Chân dung người vợ tào khang đứng sau đời nghệ thuật thăng hoa của nhạc sĩ Huy Du
Gần 50 năm gắn bó, PGS TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung không chỉ là người vợ, còn là người bạn, người đồng nghiệp thân thiết giúp nhạc sĩ Huy Du vững bước trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho âm nhạc, nghệ thuật nước nhà.
Chân dung nhạc sĩ Huy Du và nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung
Nhạc sĩ Huy Du tên khai sinh là Nguyễn Huy Du, sinh năm 1926 tại Bắc Ninh. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng, ngày nhỏ ông theo cha lên Hà Nội để sinh sống và học tập.
Năm 1944, nhạc sĩ Huy Du tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc, đến năm 1945 thì nhập ngũ và bắt đầu hoạt động cách mạng trong Đội tuyên truyền vũ trang. Từ năm 1947 đến 1949, ông hoạt động ở Liên khu III và từng làm Trưởng đoàn văn công Sư đoàn vào năm 1951. Năm 1962, sau khi du học ở Nhạc viện Bắc Kinh về, nhạc sĩ Huy Du tiếp tục làm việc tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam) cho đến năm 1977. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Huy Du đã từng đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Quốc hội khoá VIII. Ông cũng từng là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Trong lúc hoạt động tại Liên khu III nhạc sĩ Huy Du đã có những nhạc phẩm nổi tiếng như “Tôi yêu hòa bình”, “Ba Vì năm xưa”,… Nhưng khoảng thời gian sau khi du học về nước, âm nhạc của Huy Du mới thật sự nở rộ. Những ca khúc như “Bế Văn Đàn còn sống mãi”, “Tôi ca mãi đời anh”,… đã lan tỏa sâu rộng, được công chúng vô cùng đón nhận. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những bài hát của ông đã thực sự “bùng nổ”, trở thành kim chỉ nam cho bộ đội và nhân dân ngày ấy. Những bài hát ấy đến tận ngày nay vẫn in đậm trong trái tim của hàng ngàn, hàng vạn người Việt Nam yêu nước như: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Nổi lửa lên em”, “Đường chúng ta đi”, “Chưa giết hết giặc ta chưa về”,…
Còn PGS TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung là con út trong một gia đình có 9 anh chị em. Cha mất sớm, một mình mẹ bà phải lo toan mọi việc trong nhà. Khi kháng chiến bùng nổ, cả gia đình bà tản cư lên Bắc Kạn, ở đó một thời gian thì giặt Pháp ập đến, mẹ bà lại dẫn cả nhà về Ninh Bình ở nhà người cô ruột. Sau một thời gian, cả nhà lại tiếp tục dọn lên Tuyên Quang.
Năm 1951, bà Nhung được cơ quan là Cục Tiếp tế vận tải (Bộ Tài chính) cử đi học tại Trường Sư phạm Trung ương - Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Tại nơi đây, bà đã được học chuyên sâu về sư phạm và âm nhạc. Điều này đã giúp cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung rẻ sang một hướng khác.
Đến năm 1954, sau khi học xong, bà Nhung trở về Hà Nội và tham gia Liên hoa Văn công toàn quốc tại Hà Nội. Và cũng trong khoảng thời gian này, bà Nhung được mời về dạy âm nhạc tại trường Trưng Vương. Tại đây, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã có những sáng tác đầu tay như: "Ngày vui sướng của em", "Con đường tươi đẹp", "Thay trời làm mưa"... Đến năm 1959, bà Nhung thi đỗ vào khoa trung cấp bộ môn Violin tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và cũng từ đây bà quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung được giữ lại giảng dạy rồi tiếp tục đi tu nghiệp tại nước ngoài, sau đó bà về nước tiếp tục làm việc và được đề bạt làm Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhạc viện Hà Nội. Cho đến nay, bà Nhung đã có xuất bản hàng chục giáo trình và sách, cùng với nhiều tác phẩm khí nhạc dành cho âm nhạc chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung là người phụ nữ duy nhất được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 2001).
Âm nhạc se duyên, cách mạng dẫn lối
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung, chuyện tình giữa bà và nhạc sĩ Huy Du bắt đầu từ chiếc piano. Chuyện là, nhạc sĩ Huy Du ngày niên thiếu là bạn chí cốt của các anh trai bà. Sau này, ông được các anh nhờ dạy piano cho cô em gái, mặc dù thời điểm ấy “em Nhung” đã chơi đàn mandolin khá thành thạo. Mối tình ấy như được ông trời xe duyên tác thành. Trai tài gái sắc thuận theo tiếng gọi của tình yêu, gắn kết thành mối duyên lành.
Năm 1958, nhạc sĩ Huy Du và nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung cưới nhau. Nhờ sự hậu thuẫn của chồng, bà Nhung tiếp tục con được học vấn, mãi đến năm 1963, cả hai mới sinh con gái đầu lòng. Rồi sau đó, nhạc sĩ Huy Du lại ra chiến trường, xa cách hơn 10 năm ông mới trở về và cả hai lại có với nhau một đứa con trai.
Vì cùng là chiến hữu, đồng nghiệp nên hai ông bà rất vì nhau để vừa có thể chăm lo cho gia đình, vừa phấn đấu cho sự nghiệp riêng của mình. Khi ông ở chiến trường thì bà chăm sóc con cái, để ông yên tâm công tác. Và ngược lại, khi bà cần thời gian để nghiên cứu, học tập thì nhạc sĩ Huy Du sẽ chăm bẵm con cái, để bà Nhung yên tâm làm việc.
Trong cuộc sống, nhạc sĩ Huy Du là người chồng hiền lành, chân chất, dành trọn tình cảm cho gia đình, vợ con. Còn nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung là người phụ nữ dịu dàng, cần cù, chịu thương chịu khó, hết lòng chăm sóc chồng con. Trong sự nghiệp, cả hai là điểm tựa, là hậu phương vững chắc cho nhau. Họ là những người bạn tri âm tri kỷ, thường xuyên góp ý cho nhau để hoàn thiện âm nhạc của mình và đặc biệt, cả hai đều biết tôn trọng cá tính nghệ thuật, tôn trọng cái tôi của nhau. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm của họ đều có vị trí riêng trong lòng công chúng yêu nhạc.
Ở tuổi 82, PGS TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã mỉm cười hồi tưởng về câu chuyện giữa mình với người chồng Huy Du, bà nói: “Âm nhạc đã mang lại cho bà nhiều niềm hạnh phúc. Trong đó, hạnh phúc lớn nhất là được gặp chồng, nhạc sĩ Huy Du. Anh ấy thường kiệm lời và hiền lành lắm. Chúng tôi yêu nhau và hiểu nhau nên trong gia đình rất ít khi to tiếng với nhau. Chúng tôi lấy nhau nhưng cũng xa nhau nhiều vì anh đi chiến tường biền biệt, đến khi anh về tôi lại sang nước ngoài đi học và làm khoa học. Nhưng cả hai chưa bao giờ kêu than, mà thay vào đó vợ chồng động viên nhau để vượt qua hoàn cảnh”.
Thật sự rất hiếm có một gia đình nào mà cả hai người nghệ sĩ trong gia đình lại có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống tuyệt vời như hai ông bà. Nhạc sĩ Huy Du và vợ vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, cùng nhau đồng hành, chia ngọt sẻ bùi, vun đắp hạnh phúc cho tổ ấm của mình.
Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Yên: Thật hãnh diện khi nền tân nhạc có ông!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận