Vì sao ca sĩ Thái Hằng được gọi là "thần hộ mệnh" của nhạc sĩ Phạm Duy?

Ca sĩ Thái Hằng được người đời đánh giá là người vợ mẫu mực và thầm lặng phía sau hào quang của nhạc sĩ đa tài đa tình Phạm Duy.

Đỗ Thu Nga
08:00 20/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Duyên lành từ quán Thăng Long

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng thừa nhận mình là người "nghiện yêu", mỗi tình khúc của ông đều liên quan đến một cuộc tình. Báo chí thời đó gọi Phạm Duy là "con bướm đa tình". Miệt mài bay lượn tìm kiếm các cuộc tình chớp nhoáng, đến khi mỏi cánh chọn cách lập gia đình với người con gái tài sắc - ca sĩ Thái Hằng. 

Ca sĩ Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh năm 1927 tại Hà Nội. Bà là chị ruột của ca sĩ Thái Thanh cùng nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ngoài ra, bà còn là thân mẫu của ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường. Tên tuổi của bà Thái Hằng gắn liền với nhạc sĩ Phạm Duy và ban nhạc Thăng Long.

Cha của ca sĩ Thái Hằng là ông Phạm Đình Chương. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 4 con trai: Phạm Đình Trung, Phạm Đình Chính, Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Người vợ sau của ông Phụng sinh được 3 người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng); con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương; con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh). 

Các anh chị em của ca sĩ Thái Hằng đều là những nghệ sĩ tên tuổi thời đó. Bởi song thân của họ là hai người sành nhạc cổ. Cha của bà chơi đàn nguyệt, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh và đàn tỳ bà nổi tiếng đất Bắc. Bà còn là chị em bạn dì ruột với giọng ngâm tên tuổi Hồ Điệp.

vi-sao-ca-si-thai-hang-duoc-goi-la-than-ho-menh-cua-nhac-si-pham-duy-8
Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng ngày mới kết hôn

Ngày 12/9/1946 (ngày toàn quốc kháng chiến), gia đình ông Phạm Đình Phụng tản cư ra Sơn Tây. Ông bà đưa các con chạy xuống vùng xuôi, mở quán phở Thăng Long. Quán ăn này trở thành nơi tụ họp của các văn nghệ sĩ kháng chiến. Họ đến ăn phở và nghe nhạc. Và từ đó cái tên Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời. 

Đến năm 1949, anh chị em Thăng Long gia nhập các ban văn nghệ quân đội của liên khu IV. Quán Thăng Long dời về chợ Neo ở Thanh Hóa. Ở đây, tiếng hát và nhan sắc của Thái Hằng trở nên nổi tiếng trong giới văn nghệ kháng chiến. Đây cũng là nơi, nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu gặp gỡ ca sĩ Thái Hằng.

 Trong hồi ký, Phạm Duy có ghi lại cuộc gặp gỡ định mệnh với ca sĩ Thái Hằng ở quán Thăng Long như sau: "Chợ Neo là một chợ quê rất bé, trước kia chỉ lèo tèo vài gian nhà trống dùng làm nơi họp chợ của dân địa phương. Bây giờ thì có thêm khoảng hai chục cửa hàng là những túp lều lá do dân di cư dựng lên. Quán Thăng Long nằm ở ngay trước mặt một ngôi chùa nhỏ, chung quanh chùa có đào nhiều hỗ tránh máy bay. 

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Chương và Thái Hằng tới quán Thăng Long. Đã quen hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê sát lại với nhau. Cùng Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội...

Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh. Nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng - như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào - bởi vì tôi còn đang bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi. Vả lại lúc đó cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích... 

Khi vào tới Khi IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau tại đoàn văn nghệ, nhưng tôi với Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội, sống riêng biệt. Mới đầu, tôi thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ đôi trai gái nào....

Gần 6 tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm nàng vào lòng, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ...".

Ca sĩ Thái Hằng - người vợ tào khang của Phạm Duy

Đám cưới của danh ca Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra giản dị tại quán Thăng Long. "Đám cưới giản dị đến nỗi không có một cái nhẫn cưới để tặng cô dâu, nhưng tôi có thể nói ngay ra đây là kể từ hôm nay cho tới 40 năm sau, chưa bao giờ đôi vợ chồng này to tiếng với nhau một lần", Phạm Duy viết trong hồi ký.

Sau khi kết hôn, như lời Phạm Duy từng nói, hành trình âm nhạc của gia đình họ từ đó sinh sôi thêm những tài năng mới. Với Duy Quang là con đầu lòng sinh năm 1950, và các em Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo.

Từ ngày kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy, Thái Hằng trở thành người phụ nữ của gia đình. Một tay bà chăm lo chu toàn cho 8 người con và hết tâm hết sức yêu thương Phạm Duy. Thái Hằng biết Phạm Duy đào hoa, có nhiều cuộc tình chóng vánh bên ngoài nhưng bà đều khoan dung bỏ qua, luôn cố gắng giữ cho nếp nhà được êm ấm. 

Với ca sĩ Thái Hằng, bổn phận làm vợ, làm mẹ là quan trọng nhất. Bà coi sự nghiệp ca hát chỉ là phụ. Suốt đời bà chú tâm vào vun vén gia đình. 

Nhạc sĩ Phạm Duy từng tâm sự, trong 52 năm sống chung, hai người chưa bao giờ phải lớn tiếng với nhau. Thái Hằng có những đức tính tốt mà không phải người vợ nào cũng có được. Đó là nhiều lần tha thứ cho bản tính bay bướm của chồng, hoặc là bà đã chấp nhận số phận đó khi quyết định đồng ý lấy chồng là một nhạc sĩ tài hoa bậc nhất nền âm nhạc Việt Nam. 

Nhạc sĩ Phạm Duy từng chia sẻ trên một phỏng vấn như sau: "Khi tôi không còn, các con tôi sẽ kể lại cho nghe tôi có bao nhiêu cuộc tình. Các con tôi biết hết, vợ tôi cũng biết. Trước khi ra đi, bà ấy còn nói với các con: ‘Chuyện của bố mày tao biết hết, tao để cho bố mày làm vì nghệ thuật".

Nhận xét về tính cách của bà Thái Hằng, nhà văn Văn Quang (hàng xóm thân thiết của gia đình Phạm Duy) kể rằng: "Thái Hằng là người rất bình dị. Chưa bao giờ chị chứng tỏ mình là “một cái gì”, ít ra cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải là một nữ danh ca thượng thặng trong ban hợp ca Thăng Long.  

Chị sống chan hòa như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với mọi người trong xóm, chị sống hết sức bình dị, không se sua, không làm dáng. Mỗi buổi sáng, quần ta, áo cánh xách giỏ đi chợ như mọi bà nội trợ bình thường khác. Chị thân thiện chân thành chứ không phải sự “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang sau gáy. 

Suốt hơn 10 năm, sống gần gia đình chị, từ khi Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh còn rất nhỏ cho tới khi các cháu lớn lên, tôi chưa hề thấy chị to tiếng với bất kỳ cháu nào và chị cũng chưa từng làm mất lòng ai trong xóm. Sự khoan hòa dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho nữ giới".

Ngày Mùng 1 Tết Âm lịch năm 1999, nhạc sĩ Phạm Duy thấy vợ ho mãi không dứt nên đưa đi bệnh viện thăm khám thì phát hiện bà ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà sống thêm được 7 tháng thì qua đời (năm 1999) tại nhà riêng ở Mỹ. 

Sau khi ca sĩ Thái Hằng qua đời, có nhiều lời tiếc thương gửi đến gia đình ông. Nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi lại thư cảm ơn, trong đó, ông ca tụng vợ quá cố là "Thần hộ mệnh" trong đời ông. 

vi-sao-ca-si-thai-hang-duoc-goi-la-than-ho-menh-cua-nhac-si-pham-duy-9
Vợ chồng Phạm Duy và các con

Sau khi ca sĩ Thái Hằng qua đời, có nhiều lời tiếc thương gửi đến gia đình ông. Nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi lại thư cảm ơn, trong đó, ông ca tụng vợ quá cố là "Thàn hộ mệnh" trong đời ông. 

Dưới đây, Amnhac.net xin trích nguyên thư cám ơn của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ca sĩ Thái Hằng qua đời:

"Midway City, ngày 16 tháng 8 1999 

Cám ơn các bạn đã có những lời phân ưu đến với gia đình tôi vào những ngày tang tóc này, như những lời an ủi huyền diệu. 

Nhà tôi ra đi rất êm ái như đã êm ái đến với cuộc đời quá huyên náo này. Êm ái lớn lên trong bóng mát của cha mẹ, êm ái đi vào cuộc chĭến, đi vào hai cuộc tình rồi êm êm đi vào hôn nhân. Thành người vợ, người mẹ một triệu lần êm ái, rồi cùng chồng con và biết bao nhiêu tổ ấm khác, êm đềm ruổi rong di tản trong nước rồi lưu vong trên thế giới. Êm ả và âm thầm ngay cả trong cuộc hẹn hò với bạo bệnh và tử thần từ nhiều năm qua… 

Giữa năm nay, sau khi từ bệnh viện về nhà và biết rõ số phận mình, nhà tôi có đủ thời gian để ôn lại chuyện đời, chuyện nhà và trối trăn với chồng con, với anh em ruột, và cùng dăm ba người bạn vong niên… 

Bà đã có may mắn là trong 50 năm nước nhà tan tác, dù cũng như nhiều người khác, phải ba bốn lần bỏ nhà bỏ cửa ra đi nhưng bà chưa hề phải xa chồng một ngày, chỉ bị xa con vài năm rồi lại đoàn tụ. Bà luôn luôn được sống chung dưới một mái nhà với chồng, với con, với cháu cho tới ngày tận số. Là chủ gia đình nhưng chưa bao giờ bà phải lo lắng hay vất vả vì sinh kế, bà chỉ sống để làm người vợ đại lượng và hiền lành nhất vùng, người mẹ bao dung và hiền hậu nhất xóm với nhiệm vụ là bà TIÊN NỮ của các con và trách nhiệm là vị THẦN HỘ MỆNH (hay BÀ CHÚA NGỤC) của chồng. Bà là người mẹ không biết dùng roi với con. Bà là người vợ trong 50 năm chung sống với chồng không một lời nói nặng. Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo, đậm đà của gia đình này. Nhà tôi ra đi với nụ cười lặng lẽ đó… 

Về phần tôi, vào đúng ngày Tết Nguyên Ðán năm nay, khi bác sĩ khám phá ra nhà tôi bị ung thư phổi và không thể sống quá một năm, tôi bị chấn động tinh thần, mất ăn, mất ngủ, sụt 13 pounds và phải đi khám tổng quát tim, phổi, gan, dạ dầy… xem có bị ung thư hay không? Kết quả là cơ thể không hề hấn gì nhưng tinh thần thì suy sụt. Tôi đã phải đình chỉ mọi hoạt động văn nghệ dù có những ”shows” đã ”booking” từ lâu. Suốt nửa năm trời cùng với các con lo việc chữa bệnh cho nhà tôi, thay phiên nhau trông nom bà ấy trong bệnh viện hay khi đưa bà về nhà điều trị, tôi cũng dần dần lấy lại được sự thăng bằng trong đời sống, dù lúc nào cũng có một tảng đá lớn đè trên ngực mình. 

Bây giờ thì nhà tôi đã nhẹ nhàng ra đi, tảng đá kia đã cũng nặng nề đổ xuống, lo xong việc chôn cất cho vợ là tôi có thể thành một người tự do hơn trước, vì đã làm xong bổn phận người chồng. Các con tôi cũng đã quá khôn lớn, bây giờ tôi sắp sửa được trở về cái cõi cô đơn truyền kiếp của người nghệ sĩ muôn đời. Tôi lại được tự do thênh thang vác đàn ngao du như trong một thuở xa xưa nào, hoa cài trên phím, tiếng cười trong dây… Xin được cám ơn mọi người bằng nụ cười cô đơn đó. (Phạm Duy)

Lúc sinh thời, bà Thái Hằng được xưng tụng là danh ca, nhưng không nhiều người được nghe giọng ca của bà. Bởi những bản thu âm của bà còn lại đến nay rất hiếm. Sở dĩ như vậy là bởi, sau khi kết hôn với Phạm Duy (1948), bà không còn hoạt động ca hát nữa, mà dành toàn thời gian cho chồng con. 

Những năm ca hát sôi nổi nhất của bà là trong chiến khu ở các vùng phía Bắc. 

Xem thêm: Vì sao nhạc sĩ Phạm Duy từng đập đàn cấm con đi hát?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận