Nhạc sĩ Từ Công Phụng và ca sĩ Từ Dung: Trai tài gặp giai nhân giúp nền tân nhạc có thêm cặp song ca ăn khách
Tài và sắc đã trói buộc Từ Công Phụng và Từ Dung vào nhau, để họ nên vợ thành chồng. Và nền tân nhạc có thêm một cặp song ca ăn khách. Thế nhưng...
Nhạc sĩ Từ Công Phụng là người tự học thành tài. Năm 18 tuổi, ông nổi đình đám trong giới sinh viên với tình khúc đầu tiên "Bây giờ tháng mấy" (ra đời năm 1960). Sau đó, ông lên Đà Lạt lập ban nhạc với Lê Uyên Phương, đó là ban nhạc Ngàn Thông. Ban nhạc này biểu diễn hằng tuần trên Đài phát thanh Đà Lạt.
Không dữ dội như Lê Uyên Phương, âm nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, sang trọng. Ông còn có tài phổ nhạc cho thơ, đặc biệt là thơ của Du Tử Lê, tiêu biểu như bài "Trên ngọn tình sầu", "Cảm ơn"...
Năm 1968 được xem là một trong những cột mốc đáng nhớ trong đời Từ Công Phụng. Đó năm ông gặp được Từ Dung - cô gái có làn da trắng, dáng đẹp và từng đoạt danh hiệu á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp ở miền Nam. Và dường như các sáng tác của Từ Công Phụng được "sinh" ra là để dành cho giọng hát của Từ Dung.
Theo tìm hiểu, ca sĩ Từ Dung sinh năm 1945, là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) - một nhân vật trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và là cháu ruột của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp Tú tài toàn phần. Năm 1969, bà lấy bằng cử nhân văn chương.
Sinh ra trong gia đình tri thức, được đầu tư cho ăn học bài bản nhưng Từ Dung lại say mê ca hát. Để thỏa mộng cầm ca, bà theo học thanh nhạc với danh ca Châu Hà (vợ nhạc sĩ Văn Phụng). Chính môi trường này đã đưa đẩy bà gặp gỡ, quen biết rồi trở nên thân thiết với nhạc sĩ Từ Công Phụng. Tài và sắc đã trói buộc họ lại với nhau, để thành vợ thành chồng. Và cũng nhờ duyên tình này mà nền tân nhạc Việt Nam lại có thêm một đôi song ca ăn khách (cùng thời với các cặp đôi nổi danh khác như Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, Lê Uyên - Phương). Mỗi cặp đôi sở hữu một chất riêng nhưng giống nhau ở chỗ giọng nam kiêm luôn sáng tác. Trong 3 cặp đôi này thì Từ Công Phụng - Từ Dung ít nổi tiếng hơn nhưng cũng là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc thời điểm đó.
Phong cách âm nhạc sang trọng, thuần khiết lãng mạng của Từ Công Phụng đã chinh phục được Từ Dung khiến nàng nguyện theo chàng lập nghiệp. Hai người xuất hiện tại sân khấu CLB Đại học Văn khoa Sài Gòn với ca khúc "Bây giờ tháng mấy". Sức lôi cuốn mạnh đến nỗi hai người phải hát đi hát lại nhiều lần để sinh viên được hát theo. Họ có sân khấu riêng và cũng có fan hâm mộ đông đảo.
Năm 1969, Từ Công Phụng và Từ Dung kết hôn, có với nhau một người con gái. Có thể nói, tình yêu của hai người chính mà mạch nguồn cảm xúc vô tận trong sáng tác của Từ Công Phụng. Âm nhạc của ông ngày càng nặng trĩu nỗi lòng, sự dằn vặt trong tâm hồn. Cùng với đó là những lời ca chan chứa niềm xót xa và u uẩn trong tình yêu.
Đó là tuyển tập "Tình khúc Từ Công Phụng" (1968 - tái bản 1969), "Trân ngọn tình sầu" (1970); tập hợp khoảng 20 tình khúc. Hầu hết đó là những bi kịch của nội tâm người nghệ sĩ. Trong đó có hình ảnh dịu dàng của mùa thu và nỗi cô đơn luôn ám ảnh lòng người...
Mười năm sau những rực rỡ của âm nhạc và tình yêu, sự rạn nứt trong hôn nhân đã xuất hiện. Những biến động xã hội cùng những cam go trong mưu sinh đã chia rẽ Từ Công Phụng và Từ Dung. Họ từng mở quán cà phê trên phố Trần Quang Khải (1976) nhưng cũng phải đóng cửa theo sự lần hồi của cuộc sống. Và khi có sự cảm về sự đổ vỡ, Từ Công Phụng đã viết "Chiếc que diêm".
Vào một ngày đầu sầu bi, hai người chia tay. Chẳng ai biết được nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này là gì? Nhưng theo một người quen của cặp đôi, vào một chiều 30 Tết, ông ta tình cờ gặp Từ Công Phụng trên đường và họ rủ nhau đi bộ về nhà. Dọc đường, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã trải lòng tâm sự hết nỗi niềm của mình với những lời trách móc Từ Dung. Song đó cũng chỉ là lời từ phía của Từ Công Phụng, còn từ phía Từ Dung thì chẳng có lời nào cả.
Năm 1980, nhạc sĩ Từ Công Phụng qua Mỹ định cư và lập gia đình mới với bà Kim Ái. Còn ca sĩ Từ Dung ở lại Việt Nam, thuê một căn phòng trong cư xá Ngân hàng (Quận 3). Bà ít nói chuyện với mọi người, đêm đêm thường khỏa thân ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như pho tượng. Một thời gian sau, bà qua cơn trầm cảm và sang Mỹ định cư. Bà lập gia đình mới với một người đàn ông Mỹ.
Về phần Từ Công Phụng, khi ra nước ngoài định cư vẫn sáng tác và ca hát. Ông cũng có nhiều lần về thăm và biểu diễn ở Việt Nam. Cuối năm 2012, ông có một đêm nhạc riêng ở Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Còn bà Từ Dung thì ít được nhắc đến hơn. Bà cũng không xuất hiện trước công chúng nữa.
Sau này, trong các cuộc phỏng vấn, Từ Công Phụng cũng chỉ nhắc đến bà Kim Ái và các con. Dường như, bà Từ Dung chưa từng xuất hiện trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tất cả như đã chìm sâu trong quên lãng, dẫu hai người đã từng có một đoạn tình cảm sâu đậm, có những đêm nhạc song ca đầy tình tứ...
Xem thêm: Nhạc sĩ Từ Công Phụng và những cung bậc tình yêu nhân từ với thông điệp "cám ơn và xin lỗi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận