“Trăng rụng xuống cầu” của Hoàng Thi Thơ: Bức tranh quê hương ấm áp tình quân dân
“Trăng rụng xuống cầu” được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác vào năm 1956, được xem là bản nguyện ca thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở, thơ mộng, ấm áp tình người.
CA KHÚC "TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU”
Tên các khúc: Trăng rụng xuống cầu
Nhạc sĩ: Hoàng Thi Thơ
Năm phát thành: 1956
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Trăng rụng xuống cầu” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc miền Nam với phong cách sáng tác đa dạng. Nhưng nổi bật nhất và khiến nhiều người nhớ đến ông nhất chính là dòng nhạc đồng quê thấm đẫm chất dân ca với một tình yêu quê hương nồng đượm. Ca khúc tiêu biểu nhất cho dòng nhạc này của Hoàng Thi Thơ giai đoạn đầu chính là “Trăng rụng xuống cầu”, sáng tác năm 1956. Mặc dù trước đó, nhạc sĩ đã có nhiều ca khúc viết về quê hương xứ sở, nhưng phải đến ca khúc này, công chúng mới nhận ra Hoàng Thi Thơ có người nhạc sĩ đặc biệt, như sinh ra để dành riêng cho dòng nhạc này.
Hoàng Thi Thơ sáng tác ca khúc “Trăng rụng xuống cầu” vào 2 năm sau ngày rời xa quê hương. Vào một đêm trăng sáng, ông bỗng nhớ về quê hương, nơi ông sinh ra và lớn lên, nhớ con sông chảy qua làng, nhớ bến vắng với những thuyền xuôi mái bàn bạc, nhớ điệu hò thân thương,… Nỗi nhớ quê nhung quê hương da diết ấy đã khiến chàng nhạc sĩ đặt bút viết nên ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca, với phần câu từ mộc mạc, chân tình.
Giữa dòng chảy tân nhạc mạnh mẽ, đa phần giai điệu đều mang nét nhạc Tây phương với ca từ lãng mạn thì “Trăng rụng xuống cầu” lại được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phối nhạc rất đặc biệt. Ông không sử dụng điệu nhạc phổ biến của nền nhạc miền Nam khi ấy mà thay vào đó là nhịp chèo thuyền, kết hợp với hình ảnh con thuyền cùng mái chèo khoan thai dưới trăng, tạo nên một bản nguyệt ca thơ mộng, nhưng cũng tràn ngập vui tươi, ấm áp.
Đôi lời bình phẩm ca khúc “Trăng rụng xuống cầu” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái.
Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài.
Mái chèo khoan thai, trên sông hai màu.
Con thuyền về đâu ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu?
Vì đâu, ô hay, sao trăng rụng xuống cầu.
Những con thuyền xa chở những chàng lính chiến xuôi mái chèo như chở ánh trăng từ cánh rừng hoang về với quê hương. Mái chèo khoan thai, lướt nhẹ trên sông, dòng nước đen trong đêm vắng được ánh trắng tô vàng, sáng cả vùng quê. Bỗng từ đâu đó, tiếng hát ai ca, lúc xa lúc gần như mời gọi các anh ghé lại thôn nghèo. Khác hẳn ngày thường, đêm nay các anh về, dòng sông im ắng bỗng trở nên rộn ràng, bến vắng cũng trở nên hân hoan, trăng cũng như lòng người nơi hậu phương, mừng đón các anh nên “trăng rụng xuống cầu”.
Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng.
Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng.
Hỡi chàng chiến đấu! Nắng mưa dãi dầu.
Đừng vội về đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu
Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu?
Thuyền vừa ghé ngang bến vắng, các cô em hậu phương liền nô nức hát vang “dừng chân hỡi chàng”. Các anh có thấy chăng, từng dòng nước, từng cơn gió mát và cả ánh trăng cao vời đều đang vui mừng chào đón các anh. Nếu ở đoạn đầu, ánh trăng là người dẫn lối cho thuyền chở các anh lính chiến về ghé thăm làng quê, thì ở đoạn này trăng lại phấn khởi đón các anh trong niềm hân hoan, là vì trăng vui nên trăng một lần nữa “rụng xuống cầu”.
Hỡi! Bao con đò! Đêm nay trăng soi trên sông lờ đờ.
Mang theo bóng cờ ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ.
Hỡi! Trăng mơ màng sao trăng êm soi trên con thuyền chàng?
Trăng rơi đầu làng đợi thuyền chiến thắng sóng tách đôi hàng.
Ánh trăng cũng như lòng người hậu phương ở nơi bến bờ, mơ màng ước mong một ngày cũng như đêm nay, các anh mang theo bóng cờ chiến thắng trở về. Ánh trăng cũng nói thay lòng nàng - người con gái nơi hậu phương vẫn luôn đứng đợi nơi đầu làng, đợi chàng lính chiến thắng trận trở về, để không còn sóng tách đôi nơi.
Hò hò khoan! Hò hò huệ! Say sưa chiến thắng về sau bao ngày mưa nắng.
Hò hò khoan! Hò hò huệ! Đêm nay cờ lộng gió muôn câu hò ngân dài.
Ơ này! Anh Hai, anh Ba! Thuyền anh lướt trên trăng ngà.
Mà ơ này! Anh Tư, anh Năm! Dừng tay ghé thăm thôn này.
Những hân hoan mong đợi trong lòng, hóa thành những câu hò vui tươi, vút cao tận chín tầng mây, cùng trăng đưa đi xa, phủ khắp mọi miền quê. Để nghe được những câu hò khoan chiến thắng sau bao nàng nắng mưa của cả lính và dân, để thấy được lá cờ tung bay lộng giống, các anh lính cùng người dân đã phải rất gian khổ, khó khăn mới có được. Và trăng một lần nữa trở thành người bạn đồng hành, soi sáng cho cả người lính chiến và hậu phương trên hành trình đi tìm hòa bình, mang bình yên về cho quê hương, xứ xở.
Xuyên suốt bài hát ánh trăng được nhạc sĩ nhân cách hóa, đại diện cho tình người hậu phương gửi về các anh lính chiến nơi tuyến đầu gian khó. Nhạc phẩm “Trăng rụng xuống cầu” tựa như lời tri ân của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gửi cho những người lính, những người lấy thân mình xây nên bình yên cho đất nước. Với giai điệu rộn, nhịp nhàng, vui tươi “Trăng rụng xuống cầu” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như tiếp thêm động lực cho cả người lính và hậu phương, trở thành nhịp cầu tri âm kết nối tất cả quang cảnh, con người thêm gần và gắn kết hơn… tạo nên bức tranh quê hương xứ xở tuyệt đẹp và sống động.
Xem thêm: “Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ” của Hoàng Thi Thơ: Xót xa cho mối tình đẹp thời chiến loạn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận