Nhạc sĩ Lữ Liên và "gia đình nghệ thuật" nổi tiếng
Gia đình nhạc sĩ Lữ Liên đã sản sinh ra nhiều tài năng như Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà... Họ đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Lữ Liên (1917 - 2012) tên thật là Lữ Văn Liên, quê ở Hải Phòng. Ông từng theo học tại trường THPT Tiên Lãng và tốt nghiệp vào tháng 5/1938. Cha của ông là nhân viên bưu điện nhưng lại đam mê nghệ thuật, từng mở ban cổ nhạc ở Hải Phòng.
Thời tiền chiến, Lữ Liên từng là thành viên của ban hợp ca Thăng Long cùng Thái Thanh, Hoài Bắc và Hoài Trung trình diễn những ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền và nhạc trữ tình.
Nhạc sĩ Lữ Liên "Nam tiến" năm 1943 và chọn định cư ở Đà Lạt. Tại đây, vợ chồng ông lần lượt sinh ra những người con nổi tiếng cho làng văn nghệ Việt Nam. Đó là Bích Chiêu - một danh ca lừng lẫy ở các phòng trà Sài Gòn từ cuối thập niên 1950, sau đó lần lượt là Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích.
Sau hơn 10 năm ở Đà Lạt, gia đình nhạc sĩ Lữ Liên chuyển về Sài Gòn sinh sống. Năm 1957, ông nhập ngũ và làm việc trong đài phát thanh quân đội. Lữ Liên cũng bắt đầu sáng tác các ca khúc hài hước cho ban AVT. Sang năm 1966, ông chính thức gia nhập AVT. Ở ban nhạc này, ông vừa sáng tác, vừa biểu diễn những ca khúc vui nhộn như: Chúc xuân, Du xuân, Tiên Sài Gòn, Lịch sử mái tóc huyền...
Tên tuổi của Lữ Liên gắn liền với ban AVT nhưng ít ai biết rằng trước khi gia nhập ban nhạc, có một thời gian ông từng tham gia ban hợp ca Thăng Long cùng với gia đình họ Phạm (Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc) để trình diễn những nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca.
Phải nói rằng, Lữ Liên là một người rất yêu nhạc, một nhạc sĩ chuyên về cổ nhạc, thuần thục các nhạc cụ dân tộc. Ông nổi tiếng với màn vừa song tấu vừa đối đáp với nghệ sĩ violin Hoàng Thi Thao trong tiết mục "Cò Tây cò ta".
Sau sự kiện năm 1975, nhạc sĩ Lữ Liên cùng vợ ra nước ngoài định cư. Ở hải ngoại, ông còn viết lời Việt cho nhiều ca khúc nhạc nước ngoài nổi tiếng, tiêu biểu như: Lạc mất mùa xuân, Dĩ vãng nhạt nhòa...
Vợ chồng nhạc sĩ Lữ Liên đã sản sinh ra những tài năng âm nhạc đỉnh cao: Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà... Họ đều có chỗ đứng nhất định trong làng nhạc Việt ở trong nước và hải ngoại.
Người con cả của nhạc sĩ Lữ Liên là ca sĩ Bích Chiêu. Cô nổi tiếng với phong cách jazz từ cuối thập niên 1995. Đó là thời điểm mà Bạch Yến, Bích Chiêu trở thành những danh ca hàng đầu trong các phòng trà tại Sài Gòn.
Bích Chiêu sinh năm 1942, lớn hơn người em kế Anh Tuấn (ca sĩ Tuấn Ngọc) 5 tuổi. Năm 1954, khi mới chuyển về Sài Gòn, đôi song ca "em bé" Bích Chiêu - Tuấn Ngọc đã nhanh chóng thu hút khán giả yêu nhạc. Năm 13 tuổi, Bích Chiêu đã đi hát phòng trà và tạo dựng được tên tuổi với các ca khúc tiền chiến cùng phong cách ngẫu hứng của nhạc jazz, đặc biệt là ca khúc "Nỗi lòng" (Nguyễn Văn Khánh) với kiểu hát nhất nhá, vừa hát vừa như bông đùa, chọc ghẹo tạo nên một thương hiệu riêng.
Tương tự Bạch Yến, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Bích Chiêu rời ánh hào quang sang Pháp du học, lập gia đình. Từ đó, công chúng không còn biết đến tên tuổi của bà nữa.
Người tiếp theo là ca sĩ Tuấn Ngọc, tên thật là Lã Anh Tuấn. Sau này, ông giải thích về nghệ danh Tuấn Ngọc như sau: "Hồi nhỏ, lúc 7 tuổi, tôi đi hát lấy tên Anh Tuấn, Nhưng trong đài phát thanh đã có một kịch sĩ lâu năm cũng tên Anh Tuấn nên mọi người không cho tôi lấy tên đó, sợ bị trùng, sợ tôi lĩnh lương của ổng. Bố tôi đổi tên cho tôi mà không hỏi ý kiến nên bây giờ tôi có tên là Tuấn Ngọc".
Giọng ca Tuấn Ngọc nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn cũng như người yêu nhạc. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn... đều xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát những nhạc phẩm của họ thành công nhất.
Tuấn Ngọc còn được nhiều người nhận xét là giọng ca nam "tượng đài" của dòng nhạc tình Việt Nam ở hải ngọc. "Trường phái Tuấn Ngọc" đã ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ trẻ sau này như Trần Thái Hòa, Xuân Phú...
Hát hay như vậy nhưng suốt gần 40 đầu sự nghiệp, Tuấn Ngọc chủ yếu hát nhạc nước ngoài, không mấy khi hát nhạc Việt. Trước 1975, tên tuổi của ông mờ nhạt trong làng nhạc miền Nam. Tuấn Ngọc chỉ thực sự tạo nên tên tuổi với nhạc Việt vào năm 1989, khi đã 42 tuổi, trong CD "Lời gọi chân mây" hát cùng ca sĩ Thái Hiền.
Cho đến nay, Tuấn Ngọc được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình với nhiều ca khúc bất hủ.
Sau Tuấn Ngọc là người em Lã Anh Tú - nam ca sĩ bạc mệnh nhất trong số các anh chị em gia đình nghệ thuật họ Lã. Anh qua đời khi còn khá trẻ.
Anh Tú được biết đến trong làng nhạc Sài Gòn từ trước 1975 khi tham gia ban nhạc gia đình The Uptight, sau đó là Thúy Hà Tú. Tên tuổi của Anh Tú chỉ thực sự được biết đến với tư cách ca sĩ độc lập khi chuyển qua hoạt động ở hải ngoại với các bài hát lời Việt êm dịu: Lạc mất mùa xuân, Dĩ vãng nhạt nhòa, Một thuở yêu người... Anh Tú cũng là người trình bày rất truyền cảm những ca khúc nhẹ nhàng của Việt Nam như: Tuổi xa người, Linh hồn tượng đá...
Năm 2003, Anh Tú qua đời ở tuổi 53 để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình và người yêu nhạc. Nói về giọng ca Anh Tú, ca sĩ Cẩm Vân nhận xét: "Giọng hát của Anh Tú mỏng manh, trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị nhưng quý phái đến độ chúng tôi đã ví giọng hát anh là Thủy Tinh dễ vỡ. Tôi lúc nào cũng chọn và để sẵn trên kệ CD của mình – nơi mà dễ lấy nhất, để khi cần, mình không phải vất vả tìm kiếm. Mỗi khi bị stress và mệt mỏi, thì giọng hát của anh đã giúp cho chúng tôi tìm được cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Giọng hát đó của anh như cơn gió mát mùa Hè. Và con người của anh, như những mùa Xuân nắng ấm luôn đem cho người khác những niềm vui và hy vọng vô bờ".
Còn nhạc sĩ Quốc Bảo đánh giá: "Anh Tú có một cách phát âm tiếng Việt khá đặc biệt, hờ hững, run rẩy, và đẩy hơi từ răng để chữ trượt theo, nghe nhẹ nhõm, phóng túng, không gắng sức dụng công. Mà quả thật, anh hát như thể đang trò chuyện thân tình, như lời tâm sự bằng hữu, để những đoạn nghẹn ngào cũng chỉ vừa đủ như một nỗi đau đã lành được kể lại. Anh Tú hát tiếng Pháp chuẩn xác, điều chỉ có được với những người thực sự sử dụng được ngoại ngữ này. Cách phát âm tiếng Pháp với nhiều âm mũi cũng ảnh hưởng đến cách hát của anh trong nhạc Việt. Những âm khép được đẩy hết lên mũi, nghe chơi vơi, tuyệt vọng một cách đặc biệt. Đấy là cách hát tạo thành phong cách cho anh, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai…".
Người nghệ sĩ thứ 4 trong gia đình họ Lã là Lã Khánh Hà - một giọng ca điêu luyện, truyền cảm. Khánh Hà từng được đánh giá là "giọng ca vàng trong làng nhạc nhẹ". Giống như hai người anh nổi tiếng (Tuấn Ngọc, Anh Tú), thời trẻ, Khánh Hà chủ yếu hát các ca khúc nhạc ngoại. Cô chỉ hát nhạc trữ tình khi chuyển sang định cư ở hải ngoại.
Từ giữa thập niên 1980, Khánh Hà lập trung tâm băng nhạc mang tên mình để sản xuất các chương trình âm nhạc mang tính nghệ thuật cao với thành phần ca sĩ tham gia chủ yếu là người trong nhà như Tuấn Ngọc, Anh Tú, Lưu Bích, nhóm Thúy Hà Tú... Và sau này là chồng bà - ca sĩ Tô Chấn Phong.
Trong những người em của Bích Chiêu, Tuấn Ngọc... có 3 nữ ca sĩ Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích. Thúy Anh là ca sĩ trong ban Thúy Hà Tú (Thúy Anh - Khánh Hà - Anh Tú) từ trước 1975. Lan Anh còn được biết đến với vai trò là một tay trống điêu luyện. Nổi tiếng nhất trong số 3 cô em gái này là ca sĩ Lưu Bích.
Ít ai biết được, Lưu Bích không phải con ruột của nghệ sĩ Lữ Liên, cô là em cùng mẹ khác cha với những người anh chị còn lại. Song nhạc sĩ Lữ Liên yêu thương cô như con ruột, các anh chị em cũng coi cô như người em út ruột thịt. Lưu Bích không hát cùng dòng nhạc với các anh chị mà gắn bó sự nghiệp với dòng nhạc trẻ, đặc biệt được yêu thích khi song ca cùng anh rể là ca sĩ Tô Chấn Phong.
Xem thêm: Ban AVT và khúc xuân trào phúng bất hủ: "Tết nhất làm chi, Ai bày Tết nhất làm chi?"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận