Chữ "sầu" đã vận triệt để vào cuộc đời "đệ nhất đào thương" Út Bạch Lan như thế nào?
Út Bạch Lan là một nghệ sĩ cải lương thuộc hàng "cây đa cây đề", được khán giả yêu mến gọi là "sầu nữ" sân khấu. Hiếm ai biết rằng, cái tên ấy lại vận vào cuộc đời của bà.
HỒ SƠ - TIỂU SỬ NSƯT ÚT BẠCH LAN
- Tên thật: Đặng Thị Hai.
- Nghệ danh: Út Bạch Lan.
- Ngày sinh: 06/08/1935 - Ngày mất: 04/11/2016.
- Quê quán: Long An
- Nghề nghiệp: Nghệ sĩ cải lương.
- Danh hiệu (nếu có): Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) năm 1993.
- Thời gian hoạt động: 1946 - 2014.
Út Bạch Lan là ai?
Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại Long An. Bà là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, cùng thời với các nghệ sĩ như Thành Được, Thanh Nga, Hữu Phước...
Từ một cô bé hát rong, bà được cô Năm Cần Thơ phát hiện tài năng và nâng đỡ. Sự nghiệp của Út Bạch Lan lên như diều gặp gió từ đó. Bà đặc biệt nổi tiếng là chuyên trị những vai đào thương, là các nhân vật có số phận hẩm hiu, buồn khổ.
Lúc sinh thời, bà thường được khán thính giả gọi là "sầu nữ", "đệ nhất đào thương", "nữ hoàng vọng cổ",... Trong đố đó, Út Bạch Lan "ưng ý" cái tên "sầu nữ" nhất, cho rằng nó ứng với đời thực của mình. Quả thực, dù cho có sự nghiệp thành công rực rỡ, "sầu nữ" Út Bạch Lan không gặp may trong chuyện tình cảm...
Khi được hỏi, vì sao người ta gọi bà là "sầu nữ", nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình”.
Út Bạch Lan và chuyện đời tư sầu thương
Tuổi thơ cơ cực của Út Bạch Lan
Út Bạch Lan không phải là "con nhà nòi", nhưng bà sở hữu một giọng ca trời phú. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, chỉ còn mẹ chật vật nuôi con. Để kiếm tiền, hai mẹ con đi làm thuê quanh khu vực chợ Bình Tây. Khắp vùng ấy, ai ai cũng biết đến một cô bé Út xinh đẹp, duyên dáng.
Mẹ của Bạch Lan quen với mẹ của Văn Vĩ (tên thật là Đinh Văn Dậm), nên đã kết nghĩa hai chị em, cùng sống chung với nhau. Cũng vì thế, Út Bạch Lan thân thiết với Văn Vĩ, một cậu bé mù nhưng giỏi cổ nhạc. Thấy bé Út hát hay, lại học thuộc ca vọng cổ rất nhanh, Văn Vĩ bắt đầu dạy đàn hát cho cô em kết nghĩa.
Thời điểm đó, có không ít người mù đi hát dạo trong chợ kiếm tiền, kiếm bữa ăn qua ngoài. Thấy vậy, bé Út lén rủ ông anh Văn Vĩ đi hát dạo, hi vọng có thể kiếm đồng ra đồng vào. Hồi đó, bất cứ nơi nào bé Hai cùng Văn Vỹ đi tới hát dạo, dân chúng lại tụ tập đông đúc để nghe và cho tiền.
Nhờ đó, gia đình họ cũng có chút tài chính, có bữa ăn bữa để. Chưa kể, đây cũng là cơ duyên giúp bé Hai được phát hiện tài năng, và đổi đời trở thành một nghệ sĩ cải lương nức tiếng miền Nam.
Út Bạch Lan và cuộc hôn nhân "đẫm nước mắt" với nghệ sĩ Thành Được
Thời điểm ở đỉnh cao sự nghiệp, bà nổi tiếng nhất qua những lần đóng cặp với nghệ sĩ Thành Được. Cả cuộc đời, bà chỉ yêu đúng một người, và cũng chỉ cưới đúng người ấy. Bà và Thành Được từng tổ chức một đám cưới rất hoành tráng, được "cô Bảy" Phùng Há và bà bầu Kim Chưởng tác hôn. Hàng trăm đồng nghiệp và cả ký giả đã tới chúc mừng, vô số bài báo ca ngợi cuộc tình của bộ đôi kép đào được phát hành.
Ấy thế mà, hạnh phúc không kéo dài lâu. Út Bạch Lan yêu Thành Được vì sự tài năng, lãng mạn và đa tình, nhưng bà cũng khổ vì chính điều ấy. Đám cưới chưa được bao lâu, một thiếu phụ nọ dẫn con gái 3 tuổi đến giao cho bà. Cô ấy nói, đó là con gái Thành Được, nhờ bà nuôi hộ một thời gian để tránh mâu thuẫn gia đình. Cô thương xót cho số phận của đứa trẻ, lại sợ mất chồng nên nhận nuôi. 2 năm sau, người thiếu phụ ấy quyết định tới xin đón con đưa về, khiến Út Bạch Lan không khỏi đau lòng.
Chưa hết, ngay sau đó lại có một cô gái trẻ bụng mang bầu xin gặp Út Bạch Lan. Cô vừa khóc vừa nói: "Em là Thu Hà, nữ sinh ở Huế. Hôm ấy đoàn ra ngoài Huế hát, em tìm đến xin anh Thành Được tấm hình, ảnh hẹn em ở khách sạn. Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ em đuổi em ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng".
Một lần nữa vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Hà ở, hàng ngày thuê xích lô mang cơm tới cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, người con gái ấy lại van xin cô: "Em còn quá trẻ, không thể sống như thế này được, em lạy chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời!".
Không chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sinh theo họ chồng, đặt tên Châu Văn Dũng. Quả thực, tấm lòng bao dung của cô đã khiến nghệ sĩ Thành Được xúc động. Bản thân Út Bạch Lan cũng nghĩ, nếu mình không thể sinh con, thôi thì nuôi con chồng như con mình vậy.
Nào ngờ, Thành Được lại "ngựa quen đường cũ", không lâu sau đó lại làm một cô gái tên Trinh mang bầu. Đáng nói, cô gái đó được Út Bạch Lan nhận làm em kết nghĩa, đưa về nhà làm quản lý gia đình. Đến lúc sinh con xong, cô rời đi, để lại đứa con nhờ bà Út nuôi. Thế là, Út Bạch Lan quyết định đặt tên con là Châu Điền Sơn, ở vậy nuôi con.
Về phần Thành Được, ông lại tiếp tục những cuộc vui tình ái, bỏ mặc vợ con. Mãi đến nhiều năm sau, khi cả hai hội ngộ trong một vở diễn, ông mới tỉnh ngộ xin lỗi. Trên sâu khấu, Thành Được xúc động nói: "Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?".
Sau cuộc hôn nhân đau đớn với nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan chọn ở vậy nuôi con. Nữ nghệ sĩ từng chia sẻ, bà khóc rất nhiều khi mẹ của những đứa trẻ đến xin nhận lại chúng. Cả cuộc đời bà, Út Bạch Lan không một lần oán trách chồng hay dùng sự hy sinh, vất vả của mình để níu kéo. Thay vào đó, bà một bươn chải, kiếm tiền nuôi lớn những đứa con riêng của chồng, tự tay dựng vợ gả chồng, xây dựng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc cho họ.
Những ngày tháng cuối đời của "sầu nữ" Út Bạch Lan
"Sầu nữ" nức tiếng một thời có sự nghiệp thành công là thế, nhưng tình duyên lại vô cùng lận đận. Cũng vì vậy, bà không kết hôn với ai khác, sống một mình. Đến tuổi xế chiều, bà nương tựa cửa Phật, không phải xuống tóc quy y mà đêm gõ mõ tụng kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền. Út Bạch Lan cho rằng, dù có thế nào thì cuộc đời của bà hạnh phúc, đầy đủ hơn rất nhiều khác trong cuộc sống này. Chính vì vậy, thay vì an nhàn hưởng thụ tuổi già, bà muốn dùng thời gian để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Ở độ tuổi 60-70, nữ nghệ sĩ vẫn còn hoạt động nghệ thuật rất năng nổ. Thế nhưng, bà không may mắc phải căn bệnh ung thư vào năm 2016. Thế là, nàng "sầu nữ" đành phải cất đi tiếng hát, vào ra bệnh viện để chữa trị bệnh. Dù tình trạng sức khỏe suy yếu, nhưng Út Bạch Lan vẫn giữ tâm thế lạc quan, yêu đời, trân trọng từng giây phút.
Biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, không còn sống được lâu, bà tự lo hậu sự cho chính mình. Bà tự chọn di ảnh cho chính mình, là một tấm hình cũ do nhiếp ảnh gia Minh Hoàng chụp cho từ lâu. Đó là tấm hình bà mặc chiếc áo bà ba tím, đeo khăn rằn đậm chất Nam bộ, miệng cười hồn hậu. Cuối năm 2016, Út Bạch Lan qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi, trong vòng tay của những người con nuôi mà bà hết lòng chăm sóc.
Út Bạch Lan và sự nghiệp nghệ thuật lẫy lừng
Út Bạch Lan và những ngày đầu đi hát
Út Bạch Lan có tới hơn 60 năm miệt mài bên sân khấu cải lương, là một "cây đa cây đề" trong giới. Bà sở hữu giọng ca trời phú, ngọt ngào mà da diết, lại thêm vẻ ngoài xinh xắn, dịu dàng, khiến ai nấy đều mê mệt.
Từ khi còn đi hát dạo với anh trai Văn Vĩ, Út Bạch Lan đã là một giọng ca nức tiếng. Về sau, nữ nghệ sĩ cải lương bộc bạch: "Tôi vẫn nhớ những ngày đi hát dạo, cực khổ lắm nhưng chính sự cơ cực đó đã giúp tôi có thêm sức lực để có thể đứng vững trước mọi khó khăn. Ngay cả anh Dậm cũng thế, đi hát dạo đã khiến ngón đờn của anh ấy ngày càng dẻo, càng ngọt. Chúng tôi trưởng thành nhờ ở trường đời".
Tiếng lành vang xa, cô Năm Cần Thơ - một trong những nghệ sĩ hàng đầu của làng cổ nhạc đã tìm đến. Thấy cô bé nhỏ hát ngọt lịm mê say, cô đã quyết định cưu mang và nâng đỡ. Cô Năm mời bé Hai khi đó mới 14-15 tuổi tới thu âm bản ca cổ "Trọng Thủy - Mỵ Châu" tại đài phát thanh Pháp Á. Giọng ca sầu muộn thiên bẩm của cô bé đã khiến khán thính giả khen ngợi hết lời, nhà đài đương nhiên cũng ưng ý. Họ quyết định ký hợp đồng thu âm với cô bé, lại gợi ý đổi tên nghệ danh nào cho ra chất "nghệ sĩ".
Ban đầu, bé Hai định đặt tên là Bạch Lan, nhưng mọi người cản, nói rằng đã có một cô Bạch Lan rất nổi tiếng bên đài Quốc gia rồi. Cuối cùng, cô quyết định thêm chữ Út, gọi là Út Bạch Lan.
Vở diễn cải lương đầu tiên của bà là "Đồ Bàn di hận", do soạn giả Lê Khanh viết. Ngay từ vở đầu tiên, cái tên Út Bạch Lan đã tạo tiếng vang lớn, khiến cả khán giả lẫn báo giới khen không tiếc lời. Người ta nói, chất giọng của cô gái này mang chất Kim pha Thổ, nhưng lối ca lại có chút nhát gừng, ngắt nghỉ nhả chữ, nên cảm giác u buồn, day dứt.
Út Bạch Lan từng nói, những kỹ năng mà bà học được là nhờ thầy của mình, ông vua vọng cổ phương Nam NSND Viễn Châu. Bà từng nói: "Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của ba Năm (NSND Viễn Châu), ông luôn dặn dò làm nghệ sĩ phải biết hóa thân thành nhiều nhân vật, điêu luyện và thuần thục nhiều động tác. Giọng ca là điều quan trọng nhất nhưng phải biết kết hợp tất cả với nhau để thể hiện tốt nhất trên sân khấu, cả ca và diễn để không phụ lòng yêu mến của khán giả đã đến rạp xem nghệ sĩ hát và lời dạy ấy luôn theo tôi đến tận bây giờ".
Vào thập niên 1950, Út Bạch Lan nổi rần rần các sân khấu cải lương ở Sài Gòn. Bà đóng nhiều vở diễn đến mức trở thành bất hủ, như "Dưới hàng phượng vĩ", "Nước mắt kẻ sang Tần", "Tình cô gái Huế", "Tình tráng sĩ", "Nhớ rừng", "Cung đàn trên sông lạnh", "Thiên Thần trên thiết mã", "Hoa Mộc Lan", "Chén cơm đô thành",...
Út Bạch Lan và những vở cải lương để đời
Năm 1958, bà ký hợp đồng độc quyền với đoàn Kim Chưởng, về sánh đôi với nghệ sĩ Thành Được. Cả hai trở thành một cặp bài trùng nức tiếng lúc bấy giờ, rồi kết duyên vợ chồng. Khổ nỗi, có lẽ những vai đào u buồn bà hay diễn đã vận vào người, mà cuộc hôn nhân này khiến Út Bạch Lan vui thì ít, mà buồn thì nhiều. Lúc sinh thời, khán giả và báo chí đặt cho bà nhiều biệt danh vang vọng, như "Bức trường thành vọng cổ", "Nữ hoàng vọng cổ", "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng sầu muộn", "Sầu nữ Út Bạch Lan", "Sầu nữ liêu trai", "Vương nữ sương chiều"… Dù vậy, bà chỉ nhận mình là "sầu nữ", nói rằng cái biệt danh đó là giống với mình nhất.
Cũng có chút an ủi là, sự nghiệp của nữ nghệ sĩ cải lương lên như diều gặp gió. Bà được vô số hãng đĩa tranh nhau mời về thu thanh, từ đĩa đơn đến đĩa tuồng. Loạt băng đĩa của bà đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật... với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác, mà đĩa nào đĩa nấy bán đắt như tôm tươi. Trong đó, vai chị Hằng ở vở "Con gái chị Hằng" đã khiến tên tuổi Út Bạch Lan lên hàng đỉnh cao. Bà hóa thân thành người mẹ hết lòng hết dạ thương con, cuối cùng vì những bước đi sai lầm mà phải bỏ mạng thê thảm, để lại đứa con dại khờ.
Khi đi diễn cho đoàn hát Kim Chưởng, bà liên tục diễn những vai đào xuất sắc, như Kiều Phi Yến trong vở "Nửa bản tình ca", hay Chiêu Trúc Lệ trong vở "Thuyền ra cửa biển". Đặc biệt, vở ca cổ "Hoa lan trắng" do soạn giả Viễn Châu viết riêng cho bà, dựa trên cuộc đời của Út Bạch Lan đã được coi là vở ca bất hủ. Giọng ca u sầu, não nuột của nữ nghệ sĩ đã khiến khán giả không khỏi xúc động, xót xa: "Bao nhiêu mưa gió ngập trời/Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan?".
Năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT. Trong suốt hơn 60 năm sự nghiệp, giọng ca vàng và loạt vai diễn để đời đã đưa cái tên "sầu nữ" Út Bạch Lan trở thành "cây đa cây đề" của làng nhạc cải lương. Người ta nói, chất giọng của bà chỉ nghe vài chữ là biết, đậm chất miền Tây, vừa ngọt ngào lại vừa thấm thía. Giọng hát đã mê lòng người, lại thêm lối diễn thuyết phục, gương mặt đẹp như tiên càng khiến khán giả mê mệt. Cái tên Út Bạch Lan cứ thế vang đến những ngóc ngách của mọi miền quê, in đậm một thời vàng son của cải lương, vọng cổ.
Dù cho sở hữu giọng ca trời cho, nhưng bà không cậy vào cái thiên phú ấy, mà luôn nỗ lực luyện tập. Dù là những ngày mới đi hát hay đến khi đã nổi tiếng lẫy lừng, bà không ngừng khổ luyện để nâng cao kỹ năng diễn xuất, ca ngâm của mình.
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã tham gia gần 20 đoàn hát, diễn tới hàng trăm vai tuồng. Thậm chí, đã có lúc Út Bạch Lan còn đảm nhiệm cả vai trò quản lý, quán xuyến công việc của đoàn hát. Dù là ở vai trò nào, ở đoàn hát nào, nữ nghệ sĩ cải lương ấy cùng cố gắng hết mình, làm tốt trách nhiệm.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Huỳnh Công Minh vốn rất thân thiết với bà đã nhận xét: "Cô Út hiểu hơn ai hết, nghề diễn viên mênh mông như biển rộng, nếu người nghệ sĩ nản tay chèo thì khó mà trưởng thành. Đối với cô Út, bao giờ bà cũng đặt mình trong tâm thế thiếu để nuôi cho no đầy cảm xúc trước khi nhận vai tuồng mới".
Út Bạch Lan và sự tâm huyết với nghề đến tận lúc ra đi
Về sau, NSƯT Út Bạch Lan thường cùng các anh em nghệ sĩ trong nhóm từ thiện biểu diễn. Họ hăng say làm nghệ thuật, với múc đích là gây quỹ từ thiện cho chùa, hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, bà quy y cửa Phật, tuy không xuống tóc xuất gia, nhưng vẫn miệt mài đọc kinh tu tập. Bà chọn sân chùa làm sân khấu, chọn hát những bài ca, những vở tuồng về Phật để có tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền, làm từ thiện.
Khoảng những năm 1980, bà cùng NSND Út Trà Ôn và soạn giả Dương Kinh Thành lập ra đoàn Cải lương Phật giáo, lưu diễn cúng dường ở các chùa. Các nghệ sĩ được trưởng ban Văn nghệ Thành hội Phật giáo khi đó đỡ đầu, đặt Pháp danh chữ giác, như bà là Giác Nhã.
Đến tuổi xế chiều, bà lui dần về ở ẩn, sống một cuộc sống chay tịnh mộc mạc, đơn giản. Thỉnh thoảng, bả lại xuất hiện trên sân khấu, ca hát để gây quỹ làm việc thiện, xem đó là lẽ sống. NSƯT Út Bạch Lan bộc bạch: "Có đi tận nơi, thấy được nỗi khổ của mọi người. Mới giật mình nhận ra mình có phước vô cùng. Ấy vậy mà đôi khi còn không biết hưởng, còn sinh ra lắm chuyện. Út đi nhiều, thấy nhiều nên bây giờ ai nói Út hà tiện Út chịu vì thấy xung quanh người ta còn cơ khổ quá mà mình ăn xài phung phí thì tội lắm. Hồi trẻ không biết, đua đòi nhiều, ai có gì mình phải có nấy. Bây giờ cơm ăn mỗi bữa, áo mặc mỗi ngày… Út đều thầm tạ ơn trời đất đã cho mình có may mắn hơn người"...
Lại nói, vào năm 2015, nghệ sĩ Kim Cương có lên tiếng cơ quan chức năng về việc xin đặc cách cho Út Bạch Lan nhận danh hiệu NSND. Thế nhưng, bà lại từ chối, nói rằng: "Tôi tự thấy mình cao tuổi, không còn làm được gì nhiều cho sân khấu, chỉ biết đóng góp những việc trong khả năng. Vì vậy, tôi không dám viết đơn xin danh hiệu". 1 năm sau, lúc này nữ nghệ sĩ đã qua đời, bà lại được đề xuất truy tặng danh hiệu NSND. Thế nhưng, gia đình bà đã quyết định từ chối, nói rằng danh hiệu chỉ cần khi còn sống, còn khi đã mất thì điều đó không còn ý nghĩa gì cả.
Út Bạch Lan và những vở diễn, vai diễn để đời
Út Bạch Lan là một trong những nữ nghệ sĩ cải lương gạo cội, được mệnh danh là "đệ nhất đào thương". Trong suốt sự nghiệp, bà đã "kinh" qua hàng trăm vai diễn, vở kịch, để lại biết bao màn trình diễn đi vào hàng "bất hủ" làm khán giả say mê. Dưới đây là một số vai diễn nổi bật:
Các tiết mục cải lương mà Út Bạch Lan từng thể hiện
- Con gái chị Hằng
- Khi hoa anh đào nở
- Mùa thu lá bay
- Người tình trên chiến trận
- Người vợ không bao giờ cưới
- Nửa bản tình ca
- Nửa đời hương phấn
- Sương mù trên non cao
- Tấm lòng của biển
- Thái hậu Dương Vân Nga
- Thuyền ra cửa biển
- Tiếng hò sông Hậu
- Tình mẫu tử
- Tình tráng sĩ
- Tuyệt tình ca
Các tiết mục ca cổ mà Út Bạch Lan từng thể hiện
- Biết trả lời sao
- Bức thư chiều 29 Tết
- Buồn theo sóng nước trùng dương
- Chiều chia ly
- Cô gái hái dâu
- Đêm muôn thu
- Đèn khuya
- Đồi sim
- Dứt đường tơ
- Gánh chè khuya
- Giấc ngủ cô đơn
- Hai phương trời cách biệt
- Huyền Trân công chúa
- Khuya nay anh đi rồi
- Lan
- Lan và Điệp
- Lâu đài tình ái
- Lệ rơi trong mái tranh nghèo
- Lưu Nguyễn biệt thiên thai
- Mẹ dạy con
- Một đời yêu anh
- Mùa chia tay
- Nuôi chồng
- Phận làm dâu
- Sao chưa thấy hồi âm
- Thương về miền Trung
- Tiếng sáo giữa trời khuya
- Tiếng ve sầu
- Tìm anh
- Tình đêm phố cũ
- Tình thương của mẹ
- Tựa bụi cỏ lan
- Vắt sữa nai nuôi mẹ
- Vương Thuý Kiều
- Yêu
Út Bạch Lan và một số hình ảnh hiếm người biết
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận