Nhạc sĩ Đức Quỳnh: Nhạc ai cũng thuộc nhưng tên người sáng tác lại bị lãng quên
Nhạc sĩ Đức Quỳnh là cha đẻ của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Rước đèn tháng tám”, “Chim chích chòe”, “Thoi tơ”,... nhưng đáng buồn thay danh tiếng của ông lại không được nhiều người biết đến.
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ ĐỨC QUỲNH
- Tên thật: Nguyễn Đức Quỳnh
- Nghệ danh: Vân Thanh, Đức Quỳnh
- Ngày sinh: 1922 - 1994
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, ca sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến, tình khúc 1954 – 1975, nhạc thiếu nhi
- Ca khúc nổi tiếng: Rước đèn tháng 8, Thoi tơ, Chim chích chòe, Trả lại anh,…
- Thời gian hoạt động: 1947 - 1994
Nhạc sĩ Đức Quỳnh là ai?
Nhạc sĩ Đức Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Đức Quỳnh, sinh năm 1922 tại Hà Nội. Năm 1947, ông sáng tác ca khúc đầu tay mang tên “Nhớ ai”, khi ấy Đức Quỳnh 25 tuổi.
Sau năm 1954, nhạc sĩ Đức Quỳnh chuyển vào Sài Gòn sinh sống và mở một phòng trà ca nhạc ngay góc đường Cao Thắng, bên cạnh rạp chiếu bóng Việt Long. Thời còn hoạt động ở phòng trà, nhạc sĩ Đức Quỳnh còn đào tạo rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, trong đó có nữ danh ca Lệ Thu. Tuy sáng tác khá sớm nhưng số lượng bài hát của nhạc sĩ Đức Quỳnh khá ít so với những nhạc sĩ cùng thời. Ban đầu khi mới sáng tác, ông lấy nghệ danh là Vân Thanh, nhưng vì dễ bị nhầm lẫn với tên nhạc sĩ Văn Thanh, nên sau này ông đổi thành Đức Quỳnh.
Ngoài danh nhạc sĩ, Đức Huỳnh còn là một ca sĩ, giọng ca của ông từng được thâu thanh vào đĩa đá 78 vòng trong thập niên 40. Trong cuốn “Theo chân những tiếng hát” của nhà văn Hồ Trường An có viết lại rằng: “Giọng ca Đức Quỳnh trước sau gì vẫn cứ mãi là giọng ca tài tử. Anh hát tròn vành rõ tiếng, cố sử dụng làn hơi để cho tiếng hát trở nên đầm ấm và không bị thô ráp. Giọng anh như một thứ quả chưa chín đúng mực đang còn dấm, như xôi rượu tuy ủ cẩn thận, nhưng chưa dậy men sung mãn. Giọng hát đó của Đức Quỳnh chỉ nghe tạm được cũng như giọng hát của Jean Tịnh thời tiền chiến trong giai đoạn âm nhạc nước nhà hãy còn phôi thai”.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Đức Quỳnh ở lại Việt Nam, kiếm sống bằng nghệ dạy nhạc. Sau này vì tuổi cao, tài nghệ đi xuống dần theo năm tháng nên những năm tháng cuối đời, ông nhận trình diễn piano góp vui cho một tiệm ăn trên đường Trương Minh Giảng cũ để kiếm sống.
Năm 1994, nhạc sĩ Đức Quỳnh qua đời ở Sài Gòn, hưởng thọ 72 tuổi.Trước khi mất 3 ngày, ông đã mời nhiều thân hữu tới chung vui sinh nhật mình. Theo lời kể của Anh Hồng (em rể nhạc sĩ Đức Quỳnh) thì trước ngày mất, nhạc sĩ còn gửi qua hải ngoại những sáng tác mới của mình với mong ước những bài hát ấy sẽ được phổ biến ở hải ngoại. Tiếc thay mong ước chưa thành nhạc sĩ Đức Quỳnh đã đột ngột mất trên đường vào bệnh viện vì bị huyết áp cao.
Đôi nét về sự nghiệp của nhạc sĩ Đức Quỳnh
Nhạc sĩ Đức Quỳnh sáng tác không nhiều, chỉ khoảng hơn 30 ca khúc trong suốt sự nghiệp của mình. Ông sáng chủ yếu sáng tác ở dòng nhạc trữ tình và dòng nhạc thiếu nhi, nổi bật nhất có thể kể đến là : “Thoi tơ”, “Rước đèn tháng tám”, “Chim chích chòe”, “Ba giờ khuya”, “Hành khúc tuổi trẻ”, “Mong chờ”, “Nhớ ai”,…
Trong đó, nổi tiếng nhất là bài “Rước đèn tháng tám”, bài hát đã trở thành “dân ca”, được các thế hệ thiếu nhi thuộc nằm lòng hơn nửa thế kỷ qua. Ca khúc diễn tả đầy đủ niềm vui sướng, hân hoan của trẻ thơ trong đêm hội trăng rằm.
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu”.
Tuy nổi tiếng là thế, nhưng bài hát “Rước đèn tháng tám” này từng có khoảng thời gian bị nhầm lẫn tác giả. Ban đầu, khi sáng tác ca khúc này nhạc sĩ Đức Quỳnh đã ký với bút danh Vân Thanh, điều này đã khiến một số khán giả và ngay cả ca nhạc sĩ gạo cội của làng nhạc Việt – Hoàng Châu cũng đã lầm tưởng rằng ca khúc này được chắp bút bởi nhạc sĩ Văn Thanh. Nhưng sau này, nhạc sĩ Văn Thanh đã lên tiếng đính chính, mình không phải cha đẻ của bài hát “Rước đèn tháng tám”, tác giả đích thực của nó là nhạc sĩ Vân Thanh hay còn được biết đến với cái tên Đức Quỳnh. Hai chữ tiếng “Vân” và “Văn” viết và đọc na ná nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Sau sự cố này, để tránh sự nhầm lẫn lại xảy ra lần nữa, nhạc sĩ Đức Quỳnh đã đổi tên tất cả những nhạc phẩm do mình sang tác thành “Đức Quỳnh”.
Nhạc sĩ Đức Quỳnh tuy sáng không nhiều, nhưng trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi ông đã để lại khá nhiều bài hát nay, có chất lượng và giá trị trường tồn, để mãi tận hôm nay các em thiếu nhi vẫn say mê, yêu thích.
Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ Đức Quỳnh
Nhạc thiếu nhi: Chim chích chòe, Rước đèn tháng tám, Tiếng xuân,…
Nhạc phẩm khác: Ba giờ khuya, Cô Tây trắng, Đơn sơ, Em ơi ngồi xuống đây, Giờ biệt ly, Ghé đây thuyền mơ, Hát đi em, Hành khúc tuổi trẻ, Hoa hồng, Hò khoan, Em đi rồi, Mong chờ, Người kỹ nữ với cung đàn, Nhớ quê, Nhớ ai, Nhớ mẹ, Nhớ ơi là nhớ, Sài Gòn ban đêm, Quán cafe ngày xưa, Ta lại yêu ta, Trả lại anh, Tiếng chuông chiều, Vì ai, Vẩn vơ, Trong nắng mai, Thoi tơ,…
Xem thêm: Chuyện tình nhạc sĩ Hoàng Trọng: Hạnh phúc đến muộn nhưng nhất định sẽ đến
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận