Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và mối tình đầu bi thương bị vĩ tuyến chia cách

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ yêu say đắm cô ca sĩ trẻ Tân Nhân. Buồn thay, biến động thời cuộc đã khiến hai người lạc mất nhau...

Đỗ Thu Nga
15:00 26/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Thi ca của Hoàng Thi Thi nổi tiếng là chuyện không bàn cãi. Thế nhưng, khi nhắc đến ông, công chúng vẫn thường nhớ về câu chuyện tình đầy trắc trở với bóng hồng tài năng, xinh đẹp - nữ danh ca Tân Nhân. Cuộc tình sâu đậm này thường được báo chí truyền thông gọi là "mối tình đầu bi thương bị vĩ tuyến chia cách". Và quả thực ít ai biết được, Hoàng Thi Thơ đã vụt mất cơ hội 2 lần được gặp lại người xưa.

Từ bạn học cùng quê... đến mối tình bị vĩ tuyến chia cách

Theo tư liệu cũ, bà Trương Tân Nhân (1932 - 2008) là ca sĩ nhạc đỏ, nổi tiếng thập niên 1950. Tên tuổi của bà gắn liền với ca khúc "Xa khơi" và nhiều nhạc phẩm trữ tình khác.

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-8
Chân dung ca sĩ Tân Nhân

Còn Hoàng Thi Thơ (1928 - 2001) là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Những chương trình âm nhạc do ông "đẻ ra" đều là những chương trình cao đẹp, có hình thức, có vóc dáng, có nội dung của một cải cách tinh thần nào đó. Ông lấy đau khổ và bất khuất của quê hương làm chủ đề trình diễn, dẫn chúng ta quay về với những truyền thống tốt đẹp với lòng yêu thương đồng bào ruột thịt và yêu thương chính mình. 

Trước khi cả hai người trở thành ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ miền Bắc và nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam, thì cả hai đều trải qua thời tuổi trẻ nhiều biến động, có cả hạnh phúc lẫn đau thương.

Năm 1945, khi mới 16 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có quyết định táo bạo, bỏ học trường Khải Định ở Huế để tham gia vào đoàn văn nghệ Quảng Trị.

Năm 1948, ông ra liên khu 4 làm công tác tuyên truyền cho Việt Minh và làm phóng viên - biên tập viên cho báo Cứu Quốc. Tại Hà Tĩnh, ông theo học trường Huỳnh Thúc Kháng để hoàn tất chương trình học phổ thông. Cùng học chung lớp với ông có người bạn quê Quảng Trị tên Trương Tân Nhân, khi đó 16 tuổi. Nữ sinh Tân Nhân năm đó cũng là một ca sĩ đang tham gia đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên.

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-9
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Hành trình những năm đầu đời của Tân Nhân và Hoàng Thi Thơ khá giống nhau. Hai người cùng sinh ra ở Quảng Trị. Sau đó cùng đến Huế học, Tân Nhân học trường nữ sinh Đồng Khánh còn Hoàng Thi Thơ học trường nam sinh Khải Định. Tiếp đó, họ cùng bỏ học để ra vùng kháng chiến, và lại cùng học trường Huỳnh Thúc Kháng ở liên khu 4.  

Từ chỗ là hai người bạn bạn, có cùng chí hướng cách mạng, họ dần dần trở nên thân quen, gần gũi. Những rung cảm tuổi mười sáu, đôi mươi xuất hiện. Tình bạn chuyển dần thành tình thương và tình yêu.

Năm 1949,khi trận càn Phong Lan của Pháp vào liên khu dẫ dấy lên tin đồn về việc tất cả thành viên đoàn văn công đều thành tử sĩ. Những người trẻ dấn thân nơi rừng núi đã anh dũng hi sinh.

Tin đồn dẫu đã được cải chính nhưng vẫn lan truyền về đến đất Thanh Nghệ Tĩnh. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cho Tân Nhân. Hoàng Thi Thơ lúc đó đang công tác ở Nghệ An nghe tin như chết lặng, cõi lòng tan nát.

Trong cơn đau thương cùng cực, ông thể hiện nỗi nhớ thương Tân nhân bằng bài hát "Xuân chết trong lòng tôi":

"Xuân ơi Xuân

Chim xa đàn

Xuân ơi Xuân

Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi"

Trong tiếng đàn...

Ôi chim xa cành

Bướm lìa hoa

Trùng phùng xa lắm..."

Nỗi thương nhớ, đau đớn của Hoàng Thi Thơ bỗng được xóa tan với cái tin: Tân Nhân đã trở về. Cô ca sĩ trẻ nghe được nhạc phẩm này thì xúc động vô cùng. 

Ca khúc thể hiện lòng nhớ thương dành cho người (ngỡ) đã ra đi đã làm động lòng cô ca sĩ trẻ. Tân Nhân lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ. Lúc đó ông cũng đang ngược xuôi tìm nàng. Đây là thời khắc khởi đầu cho chuyện tình lãng mạn và trắc trở.

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-7
Hai con người nổi tiếng từng có quãng thời gian đẹp bên nhau

Năm 1951, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trở lại Huế thăm gia đình người anh ruột với mục đích xin gia đình anh một số tiền để trở lại liên khu 4 đón người yêu ra Hà Nội học trường Văn khoa. Khi trở về, gia đình có khuyên không nên trở lại liên khu 4, mặc dù ông rất nóng lòng trở ra với người yêu. Cuối cùng, ông xiêu lòng trước lời khuyên của gia đình. Hoàng Thi Thơ quyết định vào Sài Gòn để được toàn, còn người yêu vẫn ở lại liên khu 4.

Mặc dù quyết định vào Sài Gòn nhưng trong lòng ông vẫn đầy khắc khoải nhớ mong cô người yêu bé nhỏ nơi liên khu. Và Hoàng Thi Thơ cũng không biết rằng, lúc đó, Tân Nhân đã mang trong mình giọt máu của ông...

Trong thời gian ở Sài Gòn, Hoàng Thi Thơ miệt mài lao động nghệ thuật và nhanh chóng trở thành một trong những nhạc sĩ rất nổi tiếng. Trong khi đó, Tân Nhân ở bên kia vĩ tuyến (sau ngày đất nước bị chia cắt) cũng trở thành huyền thoại của dòng nhạc đỏ. Bà thành danh với nhạc phẩm "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ, viết về chuyện tình người Bắc kẻ Nam.

Năm 1955, khi soạn cuốn hướng dẫn sáng tác tân nhạc đầu tiên của Việt Nam mang tên "Để sáng tác một bài nhạc phổ thông", Hoàng Thi Thơ đã thể hiện nỗi nhớ thương người xưa bằng việc ghi lời đề tặng ở cuốn sách như sau: "Thân yêu gửi Tân Nhân". Dòng chữ được đặt ngay dưới lời kính dâng đến Phụ - Mẫu - Anh, đã thể hiện tấm lòng của người nhạc sĩ. 

Bỏ lại mối tình đầu bên kia vĩ tuyến để... tìm hạnh phúc riêng

Ai rồi cũng có cuộc sống và gia đình riêng. Sau hiệp định Genève, bà Tân Nhân về miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình. Người con trai chung của hai người tên Lê Khánh Hoài (lấy theo họ người chồng sau của bà). Hiện tại, Khánh Hoài đang hoạt động trong lĩnh vực kịch nghệ và điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới vợ là nữ ca sĩ Thúy Nga năm 1957 (con gái nhiếp ảnh gia Nguyễn Giao). Họ có với nhau 4 người con (3 trai, 1 gái). Trong đó, con trưởng là Hoàng Thi Thi, vừa là nhạc sĩ vừa là kỹ sư. Ngoài ra, ông còn có một người con nuôi là Hoàng Thi Thao (1945–2019), người cháu gọi ông bằng chú và cũng là người đồng hành cùng hoạt động nghệ thuật của ông trong nhiều năm. Ít ai biết được, tỷ phú Hoàng Kiều (con trai ông Hoàng Hữu Nam) cũng là một người cháu gọi ông bằng chú. 

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-3
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và vợ - ca sĩ Thúy Nga

Mặc dù đã lập gia đình nhưng Hoàng Thi Thơ luôn khắc khoải về mối tình đầu ở bên kia vĩ tuyến. Một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của ông là "Ai nhớ chăng ai", sáng tác khoảng thập niên 1950, để nhắc về kỷ niệm với bà Tân Nhân:

"Ai nhớ chăng ai 

Ai nhớ chăng những chiều có người em gái qua bên thềm 

Tiếng hò xao xuyến trăng đầu ghềnh 

Nhạc rừng nghe buồn mông mênh 

.

Và ngàn tia lửa ấm chơi vơi dưới trăng êm đềm 

Ai nhớ chăng ai 

Ai nhớ chăng những ngày, những ngày rau cháo với dưa cà 

Quê nghèo vui sống trong mặn mà 

.

Đời vàng lên ngàn câu ca, mà tình thấy càng bao la 

Ngàn lòng như chan hòa… 

Ai nhớ chăng ai 

Ai nhớ chăng những chiều, những chiều gặp gỡ nhau trên cầu 

.

Nước trời xanh ngắt in một màu 

Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu, rồi tình ta càng ăn sâu 

Sâu mối duyên ban đầu…"

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-6
"Ai còn nhớ chăng ai" là ca khúc Hoàng Thi Thơ viết về nỗi khắc khoải, kỷ niệm với mối tình đầu

Trong nhạc phẩm này có nhiều hình ảnh gợi nhớ về những năm tháng kháng chiến, đó là "trăng đầu ghềnh" và "nhạc rừng nghe buồn mông mênh". Thời đó tuy khó khăn nhưng êm đềm hạnh phúc. Quê nghèo vẫn vang lên ngàn câu ca yêu đời, tràn ngập hi vọng. Và đặc biệt là nhắc về "mối duyên ban đầu" cùng cô bạn học: 

"Ai nhớ chăng những chiều, những chiều gặp gỡ nhau trên cầu 

Nước trời xanh ngắt in một màu 

Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu, rồi tình ta càng ăn sâu 

Sâu mối duyên ban đầu…"

Nhưng bài hát cũng không quên nhắc về buổi chia tay định mệnh. Nàng tiễn chàng về đô thị, không ai biết rằng, đó lại là lần cuối:

Ai nhớ chăng ai 

Ai nhớ chăng hôm nào, hôm nào mưa rớt trên sông dài 

Trên dòng em tiễn anh một chiều 

Chiều chia ly còn chưa phai, trời buồn khóc giùm duyên ai 

Giọt lệ tuôn ngắn dài…"

Theo nhiều nguồn tin, năm 1963, Hoàng Thi Thơ gặp lại Tân Nhân khi ông dẫn đoàn văn nghệ miền Nam sang trình diễn ở hội chợ quốc tế That Luang. Cùng lúc một phái đoàn văn nghệ miền Bắc (VNDCCH) tham gia, trong số văn công có Tân Nhân. Khi ấy, Hoàng Thi Thơ tìm mọi cách để gặp còn Tân Nhân lại tìm mọi cách để lánh mặt.

Năm 1968 là lần thứ hai họ gần nhau. Hai đoàn văn nghệ của hai miền gặp nhau ở Paris. Lần này, Hoàng Thi Thơ quyết tâm tìm gặp hoặc ít nhất là muốn được thấy mặt Tân Nhân cho thỏa lòng. Ông mua vé hàng ghế đầu trong tất cả các buổi biểu diễn của đoàn miền Bắc. Nhưng có lẽ Tân Nhân biết điều đó nên không xuất hiện trình diễn. 

Dẫu nhất quyết không gặp mặt nhưng thời gian này ca sĩ Tân Nhân có dịp nghe nhiều nhạc của Hoàng Thi Thơ. Đâu đó trong các ca từ, bà thấy lại được chính mình và những kỷ niệm đã qua. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua "Ai nhớ chăng ai". 

Rất có thể vì xúc động khi nghe ca khúc này mà bà đã viết 4 câu thơ như lời hồi đáp muộn màng:

"Ai có buồn chăng, có nhớ chăng

Những bản tình ca quyện gió ngàn 

Khu rừng mặt trận ngày xuân ấy 

Ngân mãi theo ta dòng thời gian…"

Năm 1994, Hoàng Thi Thơ trở về quê hương sau nhiều năm lưu lạc xứ người để gặp lại người gái chưa từng gặp lại. Khi đó, Tân Nhân cũng có ý lánh mặt nhưng với sự sắp xếp khéo léo của người con chung, hai người gặp lại nhau. Đó cũng là lần gặp sau cùng, đầy ân tình và cũng đầy tự trọng của hai người.

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-5
Một hình ảnh khác của ca sĩ Tân Nhân

Khi hay tin Hoàng Thi Thơ mất ở Mỹ, bà Tân Nhân đã viết bài thơ "Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ":

"Ơi Thạch Hãn, ơi Bích Khê 

Thôi từ nay không còn đợi ông về 

Người nhạc sĩ với cây đàn ấy 

Hồn tươi vui thắm đượm tình quê… 

.

Từ xứ nghèo Quảng Trị ra đi 

Đôi bờ vĩ tuyến buồn vui gì 

Trải bao trăn trở tìm lẽ sống 

Vì đâu đau khổ và chia ly… 

.

Một tấm gương kiên trì lao động 

Những thăng hoa bước tiến tài năng 

Mỗi cung đàn dựng bằng tâm huyết 

Tác phẩm còn đọng lại với thời gian. 

.

Ông – người yêu nồng nàn cuộc sống 

Từ con người hoa lá chim muông 

Yêu sông núi xóm làng thơ mộng 

Và dệt nên những bản nhạc quê hương".

Dư âm còn lại về chuyện tình bị vĩ tuyến chia cắt

Sau này, người con trai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân đã có lần kể lại đôi điều về chuyện tình của hai người. Ở đây, tác giả xin nhắc từ giai đoạn năm 2001 - thời điểm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời.

Cụ thể, năm 2001, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mất tại Mỹ. Khi ấy, âm nhạc của ông chưa được phổ biến rộng rãi ở trong nước. Cuối năm 2007, Lê Khánh Hoài (con chung của hai người) có sang thăm mẹ (bà Tân Nhân). lúc này, bà đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Bà vẫy tay gọi con lại và nói: "Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nắm nhang…”.

Ít ngày sau, hai vợ chồng Khánh Hoài qua Mỹ. Vì công việc nên họ phải sang bờ đông trước, khi sắp về nước mới tới được bờ tây tìm về công viên Vĩnh Hằng - nơi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ an nghỉ với tấm bản đồ chỉ dẫn của người bạn tên Nguyễn Hiệp. Khi đi, còn có hai người cháu ruột của cố nhạc sĩ là Hoàng Thi Thao và Hoàng Hữu Quýnh (anh ruột của Hoàng Kiều) đưa đi. 

Vợ chồng Khánh Hoài đã thay mẹ thắp hương cho cố nhạc sĩ, gửi đến ông những tình cảm trân quý từ bà Tân Nhân cũng như nguyện vọng của bà với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương... 

nhac-si-hoang-thi-tho-va-moi-tinh-dau-bi-thuong-bi-vi-tuyen-chia-cach-4
Ca khúc "Đường xưa lối cũ" mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết khi chia biệt ca sĩ Tân Nhân

Khi về nước, Khánh Hoài đưa quà Mỹ cho mẹ nhưng dường như bà chỉ quan tâm đến tâm hình chụp khi Khánh Hoài dâng hương cho cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Bà xem rất kỹ từng tấm hình nhưng không nói thêm lời nào...

Chỉ 4 ngày sau, trong một buổi sáng như mọi buổi sáng khi đang quét lá ngoài sân, bà ngã xuống vì cơn đột quỵ. Kể từ đó, bà không một lần mở mắt và không còn biết một điều gì nữa...

Thật bất ngờ, khi Khánh Hoài dọn giường chiếu của mẹ thì thấy dưới gối có một bản nháp của một lá thư đề nghị. Chính bà đã ra tận bưu điện để gửi đi trước ngày bà đột quỵ ít ngày. Lá thư này là những lời cuối cùng bà viết về tình yêu đầy đau khổ của đời mình:

“Kính gửi Bộ Văn hóa!

Tên tôi là: Trương Thị Tân Nhân - Nghệ sĩ ưu tú, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tôi làm đơn này xin đề đạt một nguyện vọng như sau, kính mong các đồng chí xem xét.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là một đồng chí, đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, vì hoàn cảnh riêng, nhạc sĩ về quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do (như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy). Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sĩ không có bất cứ một hành động nào chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến, chống phá đất nước. Kể cả sau năm 1975, nhạc sĩ có trở về thăm đất nước, gặp lại nhiều bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng… rất thân thiết.

Trong sáng tác âm nhạc của mình, dù trong bất cứ môi trường nào, những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm đà màu sắc dân gian dân tộc, nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê hương. Chính vì những điều này, nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến, truyền tụng.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mất tại Hoa Kỳ. Điều mong ước lớn nhất của nhạc sĩ là những tác phẩm của mình luôn được phục vụ quê hương đất nước, luôn được phục vụ công chúng là bà con lao động của xứ sở mình. Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta, mặc dù nó vẫn được lan truyền trong dân gian.

Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay, đẹp ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ.

Năm nay tôi đã 75 tuổi, suốt một cuộc đời là phục vụ Đảng, đất nước và nghệ thuật. Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi.

Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một Đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng, như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy”.

Ca sĩ Thúy Nga (vợ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) cũng biết về mối tình đầu của chồng và ca sĩ Tân Nhân. Bà là người rất hiểu chuyện và tinh tế. Khi hai vợ chồng bà có chuyến hồi hương thăm quê, bà đã tế nhị sắp xếp cho chồng về trước một tuần để ông có thời gian gặp riêng mẹ con Khánh Hoài, hàn huyên tâm sự sau nhiều năm xa cách.

Việc làm này của bà khiến cho Khánh Hoài vô cùng cảm động. Lúc chia tay ca sĩ Thúy Nga, Khánh Hoài đã cầm tay bà rất lâu, nói lời cảm ơn và những lời thân yêu của như của một đứa con.

Năm 2008, sau 8 năm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mất, ca sĩ Thúy Nga cũng rất yếu, hoàn cảnh cũng không dư giả gì, nếu không muốn nói là khó khăn. Nhưng khi nghe tin con trai Khánh Hoài cưới, bà vẫn gửi về mừng một số tiền không lớn nhưng tình bà với cha con Khánh Hoài là bao la không đong đếm được...

Không chỉ ca sĩ Thúy Nga mà cả người chồng của ca sĩ Tân Nhân (ông Lê Khánh Căn) cũng là người rất vĩ đại, luôn đối xử chân thành với Khánh Hoài như con đẻ.

"Với bố tôi Lê Khánh Căn, tôi đã từng ngàn lần cảm ơn bố. Tôi vẫn luôn giữ tên gọi của mình là Lê Khánh Hoài do bố mang họ của bố để đặt cho tôi, làm khai sinh cho tôi, và tôi nghĩ đó chính là lời cảm ơn bố thiêng liêng nhất của tôi", Khánh Hoài chia sẻ.

Xem thêm: Vì sao dưới bài "Thuyền viễn xứ" nhạc sĩ Phạm Duy lại chèn lời nhắn "Huyền Chi, cô ở đâu"?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận