Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: "Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc"
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc, hầu hết các sáng tác của Ngô Thụy Miên đều là tình ca và ông cho rằng được biết đến như một người viết tình ca đã là quá đủ rồi.
HỒ SƠ NHẠC SĨ NGÔ THỤY MIÊN
- Tên thật: Ngô Quang Bình
- Nghệ danh: Đông Quân (bút danh đầu tiên); Ngô Thụy Miên
- Ngày sinh: 26/9/1948
- Quê quán: Hải Phòng
- Gia đình: Vợ là Đoàn Thanh Vân - "Cô ấy là số 1, âm nhạc là số 2"
- Nghề nghiệp: Kiểm soát viên không lưu, nhạc sĩ, ngành điện toán
- Thể loại sáng tác: Tình ca
- Ca khúc nổi tiếng: Áo lụa Hà Đông, Niệm khúc cuối, Riêng một góc trời
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Khánh Ly, Trác Duy, Thái Thanh, Lệ Thu, Tuấn Ngọc...
- Thời gian hoạt động: 1963 đến nay
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là ai và vì sao lấy bút danh Ngô Thụy Miên?
Người ta thường nói, trên đời này chẳng có gì gọi là vĩnh cửu. Thế nhưng, quan niệm ấy đã bị Ngô Thụy Miên phá vỡ khi ông đóng góp cho nền tân nhạc nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung những bản tình ca bất hủ. Dòng nhạc Ngô Thụy Miên đem đến mang một nét đẹp đài các và mang một phong cách rất riêng.
Được biết, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình (26/9/1948) tại Hải Phòng. Ông là con thứ hai trong một nhà đình có 7 anh chị em.
Ngô Thụy Miên trưởng thành trong môi trường sách vở, văn thơ do gia đình ông có mở một nhà sách mang tên Thanh Bình ở Hải Phòng và sau này là đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi chuyển vào Sài Gòn.
Tại thành phố hoa lệ này, Ngô Thụy Miên được cho theo học tại trường Trung học Nguyễn Trãi, sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên).
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bén duyên với âm nhạc từ năm 1960. Khi ấy ông theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt và nhạc Pháp với Giáo sư Hùng Lân ở Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Từ năm 1970 đến năm 1975, ông làm kiểm soát viên không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng trong khoảng thời gian này, ông trở thành Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội.
Nói về sự nghiệp sáng tác, Ngô Thụy Viên bắt đầu chắp bút từ năm 1963. Tình khúc đầu tay của ông mang tên "Chiều nay không có em" được hoàn tất vào tháng 2/1965. Tuy là nhạc khúc đầu tay nhưng nó lại được giới sinh viên học sinh thời ấy hưởng ứng rất nhiệt tình. Lúc này, tên tác giả vẫn là Ngô Quang Bình.
Vài năm sau, ông cho ra mắt tập nhạc lấy nhan đề "Tình khúc Đông Quân". Đông Quân chính là bút danh đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của ông. Sau này, ông đổi tên bút danh thành Ngô Thụy Miên.
Nhắc về bút danh Ngô Thụy Miên, nhiều năm về trước, nhạc sĩ Bảo Chấn - nhạc công có tiếng trước 1975 và cũng là người bạn học nhạc cùng Ngô Thụy Miên đã có những chia sẻ rất thú vị. Theo lời Bảo Chấn, thời còn đi học thì cậu học sinh Ngô Quang Bình hay ngủ gật trong giờ, cứ môn nào chán lại lăn ra ngủ và thường bị bạn bè trêu chọc. Sau này viết nhạc, Bình lấy luôn tên nghệ danh là Thụy Miên (nghĩa là ngủ gật). Miên được lấy ra từ “thôi miên”, mang ý nghĩa về sự ngủ.
Sau tập nhạc đầu tay "Tình khúc Đông Quân", Ngô Thụy Miên tiếp tục chắp bút và có những nhạc phẩm phổ từ thơ của nhà thơ Nguyên Sa như: Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi 13...
Đến năm 1974, Ngô Thụy Miên chính thức có băng nhạc đầu tay mang tên "Tình Ca Ngô Thụy Miên". Băng nhạc này gồm 17 tình khúc được viết rải rác từ năm 1965 đến 1972. Bài hát đầu tiên hoàn tất năm 1965 là "Chiều nay không có em" và bài hát cuối cùng được viết vào năm 1972 là "Mắt biếc". Một yếu tố làm nên sự thành công của băng nhạc đầu tay này là sự góp giọng của danh ca Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu...
Cho đến thời điểm hiện tại, những người yêu âm nhạc đều cho rằng "Tình ca Ngô Thụy Miên" là băng nhạc hay nhất của Ngô Thụy Miên. Đây cũng là một trong những băng nhạc hay nhất của dòng nhạc trữ tình.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên còn hâm mộ dòng nhạc tiền chiến. Các ca khúc ban đầu của ông có màu sắc tương tự giống lớp nhạc sĩ tiền bối. Song dần dần âm nhạc Ngô Thụy Miên đã định hình phong cách riêng, đó là sau một loạt ca khúc phổ thơ Nguyên Sa. Nguyên Sa đã giúp Ngô Thụy Miên thăng hoa và Ngô Thụy Miên đã đem tiếng thơ của Nguyên Sa bay xa hơn, tạo thành những nhạc phẩm để đời.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và chuyện ít biết về "nguồn cảm hứng sáng tác bất tận" - bà Đoàn Thanh Vân
Nhắc đến Ngô Thụy Miên là nhắc đến những bản tình ca bất hủ. Nhưng ít ai biết được rằng, nguồn cảm hứng sáng tác bất tận đó đến từ "vị trí" người vợ hiền - bà Đoàn Thanh Vân. Cụ thể như sau:
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có tình yêu trải qua nhiều thăng trầm hợp tan cùng người con gái tên Đoàn Thanh Vân. Năm 1973, hai người đính hôn. Đám cưới dự định sẽ diễn ra sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp Đại học.
Thế nhưng vào năm 1975, biến cố xảy ra. Đoàn Thanh Vân theo gia đình di tản, còn Ngô Thụy Miên ở lại Sài Gòn. Khi ấy, vì thương nhớ người người mà ông đã sáng tác ca khúc "Em còn nhớ mùa xuân" với lời hát khẳng định tình yêu vĩnh cửu: "Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong...". Đây cũng là ca khúc duy nhất Ngô Thụy Miên viết tại Sài Gòn sau năm 1975.
Bởi lẽ, sau ngày 30/4/1975, Ngô Thụy Miên vượt biên tị nạn tại đảo Pulau Bidong của Malaysia. Sau 6 tháng ở trại tị nạn, nhạc sĩ được nước thứ 3 bảo lãnh cho sang Canada.
Bà Đoàn Thanh Vân khi ấy đang ở San Diego (Mỹ) đã bay đến Canada tìm người yêu, nối lại chuyện tình dang dở vì thời cuộc. Đến năm 1979, hai người qua sống ở San Diego rồi rời lên quận Cam (California). Đến năm 1980, Ngô Thụy Miên bắt đầu công việc về ngành điện toán tại trường UCLA (TP Olympia thuộc tiểu bang Washington).
Chuỗi ngày sống nơi đất khách quê người của vợ chồng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng khá vất vả. Ông không còn hứng thú với hoạt động biểu diễn trên sân khấu nữ mà chọn đi làm công việc bình thường như rất nhiều người Việt khác đang định cư nơi xứ người. Dù có đôi lúc chật vật mưu sinh nhưng tình yêu của vợ chồng ông vẫn bền chặt son sắt.
Câu chuyện tình yêu và hôn nhân đẹp như tiểu thuyết của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã được nhạc sĩ Nguyễn Quang kể lại vô cùng chi tiết. Bởi lẽ, Nguyễn Quang là một trong số những người may mắn có sự liên lạc thường xuyên nhất với Ngô Thụy Miên. Có một điều thú vị là cha ông - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là bạn rất thân thiết và gần gũi với Ngô Thụy Miên. Vì thế, anh luôn được nhạc sĩ chia sẻ về những sáng tác của mình.
Theo Nguyễn Quang cảm nhận, âm nhạc của Ngô Thụy Miên có giai điệu đẹp, tình cảm, lãng mạn. Lời nhát buồn man mác nhưng không có sự oán hận, bi thương mà là sự mong chờ, tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Con đường âm nhạc của Ngô Thụy Miên rất đẹp nhưng cũng rất lạ. Đáng nói, sự nghiệp âm nhạc của ông chỉ có một "nàng thơ" duy nhất đó là bà Đoàn Thanh Vân. Họ yêu nhau, chờ đợi nhau và cuối cùng cũng được đến bên nhau.
Thế nhưng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng là người rất kín tiếng trong chuyện đời tư. Ông không dùng điện thoại (kể cả điện thoại bàn và di động). Cách liên lạc duy nhất với Ngô Thụy Miên là email, nhưng cũng rất hạn chế. Có lần nọ, nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ, hiện tại, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không giao du với giới showbiz cũng như cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ông sống cuộc đời thảnh thơi ở trong ngôi nhà xinh đẹp bên ngọn đồi nằm ở ngoại ô thành phố Orange, California (Mỹ).
Một số nguồn tin khác cho hay, vợ chồng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên hiếm muộn con cái, thế nhưng đi đâu cũng có nhau. Thỉnh thoảng họ lại cùng hát những ca khúc của một thời thanh xuân để vỗ về cuộc tình trăm năm. Với Ngô Thụy Miên, tình đầu cũng là tình cuối, luôn đậm đà và son sắt như ca khúc "Bản tình cuối" mà ông từng viết cho bạn đời.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và quan niệm về âm nhạc: "Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc"
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên năm nay đã 76 tuổi. Tính từ thời điểm tung ra ca khúc đầu tay cho đến nay, ông đã có hơn 60 năm gắn bó với âm nhạc. Nhìn vào số lượng ca khúc của Ngô Thụy Miên phổ biến sâu rộng trong đời sống thì cứ ngỡ ông sáng tác nhiều. Thực tế, như tác giả tổng kết, Ngô Thụy Miên chỉ sáng tác hơn 60 ca khúc. Từng có thời điểm đến vài ba năm ông mới có cảm hứng viết một nhạc phẩm mới. Và có những nhạc phẩm ông không có ý định tung ra thị trường.
Đơn cử như nhạc phẩm "Riêng một góc trời" chỉ được ông hát cho vợ nghe trong nhiều năm. Mãi sau này khi ca sĩ Tuấn Ngọc đến nhà và xin thu âm thì nhạc phẩm này mới được lan tỏa trong công chúng.
Tình yêu xuất hiện trong mọi góc nhìn về âm nhạc của Ngô Thụy Miên. Với ông, tình yêu là điều thiêng liêng nhất. Nhưng tình yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang đến hạnh phúc cho người mình yêu. Và yêu với Ngô Thụy Miên còn là tha thứ cho những vấp ngã của người và của mình...
Ngô Thụy Miên cũng từng tâm sự, các sáng tác viết ra không hẳn cho một đối tượng thính giả nào cả, mà chỉ dành cho những người có thể chia sẻ những tình cảm, tâm tư riêng với mình mà thôi.
Nhắc đến việc sáng tác, Ngô Thụy Miên từng chia sẻ: "Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc". Ông đến với âm nhạc một cách tự nhiên, không tham vọng. Mọi sáng tác của ông đều hết sức cẩn trọng, chăm chút từng lời ca từng ý nhạc. "Có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở nên tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không hay. Và rồi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên đến", Ngô Thụy Miên chia sẻ.
Trước nay, Ngô Thụy Miên sáng tác không phải mục đích thương mại, không chịu sự hối thúc của ai, nên nhạc của ông không có sự gò bó như các nhạc sĩ cùng thời. Đó cũng là lý do khiến âm nhạc Ngô Thụy Miên phiêu du, dạt dào cảm xúc, sống bền bỉ cùng năm tháng.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và sự nghiệp sáng tác từ năm 15 tuổi
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bén duyên với âm nhạc từ rất sớm. Khi mới 15 tuổi ông đã ra mắt công chúng tình khúc "Chiều nay không có em".
Đến năm 1969, ông xuất bản tập nhạc "Tình khúc Đông Quân" với những ca khúc tiêu biểu: Giáng ngọc, Gọi nắng (sau đổi tên là Giọt nắng hồng), Mùa thu này cho em (đổi tên thành Mùa thu cho em), Dấu vết tình yêu (đổi tên là Dấu tình sầu). Tập nhạc này được phát hành tại Hà Nội.
Năm 1974, Ngô Thụy Miên cho ra mắt băng nhạc "Tình ca Ngô Thụy Miên" với 17 ca khúc. Ca khúc sáng tác sớm nhất là "Chiều nay không có em" và bản nhạc cuối cùng là "Mắt biếc".
Trong cuộc đời âm nhạc của Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến những tác phẩm được phổ nhạc từ thơ Nguyên Sa: Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi 13...
Năm 1975 khi xa cách người yêu Đoàn Thanh Vân, ông đã sáng tác tình khúc "Em còn nhớ mùa xuân".
Sau khi định cư tại Washington, ông cho ra mắt sáng tác đầu tiên tại hải ngoại mang tên "Bản tình ca cho em". Cũng trong thời gian này, ông cũng sáng tác một số ca khúc khác như: Nắng Paris nắng Sài Gòn, Tháng giêng và anh, Dốc mơ, Mùa thu xa em...
Trong thập niên 1990, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác một số ca khúc mới như: Cần thiết, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng... và nhất là "Riêng một góc trời" (1997).
Đến năm 2000, ông cho ra mắt nhạc phẩm "Mưa trên cuộc tình tôi" và được khán giả vô cùng đón nhận.
Tổng cộng đến nay, Ngô Thụy Miên đã sáng tác hơn 60 ca khúc với khoảng 20 bài được sáng tác ở trong nước. Đây là sự nghiệp âm nhạc với số lượng không quá đồ sộ nhưng sống bền lâu trong lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ.
Một vài lời bình về âm nhạc Ngô Thụy Miên
Có thể nói, Ngô Thụy Miên là nhạc sĩ bí ẩn nhất nhì làng nhạc Việt khi ông luôn đặt mình vào một góc trời riêng. Ông có cuộc sống nhàn nhã như một ẩn sĩ. Ông sống và sáng tác mà không để tâm đến thế sự showbiz. Thế nhưng, trong lòng bạn bè đồng nghiệp, các ca sĩ từng cộng tác và trong lòng những nhạc sĩ, ca sĩ thế hệ sau, Ngô Thụy Miên có một chỗ đứng nhất định với nhiều lời bình phẩm, nhận xét, tâm sự.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang (con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) bình phẩm về người bạn thân thiết của bố mình: "Tôi cảm nhận âm nhạc Ngô Thụy Miên có giai điệu rất đẹp, tình cảm, lãng mạn. Lời hát buồn man mác nhưng không có sự đau khổ, oán hận, không bi thương. Lời nhạc luôn có sự mong chờ vào ngày mai tươi sáng hơn. Với tôi, âm nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gần gũi, giống như âm nhạc của ba tôi".
Ca sĩ Nhật Hạ chia sẻ: "Nhạc của anh dễ thành hit lắm, từ nhỏ tôi đã yêu thích nhạc Ngô Thụy Miên nên tất cả các bản nhạc của anh tôi đều thuộc. Tôi cũng may mắn là người đầu tiên được anh liên hệ lựa chọn để trình bày ca khúc Giấc mơ. Đây là bản nhạc đã được nhiều ca sĩ thể hiện sau này...".
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: "Âm nhạc của Ngô Thụy Miên có phần rất khó hiểu nhưng không kén người nghe. Đây là dòng nhạc sang, không dành cho giới bình dân...".
Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Từ "người tiên phong" đến "cây đại thụ" của dòng nhạc vàng Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận