Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Từ "người tiên phong" đến "cây đại thụ" của dòng nhạc vàng Việt Nam

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một tài năng lớn, ông là người đã tạo ra con đường âm nhạc riêng với những câu chuyện, giai điệu đậm nét quê hương trữ tình.

Diệu Nguyễn
08:38 04/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ NHẠC SĨ HOÀNG ANH THƠ

  • Tên thật: Hoàng Thi Thơ
  • Nghệ danh: Hoàng Thi Thơ, Tôn Nữ Trà My, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê và Triệu Phong
  • Ngày sinh: 16/07/1928 – 23/09/2001
  • Quê quán: Làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn, đạo diễn
  • Thể loại sáng tác: Dòng nhạc quê hương, dòng nhạc bolero, trường ca, nhạc cảnh, nhạc múa, nhạc phim,…
  • Ca khúc nổi tiếng: Đường xưa lối cũ, Ai nhớ chăng ai, Xe hoa một chiếc, Tà áo cưới, Chuyện tình cô lái đò bến hạ, Chuyện tình người trinh nữ tên thi, Rong chơi cuối trời quên lãng, Mối tình bất diệt, Tình sầu biên giới, Hỏi người còn nhớ đến ta,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất:  Nữ ca sĩ Sơn Ca, nữ ca sĩ Họa Mi
  • Thời gian hoạt động: 1951 - 2001

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là ai?

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1/7/1929 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ Hoàng Hữu, đây là một dòng họ khoa bảng lừng lẫy ở đất Quảng Trị.

Cha ông là Hoàng hữu Bỉnh (đời thứ 13), là một trong những người khai khoa đầu tiên cho làng Bích Khê và dòng họ Hoàng Hữu. Dưới thời vua Đồng Khánh, ông  Hoàng Hữu Bính làm quan tới chức Lang Trung Bộ Công, tước là Thái Thường Tự Khanh.

Nhắc đến dòng họ này, ngoài nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (đời thứ 14) thì mọi người còn biết đến các con của hoàng Thi Thơ với nghệ sĩ violin Hoàng Thi Thao, tỷ phú Hoàng Kiều là đời thứ 15. Đời thứ 16 thì có Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan ở Huế.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ học tiểu học tại Triệu Phong, Quảng Trị, sau đó học trung học tại Huế, rồi Hà Tĩnh.  Năm 1950, Hoàng Thi Thơ theo học ngành Văn học – Triết học tại trường Dự bị Đại học Liên Khu Ba và Tư tại Thanh Hóa.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đang theo học trường Khải Định (nay là  trường Quốc học Huế), Hoàng Thi Thơ đã bỏ học để tham gia đoàn văn nghệ Quảng Trị như một diễn viên ca kịch, do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn. Đến tháng 8/1946, ông trở lại Huế để tiếp tục hoàn thành những năm cuối trung học. Đến tháng 12 cùng năm, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hoàng Thi Thơ lại gia nhập đoàn Tuyên truyền kháng chiến cùng với nhạc sĩ Trần Hoàn, do nhà văn Hải Triều phụ trách tại mặt trận Huế.

Năm 1947, khi mặt trận Huế đổ vỡ, Hoàng Thi Thơ chuyển sang nghề làm báo, viết văn và được mời về làm phóng viên, biên tập viên cho báo Cứu Quốc ở kiên khu 4. Tờ báo này do Lưu Quý Kỳ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và nhà thơ Chế Lan Viên làm trưởng ban biên tập.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-1
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơi thời trẻ

Năm 1948, Hoàng Thi Thơ trở lại Hà Tĩnh để hoàn thành chương trình học phổ thông tại trường Huỳnh Thúc Kháng.  Tại đây, Hoàng Thi Thơ đã gặp gỡ và yêu một nữ sinh tên Tân Nhân – ca sĩ tham gia đoàn nhân văn công tại mặt trận Bình Trị Thiên (sau này Tân Nhân đã trở thành một trong những ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ).

Năm 1950, ông đậu tú tài vào đại học Thanh Hóa. Đến cuối 1952, Hoàng Thi Thơ rời vùng kháng chiến, quay trở lại Huế thăm gia đình người anh ruột (cha của Hoàng Thi Thao) và định bụng xin gia đình một số tiền để đưa người yêu ra Hà Nội theo học trường Văn Khoa ở đây. Nhưng ở Huế, ông lại được gia đình giữ lại và khuyên không nên trở lại vùng kháng chiến. Dù nôn nóng muốn ra với người yêu, nhưng cuối cùng Hoàng Thi Thơ vẫn xiêu lòng trước lời khuyên ngủ của người thân, nên dẫn theo 2 người cháu ruột là Hoàng Thi Thao và Hoàng Kiều để vào Sài Gòn lánh nạn. Ở đây, Hoàng Thi Thơ dạy sinh ngữ Anh – Pháp ở các trường tư thục để kiếm sống và theo đuổi nghề viết nhạc.

Năm 1957, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bắt đầu tổ chức những kỳ đại nhạc hội tại rạp Thống Nhất ở Sài Gòn.  Trong cùng năm đó, cụ thể vào tháng 9/1957 ông lập gia với nhạc sĩ phong cầm Thúy Nga. Sau khi lập gia đình, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bước vào thời kỳ hoạt động văn nghệ hăng hái và có nhiều thành tựu nổi bật.

Đời tư nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Mối tình với ca sĩ Tân Nhân

Mối tình đầu tiên của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là ca sĩ Trương Tân Nhân. Bà là người hoạt động cùng với Hoàng Thi Thơ trong Đoàn Tuyên Truyền Kháng Chiến Trung Bộ. Năm 1952, khi Hoàng Thi Thơ quay lại Huế, thì bà Tân Nhân mới biết mình đã có thai. Thế nhưng, thay vì trở lại vùng kháng chiến, Hoàng Thi Thơ lại vào Sài Gòn, nên hai người coi như chia tay nhau, không còn sự liên hệ chính thức nào nữa. Tại Sài Gòn, khi soạn cuốn “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông”, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để ghi lời đề tặng: “Thân yêu gửi Tân Nhân”, dòng chữ được đặt ngay dưới lời kính dâng đến Phụ - Mẫu và Anh. Việc này nhằm thể hiện niềm thương tiếc và tấm lòng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đối với người xưa.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-3
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân

Người con chung của hai người ban đầu mang họ mẹ với tên Trương Nguyên Việt, sau được lấy tên khác là Lê Khánh Hoài (lấy theo học của người cha dượng là ông Lê Khánh Căn. Ông là một nhà báo, có bút danh là Châu La Việt). Mãi đến năm 1993 ( 40 năm sau), nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mới gặp được con trai. Ông cũng đặt cho Lê Khánh Hoài một cái tên theo họ mình là Hoàng Hữu Hoài.

Khi viết về mối tình của cha và mẹ, con trai Hoàng Thi Thơ đã viết như sau: “Những dòng nước mắt chảy trên má tôi khi đọc lá thư của mẹ. Tôi hiểu đây là những lời nói cuối, là khúc hát cuối mẹ dành cho mối tình đầu đầy đau khổ của mình…Yêu mẹ nhiều hơn và càng thương mẹ nhiều hơn nữa”.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Mối tình với vợ là ca sĩ Thúy Nga

Người phụ nữ thứ 2 trong đời nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chính là nữ ca sĩ Thúy Nga. Bà cũng là người vợ chính thức, đã cùng chung sống với ông cho đến những năm tháng cuối đời. Cơ duyên để hai người quen nhau là nhờ vào cuộc tuyển lựa ca sĩ năm 1955 tại Sài Gòn.  Khi ấy, Thúy Nga mới từ Bắc di cư vào Nam, nghe có cuộc tuyển lựa ca sĩ bà đã đến tham gia và trình diễn nhạc phẩm “Đường lên sơn cước” với phần đệm phong cầm một mình. Hình ảnh nàng thiếu nữ xinh xắn, với mái tóc thề cùng giọng hát ngọt ngào, tài đánh đàn điêu luyện đã khiến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phải lòng.  Ông tìm mọi cách làm quen bà, nhưng khi ấy Thúy Nga chỉ coi Hoàng Thi Thơ như một người anh, một người thầy để học hỏi. Nhưng trước sự tán tình nhiệt tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bà dần xiêu lòng.

Đến năm 1957, cả hai tổ chức đám cưới với nhau. Họ có với nhau 4 người con, 3 trai và 1 gái. Cả hai chung sống với nhau hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời vào năm 2001. Và 9 năm sau đó, Thúy Nga cũng qua đời.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-4
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Thúy Nga

Sau khi lấy chồng, ca sĩ Thúy Nga ít khi đi hát, nên không được nhiều người nhắc tới. Người ta chỉ biết một số thông tin về bà khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nói đến lúc sinh thời: “Thúy Nga thành hôn với tôi vào tháng 9 năm 1957.  Thành công của tôi có sự đóng góp rất nhiều của nàng, nhất là về quan niệm rõ ràng của nàng về đời nghệ sĩ của tôi. Thúy Nga phân biệt được ở tôi có 2 con người: Người của gia đình và người của nghệ thuật. Khi tôi là người của gia đình, nàng biết tôi cư xử mẫu thuật theo đúng nề nếp và đạo lý. Còn khi tôi là con người của nghệ thuật, nàng cho tôi sự tự do hoàn toàn trong việc tiếp xúc với phái nữ và sáng tác, nhất là khi phải sáng tác cho tình yêu”.

Trong bài viết của nhà báo Trường Kỳ, khi nhắc đến cuộc sống gia đình của người chú ruột, nghệ sĩ Hoàng Thi Thao đã nói như sau: “Khó có ai chiều chồng như bà Thúy Nga. Biết chồng có tính nghệ sĩ nên chiều ghê lắm! Rất là quý! Lại còn nhịn nhục ghê lắm. Bà Thúy Nga là ca sĩ cho nên hiểu và cảm thông được với tính nghệ sĩ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ”.

Cố nghệ sĩ Hoàng Thi Thao cũng cho biết, chú của mình – nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người có tính “bay bướm”. Cũng vì thế mà ông nhiều lần phải chứng kiến những trận cãi vã, ghen tuông của hai vợ chồng. Nhưng do tính tình của bà Thúy Nga rất hiền, lại vì lo nghĩ cho con cái, nên sau cùng mọi việc cũng được giải quyết một cách êm xuôi.

Danh ca Phương Dung cũng đã từng bật mí về 2 mối tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như sau: “Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có 2 lần rung động đều bị vợ ông là Thúy Nga phát hiện. Dù chỉ hơi thoáng qua, nhưng bà Thúy Nga luôn lối ứng xử của riêng mình, rất thông minh và khôn khéo. Một lần, anh Hoàng Thi Thơ rung động với một nữ ca sĩ trẻ xinh đẹp. Khi bà Thúy Nga biết được, đã nói với tình địch rằng: “Chị không nghĩ em nỡ lòng làm đau chị như thế này!’. Lần thứ 2, khi anh Thơ ngẩn ngơ với một cô ca sĩ có bàn tay đẹp, bà Thúy Nga cũng đến gặp và nói chuyện với người đó, không rõ bà nói gì nhưng kể từ lần gặp gỡ đó, mọi người không thấy cô ấy đi hát nữa”.

“Bà Thúy Nga là người phụ nữ tài sắc, đoan trang, cho dù đang nổi cơn ghen, nhưng bà vẫn biết cách kìm nén cảm xúc và ứng xử khôn khéo vô cùng, điều này khiến nhiều người vô cùng nể phục”, ca sĩ Phương Dung nói thêm.

Sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và cơ duyên đến với âm nhạc

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Dòng nhạc viết về quê hương

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta không thể không nhắc đến dòng nhạc quê hương thấm đẫm chất dân ca với một tình yêu nồng đượm, hướng về nơi thôn quê của ông.

Ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc này của Hoàng Thi Thơ trong giai đoạn đầu chính là “Trăng rụng xuống cầu” sáng tác năm 1956. Mặc dù trước đó ông cũng sáng tác nhiều ca khúc về quê hương, nhưng đến ca khúc này, công chúng mới nhận ra nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một tài năng đặc biệt, ông như thể sinh ra để dành riêng cho dòng nhạc này. Khi ấy, giữa dòng chảy tân nhạc mạnh mẽ, với những ca khúc được lấy cảm hứng từ âm nhạc phương Tây, sự xuất hiện của “Trăng rụng xuống cầu” với phần giai điệu đơn giản, mang âm hưởng dân ca, được viết bằng những lời ca mộc, mạc chân tình thấm đẫm hơi quê đã gây tiếng vang lớn. Bài hát nhanh chóng đi vào lòng công chúng.

“Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng/ Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng/ Hỡi chàng chiến đấu/ Nắng mưa dãi dầu, đừng vội về đâu, trăng vui nên trăng rụng xuống cầu...”.  Cứ thế, bài hát do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác, vẻ nên bức tranh quê đầy sống động với những cô thôn nữ, với những chàng trai “chiến đấu”, khiến người nghe say mê, bồi hồi.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-5
Ca khúc do Hoàng Thi Thơ sáng tác

Tiếp nối thành công, năm 1956, nhạc sĩ tài hoa – Hoàng Thi Thơ lại tiếp tục cho ra đời bài hát “Gạo trắng trăng thanh”. Vẫn với mô thức sử dụng âm nhạc dân ca, Hoàng Thi Thơ đã tả thực về một đêm trăng gió mát, tiếng chày giã gạo hòa với tiếng hát đêm khuya, tạo nên bức tranh nông thôn hiền hòa, êm ả. “Hò hò hò. Anh em giã trắng cối này... Muôn câu hò, hò hò khoan đang mãi vang trong đêm dài. Gái trai làng, chiều hôm nay, đang mãi say theo tiếng chày. Đêm chơi vơi, gạo cười tươi, như chuyền hơi ấm, ấm lòng người. Hò hò hò”.

Với tuổi thơ được “ướp đẫm” trong các làn điệu dân ca miền Trung và hơn 40 năm sống ở miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mạnh dạn khai thác âm điệu ngũ cung, các điệu hò khoan dân gian, viết nên những bài hát quê hương mang đậm hồn quê xứ sở.

Thi sĩ Du Tử Lê từng nhận xét như sau: “Hoàng Thi Thơ không chỉ viết nhiều về quê hương, dân tộc, tình yêu, mà ông còn có công đem các làn điệu dân ca vào nền tân nhạc rất sớm. Và hơn hết, Hoàng Thi Thơ cũng là người ở lại lâu nhất với dòng nhạc ngày so với những nhạc sĩ khác. Nhạc của Hoàng Thi Thơ khi ấy đã tạo nên những xoáy nước mạnh mẽ, gần với cuồng phong khiến giới âm nhạc ngỡ ngàng”.

Có thể nói, riêng dòng nhạc tự tình với quê hương, tạo nên sự rung cảm tận đáy tâm hồn với những người dân quê thanh bần, thì chắc không ai so đọ được với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.  Chừng nào người ta vẫn còn thương nhớ cánh đồng lúa, con sông quê, mái tranh nghèo, giếng nước,…thì những ca khúc tự tình với quê hương của Hoàng Thi Thơ như: Đường xưa lối cũ, Bài ca dân nghèo, Lúa vàng sao sáng, Mưa dọc đường quê, Tình ca trên lúa, Lá thư về làng,… vẫn còn được nghe, được hát.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Dòng nhạc bolero

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Lương Tín Đức: “Bolero vốn là một điệu nhảy có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và bolero chính thức được du nhập vào Việt Nam là vào những năm 50 của thế kỷ trước. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người Việt Nam đầu tiên dùng tiết điệu bolero để sáng tác ca khúc “Duyên quê”. Hai thập niên sau đó, dòng nhạc này phát triển cực thịnh tại miền Nam”.

Dòng nhạc bolero do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác có phần giai điệu dễ nghe, với lời ca dung dị kể về những câu chuyện làng quê của đôi lứa với những số phận khác nhau. Như người vợ mất chồng trong chiến tranh chống Pháp qua bài hát “Tình sâu biên giới”: “Đêm hôm qua anh trở về /Về bến sông /Sông mờ mờ /Mắt ngước nhìn /Nhà ta chìm trong khói súng thù…”. Hay người em gái lấy chồng biệt xú trong hoàn cảnh đất nước chia đôi trong bài “Đường xưa lối cũ”: Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn/ Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng…

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-6
Nhạc phẩm "Đường xưa lối cũ" của Hoàng Thi Thơ

Ngoài 2 bài hát trên, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng còn rất nhiều ca khúc hay viết về dòng nhạc này, có thể kể đến như: Em gái vườn quê, Cuộc đời trong trắng, Rong chơi cuối trời quên lãng, Tà áo cưới, Ai nhớ chăng ai,… Với những vần điệu tình tứ, riêng tư về cuộc đời dâu bể đa đoan, về những hợp tan ở đời, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã dìu người nghe vào tận ngút ngàn nỗi buồn của nhân thế, nhưng lại không quá bi lụy hay đẩy cao oán hờn trong lòng người. Bởi những bài hát được ông viết ra như hát cho người nghe về hoàn cảnh, tâm sự tận thăm thẳm đáy lòng mình. Và khi lắng nghe, lòng họ được xoa dịu bằng những nỗi buồn ngọt ngào và rồi ấp ủ trong đó là những khát vọng hồi sinh, đưa niềm vui trở lại với cuộc đời.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Dòng nhạc mang tính nghệ thuật cao

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ đa tài, ngoài dòng nhạc bolero, nhạc quê hương thì ông còn có những sáng tác để đời ở dòng nhạc mang tính nghệ thuật cao như: Trường ca, nhạc cảnh, nhạc múa, nhạc phim,…

Trường ca đầu tiên do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác vào năm 1955 mang tên “Triều vui thế hệ”, sau đó là “Máu hồng sử xanh”. Năm 1956, ông tiếp tục cho ra đời trường ca “Ngày trọng đại”. Và mãi đến năm 1963, Hoàng Thi Thơ lại sáng tác một trường ca mới với tựa là “Tiếng trống diên hồng”. Những bài trường ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết ra đều được trình diễn rầm rộ trên sân khấu và đài phát thanh. Và chúng đều được khán giả đón nhận vô cùng nồng nhiệt.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-7
Dòng nhạc mang tính nghệ thuật cao Hoàng Thi Thơ cũng để lại rất nhiều tác phẩm để đời

Với dòng nhạc cảnh, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã cho ra đời rất nhiều nhạc phẩm để đời thích hợp với sân khấu như: Lộng ngọc, Đưa em qua cánh đồng vàng, Từ thức, Người nghệ sĩ mù… Ngoài những nhạc cảnh buồn, mang tính nghệ thuật thì Hoàng Thi Thơ còn sáng tác một số nhạc cảnh hài vui nhộn, dí dỏm đem lại tiếng cười cho khán giả như: Xe phở, Phá lấu lòng heo chú Méo, Vịt ông cả lúa bà hai,…

Tài năng của người nhạc sĩ tài hoa này không dừng lại ở đó, Hoàng Thi Thơ còn “tham vọng” lấn sân qua dòng nhạc kịch opera. Đây là một môn nghệ thuật cần sự phối hợp chặt chẽ của nhạc, kịch và thi văn. Vì thế, để sáng tác dòng nhạc này, đòi hỏi người nhạc sĩ phải có cho mình một trình độ và kiến thức cao về âm nhạc, kịch và văn. Nhưng điều đó không làm khó được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bằng khả năng sẵn có với niềm đam mê nghệ thuật tha thiết, ông đã viết nên 4 nhạc kịch công phu và giá trị là: "Từ Thức Lạc Lối Bích Đào" (1963), "Dương Quí Phi" (1964), "Cô Gái Điên" (1966) và "Ả Đào Say" (1968).

Và Hoàng Thi Thư được xem là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết thể loại nhạc kịch. Những tác phẩm nhạc kịch do ông sáng tạo đều có chung một đặc điểm đó là nhân vật chính trong những nhạc kịch của ông đều là phái nữ.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có một kho tàng tác phẩm đồ sộ với hơn 500 bài hát ở đa dạng các thể loại. Trong đó, những ca khúc tình cảm chiếm đa số, với những nhạc phẩm rất thành công như: Đường xưa lối cũ, Ai nhớ chăng ai, Xe hoa một chiếc, Tà áo cưới, Chuyện tình cô lái đò bến hạ, Chuyện tình người trinh nữ tên thi, Rong chơi cuối trời quên lãng, Mối tình bất diệt, Tình sầu biên giới, Hỏi người còn nhớ đến ta,…

“Đường xưa lối cũ” là ca khúc mà khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta không thể không nhớ đến. Bài hát được ông sáng tác khi ông được quay trở về làng Bích Khê, Quảng Trị - quê hương ông, sau nhiều năm xa cách vì loạn lạc. “Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo/ Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi”. Từ khi ra đời cho đến nay, bài hát luôn được mọi người yêu thích bởi giai điệu và lời ca đầy ưu tư, thương tiếc khi nhớ về bóng hình cũ.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-8
Những bài hát bất hủ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Ngoài ra, bài hát “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” của ông cũng tạo ra tiếng vang lớn. Bài hát ghi lại chuyện tình bi thương do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng chứng kiến: Nàng quyết ra đi xa làng mình, người tình yêu dấu/ Đời ngỡ chắc rằng nàng đã bước đã bước qua cầu/ Mà nào ngờ đâu ôm tình ấy đi tìm dãy núi cao…

Những ai quan tâm đến nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì có thể dễ dàng nhận ra, những bản nhạc tình của ông không chỉ hạn hẹp trong tình yêu đôi lứa, mà trong đó còn được ông đưa vào bối cảnh làng quê đầy thân thuộc với những nhịp cầu tre, những đêm trăng sáng như: Rước tình về với quê hương, Tình ca trên lúa, Gạo trắng trăng thanh,…

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Sống và tận hiến với sáng tạo nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã để lại dấu ấn đậm nét trong nền tân nhạc Việt Nam và riêng với dòng nhạc quê hương, ông là “cây đại thụ” mà không ai có thể so đọ được, những ca khúc quê hương của Hoàng Thi Thơ đã đóng góp một phần to lớn vào kho tàng ca khúc Việt Nam. Và khi nhắc đến Hoàng Thi Thơ, những người yêu thích dòng nhạc bolero cũng không thể quên tên ông với ca khúc “Duyên quê” – ca khúc mang tiết điệu bolero đầu tiên được người Việt sáng tác, đặt nền móng cho dòng nhạc bolero phát triển mạnh mẽ sau này.

Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ còn được coi là người Việt Nam đầu tiên viết nhạc kịch. Ông đã cho ra đời 4 tác phẩm nhạc kịch đầy công phu và giá trị: Từ Thức lạc lối bích đào (1963), Dương Quý Phi (1964), Cô gái điên (1966) và Ả đào say (1968).

Không chỉ vậy, Hoàng Thi Thơ còn cùng vũ sư Trịnh Toàn và Lưu Hồng nghiên cứu và dàn dựng cho nền vũ điệu Việt Nam một số vũ khúc mới mẻ, hiện đại như: múa trống, múa lên đồng, mua e đê múa nón quai thau, múa xòe, múa Koho…

Ngoài lĩnh vực được nhắc tới ở trên, vị nhạc sĩ tài ba này còn là tác giả của cuốn sách nổi tiếng trong giới âm nhạc: “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông”. Cuốn sách này được Hoàng Thi Thơ viết vào năm 1955, cho tới nay, nó vẫn được xem là cuốn sách quý, là cuốn cẩm nang đầu tay dành cho những người muốn sáng tác nhạc.

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Trong những ngày cuối đời, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã ví cuộc sống của mình như một ông tiên. Ông nói: “Buổi sáng thức dậy, tôi uống nước, rồi tôi nhìn ra dàn hoa, tôi nhìn những con chim bên ngoài cửa sổ. Tôi nghe đâu đó vang vọng lại những ca khúc tôi đã làm hay những ca khúc của người khác. Rồi tôi lại ngồi viết nhạc, tôi lại đọc sách. Tôi thấy như vậy là cuộc đời mình quá đẹp đẽ và tôi sáng tác được. Tôi thấy mình như ông tiên, nhưng khác ở chỗ ông tiên không còn vướng bụi trần, còn tôi thì khổ hơn một chút, khi đến giờ phút này mà trái tim tôi vẫn không ngừng rung động, bắt tôi phải sáng tác hoài. Chỉ khác ở chỗ đó thôi!”.

Nhac-si-Hoang-Thi-Tho-la-ai-va-moi-duyen-no-ray-rut-voi-ca-si-Tan-Nhan-10
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để lại nhiều đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam

Nhìn lại một đời sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, chúng ta có thể gọi ông là “nhạc sĩ lớn”. Như nhà văn Túy Hồng từng nhận xét về ông: “Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một cái tên lớn. Những chương trình văn nghệ do anh sản xuất ra đều là những chương trình cao đẹp, có hình vóc, có nội dung… Và Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ chân chính đúng nghĩa, lấy khổ đau và bất khuất của quê hương làm chủ đề, đưa chúng ta quay về với những truyền thống tốt đẹp, với lòng yêu thương đồng bào ruột thịt và yêu thương chính bản thân mình”.

Khi nói về âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, mọi người cho rằng, ông như nhà nhiếp ảnh tài ba khi ghi nhận toàn vẹn khung cảnh sinh hoạt làng quê đầy màu sắc với những âm thanh và hồn tính của truyền thống dân tộc hiền hòa, đầy nhân ái.

Những câu nói hay của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

“Tôi rất tin tưởng khi tôi làm một việc gì. Tôi có thể là một bước dò dẫm, tuy dò dẫm nhưng đầy tự tin, mà cũng có thể là một viên đá đầu tiên cho công trình kiến trúc vì âm thanh của riêng tôi” – Hoàng Thi Thơ

Tổng hợp

Xem thêm: Top 5 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và mối tình đầu bi thương bị vĩ tuyến chia cách

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận