Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Trưng Nữ Vương”: Bản hùng ca oanh liệt
“Trưng Nữ Vương” của nhạc sĩ Thẩm Oánh là một trong những bản hùng ca tiêu biểu viết để tưởng nhớ về công ơn của Hai Bà Trưng – hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc.
CA KHÚC “TRƯNG NỮ VƯƠNG"
- Tên các khúc: Trưng Nữ Vương
- Nhạc sĩ sáng tác: Thẩm Oánh
- Năm phát thành: 1947
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Trưng Nữ Vương”
Hai Bà Trưng là tên gọi chung chỉ hai chị em sinh đôi Trưng Trắc, Trưng Nhị, hai nữ tướng hiếm hoi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong sử sách, hai bà được biết đến là thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một nhà nước mới, đóng đô ở Mê Linh. Hai Bà Trưng được xem là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc.
Trưng Vương hay Trưng Nữ Vương là tôn hiệu của nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Tôn hiệu này được người Việt đặt cho rất nhiều địa danh và tổ chức để tỏ lòng tôn kính đến bà.
Giai thoại và công đức của Hai Bà Trưng được rất nhiều các nhạc sĩ lấy làm nguồn cảm hứng để sáng tác. Trong đó có cố nhạc sĩ Thẩm Oánh với bản hùng ca “Trưng Nữ Vương” được viết năm 1947. Theo bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí năm 1996, ca khúc “Trưng Nữ Vương” được ông sáng tác theo yêu cầu của cụ Tăng Xuân An, Hiệu trưởng trường Trưng Nữ Vương, Hà Nội, nơi ông từng là giáo sư dạy học.
Sau khi bài hát này được hoàn thành đã trở thành nhạc hiệu của trường Trưng Nữ Vương trước năm 1975, được các học sinh hát vào ngày chào cờ thứ 2 hằng tuần. Không chỉ vậy, bài hát này còn thường được dùng trong ngày lễ tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm tại đền thờ Hai Bà ở Hát Môn và Đồng Nhân, Hà Nội.
Đôi lời bình phẩm về ca khúc “Trưng Nữ Vương”
Ca khúc “Trưng Nữ Vương” của nhạc sĩ Thẩm Oánh là bản hùng ca mang nhịp quân hành hùng dũng với phần lời ca uy nghi, đầy màu sắc.
Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà.
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca
Thu về giang san cho lừng uy gái Nam
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang.
Nợ nước phó tay người nhi nữ
Tình riêng cứu nguy cho toàn dân
Một lòng trung trinh son sắt bền
Hát giang sóng rền!
Trong 8 câu đầu tiên của bản hùng ca, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã sử dụng điệu nhạc hùng mạnh để kể về sự tích của Hai Bà Trưng, nhằm phản ánh khí thế sóng rền, uy nghi của Hai Bà trong giây phút khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán, trả nợ nước thù nhà.
Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn,
Xin ứng linh ban phúc cho giang san hoà bình.
Trưng Nữ Vương, nước non còn đó,
Giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông.
Trong 4 câu tiếp theo, ông nói lên sự cảm phục, kính trọng của mình cũng như dân Việt đối với công đức của Hai Bà. Đồng thời cũng bày tỏ bản thân sẽ quyết chí noi gương Hai Bà để chiến đấu, gìn giữ non sông đất nước.
Hồn quốc gia mờ phai má đào,
Nhà Việt lặng buồn, rầu rĩ, sầu đau,
Xui lòng nhi nữ mau phục thù,
Mê Linh ngợp trời cờ Việt sóng xô.
Mang phấn son to màu sơn hà,
Lòng vì nước, vì nhà.
Cho Việt Nam muôn đời hùng cường,
Nhờ ơn đức Trung Vương.
Đoạn cuối bài hát, nhạc sĩ Thẩm Oánh lại tiếp tục dùng dùng những lời ca bi tráng kể về cuộc khởi nghĩa oai hùng và tấm lòng trung kiên yêu nước của Hai Bà. Cuối cùng là bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao của Hai Bà đối với non sông đất nước: Việt Nam muôn đời hùng cường chính là nhờ ơn đức Trưng Vương!
Xem thêm: Phỏng vấn nhạc sĩ Thẩm Oánh: Là người Việt phải viết và yêu nhạc Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận