Nhạc sĩ Diệu Hương: Nữ nhạc sĩ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại và “mối duyên nợ đặc biệt” với ca sĩ Quang Dũng

Dòng nhạc trữ tình do nữ nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác không chỉ khơi gợi cảm xúc từ sâu thẳm đáy lòng của người nghe mà còn reo rắt vào đấy những tâm sự khó nói hết thành lời.

Diệu Nguyễn
08:09 31/05/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net
  • Tên thật: Lê Thị Diệu Hương
  • Nghệ danh: Diệu Hương
  • Ngày sinh: 26/10/1955
  • Quê quán: Thừa Thiên Huế
  • Nghề nghiệp: Ca sĩ, Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: nhạc trữ tình, nhạc hải ngoại
  • Ca khúc nổi tiếng: Vì đó là em, Khắc khoải, Phiến đá sầu, Nói với tôi một lời, Nỗi buồn còn lại,...
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: ca sĩ Quang Dũng, ca sĩ Thái Hà, ca sĩ Tuấn Ngọc,...
  • Thời gian hoạt động: 1977 đến nay

Nhạc sĩ Diệu Hương là ai?

Nhạc sĩ Diệu Hương tên thật là Lê Thị Diệu Hương. Bà sinh năm 1955 tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có 13 người con và Diệu Hương là con gái duy nhất.

Sống ở Huế tới năm 5 tuổi, Diệu Hương cùng gia đình theo cha là một sĩ quan quân đội chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Sau khi học xong trung học tại trường Sacré Coeur, Diệu Hương tiếp tục theo học trường Đại học Chính trị Kinh doanh tại Đà Lạt. Trước đó, Diệu Hương đã từng theo học piano với các dì phước, tại trường đại học bà cũng năng nổ tham gia hát, đóng kịch trên sân khấu nhà trường và các hoạt động hướng đạo. Chính vì thế, trong những năm học đại học, Diệu Hương từng được bầu làm trưởng ban văn nghệ trong trường.

Tại Đà Lạt, Diệu Hương cũng ở nội trú với các dì phước. Ở đây bà cũng bắt đầu tập chơi guitar, sau đó về Sài Gòn tiếp tục học với một người bạn cho đến năm 1975.

Năm 1977, trong lúc buồn chán và mất phương hướng, nhạc sĩ Diệu Hương đã cho ra đời ca khúc đầu tay với tựa “Tôi muốn hỏi tại sao”. Ca khúc này được bà sáng tác trong một đêm tối, dưới ánh đèn mù mờ tại căn nhà nhỏ trên đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3 – Sài Gòn). Vài ngày sau khi hoàn thành xong ca khúc, trong một buổi sinh hoạt văn nghệ Diệu Hương đã hát cho một số bạn bè nghe và được mọi người tán dương, cổ vũ rất nhiều. Đó là bước đệm quan trọng đầu tiên giúp bà có động lực sáng tác thêm nhiều ca khúc khác.

Nhac-si-Dieu-Huong-la-ai-va-co-moi-duyen-no-gi-voi-ca-si-Quang-Dung-1
Nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác nhạc phẩm đầu tay năm 1977

Đến năm 1990, nhạc sĩ Diệu Hương cùng gia đình sang Mỹ theo diện HO. Ở nơi đất khách quê người, Diệu Hương bận bịu mưu sinh, kiếm sống qua ngày với nhiều công việc khác nhau, từ việc làm thư ký cho các trường dành cho người tị nạn, đến làm nhân viên cho văn phòng luật sư ,rồi nhân viên viên bưu điện…và sau đó là theo học ngành thiết kế đồ họa.

Trong những năm tháng ở xứ người, sáng tác đối với Diệu Hương như một hình thức để trải lòng. Bà đem tất cả cảm xúc, tâm tư tình cảm của mình gửi gắm vào âm nhạc. Bài hát đầu tiên được nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác trên đất Mỹ mang tên “Mùa thu nơi đây”, kể về tâm trạng của một người xa quê, lòng dạt dào nhớ về thành phố cũ trong khung cảnh mùa thu. Sau đó, nhạc sĩ Diệu Hương tiếp tục cho ra đời các ca khúc: Vì đó là em, Phiến đá sầu,…

Đời tư nhạc sĩ Diệu Hương

Nhạc sĩ Diệu Hương là người khá kín tiếng về mối quan hệ cá nhân, nên thông tin về đời tư của bà không xuất hiện trên báo chí. Nhưng qua các ca khúc của Diệu Hương, mọi người không khó để nhận ra bà đã từng trải qua không ít đổ vỡ và mất mát.

Về mối quan hệ giữa nhạc sĩ Diệu Hương và ca sĩ Quang Dũng, thì ca sĩ Quang Dũng đã từng lên tiếng xác nhận đó là tình cảm văn nghệ, anh coi nhạc sĩ Diệu Hương như một người chị, điều đó thể hiện qua cách xưng hô.

Nhạc sĩ Diệu Hương và cơ duyên đến với dòng nhạc trữ tình

Vào năm 1997, khi ấy nhạc sĩ Diệu Hương 22 tuổi, trong lúc tâm trạng chán chường, thất vọng không lối thoát, bà đã viết nhạc phẩm đầu tay với tên gọi “Tôi muốn hỏi tại sao”. Nói về nhạc phẩm đầu tay của mình, nhạc sĩ Diệu Hương chia sẻ như sau:

“Đối với Hương, cuộc sống khi đó không có chi nữa hết. Tại Hương ước mơ nhiều quá, mà giờ lại thất vọng quá nhiều nên Hương tìm đến một cái hạnh phúc nhỏ bé hơn. Vì thế, Hương mới viết ra những câu từ: Muốn hỏi tại sao có những chiều, những chiều mưa xuống nhiều mà sao em không đứng nhìn mưa, để nghe trong mạch tim em xao xuyến bất ngờ…

Cho dù một cơn mưa bất chợt cũng đủ cho mình tìm thấy một niềm hạnh phúc rất nhỏ, như khi nhìn những hạt mưa, những cái bong bóng rớt xuống đường thì đó cũng có thể là niềm vui cũng được”.

Nhac-si-Dieu-Huong-la-ai-va-co-moi-duyen-no-gi-voi-ca-si-Quang-Dung-2
Tình ca Diệu Hương

Khi ấy, trong một đêm mưa, Diệu Hương viết sườn bài hát “Tôi muốn hỏi tại sao” một cách nguệch ngoạc trên giấy và đến ngày hôm sau, khi tỉnh táo hơn bà mới chỉnh lại cho hoàn thiện. Lúc viết xong, Diệu Hương xem lại giai điệu, câu từ trong bài hát và nhận ra bản thân có được khả năng viết nhạc.

Thế nhưng, mãi đến năm 1990, khi cùng người thân sang Mỹ định cư, trong tâm trạng ngổn ngang, bỡ ngỡ nơi đất khách, cùng với nỗi lòng khắc khoải nhớ quê, nhạc sĩ Diệu Hương mới lại sáng tiếp ca khúc thứ 2 với tựa “Mùa thu nơi đây”. Những lời ca trong bài khiến người nghe cảm nhận rõ sự cô đơn của Diệu Hương khi ấy: “Mùa Thu nơi đây, tôi nhớ thương thành phố xa mờ, mà bao năm qua tôi đã đi về trên những đường xưa/ Mùa thu nơi đây lạnh lùng, từ nơi phương xa trời rộng lòng ai có nhớ ai không/ Có tôi nỗi nhớ vô cùng…”.

Và rồi cuộc sống bận rộn mưu sinh nơi đất khác, khiến Diệu Hương  quên hẳn đi các bài hát của mình, cũng như quên mình từng viết nhạc. Nhưng rồi những thất vọng và đổ vỡ cứ liên tục ập đến, khiến tâm hồn của người nghệ sĩ tài hoa rơi vào bơ vơ và trống vắng. Chia sẻ về khoảng thời gian ấy, nhạc sĩ Diệu Hương tâm sự: “Nếu tin vào thuyết luân hồi, thì nỗi buồn của con người vốn đã tồn tại cả ngàn năm năm, từ kiếp này qua kiếp khác. Và nỗi buồn ấy như đá tảng chồng chất quanh mình”.

Để có thể giải thoát bản thân, người đàn bà 40 tuổi lại tìm đến âm nhạc. Bao tâm sự dồn nén trong lòng, đã được nữ nhạc sĩ giãi bày qua ca khúc “Phiến đá sầu” với lời ca đầy tâm trạng: “Em hỏi tôi, đá biết thở dài xa xôi/ Em hỏi tôi, đá có ngậm ngùi chia phôi/ Em và tôi thiên đường mất rồi/ Trên lối về mình tôi bước dài lê thê”. Ca khúc này được hát lần đầu do chính Diệu Hương thể hiện, đến khi phổ biến bài hát đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại như Tuấn Ngọc, Lâm Thúy Vân,…hát lại.

Và từ đó, nhạc sĩ Diệu Hương chính thức quay trở lại con đường sáng tác. Mỗi ca khúc là một khát khao được bộc lộ, được sẻ chia của nữ nhạc sĩ. Có lần Diệu Hương cho biết, mỗi khi hoàn thành một ca khúc, cô đều cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì cô vừa thoát ra được cái ray rứt, nặng nề thường ngày. Và cứ thế, những hạnh phúc trong âm nhạc cứ lấp đầy những khoảng trống vắng mà cuộc sống mang lại cho cô. Và đối với Diệu Hương, viết nhạc thật sự là một sự giải thoát lãng mạn và bình yên.

Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Diệu Hương

Nhạc sĩ Diệu Hương: với vai trò nhạc sĩ

Có thể nói, nhạc sĩ Diệu Hương là một trong những nhạc sĩ nữ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại có nhiều sáng tác nổi tiếng, được công chúng đón nhận và yêu mến.

Thành công đến với nhạc sĩ Diệu Hương có lẽ do dòng nhạc trữ tình mà bà sáng tạo được xúc cảm cho người nghe. Đặc biệt những câu từ mà nữ nhạc sĩ này sử dụng rất có hồn, dễ đi vào lòng người. Bởi từ khi còn là sinh viên Diệu Hương đã rất thích đọc sách, nên có được vốn liếng về văn chương chữ nghĩa. Đến khi viết nhạc, bà lại vận dùng đưa những suy tư của mình vào lời ca trong bài hát một cách hài hòa, sâu lắng. Đó là thứ cảm xúc nhẹ nhàng, suy tư của người phụ nữ, những thứ mà các nhạc sĩ nam khó có thể mô tả được một cách trọn vẹn.

“Tôi mê viết văn lắm. Từ nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều sách, đủ các thể loại khác nhau. Từ việc đó mà tôi cũng có một cái vốn liếng về văn chương nhất định”, nữ nhạc sĩ Diệu Hương từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Trường Kỳ vào 20 năm trước.

Nhac-si-Dieu-Huong-la-ai-va-co-moi-duyen-no-gi-voi-ca-si-Quang-Dung-3
Ngoài vai trò nhạc sĩ Diệu Hương còn được biết đến với vai trò ca sĩ

Dòng nhạc và lời ca do Diệu Hương sáng tác quyện vào nhau thành một kết hợp tuyệt vời, rất thích hợp với những giọng hát tại hải ngoại như Tuấn Ngọc, Diễm Liên, Thanh Hà,…

Tuy nhắc, nhắc đến nhạc Diệu Hương thì không thể không nhắc đến sự gắn bó đặc biệt với tiếng hát Quang Dũng. Từ khoảng năm 2004-2005, gần như bất kỳ ở nơi nào trong nước, mỗi khi nhắc đến Quang Dũng người ta lại nhắc đến những ca khúc như Vì đó là em, Khắc khoải, Phiến đá sầu… mặc dù lúc đó, tên tuổi của nhạc sĩ Diệu Hương vẫn còn lạ lẫm với khán giả trong nước.

Ngoài tự sáng tác, nhạc sĩ Diệu Hương còn là người dịch lời Việt cho một số tình khúc bất hủ thế giới như:  "Paroles", "Les feuilles morte", "Besame mucho", "Je suis malade", "The winner takes it all", "Hello", "Crazy", "Top of the World"… Những lời dịch của Diệu Hương luôn mang đến sự đồng cảm sâu lắng cho người nghe, bởi đó là ngôn ngữ giao thoa được viết nên bởi con tim và khối óc.

Nhạc sĩ Diệu Hương: với vai trò ca sĩ

Ngoài vai trò là một nữ nhạc sĩ tài hoa, Diệu Hương còn được biết đến với vai trò ca sĩ. Sở dĩ, dòng nhạc Diệu Hương có thể được phổ biến ở cả trong nước lẫn hải ngoại đến thế là do khả năng tự biểu diễn của mình.

Hầu hết, những ca khúc do Diệu Hương sáng tác đều được cô biểu diễn một cách mộc mạc trên sân khấu qua guitar, piano. Rồi sau đó, những danh ca khác mới thu âm theo các bản phối, cầu kỳ và chuyên nghiệp hơn.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Diệu Hương

Bây giờ, ở độ tuổi gần 70, nữ nhạc sĩ Diệu Hương đã có cho mình gia tài gần 100 ca khúc. Trong đó, nổi bật nhất là các bài: Vì đó là em, Khắc khoải, Phiến đá sầu, Nói với tôi một lời, Nỗi buồn còn lại, Đời không còn nhau, Cõi vắng, Dòng lệ khô, Bài tình ca cho em, Hỏi tình hay dù có như thế nào, Cho dòng sông cuốn trôi,…

Ngoài ra, nhạc sĩ Diệu Hưởng cũng đã tự xuất bản những CD riêng của mình, gồm:

Tình ca Diệu Hương 1: Khắc Khoải (2001)

Tình ca Diệu Hương 2: Ở Lại Ta Đi (2003)

Tình ca Diệu Hương 3: Giòng Lệ Khô (2004)

Tình ca Diệu Hương 4: Cho Dòng Sông Cuốn Trôi (2006)

Tình ca Diệu Hương 5: Hư Ảo (2007)

Tình ca Diệu Hương 6: Để Mặc Tôi Yêu Em (2011)

Nhac-si-Dieu-Huong-la-ai-va-co-moi-duyen-no-gi-voi-ca-si-Quang-Dung-4
Nhạc sĩ Diệu Hương và Quang Dũng

Trong sự nghiệp của nhạc sĩ Diệu Hương, ca khúc tạo nên tiếng vang lớn, ghi dấu về dòng nhạc Diệu Hương trong lòng công chúng chính là bài “Vì đó là em” qua tiếng hát của Quang Dũng.

Đầu thập niên 2000, Quang Dũng là giọng ca trữ tình hàng đầu trong nước, còn Diệu Hương là nữ nhạc sĩ nổi bật ở hải ngoại. Trong một lần về Việt Nam để thực hiện CD đầu tiên, Diệu Hương đã tình cờ phát hiện ra giọng hát của Quang Dũng khi nghe anh hát tại một phòng trà ở Sài Gòn. Nhận thấy giọng hát của Quang Dũng có âm vực rất rộng, phù hợp với dòng nhạc của mình nên nhạc sĩ Diệu Hương đã bảo anh thu thử một nhạc phẩm trên CD đầu tay của mình mang tự đề là “Khắc khoải”.

Từ đó trở đi, tiếng hát của Quang Dũng đã bay cao cùng với những nhạc phẩm do nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác. Đặc biệt là ca khúc “Vì đó là em”, lần đầu ca khúc này được trình diễn đã tạo thành một hiện tượng âm nhạc, giúp Quang Dũng xác lập được vị trí trên thị trường và trong lòng khán giả. Không chỉ vậy, bài hát này cũng đã chính thức giới thiệu đến công chúng trong nước sự tài hoa của một nữ nhạc sĩ hải ngoại với nghệ danh Diệu Hương.

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Diệu Hương

Xưa nay, sáng tác ca khúc vẫn là lĩnh vực “dương thịnh âm suy”, thưa vắng phái đẹp. Nữ nhạc sĩ được hâm mộ thì lại càng hiếm hoi. Ấy vậy mà nhạc sĩ Diệu Hương đã làm được điều ấy. Những ca khúc mà bà sáng tác không chỉ nổi tiếng, được lan tỏa sâu rộng vào đời sống mà còn tạo thành một điểm nhấn riêng mang tên mình: Dòng nhạc Diệu Hương.

Nhac-si-Dieu-Huong-la-ai-va-co-moi-duyen-no-gi-voi-ca-si-Quang-Dung-5
Nhạc sĩ Diệu Hương - Nữ nhạc sĩ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại

Dòng nhạc trữ tình của Diệu Hương dễ nhận ra lắm, bởi vì nó luôn mang cái khắc khoải của tác về những kỷ niệm đã cũ, về một cuộc đã trôi vào dĩ vãng, về một tình yêu chông chênh đã hoài xa. Nghe nhạc Diệu Hương, người nghe luôn nhận ra một điều rằng, những nỗi đau vẫn luôn tồn tại, chỉ cần một chất xúc tác là nó lại hiện diện một cách rõ ràng. Bằng cảm xúc của chính mình, nữ nhạc sĩ tài hoa – Diệu Hương đã mở lối cảm xúc không chỉ của riêng cô, mà còn cho tất cả người nghe.

Giải thưởng âm nhạc của nhạc sĩ Diệu Hương

Ca khúc “Vì đó là em” do nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác đã đạt giải Mai Vàng năm 2003

Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Diệu Hương

Nhạc sĩ Diệu Hương là người có tâm hồn đa cảm, nhưng khi làm việc thì lại vô cùng cật lực, chỉn chu và khi viết nhạc thì nâng niu từng giai điệu, từng ca từ như nâng niu niềm hạnh phúc. Sự chỉn chu trong trong công việc của người nhạc sĩ tài hoa này được thể hiện rõ mỗi khi cô chọn ca sĩ trình bày ca khúc của mình.

Nhạc sĩ Diệu Hương chia sẻ: “Vì là nhạc sĩ, tôi luôn muốn tìm những giọng hát phù hợp với dòng nhạc do mình sáng tác, có như vậy bài hát mới được truyền tải đúng tới khán giả. Giống như việc tôi đặt niềm tin vào ca sĩ Quang Dũng khi trao cho anh những đứa con tinh thần của mình. Tìm được một giọng hát phù hợp với bà hát là niềm hạnh phúc của tôi, nhất là khi giọng hát 'đó làm rung động khán giả và rung động chính tôi”.

Nhac-si-Dieu-Huong-la-ai-va-co-moi-duyen-no-gi-voi-ca-si-Quang-Dung-6
Những nhạc phẩm đã ra mắt của nhạc sĩ Diệu Hương

Nhờ vào sự tỉ mẩn ấy, mà mỗi bản tình ca được chắp bút bởi Diệu Hương viết ra đều vô cùng thiết tha, rung động, dễ đi vào lòng người. Những bài hát ấy chính là sự nỗ lực không ngừng của một nhạc sĩ mong được mang đến cho cuộc đời những gì quý giá nhất từ trong tâm hồn mình.

Như một lần, nhạc sĩ Diệu Hương từng tâm sự: “Một bài hát mình viết ra không đơn thuần, nó được xây dựng từ quá nhiều những đau khổ và nước mắt của mình, mà không phải ai cũng có thể hiểu được”.

Cuộc sống của nữ nhạc sĩ Diệu Hương là chuỗi dài những suy ngẫm, ưu tư và muộn phiền. Để rồi cái chất nghệ sĩ đã hiện hữu qua từng bài hát với một tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn.

Những câu nói hay của nhạc sĩ Diệu Hương

“Khi người nghệ sĩ cất tiếng hát giấu che niềm đắng cay, trên bờ môi kia vẫn thấp thoáng nỗi đau thương đầy…" – Nhạc sĩ Diệu Hương

“Dù biết dù ngày mai đến mang cho tôi cơn đau thật dài. Lòng vẫn chờ mong có thêm một ngày hạnh phúc qua đây” – Nhạc sĩ Diệu Hương

"Nếu tin vào thuyết luân hồi, thì nỗi buồn của con người ta đã tồn tại cả ngàn năm, từ kiếp này qua kiếp khác. Và nỗi buồn ấy như đá tảng chồng chất quanh mình” - Nhạc sĩ Diệu Hương.

Tổng hợp

Xem thêm: Top 3 tình khúc hay nhất của nhạc sĩ Diệu Hương

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Vì đó là em": Tình yêu trĩu nặng trong tâm hồn

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận