽ sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc

Còn theo nhạc sĩ Đan Thọ, người bạn thuở thiếu thời của ông: “Hoàng Trọng là khuôn mặt nghệ sĩ quý báu trong tình bạn, thân thiết từ lúc gặp nhau trong ban nhạc đầu tiên ở Nam Ðịnh vào thời tiền chiến, trải dài qua hàng nửa thế kỷ cho đến lúc vĩnh biệt”.

Đối với nhạc sĩ Hoàng Trọng, âm nhạc là sự sống, là lý tưởng cuộc đời ông. Ông say mê âm nhạc đến nỗi dùng cả những nốt nhạc để đặt tên cho con cái. Dù nói bao nhiêu lời cũng không nói tình yêu ông dành cho nghệ thuật, cho sáng tác và cho cả tiết điệu tango. Nhạc sĩ Hoàng Trọng đã đi xa, nhưng âm nhạc của ông còn và chắc chắn sẽ còn mãi trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.

Xem thêm: Nhạc sĩ Thanh Bình: Sóng gió cuộc đời gieo chữ sầu vào nốt nhạc

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận