Top 5 bài nhạc phổ thơ hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ rất đỉnh. Xét về số lượng bài nhạc phổ thơ thì không ai có thể sánh bằng. Vậy nên, ông được mệnh danh là "phù thủy" phổ nhạc cho thơ.
Nhạc phổ thơ của Phạm Duy đa dạng về tiết tấu, phong phú trong cảm xúc. Nhạc phổ thơ của ông lúc trữ tình thi vị, lúc lại lặng buồn hiu hắt, nhưng cũng có khi lại là khúc bi tráng, và chắc chắn có những lúc sâu thẳm tâm linh, mộng mị, siêu thực... làm say lòng người nghe.
Với tài năng của mình, Phạm Duy không chỉ phổ nhạc thành công các thi phẩm nổi tiếng của Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hữu Loan... mà còn là người chắp cánh cho tên tuổi của các nhà thơ bay cao, bay xa, dù trước đó không được công chúng biết đến rộng rãi như Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Phạm Văn Bình, Minh Đức Hoài, Huyền Chi, Linh Phương...
Dưới đây là 5 bài hát hay nhất được phổ từ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy***:
1. Bài hát "Thuyền viễn xứ (thơ Huyền Chi)
Vì hoàn cảnh đất nước, phải ly hương từ sớm nên thi sĩ Huyền Chi (tên thật Ngọc Bút) đã viết "Thuyền viễn xứ" (1952). Vào một lần đến thăm nhà in báo Sống Chung, nhạc sĩ Phạm Duy đọc được tập thơ vừa in của Huyền Chi và xin được phổ nhạc một trong số những bài thơ trong đó.
Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ "Thuyền viễn xứ" với giai điệu buồn mênh mang như từng đợt sóng đưa thuyền xa bến: "Chiều nay sương khói lên khơi/ Thùy dương rũ bến tơi bời/ Làn mây hồng pha ráng trời/ Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người". Bài hát người sau đó được yêu thích bởi giọng ca của Lệ Thu.
2. Bài hát "Mùa thu chết" (thơ Apolinaire - Bùi Giáng)
"Mùa thu chết' là ca khúc nổi tiếng được Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của thi sĩ người Pháp Apolinaire theo bản dịch của Bùi Giáng. Bài hát này được ông sáng tác dành riêng cho người con dâu Julie Quang.
Trong hồi ký của mình, Julie kể, năm 1970, khi cô bắt đầu được nhạc sĩ Phạm Duy dẫn dắt chuyển sang hát nhạc Việt, cô không biết Bùi Giáng là ai, dù lúc đó ông đã là thi sĩ lừng lẫy.
Một ngày nọ, Bùi Giáng đến thăm Phạm Duy, nhạc sĩ khoe với thi sĩ: "Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát cho Toi nghe! con hát bài 'Vòng tay nữ sinh' và bài 'Hai khía cạnh cuộc đời' nhé!" (Đó là 2 ca khúc nhạc ngoại lời Việt của Phạm Duy, có tên gốc là To Sir With Love và Both Sides Now).
Trong lúc Julie hát, Bùi Giáng cầm cây bút chì hí hoáy vào một tờ giấy. Rồi ông khen Julie hát hay. Ông nói: "Ông và Bố sẽ có bài hát dính liền với tên con!".
Ngay lúc đó, Bùi Giáng dịch bài thơ "L'autaumne est morte" của thiên tài Guillaume Apolinaire ra tiếng Việt. Cũng trong ngày hôm đó, Phạm Duy phổ nhạc, cho ra đời ca khúc "Mùa thu chết" dành cho Julie: "Ta ngắn đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi".
3. Bài hát "Ngậm ngùi" (thơ Huy Cận)
Lúc sinh thời, Phạm Duy chia sẻ, ông mê thơ Huy Cận. Năm 1940, ông chọn bài "Nhớ hờ" và bài "Thu rừng" của Huy Cận để tập tành phổ nhạc nhưng không thành công.
Đến năm 1960, chiều lòng người đẹp Lệ Lan, ông đã phổ nhạc cho bài thơ nàng thích - "Ngậm ngùi" (Huy Cận). Khi phổ thơ, ông thực lòng không quá để tâm và cũng không hề kỳ vọng về tác phẩm này. Có lẽ sau lần đầu thất bại khi phổ thơ Huy Cận nên ít nhiều ông cũng mất đi cảm hứng dù lúc đó ông đã phổ nhạc thành công cho nhiều bài thơ khác.
Nhưng thật bất ngờ, ngay sau khi được phổ biến, "Ngậm ngùi" được yêu thích và đón nhận nồng nhiệt. Vô số ca sĩ đã chọn trình diễn ca khúc này, trong đó có các giọng ca nổi tiếng như Thái Thanh, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Hiền, Ý Lan...
4. Bài hát "Kỷ vật cho em" (thơ Linh Phương)
"Kỷ vật cho em" là bài hát nổi tiếng viết về sự bi hùng của người lính thời chiến chinh. Nhắc về bài hát này, nhạc sĩ Phạm Duy từng chia sẻ khá chi tiết trong hồ ký.
"...Bài hát trở thành một hiện tượng thời đó. Ở các phòng trà, khi ca sĩ hát lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán giả. Nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải. Nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn vùng chiến thuật về Sài Gòn là đi phòng trà, và khi trong đám thính giả có một sĩ quan nghỉ phép hay một thương binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản chiến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mệnh của con người Việt Nam, nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 719 bên kia Hạ Lào...", Phạm Duy viết trong hồi ký.
5. Bài hát "Ngày xưa Hoàng Thị" (thơ Phạm Thiên Thư)
"Ngày xưa Hoàng Thị" được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Phạm Thiên Thư với ca từ trong sáng, tinh khôi. Bài hát này nhanh chóng được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt. Thời đó, ai yêu cũng thuộc bài này, đặc biệt giới học sinh trung học, vì hình như ai cũng có một nàng Hoàng Thị của riêng mình: "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/ Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/ Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay...".
Khi bài hát trở nên nổi tiếng, nhiều người đã thắc mắc về nhân vật chính trong ca khúc là ai. Một số người tự nhận mình chính là "Hoàng Thị". Tuy nhiên, Phạm Thiên Thư đã lên tiếng cho biết, Hoàng Thị là cô nữ sinh tên Hoàng thị Ngọ. Bài thơ là kỷ niệm về mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ của ông.
***: Top 5 bài nhạc phổ thơ hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy được sắp xếp và lựa chọn theo cảm nhận chủ quan của người viết!
Xem thêm:
Top 10 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy
Top 10 câu nói hay nhất về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận