“Chuyến đò vĩ tuyến” của Lam Phương: Tiếng gọi tha thiết mơ về chốn bình yên
“Chuyến đò vĩ tuyến” là ca khúc được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác năm 1956 trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, hàng triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam.
CA KHÚC “CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN”
Tên các khúc: Chuyến đò vĩ tuyến
Nhạc sĩ: Lam Phương
Năm phát thành: 1956
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Hoàng Oanh
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Chuyến đò vĩ tuyến”
Nhắc đến nhạc sĩ Lam Phương người ta sẽ nghĩ ngay đến những bản nhạc tình, nhưng trước khi dấn thân vào “làng tình ca”, ông đã được biết đến và yêu mến qua những ca khúc về quê hương đất nước, thân phận con người. Trong đó, “Chuyến đò vĩ tuyến” sáng tác năm 1956 là ca khúc đã mang tên tuổi Lam Phương vang xa, đến gần hơn với công chúng yêu nhạc.
“Chuyến đò vĩ tuyến” là bản nhạc được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác với điệu Rumba Lente nhẹ nhàng, kể về một cô gái lặng lẽ trên chuyến đò chở người yêu vượt sông Bến Hải vào miền Nam trong đêm khuya hiu hắt để đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng chàng trai lại vì lý do bất đắc dĩ mà bội ước với nàng, làm vỡ tan ước mơ sum họp hạnh phúc mà nàng mơ ước. Bài hát được Lam Phương sáng tác dựa trên sự kiện di cư năm 1954, hàng triệu người từ Bắc di chuyển vào Nam để lập nghiệp, sinh sống. Vì thế mà sau khi ra đời, ca khúc “Chuyến đò vĩ tuyến” rất được yêu thích, đặc biệt là với những người di cư.
Nhắc đến “Chuyến đò vĩ tuyến” nhiều người sẽ nhớ đến ngay đến ca sĩ Hoàng Oanh, người đã gắn liền tên tuổi của mình hơn 40 năm qua với bản nhạc này. Hoàng Oanh không phải là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này, nhưng theo phần đông khán giả, cô là người thể hiện thành công và lột tả được cái hồn của bản nhạc nhất.
Đôi lời bình phẩm về ca khúc “Chuyến đò vĩ tuyến”
Mở đầu bài hát là khung cảnh ánh trăng rọi xuống bến đò, nơi có cô thiếu nữ đang ngồi ngóng chờ người yêu để chở chàng sang sông, cùng đến vùng đất phương nam trù phú, thanh bình, tránh xa khói lửa chiến tranh, xây đắp một cuộc đời mới:
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Bến sông nơi nhạc sĩ Lam Phương nhắc đến trong bài chính là sông Bến Hải, nơi có cây cầu Hiền Lương bắt ngang vĩ tuyến 17, chia nước ta thành 2 miền Nam – Bắc. Nơi ấy, có cô gái đang ngày đêm mong chờ người yêu đến, cả hai sẽ cùng sang sông đến một vùng đất xa lạ nhưng trù phú. Nơi ấy, cả hai sẽ có tự do, bình yên, hạnh phúc, cùng xây dựng mái ấm và nghĩ về một viễn cảnh tương lai tươi đẹp.
Ơ… ơi… hò …
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ
Hò… hớ …. hò …. hơ …
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng !
Thế nhưng chờ mãi sao anh vẫn chưa tới. Sương khuya thấm ướt đôi mi, trái tim em đã dần buốt giá như chiều đông nơi biên thùy. Nhìn về nơi con sông sóng nước dập dền, lòng em càng thêm thổn thức, bùi ngùi. Càng chờ đợi, lại càng vô vọng, không một tung tích, không một lý do, anh bỏ em một mình đứng ở bến đò trong cô đơn, lạc lỏng. Dù trách, dù hờn nhưng tận sâu trong lòng em vẫn mong một ngày anh về, đứng ở bên đò trên dòng sông bến Hải để sưởi ấm cho tâm hồn lạnh lẽo của em.
Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi
Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy
Ai gieo chi khúc hát lâm ly
Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng
Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng
Giờ đây em điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm
Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà
Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau.
Ngày nay, Bắc – Nam đã về chung một cõi, vết thương chiến tranh đã lành lại, nhưng “Chuyến đò vĩ tuyến” của nhạc sĩ Lam Phương vẫn mãi là khúc nhạc êm đềm sưởi ấm trái tim của những người một thời chịu cảnh cô đơn, ly biệt vì khói lửa chiến tranh.
Xem thêm: “Trăng thanh bình” của Lam Phương – Niềm hy vọng về một cuộc sống yên bình
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận