Nhạc sĩ Lê Yên: Thật hãnh diện khi nền tân nhạc có ông!

Nhạc sĩ Lê Yên đã sáng tạo tới tận lúc ra đi khỏi cõi đời này vào năm 1988. Ông là "ngôi sao sáng" trên bầu trời tân nhạc Việt Nam xứng đáng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Đỗ Thu Nga
11:23 28/06/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ TIÊU SỬ NHẠC SĨ LÊ YÊN

  • Tên thật: Lê Đình Yên
  • Nghệ danh: Lê Yên
  • Năm sinh: 1917
  • Năm mất: 1998
  • Quê quán: Sơn Tây, Hà Nội
  • Nghề nghiệp: nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
  • Ca khúc nổi tiếng: Bẽ bàng, Ngựa phi đường xa, Xuân nghệ sĩ hành khúc
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: 
  • Thời gian hoạt động: 1935 - 1998
  • Giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007

Nhạc sĩ Lê Yên là ai? 

Nền tân nhạc Việt Nam thật may mắn khi có sự góp mặt của Lê Yên - người nhạc sĩ tạo nên bao tác phẩm âm nhạc cho tuồng, kịch, phim, chèo với những pha trộn, tìm kiếm cho một giọng nhạc riêng thuần Việt. Đến những khoảnh khắc cuối cùng trên nhân gian này, ông vẫn miệt mài cống hiến cho âm nhạc...

Nhạc sĩ Lê Yên (tên thật là Lê Đình Yên, 1917 - 1998) là người Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tay (nay thuộc Hà Nội). Giống như nhạc sĩ Văn Chung (cùng nhóm Tricéa), thời thơ ấu Lê Yên cũng được tắm mình trong nguồn suối âm nhạc truyền thống từ đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung. 

Ông bắt đầu học nhạc từ năm 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc và trình tấu nhạc cổ điển. Lê Yên là một thành viên của nhóm Tricéa (cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn). Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu tìm tòi, sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức thịnh hành. 

nhac-si-le-yen-la-ai-va-nhac-si-le-yen-noi-tieng-nhat-voi-ca-khuc-nao
Chân dung nhạc sĩ Lê Yên

Năm 18 tuổi (1935), Lê Yên bắt đầu sáng tác và cho ra mắt các nhạc phẩm đầu tay như: Vườn xuân, Một ngày vui. Cũng trong năm 1935, ông viết bản "Bẽ bàng"; năm 1937 viết "Xuân nghệ sĩ hành khúc"; năm 1945 cho ra mắt bản nhạc "Ngựa phi đường xa" và đây là một trong những ca khúc do ban Thăng Long trình bày được nhiều khán giả yêu thích nhất. 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Lê Yên chuyển sang viết những ca khúc có nội dung mới mẻ như: Đoàn kỵ binh Việt Nam, Trận Đoan Hùng, Bộ đội về làng. Bên cạnh đó, ông còn phổ nhạc: Nhớ (thơ Thanh Hải); Kể và tướng Mỹ (thơ Tạ Hữu Yên), AI về Hà Bắc quê ta (thơ Phùng Quốc Thụy)... 

Do lăn lộn trong nghệ thuật từ sớm nên Lê Yên còn biết nhiều thể loại âm nhạc sân khấu như tuồng, chèo, cải lương... Một số với do Lê Yên viết nhạc nổi tiếng như: Cô gái Kinh Bắc (huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1985), Âm vang trống đồng. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho một số phim như: Câu chuyện làng Vũ Đại, Bài ca trên vách đá...

Sau khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc, nhạc sĩ Lê Yên tiếp tục sự nghiệp học tập và nghiên cứu âm nhạc. Ông sang Liên Xô học về âm nhạc. Sau đó ông trở thành một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội.

Cùng với công việc giảng dạy, nhạc sĩ Lê Yên còn là một nhà nghiên cứu lý luận với nhiều tham luận về âm nhạc cho sân khấu truyền thống. Ông viết các sách "Kinh nghiệm phổ thơ", "Đô rê mi tự học" (sách này viết chung với La Thăng)... Những cuốn sách của nhạc sĩ Lê Yên đã góp phần phổ cập âm nhạc cho quần chúng và đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt tài năng.

Nhạc sĩ Lê Yên là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Ông dành nhiều thời gian để học tập, tìm hiểu những điều mới mẻ trong âm nhạc Tây Phương. Nhưng cũng không quên vận dụng chất liệu dân tộc vào âm nhạc của mình. Cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời (15/11/1998), ông vẫn luôn nghĩ về âm nhạc và vẫn sáng tạo âm nhạc. 

Âm nhạc của Lê Yên gắn với dòng chảy lịch sử cách mạng, đậm bản sắc dân tộc

Nhạc sĩ theo cách mạng đến cùng

Thực hiện chủ trương của nhóm Tricéa, nhạc sĩ Lê Yên đã vận dụng chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ phổ nhạc bài đồng dao quen thuộc "Con mèo mà trèo cây cau" với nét nhạc tinh nghịch, hóm hỉnh. Và sự tinh nghịch này đã khiến ông và em trai (nhạc sĩ Lê Lôi) từng cùng nhau diễn màn khôi hài "Kéo đàn trước gương" trên các sàn diễn và được công chúng đón nhận rầm rộ. 

Hai anh em nhạc sĩ Lê Yên - Lê Lôi từng cùng các nhạc sĩ Nguyễn Văn Quý, Lương Ngọc Trác xuất ngoại sang chơi nhạc tại một quán bar ở Côn Minh (Trung Quốc). Đến khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, các nhạc sĩ trẻ trở về để cùng hòa vào làn sóng dân tộc. 

Nhiều đánh giá cho rằng, nhạc sĩ Lê Yên là người không ngừng sáng tạo trong nghệ thuật. Ông có thể tạo ra cảm hứng sáng tác mọi nơi, mọi lúc. Đơn cử như việc ông đi xem xiếc ngựa, nhìn kỵ sĩ trổ tài và nghe hành khúc "Chiến sĩ Việt Nam" của nhạc sĩ Văn Cao thấy bóng "chiến mã lên đường", thế là khởi hứng viết ra hành khúc tưởng tượng về đoàn kỵ binh Việt Nam mà người mến mộ quen gọi là "Ngựa phi đường xa". Hành khúc này rất hợp cho một tiết mục mở màn mà ban hợp ca Thăng Long của nhạc sĩ Phạm Duy. 

nhac-si-le-yen-la-ai-va-nhac-si-le-yen-noi-tieng-nhat-voi-ca-khuc-nao-0
"Ngựa phi đường xa" là một trong những tác phẩm ấn tượng của nhạc sĩ Lê Yên

Lê Yên là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của tân nhạc Việt Nam đã gia nhập đội ngũ của những nhạc sĩ đi theo cách mạng đến cùng. Trong những năm đất nước kháng chiến, nhạc sĩ Lê Yên còn cùng em trai Lê Lôi lên đường hành quân. Ông cũng từng cùng Nguyễn Văn Thương và Nguyễn Văn Tý dạy nhạc ở Khu Bốn. 

Đến năm 1940, ông lên Việt Bắc và viết "Trận Đoan Hùng" phổ thơ Lưu Quang Thuận. Sáng tác này như một tráng ca đĩnh đạc, sảng khoái, cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Nhưng dấu ấn sâu sắc nhất về bản lĩnh sáng tạo âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc của Lê Yên có lẽ được phác họa rõ nhất khi ông phổ thơ Hoàng Trung Thông thành bản trường a "Bao giờ trở lại" và được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng thưởng cho phần "Bộ đội về làng". Nhạc phẩm này cho thấy rõ sự nhuần nhuyễn, tinh tế trong các sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian mà chủ yếu là "Hò giã gạo" - một làn điệu dân ca lao động quen thuộc ở vùng Bình - Trị - Thiên.

Nhạc phẩm "Bộ đội về làng" còn cho thấy rõ khả năng thoát khỏi sự lệ thuộc khi phổ thơ, để ngôn ngữ âm nhạc được bay lên từ thơ, khác hẳn với phong cách phổ thơ như "hát thơ" của nhiều nghệ sĩ trước hoặc kế cạn thời kỳ của ông. "Bộ đội về làng" xứng đáng được đứng cùng "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Trường ca sông Lô" của Văn Cao hay "Du kích sông Thao" của Đỗ Nhuận... 

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ Lê Yên còn tạo ra một kỳ tích khi phổ bài thơ năm chữ của Thanh Hải có tựa đề "Nhớ" thành nhạc phẩm nổi tiếng. Ông đã chọn chất liệu Tây Nguyên để phổ nhạc bài thơ, tạo nên nét riêng biệt, đặc sắc. 

Sáng tác của Lê Yên thắm đượm phong vị âm nhạc dân tộc

Bên cạnh việc sáng tác tạo âm nhạc, Lê Yên còn dành thời gian làm nhạc cho cải lương, chèo và nhiều hơn cả là tuồng. Từng có thời điểm, nhạc sĩ Lê Yên không có mặt ở nhà thường xuyên. Ông theo các đoàn tuồng từ đi lưu diễn từ Nam chí Bắc. Trong thời gian này, ông có cộng tác liên tục với các đạo diễn sân khấu. Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội). Nhạc sĩ Lê Yên đã đắm mình trong âm nhạc dân gian, cổ truyền. Hầu như không có ca khúc nào của ông là không sử dụng chất liệu dân gian của một vùng miền nào đó. 

nhac-si-le-yen-la-ai-va-nhac-si-le-yen-noi-tieng-nhat-voi-ca-khuc-nao
Nhạc phẩm "Bẽ bàng" của Lê Yên

Ví dụ như trong nhạc phẩm "Bẽ bàng", nhạc dạo mở đầu là nhịp 3/4 nhưng không phải là nhịp valse Tây phương mà là sự giao hòa của điệu thức thất cung với điệu thức ngũ cung Tây Nguyên rất nhiều luyến láy trôi theo câu nhạc đã cắt rời nhịp thơ năm chữ: "Anh ơi! Em xin anh đừng/ Có hỏi con chim/ Con chim chỉ biết hót/Nó không hề ngồi im/Nhớ anh mà nó khóc đó anh…"...

Và cứ thế, suốt mấy mươi năm cuộc đời, nhạc sĩ Lê Yên đã dùng những hiểu biết sâu rộng về âm nhạc dân tộc của mình để sáng tạo ra giọng nhạc riêng thuần Việt, vừa truyền thống, vừa đương đại. Ông đã sáng tạo tới tận lúc rời xa trần thế. Ông xứng đáng được truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Danh sách nhạc phẩm và giải thưởng của nhạc sĩ Lê Yên

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Lê Yên sáng tác không quá nhiều như Văn Cao, Anh Bằng hay Trịnh Công Sơn nhưng những nhạc phẩm của ông đều có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Dưới đây là một số nhạc phẩm ấn tượng của ông: Con mèo mà trèo cây cau; Bẽ bàng; Bộ đội về làng; Đoàn kỵ binh Việt Nam; Một ngày vui; Ngựa phi đường xa; Trận Đoan Hùng; Vườn xuân; Xuân nghệ sĩ hành khúc (Nghệ sĩ hành khúc ca). 

Bên cạnh những tác phẩm âm nhạc để đời, ông còn góp phần đào tạo những nhạc sĩ kế cận, ông đã viết nhiều sách âm nhạc như: Kinh nghiệm phổ thơ và cuốn Đồ Rê Mi tự học (viết cùng với La Thăng).

Với những đóng góp của mình. Nhạc sĩ Lê Yên đã được ghi nhận:

Giải thưởng: Bài hát Bộ đội về làng (Giải Hội Văn nghệ Việt Nam), bài hát Kể vè tướng Mỹ (Giải Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương), Cô gái Kinh Bắc (Tuồng Quan họ; Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu năm 1985).

Nhạc sĩ Lê Yên còn được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2007.

Xem thêm: Nhạc sĩ Canh Thân: Một đời tài hoa phiêu lãng chốn trần gian

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận