Phỏng vấn nhạc sĩ Cung Tiến: Âm nhạc là sở thích đầu tiên và cuối cùng trong đời tôi!
Năm 2009, nhạc sĩ Cung Tiến thực hiện một bài phỏng vấn với nữ ký giả Ngọc Lan với những nội dung chưa từng được hé lộ về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ được mệnh danh là “thiên tài” của làng tân nhạc Việt.
Nhắc đến nhạc sĩ Cung Tiến, không thể không nhắc đến nhạc phẩm “Hoài cảm”. Thật khó để hình dung ra ở độ tuổi 14, 15 ấy lại có một nỗi khắc khoải như vậy về nỗi nhớ, về cố nhân. Ông có thể chia sẻ một chút về tác phẩm này?
“Hoài cảm” không phải là tác phẩm quan trọng lắm, thật sự là vậy. Bởi ở cái tuổi 14, 15 ấy thì đâu ai nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu. “Hoài cảm” là bài hát mà tôi viết ra từ trong tưởng tượng của chính mình. Tôi tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào đó mình yêu mến thôi chứ chẳng có gì sâu xa đằng sau cả. Đó hoàn toàn chỉ là trí tưởng tượng trong âm nhạc. Còn lời ca thì tôi bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học được ở trường như thơ của Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu,… những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam lúc ấy.
Âm nhạc hay bất cứ sáng tác nghệ thuật nào phần lớn cũng là sự tưởng tượng cả. Tưởng tượng về cái này, về cái kia, gây lên một nỗi sầu, nỗi buồn hay nỗi vui, đó hoàn toàn là sự tưởng tượng của người sáng tác.
Mặc dù ông nói “Hoài cảm” là do trí tưởng tượng, nhưng sự tưởng tượng cũng phải xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa nào đó, chẳng hạn như có ý kiến cho rằng, thời điểm cái đẹp, cái hay thường gắn với những nỗi buồn?
Hồi đó nghĩ gì thì mình đâu có biết, cũng mấy chục năm rồi, chẳng nhớ được nữa, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy thôi. Bài “Hoài cảm” không có một đối tượng nào cả - no object, hoàn toàn là tưởng tượng. Trong tưởng tượng sẽ có nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn hay đại loại là có thể nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi, năm 1952 tôi mới ở ngoài Bắc vào Nam. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào trong Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, tôi nhớ tất cả những gì ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, từ nỗi nhớ đó là có bản nhạc đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến có từng mơ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ trước khi trở thành một chuyên gia kinh tế không?
Không, tôi chẳng bao giờ mơ được làm nhạc sĩ cả. Có một chuyện này, hôm tôi mới vào Sài Gòn, ở đài phát thanh Sài Gòn có tổ chức một cuộc thi tuyển lựa ca sĩ. Tôi thấy hay nên cũng lên hát dự thi, nhưng giờ tôi cũng chẳng nhớ khi ấy mình hát gì. Đến lúc về nhà, tôi giật mình khi thấy bố tôi vứt hết quần áo, sách vở của tôi ra trước cửa. Bởi vậy nên mình đâu có dám mơ, mặc dù mình có mơ đi chăng nữa cũng sẽ bị ám ảnh vì trong gia đình không ai muốn mình làm như vậy cả.
Khi tên tuổi nhạc sĩ Cung Tiếng nổi tiếng, được nhiều người yêu thích qua “Hoài cảm” , “Thu vàng”, “Hương xưa” thì nhạc sĩ thích người ta biết đến mình với vai trò nào? Là nhạc sĩ hay nhà kinh tế?
Cuộc đời tôi có nhiều sở thích lắm, tôi thích thơ, thích hội họa, thích văn chương, tiểu thuyết, toán học và cả kinh tế học nữa. Kinh tế học là ngành hồi đó tôi được học bổng đi ra ngoại quốc học lên.
Tôi có nhiều sở thích là vậy, nhưng âm nhạc vẫn là sở thích đầu tiên và là cuối cùng trong đời tôi.
Ngoại trừ một số ca khúc được viết trước đó như “Hoài cảm”, “Thu vàng”,… thì hầu hết những tác phẩm sau này đều được nhạc sĩ phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ,… Ông có thể sẻ thêm về điều đó không?
Lúc nhỏ viết nhạc tôi chỉ biết âm nhạc tôi viết là “popular song” tức là nhạc phổ thông, phổ biến. Trong âm nhạc có rất nhiều khía cạnh, có những trật tự mình phải theo như hòa âm, phối âm, đối điểm,… nhưng hồi ấy ở Việt Nam tôi chưa được học. Đến khi học xong trung học năm 1956, tôi được học bổng sang Úc để học về kinh tế. Ở đây thời gian rảnh tôi đi học thêm về âm nhạc ở nhạc viện Sydney, từ đó tôi mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc. Không chỉ có một meloday, một làn điệu mà âm nhạc còn nhiều yếu tố khác để tạo thành.
Từ đó trở đi tôi ý thức được việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ. Bởi thơ nếu đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm, phụ họa thêm vào thì nó lại mang đến một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác được gọi là nhạc nghệ thuật hay là “art song”. Hiểu nôm na là lấy một văn bản có gia trị như thơ, viết thành nhạc, rồi cho vào đó bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc là bằng guitar hay một ban nhạc.
Nhạc sĩ có thể giải thích sự giống nhau và khác nhau giữa những bài hát sau này và những bài hát xưa như “Hoài cảm”, “Hương xưa” được không?
Ngày xưa, lúc sáng tác tôi không biết sử dụng chất liệu âm thanh của Á Đông như âm giai ngũ cung chẳng hạn. Nhưng sau này, khi được học thêm về nhạc, hiểu thêm về nhạc thì tôi ý thức thêm là mình có cả kho tàng về giai điệu, làn điệu Việt Nam chưa khai thác được.
Nếu nói một trong những tác phẩm của tôi khác ngày xưa thì chắc là bản “Hoàng hạc lâu” được phổ từ thơ của thi sĩ Thôi Hiệu thời Đường và được Vũ Hoàng Chương dịch sang tiếng Việt. Đó là ca khúc đầu tiên tôi có ý thức dùng chất liệu quý báu của âm nhạc dân tộc khi phổ nhạc.
Theo tôi được biết thì nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác không nhiều, vậy trong những nhạc phẩm ấy bài hát nào để lại cho nhạc sĩ nhiều kỷ niệm, niềm cảm xúc nhất?
Khó nói lắm. Như thể mình có 10 đứa con, rồi bạn hỏi tôi phải nói xem mình thương đứa nào nhất vậy.
Trong những bài hát tôi sáng tác, cũng có những bài bị thất lạc đi đâu mất. Ví dụ như bài “Mùa hoa nở”, tôi viết năm 1956. Khi rời Việt Nam sang Úc, tôi không mang theo thứ gì hết, tất cả tài liệu, sách vở, soạn thảo đều để lại Sài Gòn hết. Một hôm tình cờ, ca sĩ Mai Hương gửi cho tôi bản “Mùa hoa nở”, khi ấy tôi mới ngạc nhiên nhớ ra: “Ủa, đứa con này bị thất lạc đi đâu mà mặt mũi lem luốc quá!”. Tôi đem về thấy thương nên sửa lại thành ra một bài hợp xướng.
Nói tóm lại, không một ca khúc nào tôi hoàn toàn coi là “thương” hơn những ca khúc khác. Bởi mỗi một sáng tác đều là những kỷ niệm của riêng tôi với thời kỳ đó.
Thế nhưng, có thể nói tập “Vang vang trời vào xuân” là tác phẩm tôi trân quý nhất đến thời điểm này. Ca khúc đó được tôi phổ từ bài thơ của người bạn thân, đó là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Những bài thơ đó được Thanh Tâm Tuyền sáng tác trong trại tù, bằng cách nào ông đưa chúng ra ngoài để in… Những điều đó làm tôi cảm thấy rất cảm động. Ban đầu tôi viết thành 12 bản rồi sau rút lại còn 10 bản. Ðó là những gì suốt đời tôi trân quý nhất về tình người, tình bằng hữu và cả tình cảnh đất nước chúng ta hồi đó.
Xem thêm: Nhạc sĩ Cung Tiến: Từ cậu bé "thần đồng âm nhạc" đến "cha đẻ" của những tình khúc bất hủ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận