Nhạc sĩ Song Ngọc: Sống tận hiến với cuộc đời nghệ thuật đầy rực rỡ
Nhạc sĩ Song Ngọc là nhạc sĩ tài ba nổi tiếng nhất của làng nhạc vàng với một số lượng lớn ca khúc nổi tiếng và đã trở thành bất tử, đi sâu vào lòng bao thế hệ như “Xin gọi nhau là cố nhân”, “Đàn bà”, “Định mệnh”,...
- Nhạc sĩ Song Ngọc là ai?
- Đời tư nhạc sĩ Song Ngọc
- Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Song Ngọc và cơ duyên đến với âm nhạc
- Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Song Ngọc
- Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Song Ngọc
- Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Song Ngọc – Tận hiến với nghệ thuật của chính mình
- Những câu nói hay của nhạc sĩ Song Ngọc
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ SONG NGỌC
- Tên thật: Nguyễn Ngọc Thương
- Nghệ danh: Song Ngọc, Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến và Phương Sinh
- Ngày sinh: 27/12/1943 – 14/10/2018
- Quê quán: Long Xuyên, An Giang
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, nhạc lính, nhạc hải ngoại
- Ca khúc nổi tiếng: "Đàn bà", "Định mệnh", "Xin gọi nhau là cố nhân",…
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ,…
- Thời gian hoạt động: 1958 - 2018
Nhạc sĩ Song Ngọc là ai?
Nhạc sĩ Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương, sinh năm 1943 ở Long Xuyên. Nghệ danh Song Ngọc được ông ghép theo tên người bạn gái tên Ngọc, do nhạc sĩ Nguyễn Hiền đặt cho. Ngoài ra, ông còn sử dụng một số bút danh khác như: Hàn Sinh, Nguyên Hà, Anh Tuyến, Hoàng Ngọc Anh và Phương Sinh.
Ngoài vai trò là một nhạc sĩ, Song Ngọc còn được biết đến là một tay trống có hạng, ông từng chơi trong ban nhạc Khánh Băng và sau năm 1975. Không chỉ vậy, Song Ngọc còn là doanh nhân thành đạt hiếm hoi trong giới nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Song Ngọc đến với âm nhạc từ thở còn rất nhỏ. Năm 6 tuổi, ông đã học đàn mandolin, năm 15 tuổi ông đã có sáng tác đầu tay với nhạc phẩm mang tên “Mưa chiều”, được viết lúc ông đang theo học tại trường tư thục Tân Thịnh ở Tân Định. Bài hát này sau khi ra mắt đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ công chúng, nó đã được đài phát thanh Sài Gòn chọn hát nhiều lần qua những giọng ca hàng đầu thời ấy như Thái Hằng, Thái Thanh, Châu Hà,… và được nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mua bản quyền xuất bản. Sau thành công đó, nhạc sĩ Song Ngọc tiếp tục cho ra mắt ca khúc “Bừng sáng”. Ca khúc này đã vinh dự được ban hợp ca Thăng Long biểu diễn nhiều lần trên đài phát thanh.
Trong những ngày đầu của sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Song Ngọc đã được nhạc sĩ Nguyễn Hiền dìu dắt tận tình. Ngoài ra, khi ấy ông còn được thụ giáo thêm kiến thức âm nhạc với cả nhạc sư Nghiêm Phú Phi.
Giữa năm 1962, nhạc sĩ Song Ngọc nhập ngũ khóa 14 trường Bộ binh Thủ Đức. Đây cũng là khoảng thời gian ông sáng tác bài “Chiều thương đô thị” chung với nhạc sĩ Hoài Linh. Và đó cũng là khởi đầu cho hàng loạt ca khúc nổi tiếng viết về người lính dưới sự hợp soạn của 2 nhạc sĩ có tuổi đời chênh lệch rất xa ( Nhạc sĩ Hoài Linh sinh năm 1920, lớn hơn nhạc sĩ Song Ngọc 23 tuổi).
Sau khi tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Đức, Song Ngọc ra trường và hoạt động tại tiểu đoàn TLC Dân Sự Vụ, sau đó ông tiếp tục phụ trách văn nghệ cho Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Năm 1996, nhạc sĩ Song Ngọc lập gia đình, cả hai chung sống với nhau hạnh phúc cho tới lúc cuối đời.
Từ nửa cuối thập niên 1960 đến năm 1975, nhạc sĩ Song Ngọc phụ trách một số chương trình âm nhạc trên đài phát thanh và đài truyền hình.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Song Ngọc cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Tại đây, ông mải mê lo cho cuộc sống và công việc kinh doanh, mãi đến năm 1980, ông mới bắt đầu sáng tác trở lại. Ở hải ngoại, Song Ngọc ngoài vai trò nhạc sĩ, thì còn là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực địa ốc.
Vào 14/10/2018 tại thành phố Houston, Texas nhạc sĩ Song Ngọc qua đời vì tai biến mạch máu não.
Đời tư nhạc sĩ Song Ngọc
Năm 1966, nhạc sĩ Song Ngọc kết hôn với một cô gái 16 tuổi, khi đó ông 23 tuổi. Tuy kết hôn khi còn rất trẻ, nhưng cả hai lại có một cuộc sống hôn nhân viên mãn, hạnh phúc. Hai vợ chồng đã gắn bó với nhau cho tới tận phút cuối cùng của cuộc đời.
Năm 2016, trong ngày kỷ niệm 50 năm thành hôn, nhạc sĩ Song Ngọc đã gửi lời tri ân chân tình đến với vợ hiền của mình như sau: “Trải qua hơn 50 lấy nhau, xin cảm ơn vợ đã chịu đựng, đã tha thứ cho tánh trăng hoa, bay bướm không thể tránh khỏi của một người chồng là nghệ sĩ. Nhờ sự chịu đựng thương yêu này, mà hạnh phúc gia đình được giữ vững đến ngày hôm qua. Trải qua 50 năm, càng lớn tuổi tôi lại càng yêu quý, trân trọng vợ mình hơn bao giờ hết”.
Theo thông tin từ Thúy Nga Paris, người vợ của nhạc sĩ Song Ngọc lấy tên Song Thanh để gián tiếp nói đến người chồng của mình.
Nhạc sĩ Song Ngọc và vợ có với nhau 4 người con (2 trai, 2 gái) và 8 người cháu.
Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Song Ngọc và cơ duyên đến với âm nhạc
Nhạc sĩ Song Ngọc với dòng nhạc trữ tình đầy duyên nợ
Nhạc sĩ Song Ngọc từng chia sẻ: “Tôi xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Miền Nam Việt Nam. Tôi đến với âm nhạc từ thuở còn thơ ấu. Năm lên 6 tuổi tôi đã bắt đầu đã tập tễnh với cây đàn mandolin…”.
Con đường đến với âm nhạc của nhạc sĩ Song Nhạc bắt đầu từ khá sớm. Nhờ được tiếp xúc với âm nhạc tử nhỏ, có được một chút vốn liếng về nhạc lý, nên Song Ngọc cứ thế “tập tành” sáng tác. Để đến năm 1958, nhạc phẩm đầu tay “Mưa chiều” ra đời, được viết theo thể điệu Valse.
“Mây vương vài cơn gió gieo buồn
Hạt mưa rớt trên đường
Chiều dâng bao niềm thương
Quanh co đường đi vắng tiêu điều”
Tiếp nối thành công của ca khúc đầu tiên, nhạc sĩ Song Ngọc lại tiếp tục cho ra mắt công chúng hai nhạc phẩm “Bừng sáng” và “Tiễn đưa”. Những ca khúc lần lượt ra mắt của ông được khán giả vô cùng ủng hộ, những danh ca hàng đầu cũng lần lượt hát trên các chương trình, đài truyền hình. Cứ thế, thông qua các nhạc phẩm trữ tình, nhạc sĩ Song Ngọc đã góp mặt vào giới nhạc sĩ Sài Gòn trong những năm của thập niên 60.
Cơ duyên gắn bó với nhạc lính của nhạc sĩ Song Ngọc
Giữa năm 1962, người bạn thân Tô Xuân rủ rê nhạc sĩ Song Ngọc nhập ngũ khóa 14 ở trường Bộ binh Thủ Đức. Sau khi ra trường nhạc sĩ Song Ngọc tiếp tục phục vụ trong Tiểu đoàn Tâm lý Chiến Dân Sự Vụ, sau đó là Đài phát thanh Quân đội.
Trong khoảng thời gian này, Song Ngọc có cơ duyên gắn bó với nhạc sĩ Hoài Linh. Cả hai tìm được tiếng nói chung và sự đồng điệu trong âm nhạc dù cách nhau tận 23 tuổi. Và cứ thế, hai người đã cùng hợp soạn, cho ra nhiều bài nhạc lính bất hủ như: “Chiều thương đô thị”, “Đêm không còn buồn”, “Một chuyến bay đêm”, “Chúng mình 3 đứa”, “Năm 17 tuổi”,…
Nói về khoảng thời gian viết nhạc lính, nhạc sĩ Song Ngọc từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Tôi ưa đi lang thang như một nhạc sĩ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây, ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu tôi cũng thấy có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì lại nhộn nhịp, tưng bừng. Tới vùng chiến tranh thì súng đạn tơi bời với bao nhiêu đau khổ, người bạn vừa gặp nhau chuyện chưa nói hết thì đã ra đi. Vì đời gian truân, lăn lộn, nên mỗi khúc nhạc tôi viết ra đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.
“Cơn gió nào đưa mình gặp nhau đây
Tay trong bàn tay trăng rừng ngủ say
Tôi anh đời lính chiến xa nhà
Gần nhau được có mấy lúc xa rồi”
Những câu hát da diết được trích từ lời nhạc phẩm “Người ra vùng hỏa tiếng” nổi tiếng của nhạc sĩ Song Ngọc.
Nhạc sĩ Song Ngọc là người có năng khiếu viết nhạc phổ thơ
Ngay từ những ngày đầu chập chững sáng tác, nhạc sĩ Song Ngọc đã cho thấy bản thân là người có năng khiếu trong việc viết nhạc phổ thơ. Điều này được thể hiện rõ trong tuyển tập “Tình ca Song Ngọc”, ngoài 2 ca khúc “Tiễn đưa” và “Mai tôi đi”, có đến 14 bài thơ của Nguyên Sa được phổ nhạc, có thể kể đến như: Ru Khúc Tháng Tám, Năm Ngón Tay, Cần Thiết, Chiếc Hố, Kỳ Diệu, Nga, Chuyến Tàu Tình Ái, Tôn Nữ Thanh Hằng,…
Khi còn ở trong nước, nhạc sĩ Song Ngọc rất thích phổ nhạc cho những bài thơ trữ tình. Nhưng không phải chỉ một tác giả, cũng không phải vài bài của vài tác giả. Mà nhạc sĩ Song Ngọc đã mang vào âm nhạc của mình 3 thời kỳ thi ca trọn vẹn điều này được thể hiện trong album “Những tình khúc thi ca muôn thuở” của ông.
Đến khi sang nước ngoài, nguồn cảm hứng thơ ca dường như đã đi vào tâm hồn nhạc sĩ Song Ngọc, ông cảm nhận được lời thơ một cách sâu sắc hơn nên đã phổ ra rất nhiều ca khúc. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này ông rất thích ý thơ của nhà thơ Trạch Gầm, một người bạn học ngày xưa, nên đã viết rất nhiều ca khúc như: Hôn Nỗi Nhớ Quên, Thiếu Em Một Nụ Cười, Nói Với Người Tình Sau Cuộc Chiến, Một Ngày Của Ta, Gọi Tên Cha,…
Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Song Ngọc
Sau chặng đường dài cống hiến cho nghệ thuật, nhạc sĩ Song Ngọc đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam với hơn 300 ca khúc.
Những nhạc phẩm nhạc sĩ Song Ngọc tự sáng tác: 20 Năm Bến Lạ, Áo Trắng Cài Hoa, Bài Tango Màu Xanh, Bội Bạc, Bến Lạ. Bến Quạnh Hiu, Bóng Mát Vườn Địa Đàng, Bừng Sáng, Cánh Hoa Chiều, Chẳng Làm Sao, Cho Em Tình Yêu Và Ngăn Cách, Chuyện Đời, Chuyện Đời Ca Sĩ, Chuyến Tàu Hồi Hương, Có Phải Em Về Đêm Nay, Còn Đó Sàigòn, Cố Nhân Ơi Giã Biệt, Cuộc Sống Muôn Màu,…
Nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Song Ngọc: Hương Đồng Gió Nội (thơ Nguyễn Bính), Mai Tôi Đi (thơ Nguyên Sa), Màu Tím Hoa Sim (thơ Hữu Loan), Ngày Tháng Lang Thang (thơ Thiên Hà), Nghĩa Của Tình Yêu (thơ Trần Vấn Lệ), Than Thở (thơ Xuân Diệu), Tiễn Đưa (thơ Nguyên Sa), Tình Em Mãi Mãi (thơ Phong Vũ)…
Nhạc đồng sáng tác với nhạc sĩ Hoài Linh: Chúng Mình Ba Đứa, Chiều Thương Đô Thị, Chuyện Buồn Năm Cũ, Chuyện Từ Biển Khơi, Đêm Không Còn Buồn, Giờ Xa Lắm Rồi,…
Nhạc đồng sáng tác của Song Ngọc và một số nhạc sĩ khác: Chuyến Xe Ba Người (Song Ngọc - Hồ Đình Phương), Có Buồn Không Em (Kiên Tuấn - Song Ngọc), Hồi Chuông Kỷ Niệm (Song Ngọc - Phượng Linh), Loài Hoa Không Tên (Song Ngọc - Xuân Điềm), Những Lần Anh Trở Về (Song Ngọc - Nhật Ngân), Nó Và Tôi (Song Ngọc - Vọng Châu)…
Khi nhắc đến những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Song Ngọc, những người yêu âm nhạc không ai không biết đến bài “Xin gọi nhau là cố nhân” của ông được viết với bút danh Hàn Sinh. Bài hát là lời tâm tình của một lữ khách trên đường trở về chốn cũ trong một đêm mưa buồn hiu hắt.
“Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
Ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu”.
Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Song Ngọc
Trong tuyển tập Song Ngọc – Những Tình Khúc Thi Ca Muôn Thuở, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi có viết rằng: “Tôi nhiệt liệt ngợi khen nhạc sĩ Song Ngọc về tài năng cũng như sự nhiệt tình trong sáng tác của anh… Từ bản nhạc Mưa Chiều nhịp luân vũ, sáng tác đầu tay của Song Ngọc năm 1958 khi còn ở nước nhà, tôi đã nhận diện được chỉ dấu ở một người nhạc sĩ có thực tài đầy triển vọng trong tương lai. Nhận xét đó quả thật không sai, nếu nhìn về quá trình mấy chục năm sáng tác viết nhạc của nhạc sĩ Song Ngọc”.
Bằng tài năng của mình, nhạc sĩ Song Ngọc đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc vàng với một số lượng lớn ca khúc nổi tiếng và đã trở thành bất tử, đi sâu vào lòng bao thế hệ những người yêu nhạc.
Đánh giá về âm nhạc của nhạc sĩ Song Ngọc – Tận hiến với nghệ thuật của chính mình
Nhà thơ Nguyên Sa – Giám đốc trung tâm băng nhạc Đời đã viết về nhạc sĩ Song Ngọc như sau: “Nhạc sĩ Song Ngọc là một thủy thủ. Cuộc đời với người nhạc sĩ này là biển, còn âm nhạc là bến đỗ. Ước mơ của Song Ngọc thật đơn giản. Bỏ hết. Bỏ những chuyến đi vượt sóng trên biển khơi. Bỏ đi những đam mê đại dương đã cuốn Song Ngọc vào lòng đời. Song Ngọc muốn trở về bến, bến âm nhạc và ở lại đó. Thường trực. Vĩnh viễn”.
Nhạc sĩ Song Ngọc từng nói: “Tôi ước mong sao nghệ thuật sẽ không bị lợi dụng và lạm dụng. Và người nghệ sĩ sẽ được thành thật với chính mình, nói ra được tiếng nói của lòng mình, đừng lâm vào cảnh: bụng mong ước Trắng và miệng thì không ngớt ngợi ca Đen!”
Vì suy nghĩ đó mà nhạc của ông viết ra từ lời nhạc đến tiết điệu đều thể hiện rất rõ về hoàn cảnh và tâm tình của ông trong giai đoạn ấy. “Vì đời gian truân, lăn lộn nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”, Song Ngọc nói.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng viết về nhạc sĩ Song Ngọc như sau: “Song Ngọc đã thành công nhất với hai ca khúc nói về con người. Đó là bài hát về Đàn Ông, Đàn Bà. Đề tài muôn thuở này thì bất cứ một thi nhân hay một cá nhân nào trên cõi đời cùng đều muốn (và đã) nói tới, thế nhưng chỉ có Song Ngọc mới nói được đến tận cùng của hai cõi âm dương như thế, dù muôn đời đối lập nhau mà phải tìm đến nhau…”.
Và cứ thế, nhạc sĩ Song Ngọc, một người nghệ sĩ tài hoa và khiêm nhường đã sống tận hiến với một cuộc đời nghệ thuật đầy rực rỡ.
Những câu nói hay của nhạc sĩ Song Ngọc
“Tôi ước mong sao nghệ thuật sẽ không bị lợi dụng và lạm dụng. Và người nghệ sĩ sẽ được thành thật với chính mình, nói ra được tiếng nói của lòng mình, đừng lâm vào cảnh: bụng mong ước Trắng và miệng thì không ngớt ngợi ca Đen!” – Nhạc sĩ Song Ngọc
“Vì đời gian truân, lăn lộn nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó” – Nhạc sĩ Song Ngọc
Tổng hợp
Xem thêm: Nhạc sĩ Nguyễn Hiền: “Ông tên Hiền và nhạc của ông cũng hiền lành như vậy!”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận