"Ông hoàng Bolero” Trúc Phương: Cuộc đời tóm gọn trong một chữ "nghèo", đến khi mất cũng chỉ có đôi dép lào!

Lúc sinh thời nhạc sĩ Trúc Phương từng nói những ca khúc buồn nhất của ông như “Thói đời”, “Nửa đêm ngoài phố”,… đều được ông sáng tác khi ở đỉnh cao sự nghiệp, giàu có cả về tiếng tăm lẫn tài chính. Nhưng rồi, những cảnh đời buồn bã ấy đã vận vào cuộc đời ông, như một lời tiên tri định mệnh của số phận.

Diệu Nguyễn
15:24 20/09/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Nhạc sĩ Trúc Phương có tên khai sinh rất đẹp – Nguyễn Thiên Lộc. Ông sinh năm 1933, tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh). Theo nhiều người đồn đoán, nghệ danh Trúc Phương được ông chọn là vì xung quanh nhà thời ấy trồng rất nhiều tre trúc và ông yêu những âm thanh kẽo kẹt của những thân tre va chạm vào nhau khi trời gió. Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, “ông hoàng bolero” Trúc Phương để lại chừng 85 ca khúc, trong đó có hơn 70 ca khúc đã phổ biến. Tuy sáng tác không nhiều, nhưng hầu hết các nhạc phẩm của ông sau khi ra mắt đều được công chúng đón nhận và có sức sống mãnh liệt với thời gian như “Tình thắm duyên quê”, “Ai cho tôi tình yêu”, “Đò chiều”, “Đêm tâm sự”,…

Nhạc sĩ Trúc Phương có 6 người con, Trúc Lê là người con thứ 5 của ông. “Khi bố mẹ tôi ly thân năm 1979, tôi chọn đi theo bố, còn các anh chị em khác thì đi theo mẹ. Tôi sinh năm 1968, tuổi gà. Ba mẹ tôi lấy nhau khi mẹ tôi còn rất trẻ, mới 17 tuổi, nhỏ hơn bố tôi khá nhiều. Bố mẹ tôi tưới nhau vào năm 1958, đến năm 1960 thì chị cả tôi ra đời”, anh Trúc Lê chia sẻ.

Trong mắt Trúc Lê, mẹ anh là một mỹ nhân sắc nước hương trời, được mệnh danh là hoa khôi của Bến Tre thuở ấy: “Bố tôi quen mẹ khi mẹ tôi chỉ mới 16 tuổi. Lúc ấy, bố tổ chức đại nhạc hội ở Bến Tre, mẹ tôi rất mê văn nghệ nên cùng bạn đến xem. Bố nhìn thấy mẹ đẹp quá nên nói lời trêu ghẹo. Rồi cả hai nên duyên từ ấy, gần 1 năm sau thì lấy nhau”.

cuoc-doi-ngheo-doi-bi-tham-cua-ong-hoang-bolero-truc-phuong (2)
Gia đình nhạc sĩ Trúc Phương

Được mệnh danh là “Ông hoàng bolero”, nhưng nhạc sĩ Trúc Phương lại trải qua một cuộc đời đầy biến cố, khổ sở, bi đát đến tận cùng. Giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời Trúc Phương đã được chính ông kể lại khi còn sống trong một chương trình ca nhạc ở hải ngoại như sau: “Sau biến cố, tôi sống nay đây mai đó, bèo dạt mây trôi ấy mà. Đói thì chưa đói ngày nào, nhưng no thì cũng chưa có ngày nào được no. Tôi không có nhà, lúc đó vợ con tan nát cả. Tôi sống nhờ nhà bạn bè, nhưng khốn nỗi bạn bè cũng có hoàn cảnh bi đát, khổ sở không kém. Thế là chẳng ai đùm bọc được ai. Thêm nữa, bạn bè cũng không dám chứa tôi trong nhà, bởi tôi không có giấy tờ tùy thân, chẳng có thứ gì trong người cả.

Đường cùng, tôi bèn tìm nơi nào có khách vãng lai thì chui vào ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ. Ban ngày, tôi lê la trong thành phố, đêm đến thì ra xa cảng (bến xe Miền Tây) thuê một chiếc chiếu, thế chân 1 đồng. Nằm đó ngủ tới sáng thì cuốn chiếu trả cho người ta, lấy tiền thế chân về. Một năm tôi ngủ ở xa cả đến 9 tháng như vậy. Hôm nào trong người có tiền đi xe lam thì tôi ra sớm, chừng khoảng 4-5 giờ chiều là có mặt thì còn có chỗ lịch sự, tương đối sạch sẽ để trải chiếu nằm ngủ. Hôm nào ra trễ thì chỗ tốt, chỗ sạch đều bị người ta dành hết, tôi phải trải chiếu nằm chỗ người ta đi tiểu, mùi lắm nhưng đành chịu thôi.

Tôi sống những ngày phải nói là bi đát vô cùng. Mà lẽ ra tôi nên buồn, nhưng lạ thay dù hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn. Tôi nghĩ thôi còn sống đến giờ âu cũng là chất liệu để tôi sáng tác”.

cuoc-doi-ngheo-doi-bi-tham-cua-ong-hoang-bolero-truc-phuong (1)
Ca khúc "Thói đời" bi thảm vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương

Biến cố mà nhạc sĩ Trúc Phương nhắc đến trong chương trình chính là nhiều lần vượt biên không thành rồi bị bắt giam, của cải cũng vì thế mà tiêu tán sạch, gia đình cũng rơi vào hoàn cảnh ly tán, vợ ôm con bỏ ra đi, để lại ông không nhà cửa, không việc làm, không giấy tờ tùy thân và không có bất kỳ nguồn thu nhập nào.

Trước cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhiều người đồn đoán rằng nhạc sĩ Trúc Phương bỏ vợ là do cái bệnh đa tình của người nghệ sĩ. Song, theo con trai của ông – Trúc Lê chia sẻ, cuộc hôn nhân của bố mẹ anh đứt gãy là do hoàn cảnh sống đưa đẩy: “Bố tôi là người rất yêu thương vợ con, lo cho gia đình lắm, chứ chẳng có mâu thuẫn gia đình gì đâu. Người ta cứ hiểu lầm là do bố tôi đào hoa nên hôn nhân mới đổ vỡ, nhưng không phải”.

Những năm cuối đời, nhạc sĩ Trúc Phương bị suyễn nặng, với căn bệnh phổi hành hạ khiến thân xác rã rời, héo rũ. Ngày 18/9/1995, “Ông hoàng bolero” Trúc Phương qua đời trong căn nhà thuê.

Trước số phận bi đát cùng cực trong những năm tháng cuối đời, nhiều người đã đồn thổi rằng, đến khi mất người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này cũng chỉ có đôi dép lào mang theo, ngoài ra không có tài sản gì để lại bên người. Đứng trước thông tin này, Trúc Lê – con trai nhạc sĩ đã phản ứng rất mạnh mẽ: “Đó là bịa đặt, bố tôi nghèo thiệt, nhưng nghèo khổ đến mức vậy là không đúng. Người ta cứ dựng chuyện. Những năm ấy, mẹ tôi rất khá giả thì làm sao để cha tôi như thế được và khi ấy chúng tôi cũng đã trưởng thành”.

Sau khi mất, nhạc sĩ Trúc Phương được mai táng tại nghĩa trang Lái Thiêu 

Xem thêm:Chữ "sầu" đã vận triệt để vào cuộc đời "đệ nhất đào thương" Út Bạch Lan như thế nào?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận