Khi giới nghệ sĩ đánh ghen bằng âm nhạc: Ly kỳ và ngang trái nhất phải kể đến tình tay ba Hoàng Thi Thơ - Lam Phương - Thúy Nga

Đời sống âm nhạc trước năm 1975, ngoài những ca khúc hay được mọi lan truyền thì đời tư của giới nghệ sĩ cũng là câu chuyện bên lề thu hút, được nhiều người xôn xao bàn tán.

Diệu Nguyễn
11:00 09/11/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Có những mối tình nghệ sĩ ly kỳ và ngang trái không kém nội dung các bài hát thời đó và tình tay ba giữa nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương và nữ ca sĩ Thúy Nga là một câu chuyện như thế.

Nói về tài năng sáng tác thì giữa nhạc sĩ Lam Phương và Hoàng Thi Thơ người ta khó lòng đem lên bàn cân để so sánh, nhưng nói về sự đào hoa thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vượt trội hơn hẳn Lam Phương – người được đánh giá là nhạc sĩ bất hạnh nhất trong tình yêu. Cho đến gần cuối đời, ông hoàng nhạc tình vẫn sống trong cô đơn và “sớm mai thức nhìn quanh một mình”.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-nhung-ngay-tho-mong-cua-hoang-thi-tho (4)
Chân dung nhạc sĩ Lam Phương và Hoàng Thi Thơ thời trẻ

Trong những mối tình không thành của Lam Phương, có chuyện tình đơn phương dành cho nữ ca sĩ tài sắc Thúy Nga. Năm 1955, khi ấy Lam Phương 17 tuổi đã rất nổi tiếng với loạt ca khúc ăn khách là “Kiếp nghèo”, “Chuyến đò vĩ tuyến”, “Trăng thanh bình”,… còn Thúy Nga lúc đó cũng đã 18 tuổi, với chất giọng Alto đặc trưng, nàng ca sĩ xinh đẹp đã chinh phục hầu hết khán giả Sài Gòn khi ấy và được lòng cả Hoàng Thi Thơ. Ông đã trở thành một người thần, người dẫn dắt Thúy Nga trong con đường âm nhạc và cũng là người tình đầu tiên trong đời nữ ca sĩ.

Năm 1957, sau một thời gian gắn bó, Thúy Nga và Hoàng Thi Thơ quyết định về chung nhà. Nhạc sĩ Lam Phương khi ấy đang hành quân ở vùng thôn quê hoang vắng, lúc nhận được tin người trong lòng đi lấy chồng, ông đã vô cùng đau đớn, viết một bài hát cuối dành tặng cho người trong mộng, đó là bài “Chiều hành quân”:

“Một chiều hành quân qua thôn xưa

Lúc nắng xuân chưa nhạt màu,

Chạnh lòng tìm người em gái cũ

Em tôi đã đi phương nào?”

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-nhung-ngay-tho-mong-cua-hoang-thi-tho (2)
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và nữ ca sĩ Thúy Nga

Đọc thêm về chuyện tình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và mối tình đầu bi thương bị vĩ tuyến chia cách

Lúc biết tin Lam Phương viết nhạc cho vợ mình, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đáp lễ ngay bằng ca khúc “Yêu vẫn còn yêu”:

“Ai cấm được tình yêu

Ai ép lòng cô liêu

Khi lòng còn say nước non tình tứ

Ai cấm được tình yêu…”.

Trong khi chàng nhạc sĩ trẻ Lam Phương đau khổ vì người trong mộng đi lấy chồng thì ở bên kia chiến tuyến, tại Hà Nội, khi nghe trên đài phát thanh thông tin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới ca sĩ Thúy Nga làm vợ, nàng ca sĩ nhạc đỏ vang tiếng một thời – Tân Nhân đã ngất xỉu, bỏ ăn bỏ uống mấy ngày, lấy nước mắt rửa mặt.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-nhung-ngay-tho-mong-cua-hoang-thi-tho (1)
Gia đình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Thúy Nga

Ca sĩ Tân Nhân và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng có một khoảng thời gian yêu đương mặn nồng. Cả hai là bạn cùng quê, học cùng trường từ nhỏ, sau này lại cùng đi theo kháng chiến. Năm 1951, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trở lại Huế thăm gia đình người anh ruột với mục đích xin gia đình anh một khoản tiền để trở lại liên khu 4 đón Tân Nhân ra Hà Nội học trường Văn khoa. Nhưng sau khi trở về, ông lại bị xiêu lòng trước lời khuyên răn của gia đình, quyết định vào Sài Gòn để được an toàn. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bỏ mặc người yêu ở chiến tuyến để vào Sài Gòn mà không biết rằng khi đó Tân Nhân đã mang trong mình giọt máu của ông…

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-nhung-ngay-tho-mong-cua-hoang-thi-tho (3)
Chân dung nữ ca sĩ Tân Nhân

Tân Nhân nén thương nhớ về Bắc, một mình nuôi con và trở thành một ca sĩ huyền thoại của làng nhạc đỏ với bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. Ban đầu, con trai theo họ mẹ, được đặt tên Trương Nguyên Việt. Sau này, Tân Nhân lấy chồng và cậu con trai được đổi tên thành Lê Khánh Hoài.

Nói thêm về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trong cả 2 lần đất nước biến động, ông đều di cư không chủ đích. Năm 1954, ông được phân công tác ở quê nhà rồi bị Pháp bắt và khóa lại luôn khi đất nước chia đôi. Lần thứ 2 là vào năm 1975, khi ấy ông theo đoàn nghệ sĩ Việt Nam lưu diễn ở Nhật Bản rồi không về được nữa. Sau đó một thời gian thì ông sang Mỹ đoàn tụ với vợ con. Cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dù trải qua nhiều biến cố nhưng vẫn trọn vẹn tình yêu. Còn nhạc sĩ Lam Phương thì không được như vậy, đến cuối đời ông vẫn ôm nhiều mối tương tư tan vỡ và ra đi trong cô độc.

Xem thêm: Ca khúc “Những ngày thơ mộng” của Hoàng Thi Thơ: Bâng khuâng nhớ về thuở hoa mộng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận