NSND Ba Vân - "quái kiệt" lừng danh một thời: "Khi Ba Vân không hát nữa, cả tuồng đó phải bỏ vì không ai thế được vai"

NSND Ba Vân là bậc thầy về khả năng diễn hài và được gọi là một trong những "quái kiệt" về hài của sân khấu cải lương miền Nam ở thế kỷ trước.

Đỗ Thu Nga
11:25 28/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

HỒ SƠ - TIỂU SỬ NSND Ba Vân

  • Tên thật: Lê Long Vân
  • Nghệ danh: Ba Vân
  • NS - NM: 1908 - 1988
  • Quê quán: Bến Tre
  • Nghề nghiệp: Diễn viên sân khấu
  • Lĩnh vực: Cải lương
  • Danh hiệu: Nghệ sĩ nhân dân

NSND Ba Vân là ai?

Thập niên 1960 và thập niên 1970 có lẽ là thời kỳ hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam, lấn át cả tân nhạc. Cải lương len lỏi vào mọi ngóc ngách trong đời sống nhân dân. Và đây cũng là thời xuất hiện rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên sân khấu nổi tiếng. Trong số đó, không thể không nhắc đến tên tuổi của NSND Ba Vân - "quái kiệt" cải lương.

NSND Ba Vân (1908 - 1988) tên thật là Lê Long Vân. Ông sinh ra ở làng An Bình Đông, An Đức, Ba Tri, Bến Tre. Ông trưởng thành trong gia đình có đông anh em nhưng từ nhỏ đã được cha mẹ cho theo học đánh trống, đánh đồ ngang, chọi bạc, đàn tranh, đàn kìm. 

nsnd-ba-van-la-ai-va-vi-sao-ba-van-duoc-goi-la-quai-kiet-cai-luong-9
Chân dung NSND Ba Vân - "quái kiệt" về hề của sân khấu cải lương

Nhờ sở hữu chất giọng ngọt thanh nên Lê Long Vân được thầy chú ý. Sau một thời gian theo thầy học tập, ông được đi hát cho các đám tiệc trong làng. Dần dần, môi trường biểu diễn của ông rộng hơn, xa hơn, vượt khỏi lũy tre làng. Ông rong ruổi khắp ba miền đất nước và có những đóng góp quan trọng cho cải lương nước nhà. 

Lúc sinh thời, khi được người ta ca ngợi là "nghệ sĩ lão thành", ông khiêm nhường đáp lại: "Tôi chỉ là có 'lão' chứ chưa có thành".

Trong gia đình ông có thêm người em là Lê Văn Tám (tức nghệ sĩ Tám Vân) cũng theo nghệ thuật. Kể từ năm 1942, nghệ sĩ Tám Vân đã theo anh mưu sinh bằng nghề ca hát. Tám Vân vào đủ thứ vai: kép nhì, kép đẹp, kép chánh và cùng soạn không ít vở cải lương.

NSND Ba Vân và sự nghiệp sân khấu lừng lẫy

Từ cậu bé đi hát đám tiệc làng đến "quái kiệt" sân khấu cải lương

NSND Ba Vân học đàn hát từ nhỏ và đi hát khi chưa tròn 10 tuổi. Năm 14 tuổi đã vấn nghiệp cầm ca, đi hát trong các đám tiệc trong làng.

Đến năm 20 tuổi, Ba Vân theo nhóm hát Kiều Vân Tiên. Trong thời gian này, ông tiếp tục tự học, tích lũy kiến thức làm nghề cho mình. Năm 1924, nhân dịp xem gánh hát Tái Đồng Ban của ông bầu Hai Cu, Ba Vân làm quen được với nghệ sĩ Năm Châu, được Năm Châu giới thiệu cho gia nhập hánh hát Tái Đồng Ban.

Ba Vân khi ấy sở hữu ngoại hình cao ráo, đẹp trai cùng với tài nghệ ca hát, chơi nhạc cụ nên nhanh chóng được ông bầu tin tưởng cho hát kép nhì. Vai diễn đầu tiên của Ba Vân là "cậu Hai Vận" trong vở tuồng "Bội Phu Quả Báo" của soạn giả Phạm Công Bình.

Giống như rất nhiều nghệ sĩ trẻ khác, lần đầu lên sân khấu Ba Vân run quá nên nói cà lăm:

"Thuận thành là quê quán,

Ta, con đại phú gia

Tay ăn chơi bốn biển là nhà

Danh tiếng khắp, tên ta Hai Vận

Tuổi đã lớn song chưa danh phận

Tay ròng nghề sớm mận tối đào..."

Vì run quá mà Ba Vân nói cà lăm khiến khán giả cười rân lên. Chính hai soạn giả Năm Châu và Tư Chơi ngồi dưới xem cũng phải bật cười vì sự hài hước và cách phát âm có duyên của Ba Vân. Cũng từ đó, các vai kế tiếp Ba Vân được phân vào vai lão mùi hoặc vai hề trên sân khấu. Ba Vân ca không mùi mẫn bằng các nghệ sĩ trong đoàn là Tư Út, Năm Châu, Từ Anh nhưng ông lại chiếm cảm tình và nhanh chóng nổi danh ở góc độ hài hước. Vì thế mà ông còn được gọi với biệt danh Hề Ba Vân.

Đến năm 1925, ông đi gánh hát Tân Hí Ban, chuyên hát tuồng Tàu. Ông được tín nhiện cho xuất hiện trong các vở tuồng: Khúc oan vô lượng, Trót tay đã nhúng chàm, Tiếng nói trái tim. Khá giả xem tuồng si mê cái lối ca diễn tình tứ của Tư Út, Năm Châu, Từ Anh nhưng cũng lại thích cả cái duyên hài của Hề Ba Vân. 

nsnd-ba-van-la-ai-va-vi-sao-ba-van-duoc-goi-la-quai-kiet-cai-luong-0
Tạo hình vai Tám Khóe trong vở "Người ven đô" của NSND Ba Vân

Chỉ trong vòng 3 năm (1924 đến 1926), Hề Ba Vân chiếm một vị trí quan trọng trong hàng nam nghệ sĩ được khán giả ái mộ. Ông được hưởng lương gần bằng lương kép chánh. 

Giai đoạn từ năm 1927 đến 1929, ông gia nhập gánh hát Quảng Lạc (Hà Nội). Từ những năm 1937 đến 1939, tài năng của ông nở rộ khi gia nhập gánh hát Đại Phước Cương ra mắt ở Hà Nội. Ông lưu diễn ở miền Bắc đến 7 lần (từ 1927 đến 1950).

Giai đoạn từ 1950 đến năm 1975, ông sống ở Sài Gòn, tiếp tục đóng góp tâm sức cho sân khấu cải lương miền Nam với danh xưng "quái kiệt" về hài. Sau năm 1975, ông vẫn hoạt động nghệ thuật rất sôi nổi. Ông có lần thứ 8 ra Bắc lưu diễn vào năm 1977, khi đoàn Sài Gòn được mời ra Thủ đô tham gia hội diễn mừng đất nước thống nhất.

Diễn một vai chỉ nói hai câu, nhưng bỏ vai là cả tuồng phải hủy

NSND Bạch Vân là cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương cùng với nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ba Du, Tám Danh... Ông không chỉ có tài có duyên ở các vai hài mà còn khiến khán giả thán phục ở khả năng diễn xuất đa dạng, tài tình. Ba Vân không đóng đinh trong một dạng vai diễn nào cả. Ông linh hoạt, biến tấu các tạo hình của mình để vào vai hề, lão, độc, văn, võ. 

Những vở diễn thành công của ông mà đến nay vẫn khó có nghệ sĩ nào qua được: Men rượu hương tình, Vó ngựa truy phong, Khi người điên biết yêu, Người ven đô. Ngoài ra ông xuất hiện trong một số bộ phim như: Lan và Điệp (1973), Con ma nhà họ Hứa (1973), Sợ vợ mới anh hùng ()1974) và Năm vua hề về làng (1975). 

Các nghệ sĩ cùng thời hay các nghệ sĩ thế hệ kế cận đều dành rất nhiều lời khen cho tài năng của Hề Ba Vân. Cụ thể, trong chương trình The Jimmy TV, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân – cô đào cải lương nổi tiếng thập niên 1970 đã có những chia sẻ về huyền thoại Ba Vân. 

nsnd-ba-van-la-ai-va-vi-sao-ba-van-duoc-goi-la-quai-kiet-cai-luong-7
"Khi ba Ba Vân không hát nữa, cả tuồng đó phải bỏ vì không ai thế được vai của ba Ba Vân" – nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chia sẻ

Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân kể: "Nghệ sĩ Ba Vân được gọi là quái kiệt trong nghề. Nhưng nếu gọi quái kiệt thì chưa hết được tài năng của Ba Vân. Bình thường, những nghệ sĩ cải lương khác khi hát một vai nào đó trong một vở tuồng đều phải ca nhiều câu vọng cổ. Có những vai phải ca từ đầu đến cuối tuồng. 

Riêng nghệ sĩ Ba Vân lại có một biệt tài khiến ai cũng nể. Có một vở tuồng mà ba Ba Vân chỉ ca duy nhất hai chữ. Trong tuồng đó, ba đóng vai đứng hầu vua, vua truyền lệnh và nhân vật của ba chỉ đáp lại bằng hai chữ, không có đến chữ thứ ba.

Vậy mà khi ba Ba Vân không hát nữa, cả tuồng  đó phải hủy vì không ai có thể thay thế vai của ba. Nghệ thuật khó ở chỗ đó, không phải thi xem ai ca dài hơn hay diễn sướt mướt".

Với tài năng và những cống hiến không ngừng nghỉ cho sân khấu cải lương, năm 1984, Hề Ba Vân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt 1.

Bàn sâu về tiếng cười của "quái kiệt" Ba Vân

Qua hàng loạt vai diễn như Điệp (Lan và Điệp), thằng Nhỏ (Vợ và tình), hội đồng Quang (Tư sanh Tứ), huyện Hàm (Tìm hạnh phúc)... và nhất là thằng Giàu (Men rượu hương tình), khán giả lúc khóc nức nở, khi cười nôn ruột với lối diễn xuất thần sầu quỷ khốc, không "đụng hàng" của Ba Vân. Sau nhưng pha "hớp hồn" này, khán giả và truyền thông gật gù gọi ông là "quái kiệt".  

Trong vai thằng Giàu, người diễn trước đó chỉ nói quấy vài câu làm trò cười. Đại khái, khi ông chủ muốn sắm quần áo, chỉ liệt kê vài loại rồi vào cánh gà. Nhưng đến Ba Vân lại khác, ông chọn lối trang điểm như "công tử bột" trong sân khấu miền Nam (mặt đánh phấn trắng, quần trắng ố vàng nhưng áo gile), lúc ông bầu bước vào hỏi muốn mua sắm gì, Giàu há miệng dõng dạc: "Cậu mua cho tôi cái áo mưa". Ông bầu ngạc nhiên: "Trời nắng chang chang, mày đòi mua áo mưa làm gì?". Giàu tỉnh bơ: "Dạ, tôi mặc áo mưa để... che đậy bộ đồ rách mặc bên trong". Câu trả lời này đã khiến khán giả cười bò. 

Lúc thằng Giàu, thằng Nghèo lên thành phố gặp Năm Bình. Chủ hỏi: "Bây lên đây bằng gì?". Giàu đáp: "Đi xe". Nghèo phản đối: "Nói xạo. Anh dắt tôi đi hoài. Trời mưa tới tét bét cây dù rồi đó". Giàu đưa tay lên miệng, thèn thẹn cắn móng: "Dạ, có hồi đi xe, có hồi đi bộ". Chủ gắt: "Đi xe đi bộ, đi chi mà kỳ quá dậy?". Giàu đáp liền một hơi: "Dạ, ban đầu không có tiền mua vé, đâu có dám vào bến xe nên tụi tui đi bộ. Đi bộ một đỗi, xe trong bến chạy ra, bọn tôi đón xe, nhảy đại lên. Đi xe một đỗi, thằng soát vé biểu mua vé, nhưng không có tiền nên bị đuổi xuống, thành ra đi bộ, đến khi có cái xe khách chạy qua, tụi tui lại đón tiếp. Làm riết bảy tám cái xe thì tới Sài Gòn”.

nsnd-ba-van-la-ai-va-vi-sao-ba-van-duoc-goi-la-quai-kiet-cai-luong-6
Tờ báo nói về tài nghệ tạo tiếng cười của Ba Vân

Khi được hỏi, vì sao khán giả cười? NSND Ba Vân hé lộ: "Bằng cái  bất ngờ để khán giả bật cười, cười vì sự ranh mãnh của hai anh nhà quê”.

Hay như trong vở "Chàng đi theo nước" do nghệ sĩ Năm Châu viết vào năm 1948, NSND Ba Vân đã "làm mới" vai Truyền. Khi gặp Thủy, Truyền nói: “Thấy cô, tui mừng quá”. Thủy hỏi: “Mừng gì?”. “Báo tin mừng cho cô là tôi vừa có cái tật nữa”. “Tật gì?”. Truyền liền giơ cái tay đang băng to tướng, khiến Thủy ngạc nhiên: “Trời, tay anh làm sao vậy?”. “Phỏng nước sôi”. Thủy kêu lên: “Nước sôi đâu mà phỏng?”. Thế là, thay vì trả lời, Truyền ca luôn kim tiền: “Tui nói tui pha cà phê mà gặp cái thằng đui. Nó cầm bình nước sôi mặt nó ngó lên trời. Nó rót văng tưới ra cái bàn vẹc ni. Tôi sợ nó ố hết đi. Tui hoảng hồn đưa tay tui… hứng. Quýnh quá tôi ôm. Làm phỏng hết sạch trơn!”.

Với lối diễn đạt đến tầm cỡ "quái kiệt", NSND Ba Vân cho biết: "Theo tôi, yếu tố bất ngờ là một thủ pháp để gây cười".

NSND Ba Vân và mấy chuyện đời tư ly kỳ như trên phim

Pha né cưới hỏi khiến gia đình điêu đứng mấy phen

Ngược dòng thời gian về những năm 1926, NSND Ba Vân được khán giả ái mộ nên lương đi hát cũng ngang ngửa kép chánh. Nhờ đó, ông có tiền dư để gửi về cho gia đình. Ở quê nhà, má Ba Vân đã dùng tiền đó để đi cưới vợ cho ông. 

Theo trang "Cải lương Việt Nam", má chọn cho Ba Vân một người vợ quê ở Ba Tri. Má nói: "Tao chọn cho thằng Ba mầy một con vợ cao ráo, khỏe mạnh, vú to đít bự, con vợ của mầy sẽ đẻ năm một. Trong vòng mười năm, tao sẽ có mười đứa cháu nội trai và gái, chừng đó tao sẽ lập một gánh hát gia đình để thằng Ba mầy làm ông bầu, đào kép là cái đám cháu nội của tao". 

Ba Vân nghe má nói vậy thì hoảng hồn, bỏ gánh hát Tán Đồng Ban Mỹ Tho chạy về Cần Thơ gia nhập đoàn hát mới thành lập là gánh hát Trần Đắc của nhà đại điền chủ Trần Đắc Nghĩa, chủ in An Hà ở Cần Thơ lập ra. 

Ở nhà, má Ba Vân vẫn chuẩn bị đám cưới rình rang. Má của ông gửi thiệp mời các ông trong Ban Hội Tề, bà con chòm xóm, chuẩn bị sính lễ, chưng dọn bàn thờ, đặt tiệc, bông rạp, dọn cả căn phòng rộng nhất để làm chỗ động phòng hoa chúc cho tân lang tân nương. Má bảo Hai Vân đi kêu Ba Vân về cưới vợ rồi đi hát ở đâu thì đi. Con dâu sẽ ở nhà giúp việc nông, hầu hạ mẹ chồng thay con trai. 

Trước một ngày đưa dâu, nhà gái phát giác ra chuyện Ba Vân không về làm lễ cưới. Gia đình bên đàng gái nhiều lần đến rạp tìm Ba Vân nhưng ông nói ông chưa lập nghiệp xong, chưa tính đến chuyện cưới vợ. Ông cũng nói với anh Hai Vân, nhờ nói lại với má nhưng má không chịu, cứ làm theo ý mình. 

Anh Hai Vân về nói lại với má về lịch trình dày đặc của Ba Vân, không biết bao giờ mới trở về để xin hoãn đám cưới. Nhưng cô dâu dọa đúng ngày cưới nếu không có chú rể thì sẽ tự vẫn trước bàn thờ gia tiên nhà chồng, trước quan khách hai họ. 

Trước tình huống này, bà má đành xin cưới cô dâu cho anh Hai Vân thay Ba Vân. Anh Hai Vân nói anh lạy sói trán mới được bên gái thương tình bỏ qua cái lỗi của em trai. Cô gái Ba Tri thì tùy theo sự quyết định của các trưởng bối trong nhà. Cô đã mang tiếng được gả chồng thì vì sĩ diện của hai nhà, cô tự an ủi là không có duyên với Ba Vân thì làm vợ Hai Vân.

Chuyên tình ly kỳ như trong phim với cô gái bán lụa

Về phần Hề Ba Vân, ông chẳng hay biết gì về vụ dàn xếp ở quê nhà. Ông dồn hết tâm sức học ca, học hát và đi diễn. Lúc hát ở Huế, nhân dịp đi chợ Đông Ba mua khúc lụa để dùng trong tuồng, ông quen cô Hồ - cô gái Huế bán lụa, đẹp người đẹp nết. Trước hết, Ba Vân cảm thấy giọng ca của cô hay như chim hót. Có nhiều câu cô nói mà Ba Vân không hiểu, nhưng ông vẫn rất vui và tỏ ra lạ lẫm trước vẻ đẹp thùy mị, phong cách đài trang của cô gái Huế.

Từ đó, mỗi ngày Ba Vân lại đi chợ Đông Ba mua một khúc lụa để được nhìn thấy người đẹp. Mỗi nụ cười, mỗi cái liếc mắt, chau mày của cô đều theo vào giấc ngủ của chàng giang hồ miền sông nước Tiền Giang. Ba Vân lân la trò chuyện, gây cảm tình với cô gái bán lụa. Sau đó, ông mời cô đi xem hát, mời cô đi ăn bánh nậm, bánh khoái bên kia cầu Tràng Tiền. Cuối cùng hai người mướn đò lên chùa Thiên Mụ để thề non hẹn biển...

Nhưng do Ba Vân phải đi diễn ở nhiều nơi nên không thể ở mãi Huế với cô Hồ được. Trong lần chia tay ở ga xe lửa, cô Hồ bịn rịn Ba Vân lắm. Cô ôm mặt khóc ngất trên sân ga, còn Ba Vân đứng trên xe lửa lưu luyến vẫy tay chào người yêu.

Trong lần diễn ở Hà Nội, nghệ thuật cải lương Nam Kỳ đã nhận được nhiều lời thán phục từ chủ rạp hát Quảng Lạc, Sán Nhiên. Họ quyết tâm làm cho nghệ sĩ Bắc Kỳ hát được lối "cải lương Sè Gòn". Chính vì thế, họ âm thầm ký contrat với một số tiền lớn để giữ các nghệ sĩ cải lương Nam Kỳ ở lại miền Bắc dạy cho các nghệ sĩ Bắc ca cổ nhạc cải lương Nam Kỳ. 

Trong số những nghệ sĩ được chủ rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên mua chuộc, ký contrat giữ ở lại Hà Nội hát cho họ và truyền nghề cho các nghệ sĩ miền Bắc có: Sáu Chương, Ba Vân, Tám Cũi, Ba Thâu, Sáu Huề, Ba Liên, Sáu Chương. 

nsnd-ba-van-la-ai-va-vi-sao-ba-van-duoc-goi-la-quai-kiet-cai-luong-5
Quảng cáo các vở diễn tại rạp Quảng Lạc (nguồn: TTLTQGI)

Vừa ký contrat được số tiền lớn, Ba Vân được nghỉ 1 tuần để chuẩn bị chương trình dạy ca cho các nghệ sĩ đoàn hát Quảng Lạc, ông nói cần mướn phòng để yên tĩnh soạn bài và lời ca nhưng thật ra là anh không muốn các nghệ sĩ Bắc Kỳ hay ông chủ Quảng Lạc quấy rầy để ông dùng thì giờ đó giải quyết việc riêng. Ông nhanh chóng mua vé xe lửa vào Huế, gặp cô Lê Thị Hồ.

Hề Ba Vân thường nói, đời là ba chữ T, có Tiền thì sẽ có Tình, có tiền có tình thì sẽ mặc sức mà Tê Tê! Và ông đã áp dụng 3 chữ T đó vào chính cuộc đời, tình yêu, hôn nhân của mình. Người ông chọn gắn bó chính là cô Hồ ở Huế.

Cô Hồ sau khi gặp lại người yêu đã khăn gói trốn theo ra Bắc. Họ cùng nhau có những kỷ niệm đẹp ở Hà Nội.  6 tháng sau, vì cô Hồ không có tên trong danh sách đoàn hát nên không xin được giấy phép qua Lào. Ba Vân đành để người yêu lại ở Hà Nội. Khoảng 1 tháng sau, cô trở về Huế vì nhận được thư của Ba Vân báo là  vài tháng sau sẽ hát ở Nam Vang và nhiều tỉnh Cao Miên, nơi đông người Việt sinh sống. Ba Vân cho biết, ông sẽ gửi thư mỗi khi đoàn đến điểm mới. 

Vì về Huế nên cô Hồ không nhận được thư của Ba Vân nữa. Họ xa cách nhau 3 năm trời. Đến năm 1936, Ba Vân mãn hợp đồng với đoàn hát Quảng Lạc, trở về Sài Gòn gia nhập đoàn hát Phụng Hảo.

Ba Vân không còn tin tức của cô Hồ nhưng cô Hồ lại thấy quảng cáo của đoàn hát Phụng Hảo có tên Ba Vân nên đã khăn gói quay lại Sài Gòn tìm ông. Đến nơi, cô mới biết, Ba Vân và các nghệ sĩ khác nghiện thuốc phiện do ông bầu Quảng Lạc muốn cầm chân họ ở lại trọn đời với đoàn hát Quảng Lạc. 

Cô Hồ tự nhận lỗi do cô không kề cận Ba Vân, không chăm sóc cho ông khiến ông bị bạn bè rủ rê hút sách giải sầu. Khi ấy, cô quyết ở cạnh, giúp ông cai thuốc. Nhờ sự quan tâm chăm sóc, hỗ trợ của cô Hồ mà Ba Vân bỏ được thuốc phiện nhưng lại "nghiện" cô vợ Huế. Vì lúc nào thiếu cô kề cạnh là ông bồn chồn, nôn nao giống như người nghiền á phiện tới cữ mà thiếu thuốc. Ai cũng nghĩ họ hạnh phúc, ấy vậy mà đùng cái cảnh sát tới đoàn hát, có trát tòa bắt giam Ba Vân về tội dụ dỗ gái ăn cắp vòng vàng của cha mẹ để chạy theo anh.

Cha mẹ cô Hồ dò la biết tin con trốn nhà theo Ba Vân, hiện đang ở đoàn hát Phụng Hảo nên đã đâm đơn kiện Ba Vân (ông bà buôn bán có tiếng ở Huế nên quen biết nhiều cảnh sát, quan tòa). Quan tòa ở Huế liên lạc với nhà chức trách Sài Gòn, yêu cầu bắt Ba Vân về Huế xử. 

Nghệ sĩ Năm Châu nói: Đời không phải ba chữ T như Ba Vân nói mà Đời là ba chữ T: Tiền, Tình, Tù! Tê Tê nhiều quá, đã quá thì bị Tù, thì mang Tội! Tuy nói vui vậy nhưng Năm Châu và Phùng Há vẫn đến nhờ luật sư Dương Tân Trương bào chữa cho Ba Vân. Thế lực của luật sư Dương cũng rất mạnh nên Ba Vân không bị giải về Huế và được tha bổng. Để hợp thức hóa tình trạng chung sống với nhau, Ba Vân và cô Hồ được đoàn hát Phụng Hảo tổ chức lễ cưới linh đình. 

Khi đám cưới diễn ra, má của Ba Vân, vợ chồng Hai Vân, Tán Vân đều có mặt dự. Khi ấy má nói: "Mầy chê gái Ba Tri đi cưới cái con trọ trẹ đó về, tao thấy con nhỏ nầy đít teo, vúi nhỏ, tao đố mầy làm sao mà kiếm được một đứa con nối dõi, tao thua, tao thề sẽ bỏ trầu, không ăn trầu xỉa thuốc nữa".

Đúng theo như lời má nói, Ba Vân và cô Hồ ở với nhau hơn chục năm nhưng không có con. Hai người xin hai đứa con nuôi là thằng Long và con Giang (con lai Mỹ) để nuôi dưỡng và an ủi khi về già.

Hề Ba Vân và vợ sống gắn bó với nhau như vậy nhiều năm trong đoàn hát. Bà chăm sóc chồng từng ly từng tí khiến nghệ sĩ miền Bắc tặng cho danh hiệu "Đôi sam Nam kỳ quốc". 

NSND Ba Vân mất ngày 24/8/1988, hưởng thọ 81 tuổi. Cô Hồ (tên thật là Lê Thị Hồ, sinh năm 1912) mất ngày 22/6/1999, hưởng thọ 88 tuổi. 

Xem thêm: Nghệ sĩ Thành Được và "sầu nữ" Bạch Lan: Cuộc "hôn thơ giá thú" đầu tiên trong giới nghệ sĩ tan vỡ vì "máu hoạn thư"?

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận