Nghệ sĩ Thành Được và "sầu nữ" Bạch Lan: Cuộc "hôn thơ giá thú" đầu tiên trong giới nghệ sĩ tan vỡ vì "máu hoạn thư"?
Sau 3 năm về chung nhà, đôi uyên ương Thành Được - Út Bạch Lan "đường ai nấy đi". Người ta nói rằng, căn nguyên do "sầu nữ" quá ghen tuông, còn Thành Được quá đào hoa.
Khi đứng chung một sân khấu, hai cái tên Thành Được - Út Bạch Lan được xem như biểu tượng khó có thể thay thế của nghệ thuật cải lương một thời. Đến nay, người ta nhắc đến họ như một huyền thoại....
Đôi uyên ương nghệ thuật
Nghệ sĩ Thành Được (tên thật là Châu Văn Được, 1934 - 2023) là ngôi sao nổi tiếng trong làng cải lương Việt Nam. Ông thành danh với vai diễn Tô Đình Sơn (vở Khi hoa anh đào nở). Ông được mệnh danh là "ông vua không ngai" của nghệ thuật cải lương.
Còn Út Bạch Lan (tên thật là Đặng Thị Hai) là nữ nghệ sĩ cải lương gạo cội của sân khấu miền Nam. Bà được mệnh danh là "sầu nữ" hay "Đệ nhất đào thương".
Nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan may mắn được bà chủ đoàn cải lương Kim Chưởng chỉ dạy. Người phụ nữ này được mệnh danh là "Anh hùng lưu diễn".
Thành Được - Út Bạch Lan đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn: Chưa tắt lửa lòng, Thuyền ra cửa biển, Nửa bản tình ca, Bên đồi trăng cũ, Người đẹp thành Bát Đa... Sân khấu Kinh Chưởng chính là nơi giúp tình yêu của Thành Được và Bạch Lan nảy nở.
Năm 1961, Thành Được và Bạch Lan chính thức về chung một nhà. Nói theo soạn giả Nguyễn Phương, đó là cuộc hôn nhân có hôn thú hẳn hoi. NSND Phùng Há được mời làm chủ hôn cho đàn nhà trai, bà bầu Kim Chưởng được mời làm chủ hôn của đàn nhà gái.
Đám cưới của hai nghệ sĩ cải lương nổi tiếng diễn ra đầy long trọng. Hầu hết các ký giả kịch trường thời đó đều được mời tham dự. Báo chí thời đó tốn không ít giấy mực đưa tin về lễ cưới cùng các giai thoại tình yêu của cặp đôi tài sắc này vì đây là lần đầu tiên trong giới nghệ sĩ cải lương có cuộc hôn nhân "hôn thơ giá thú" đàng hoàng.
Năm 1962, họ rời gánh hát Kim CHưởng vì muốn diễn đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga của bầu Thơ để được diễn vở tuồng xã hội thay vì kiếm hiệp. Sau đó, họ thành lập đoàn hát mang bảng hiệu Thành Được - Út Bạch Lan.
Uyên ương chia đôi ngả vì "máu hoạn thư"???
Hạnh phúc chẳng tày gang, cuộc hôn nhân tưởng đẹp như mơ của Thành Được - Ít Bạch Lan cũng đến hồi tan vỡ sau 3 năm chung sống (1964). Họ quyết định ly hôn và câu chuyện này lại trở thành chủ đề "nóng" cho báo chí thời bấy giờ.
Sau này, Báo Lao Động có đăng những chia sẻ của NSND Ngọc Giàu về cuộc hôn nhân này. Nữ nghệ sĩ cho biết, sinh thời, Thành Được tiết lộ, nguyên nhân đổ vỡ của họ là do Út Bạch Lan quá ghen tuông. Nhưng nghệ sĩ Thành Được cũng là lại là người đàn ông quá đào hoa, được nhiều khán giả nữ ái mộ. Cộng hưởng tất cả những điều đó khiến cho hôn nhân xuất hiện mâu thuẫn không thể cứu vãn. Cuối cùng, họ chia tay.
Còn theo tờ Pháp Luật Việt Nam, "sầu nữ" Út Bạch Lan là người phụ nữ thuần khiết, trong sáng và có tấm lòng bao dung, dễ cảm thông trước những số phận bất hạnh. Cuộc đời bà chỉ dành trọn tình yêu cho nghệ sĩ Thành Được. Thế nhưng, bà nhận về những sự thật quá phũ phàng...
Lần lượt 4 người phụ nữ mang con đến nhà, nói là con của Thành Được và bà phải nén đau thương nuôi nấng cho vừa lòng chồng. Trong một bài phỏng vấn, bà trải lòng: "Cháu tên Liên, con một nghệ sĩ trẻ dưới Cần Thơ, Khi cháu lên 3 tuổi, mẹ đã đưa đến cho tôi và nói không thể nuôi con được vì quá vất vả. Cứ thế, tôi nhận thêm đứa con thứ 3 và thứ 4. Đứa thứ ba tên Sơn, con một người phụ nữ ở Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu. Các con được mang đến cho tôi khi còn đỏ hỏn".
Thương các con của chồng sống thiếu tình cha, mẹ lại bươn chải đầy khó khăn nên bà nhận chúng về nuôi, yêu thương như con đẻ. Bà từng tâm sự, nếu bà không nuôi, thì ai nuôi các cháu? Nhiều lúc, bà bật khóc vì tủi thân, đau lòng trước sự phản bội của chồng.
Trong ba năm kết hôn với nghệ sĩ Thành Được, hai người không có con chung. Sau khi ly hôn, "sầu nữ" Bạch Lan vẫn nhận trách nhiệm nuôi 4 đứa con, không an tâm giao chúng lại cho Thành Được.
Bà từng tâm sự, đã khó rất nhiều khi mẹ chúng đến xin nhận lại con. Cả cuộc đời bà, không một lần oán trách chồng hay dùng sự hi sinh, vất vả để níu kéo Thành Được. Bà một mình bươn chải, kiếm tiền nuôi con riêng của chồng, tự tay dựng vợ gả chồng, xây dựng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc cho các con.
Có lẽ, chính sự hy sinh cao thượng này mà tất cả những người xung quanh Út Bạch Lan đều dành cho bà những sự trân trọng, cảm phục. Thậm chí đến lúc có tuổi, khi chồng cũ mời qua Mỹ hát cải lương, bà không một câu oán hận, trách móc: "Tôi đi hát cho khán giả, hát cho cải lương vì khán giả đã mua vé để nuôi tôi đến hôm nay. Còn chuyện tình cũ, nếu cứ ôm trong lòng, oán trách hay coi nhau như kẻ thù thì chính tôi cũng không hát được, chưa nói đến chuyện đứng chung sân khấu sau mấy chục năm như thế...".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận