Nhạc sĩ Hoàng Vân và một đời dành trọn cho âm nhạc
Cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Vân là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc. Có lẽ chỉ cần điểm tác phẩm của ông là có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông.
HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ HOÀNG VÂN
- Tên thật: Lê Văn Ngọ
- Nghệ danh: Hoàng Vân
- NS - NM: 1930 - 2018
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Ca khúc nổi tiếng: Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Tình yêu của đất và nước...
- Ca sĩ thể hiện thành công: Lan Anh, Trần Khánh, Tuyết Thanh, Thanh Huyền, Trọng Tấn, Anh Thơ...
- Thời gian hoạt động: 1951 - 2018
- Giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000
Nhạc sĩ Hoàng Vân là ai?
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc. Ông cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn thành lập nền âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp của Việt Nam. Ông có sự nghiệp âm nhạc chói chang, sáng tác ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng ghi dấu ấn khó quên với công chúng nhiều thế hệ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật là Lê Văn Ngọc, 24/7/1930 - 4/2/2018) sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học ở phố Hàng Thùng (Hà Nội). Cha ông và ông nội đều là nhà nho. Hoàng Vân luôn tự hào là một trong số ít người sống trong phố cổ Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến năm hơn 80 tuổi.
Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, trở thành liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội. Sau đó làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Ông còn tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm công tác báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.
Năm 1954, ông được cử đi tu nghiệp tại Học viện Âm nhạc Trung ương (Bắc Kinh, Trung Quốc). Sau khi về nước, ông trở thành chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật cho đến năm 1970. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian ở Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Ông tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 - 1989, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996.
Về gia đình, nhạc sĩ Hoàng Vân nên duyên với bác sĩ, tiến sĩ y học Lê Thị Ngọc Anh. Hai ông bà có với nhau 2 người con. Con trai là giáo sư, nhạc trưởng Lê Phi Phi (SN 1967); con gái là Tiến sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh (1963). Hiện nay, Lê Y Linh đang định cư tại Pháp.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh từng chắp bút cuốn sách "Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau...". Đây là cuốn sách viết về tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Cuốn sách được phát hành vào tháng 2/2022 và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng yêu nghệ thuật và giới nghiên cứu âm nhạc.
Với "Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau", tác giả Lê Y Linh đã cho công chúng hiểu hơn về một nhạc sĩ Hoàng Vân trong đời sống và trong nghệ thuật. Công chúng được biết đến thế giới nghệ thuật của Hoàng Vân một cách đầy đủ, bên cạnh mảng sáng tác còn là những đóng góp cho khí nhạc, giao hưởng...
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ, cuốn sách "Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau" kể về những chi tiết quan trọng trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân, trên cơ sở các tư liệu đã tập hợp được. Nội dung sách có bốn chủ điểm chính: Sự nghiệp sáng tác theo trình tự thời gian; Tác phẩm; Quan điểm của nhạc sĩ về âm nhạc và một số kỷ niệm về người nhạc sĩ.
"Cuộc đời của bố tôi là cuộc đời của một người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ, 'chỉ cần' điểm tác phẩm là đã có phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông".
Âm nhạc của Hoàng Vân - là sáng tạo, là hướng thượng, là cuộc hành trình tìm cái đẹp, là tình yêu Tổ quốc
Nhạc sĩ Hoàng Vân bắt đầu chắp bút sáng tác vào năm 1951. Trong nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời khoảng 700 nhạc phẩm với nhiều thể loại và hình thức âm nhạc khác nhau. Ông đi từ các ca khúc tráng ca đến ngợi ca; từ tình ca đến du ca; từ dân ca đến những nhạc phẩm đậm tình quốc tế năm châu; từ thanh niên cho đến nhạc thiếu nhi.
Âm nhạc của Hoàng Vân là sự sáng tạo, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp, và trên tất cả, đó là âm nhạc của tình yêu Tổ quốc. Khi nhắc đến Hoàng Vân là nhắc đến hàng loạt các ca khúc nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò... Nhiều nhạc phẩm của ông đã trở thành bài hát truyền thống của các ngành kinh tế. Ví dụ như: Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hát về cây lúa hôm nay, Tôi là người thợ lò, Bài ca giao thông vận tải, Tâm tình người thủy thủ...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Hoàng Vân còn dành một vị trí quan trọng cho âm nhạc hàn lâm. Ông chính là tác giả của những bản giao hưởng nổi tiếng như: Thành đồng tổ quốc, nhạc vũ kịch Chị Sứ, các tác phẩm viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Điện Biên Phủ... Bên cạnh âm nhạc hàn lâm, ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, tác phẩm khí nhạc...
Nếu là người yêu thích âm nhạc của Hoàng Vân thì có thể dễ dàng nhận ra, trong tất cả các bài hát do ông chắp bút đều có rõ màu mắc, âm hưởng dân ca Việt Nam, nhưng không hẳn từ chất liệu gì, cũng không hẳn từ vùng nào.
Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân có thể viết về Hà Nội, về thiếu nhi nhưng mang âm hưởng Tây Nguyên; viết về Quảng Bình nhưng lại có âm hưởng của chèo hoặc quan họ. Tất cả những điều đó thấm vào tư duy và sự sáng tạo của nhạc sĩ.
"Tôi luôn đề cao nhạc sĩ Hoàng Vân, không phải là một người viết ca khúc mà là một nhà soạn nhạc tài ba", nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ trong chương trình giao lưu, trò chuyện cùng Tiến sĩ Lê Y Linh - tác giả cuốn sách "Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau...".
Ngoài công việc sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Ông có nhiều lứa học trò thành danh như: An Thuyên, Văn Thành Nho, Phú Quang, Trương Ngọc Ninh...
Nhạc sĩ Hoàng Vân còn xuất bản sách nhạc gồm: Hai chị em (1976), 6 ca khúc Hoàng Vân (1980), Ca khúc Hoàng Vân (1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân kèm băng cassette audio (1994). Ông cũng xuất bản sách ở nước ngoài như: Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ), Nxb Âm nhạc Moskva, Liên Xô...
Một khía cạnh âm nhạc khác của Hoàng Vân ít được nhắc đến đó là tài phổ nhạc từ thơ. Ông chính là người phổ nhạc "Hát ru" của Tố Hữu; "Những cánh buồm" của Hoàng Trung Thông; "Nhớ" của Nguyễn Đình Thi; "Tâm tình người thủy thủ" thơ Mai Liêm, tức Hà Nhật.
Với sự đóng góp không ngừng nghỉ cho âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Kho tàng âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân
Những ca khúc truyền thống của các ngành kinh tế | Bài ca giao thông vận tải; Bài ca gửi người chiến sĩ công an đường sắt; Bài ca người chiến sĩ áo trắng; Bài ca bên tay lái; Bài ca người đánh cá Quảng Ninh; Bài ca xây dựng; Chú em là thủy thủ; Tâm tình người thủy thủ... |
Những ca khúc về Bác Hồ, quê hương đất nước | Học giỏi làm cháu ngoan Bác Hồ; Đường về Tây Nguyên; Bài thơ gửi Thái Nguyên; Chào Thăng Long, chào Hà Nội; Hà Nội - Huế - Sài Gòn; Quảng Bình quê ta ơi; Từ Quảng Bình hát về Quảng Trị... |
Khí nhạc - Nhạc thính phòng | Fugue cho piano (nhạc viện Bắc Kinh in); Tổ khúc cho hautboy và piano; Rhapsodie cho violon Tình yêu và tuổi trẻ; Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ trên lâm trường) cho kèn basson (pha-gốt, fagotte); Vui được mùa, Rondo và Hoa thơm bướm lượn cho độc tấu flute; Concerto cho piano và dàn nhạc; Concertino cho violon và dàn nhạc dây Tuổi trẻ và tình yêu (1975); Quintete Giai điệu ngũ cung cho bộ kèn (1994); Giai điệu tình yêu và Vũ khúc 89 cho saxophone. |
Hợp xướng - Giao hưởng - hợp xướng | - Hợp xướng: Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta, Kỷ niệm ở quê hương (a capella, hợp xướng không nhạc đệm); Tình yêu quê hương và Bình minh thế kỷ (trên ý thơ của Nguyễn Đình Thi), Mặt quê hương (a capella) trên thơ của Tế Hanh; - Hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng: Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, giao hưởng hợp xướng 4 chương Điện Biên Phủ (2005). - Hợp xướng thiếu nhi: Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Học giỏi chăm làm cháu ngoan Bác Hồ, Mùa hè (trong tổ khúc Bốn mùa)... |
Tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng | - Giao hưởng thơ số 1 "Thành đồng tổ quốc" (1960) - Chưa công bố: Giao hưởng số 2 "Tưởng niệm" (1991), 4 chuơng, đổi tên thành Sinfonia Lyrica năm 2010; Giao hưởng thơ số 3 "Tuổi trẻ của tôi" (2000) |
Nhạc cho phim và sân khấu | - Nhạc phim: Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Khói trắng, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Đất mẹ, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Đường lên cổng trời... - Nhạc cho vũ kịch: Chị Sứ, kịch Nila...; Kịch hát: (operette) Nỗi nhớ Mai Lan, Tình yêu nàng Sa, Giai điệu tháng 5... |
Nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác nhiều và cũng có rất nhiều ca sĩ đã thành công khi thể hiện nhạc phẩm của ông. Trong số đó phải kể đến: Lan anh, Tuyết Thanh, Bích Liên, Thu Hiền, Trần Khánh, Trọng Tấn, Anh Thơ...
Đặc biệt, Trần Khánh đã gắn liền với Hoàng Vân qua rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Người chiến sĩ ấy, Tin chiến thắng, Tôi là người thợ lò.
Có không ít nhạc phẩm của Hoàng Vân được lựa chọn đi biểu diễn Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (Sao Mai) như: Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn...
Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Dương: Người nghệ sĩ tài hoa một lòng hướng về Hà Nội
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận