Nhạc sĩ Xuân Tiên: "Cây trường sinh" của làng tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Xuân Tiên là cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam với nhiều ca khúc bất hủ chạm tới trái tim người yêu nhạc như “Khúc hát ân tình”, “Về dưới mái nhà”, “Hận Đồ Bàn”,…

Diệu Nguyễn
20:00 14/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ XUÂN TIÊN

  • Tên thật: Phạm Xuân Tiên
  • Nghệ danh: Xuân Tiên
  • Ngày sinh: 1921 – 2023
  • Quê quán: Hà Nội
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, nhạc công
  • Thể loại sáng tác: Nhạc trữ tình, Nhạc vàng, Nhạc quê hương
  • Ca khúc nổi tiếng: Khúc hát ân tình, Mong chờ, Hận đồ bàn,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Thái Thanh, Phương Lam, Chế Linh, Phi Nhung,…
  • Thời gian hoạt động:1945 - 2023

Nhạc sĩ Xuân Tiên là ai?

Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thật là Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28 /01/1921 tại Hà Nội. Ông là con trai của nhạc sĩ Phạm Xuân Trang, gia đình ông có 6 anh em, người anh trai kế của ông chính là nhạc sĩ Xuân Lôi. Từ năm lên 6 tuổi, nhạc sĩ Xuân Tiên đã được cha dạy về nhạc cụ cổ truyền, nhưng chỉ về âm điệu, còn lại đa phần là do tự Xuân Tiên mài mò để học, đầu tiên là đàn mandolin.

Tuy biết đàn nhưng nhạc sĩ Xuân Tiên không biết nốt nhạc, do đó ông nhờ có người anh cả là Xuân Thư tốt nghiệp Nhạc viện Viễn Đông hướng dẫn căn bản về ký âm pháp, rồi lại tự mua tờ nhạc của Pháp về nghiên cứu thêm. Lớn hơn một chút, nhạc sĩ Xuân Tiên mua kèn saxo cũ về tự học và nhạc cụ này đã trở thành nhạc cụ ông yêu thích và chơi thành thạo nhất.

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-1
Nhạc sĩ Xuân Tiên ngày nhỏ và khi trưởng thành

Vào thập niên 1930, người anh cả Xuân Thư vào Huế lấy vợ là một khuê nữ hoàng tộc, nhạc sĩ Xuân Tiên đã theo anh vào đấy sống một thời gian. Khi ấy gánh hát cải lương Phụng Hảo đi ngang qua Huế, ông xin tham gia ban nhạc với mục đích học lỏm môn kèn saxon từ ban nhạc người Phi Luật Tân. Được một thời gian, gánh hát trở lại vào Nam, ông cũng theo vào ít tháng thì lại trở ra Hà Nội. Năm 1940, ông tham gia vào gánh cải lương Tố Như. Cũng cùng trong năm này, nhạc sĩ Xuân Tiên lấy vợ là bà Hoàng Thị Hương, khi ấy cả hai đều ở tuổi 19. Hai vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên chung sống hạnh phúc với nhau suốt hơn 80 năm.

Cuối năm 1942, nhạc sĩ Xuân Tiên lại cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh hát Tố Như vào miền Nam biểu diễn ở Sài Gòn và lục tỉnh. Trong quá trình đi diễn nhạc ở khắp các vùng miền, nhạc sĩ Xuân Lôi đã học thêm được nhiều kiến thức về các loại hình âm nhạc đặc trưng của các miền và có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc cổ truyền.

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-2
Ban nhạc Xuân Tiên ngày ấy

Năm 1946, trong thời gian tản cư, nhạc sĩ Xuân Tiên đã cùng anh trai Xuân Lôi lập ban nhạc Lôi Tiên đi diễn lưu động khắp nơi và đàn cho gánh cải lương Bích Hợp. Trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1950, hai anh em còn lên tận vùng Thái Nguyên nhập vào ban văn hóa thời vụ với trưởng ban là Hoài Thanh. Cũng tại đây, nhạc sĩ Xuân Tiên đã có cơ hội gặp gỡ với các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy như Phan Khôi, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao,… Đến năm 1951, cả hai anh em nhạc sĩ Xuân Lôi lại đi Nam Định, làm việc cho dancing Văn Hoa. Sau đó ít lâu, họ tập hợp 12 nhạc sĩ làm việc tại nhà nhà hàng Le Coq d’Or.

Năm 1952, một người bạn cũ của nhạc sĩ Xuân Tiên là nhạc sĩ Ngọc Bích vào nam sinh sống, sau đó Ngọc Bích viết thư gửi về mời Xuân Tiên vào Sài Gòn tham gia chung ban nhạc ở Cinema Văn Cầm. Thế là nhạc sĩ Xuân Tiên vào Sài Gòn, ít lâu sau đó các anh em của ông cũng lần lượt vào, ngoại trừ anh cả Xuân Thư.

Tại Sài Gòn, bài hát đầu tiên “Chờ một kiếp mai” của nhạc sĩ Xuân Tiên viết chung với Ngọc Bích được phát hành. Tuy nhiên, đối với nhạc sĩ Xuân Tiên sáng tác là nghề tay trái nên ông không tập trung nhiều, thay vào đó ông tham gia vào các ban nhạc và làm việc cho các đài phát thanh tại Sài Gòn. Khi ấy, nhạc sĩ Xuân Tiên là trưởng ban nhạc tại phòng trà, vũ trường Kim Sơn, Văn Cảnh, Blue Diamond, Eden Rock, Mỹ Phụng, Palace Hotel,… Trong khoảng thời gian làm việc tại ban nhạc trong Đài tiếng nói Quân Đội, nhạc sĩ Xuân Tiên có dịp đi theo đoàn trình diễn tại nhiều nước như Lào, Mỹ, Thái Lan,…

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-3
Nghề chính của nhạc sĩ Xuân Tiên là nhạc công chơi đàn

Đến cuối thập niên 1960, vì tình trạng an ninh phòng trà bị chính quyền đóng cửa một thời gian, ban nhạc của nhạc sĩ Xuân Tiên chuyển sang chơi nhạc tại các Club Mỹ.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Xuân Tiên cùng một số nhạc sĩ khác đi học cải tạo. Sau khi ra khỏi trại cải tạo, ông thành lập một ban nhạc để cộng tác với đoàn kịch nói Kim Cương, được 5 năm thì lại về cộng tác với đoàn cải lương Hồ Quảng Minh Tơ. Được một năm thì nhạc sĩ Xuân Tiên lại về làm cho một phòng trà. Đến năm 1986, cả gia đình ông được bảo lãnh sang Úc. 10 năm đầu, nhạc sĩ Xuân Tiên sống tại  thủ đô Canberra, làm nghề sửa chữa kèn, sáo để kiếm sống. Sau chuyển về khu Cabramatta ở ngoại ô Sydney và nghỉ hưu từ đó đến tận lúc qua đời.

Nhạc sĩ Xuân Tiên qua đời vào ngày 02/06/2023, hưởng thọ 102 tuổi.

Nhạc sĩ Xuân Tiên và hiền thê Thị Hương – Cặp vợ chồng hơn 100 tuổi hiếm hoi trên thế giới

Năm 1940, ở tuổi 19, nhạc sĩ Xuân Tiên lấy người vợ cùng tuổi tên là Hoàng Thị Hương. Cả hai chung sống hạnh phúc với nhau hơn 80 năm và có với nhau được 8 người con.

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-4
Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên lúc trẻ và khi về già

Có thể nói vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên là đôi vợ chồng cùng sống hơn 100 tuổi hiếm hoi trên thế giới. Cụ bà Hoàng Thị Hương qua đời vào ngày 18/06/2021, hưởng thọ 100 tuổi. Cuộc hôn nhân hạnh phúc của nhạc sĩ Xuân Tiên là tấm gương cho các thế hệ hậu bối.

Nhạc sĩ Xuân Tiên và quan điểm sáng tác "không lặp lại của người khác cũng không lặp lại của chính mình"

Nhạc sĩ Xuân Tiên bắt đầu sáng tác ca khúc từ trước năm 1945, tức là ông thuộc lứa nhạc sĩ thời kỳ tiền chiến. Tuy sáng tác không nhiều, nhưng các ca khúc do nhạc sĩ Xuân Tiên sáng tác đều rất nổi tiếng và được yêu thích.

Âm nhạc của Xuân Tiên rất đa dạng, đặc biệt những bài hát của ông đều mang đậm tính dân tộc, chủ yếu được lấy cảm hứng từ làn điệu quê hương 3 miền. Ca khúc nổi tiết có âm điệu xứ Bắc của nhạc sĩ Xuân Tiên là “Khúc hát ân tình”,... Còn làn điệu mang âm hưởng dân ca Nam Bộ có “Cùng một mái nhà”, “Khúc hát đồng xanh”,… Bản nhạc mang âm hưởng Huế của ông có bài “Mong chờ”, “Tiếng hát trong sương”,… Ngoài ra, nhạc sĩ Xuân Tiên còn rất nổi tiếng với bài “Hận đồ bàn” mang hơi thở của dân Chàm vùng Nam Trung Bộ. Để có thể hoàn thành bài hát này, ông đã phải ra tận miền Trung, dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về âm điệu, về phong tục lịch sử nơi đây để có tư liệu viết nhạc.

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-5
Ca khúc "Hận Đồ Bàn" của nhạc sĩ Xuân Tiên

Nhạc sĩ Xuân Tiên trong sáng tác luôn chủ trương đào sâu vào nhạc Việt, dùng kỹ thuật và nhịp điệu phương Tây chỉ để cải tiến và làm giàu nền âm nhạc của mình.  Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng giai điệu của bài hát. Trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Xuân Tiên thường sử dụng âm hưởng lạc quan yêu đời, ca ngợi quê hương dân tộc và nếu có buồn thì chỉ “chớm buồn” thôi. Nhưng điều này không có nghĩa là ông chỉ viết nhạc vui. Nhạc sĩ Xuân Tiên cũng có những bài hát rất hay mang sắc thái nhớ nhung về một mối tình xa xưa, về nỗi mất mát trong đời hay một quá khứ vàng son không thể quay trở lại. Những bài hát này của Xuân Tiên thường được viết bằng một loại ngôn ngữ gợi cảm, xa vắng  dễ đi vào lòng người nghe.

Nói về quan điểm sáng tác của mình, trong một lần phỏng vấn nhạc sĩ Xuân Tiên có bày tỏ như sau: “Nói chung thì trong sáng tác, tôi rất chú trọng nhiều đến giai điệu và thể điệu của bài hát. Giai điệu hay được hiểu một cách nôm na là cấu trúc của những câu nhạc, sao cho khi viết có đầy đủ nhạc tính và phẩm chất của hòa âm, để mình nghe thấy hay, dù cho không cần lời hát nhưng chỉ hòa tấu nhạc cụ không thôi cũng thấy hay. Nếu không có phần giai điệu hay thì không thể có một bài hát hay được. Còn thể điệu thì ví dụ như điệu valse, tango, rumba… Nhạc Việt mình vốn nghèo về thể điệu, cho nên khi sáng tác tôi luôn chủ trương dùng nhiều thể điệu khác nhau cho những ca khúc để có thể tạo những đổi mới ngay trong chính những tác phẩm của mình. Tôi thích những âm hưởng lạc quan yêu đời, tôi cũng yêu những lời hát ca ngợi quê hương dân tộc. Tôi cũng có làm những loại nhạc tình yêu lứa đôi và nhạc buồn nhưng không có sầu thương hay ủy mị quá mức. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong sáng tác chính là mình không được lặp lại của người khác và mình cũng không được lặp lại chính mình, nghĩa là mỗi một tác phẩm của mình sáng tác ra phải hoàn toàn không giống ai”.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc nhất của nhạc sĩ Xuân Tiên

Vì quan niệm sáng tác chỉ là nghề tay trái, nên so với các nhạc sĩ khác cùng thời, nhạc sĩ Xuân Tiên sáng tác không nhiều. Một số ca khúc nổi tiếng của ông có thể kể đến là: Chờ anh bên đồi, Chờ một kiếp mai (nhạc Xuân Tiên, lời Ngọc Bích), Cung sầu, Dâng nắng, Duyên tình (Xuân Tiên – Y Vân), Đất Việt, Đêm trăng mơ, Đón mùa xuân mới, Hận Đồ Bàn, Hoài vọng, Hồn tha hương, Khúc hát ân tình (nhạc Xuân Tiên, lời Sông Hương), Khúc hoan ca, Khúc nhạc đồng xanh, Mây chiều, Mộng vàng, Ngõ xưa, Nhịp sống vui, Sầu thu, Tiếng bình minh, Tiếng hát đường xa, Tìm trăng đô thị, Trung thu, Vương vấn, Xa quê hương (nhạc Xuân Tiên, lời Đan Thọ), Xuân qua, Xuân tự do,…

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-6
Ca khúc "Khúc hát ân tình" của nhạc sĩ Xuân Tiên

Trong số những ca khúc được chắp bút bởi nhạc sĩ Xuân Tiên, “Khúc hát ân tình” là bài hát nổi tiếng nhất. Bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1958, trong bối cảnh người dân miền Bắc di cư vào Nam sinh sống sau Hiệp định Geneve năm 1954. Bài hát này của nhạc sĩ Xuân Tiên là lời kêu gọi mọi người chung sống thân ái với nhau, đồng thời cũng là lời ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc – Nam.

“Người từ từ là phương Bắc

Đã qua dòng sông sông dài

Tìm đến phương này một nhà thân ái ơ

Ơ tình Bắc duyên Nam là duyên

Tình chung muôn đời ta đắp xây”.

Ngoài ra, nhạc sĩ Xuân Tiên còn xuất bản hai tập nhạc là “Duyên tình”(năm 2000) gồm toàn bộ những sáng tác của ông trước năm 1975 và “Dâng nắng” (năm 2007) gồm 16 bài hát sau này. Về sách nhạc, nhạc sĩ Xuân Tiên cũng cho ra mắt công chúng 3 quyển gồm: “Phương pháp tự học sáo trúc”, “Kỹ thuật sử dụng kèn saxo” và “Phương pháp tự học đàn cò, đàn gáo”. Về thơ, nhạc sĩ Xuân Tiên cũng cho xuất bản một tập thơ mang tên “Trên kiếp hoa” được Nhà xuất bản Ba Vì in ở Canada năm 1997.

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Xuân Tiên

Tuy tự nhận sáng tác chỉ là nghề tay trái, nhưng nhìn lại cả quá trình cống hiến cho âm nhạc, thì có thể thấy, Xuân Tiên là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp tích cực cho nền tân nhạc Việt Nam. Những ca khúc do ông chắp bút đều mang đậm âm nhạc dân tộc và có sức sống lâu bền với thời gian.

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-7
Nhạc sĩ Xuân Tiên là người có nhiều cải tiến cho mảng nhạc cụ dân tộc

Ngoài đóng góp lớn cho âm nhạc trong 2 mảng sáng tác và trình diễn, nhạc sĩ Xuân Tiên còn là người có nhiều cải tiến và sáng tạo, làm giàu và phong phú thêm mảng nhạc cụ dân tộc. Cụ thể, ông đã cùng với anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi cải tiến sáo tre 6 lỗ trở thành loại có 10 lỗ và 13 lỗ, chơi được nhiều âm giai khác nhau. Hiện tai hai loại sáo này đang được trưng bày tại Musée de l’Homme, Paris, Pháp. Năm 1976, nhạc sĩ Xuân Tiên còn sáng chế ra cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai, tiếng đàn tương tự tiếng đàn tranh nhưng mạnh và chắc hơn. Đến năm 1980, ông tiếp tục cải tiến đàn bầu cổ với với thân đàn được làm từ trái bầu dài để làm hộp khuếch âm. Chiếc đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm tại Úc và thường được gọi với cái tên “Đàn bầu Xuân Tiên”.

Đánh giá về âm nhạc của Xuân Tiên -  Khúc hát ân tình còn mãi với nhân gian

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Xuân Tiên quan niệm rằng tiền là để xài cho thoải mái đời sống, nên ông không bao giờ giàu, cũng chẳng bao giờ mang tiếng keo kiệt. Bao giờ cũng sung túc, nhưng không bao giờ ông lo lắng việc giữ của. Có lẽ vì sự thoải mái trong suy nghĩ đó mà cuộc đời và âm nhạc của ông lúc nào cũng toát lên sự lạc quan, yêu đời.

Nhac-si-Xuan-Tien-la-ai-Nhac-si-tho-nhat-trong-lich-su-am-nhac-Viet-8
Nhạc sĩ Xuân Tiên thọ 102 tuổi

Là một nhạc sĩ sáng tác và chơi nhạc, cải tiến và chế tác nhạc cụ đi qua ngần ấy chiều dài thế kỷ, chứng kiến những đổi thay của lịch sử và con người, nhạc sĩ Xuân Tiên không hề có những ưu tư vụn vỡ của riêng mình. Cái khiến ông trăn trở chính là nghệ thuật, làm âm nhạc của dân tộc, của hậu thế mai sau. Nhạc sĩ Xuân tiên đã từng chia sẻ như sau: “Tôi mong, thế hệ nhạc sĩ sau này nên chú trọng hơn về âm điệu, về giai điệu của những bản nhạc. Tôi nghĩ, nền âm nhạc Việt Nam phải mang dân tộc tính, để khi nhạc tấu lên thì người ta biết bản nhạc này là của Việt Nam, bản nhạc kia của âm nhạc nước khác. Người nghệ sĩ thì phải biết, phải hiểu rõ và tôn trọng nghệ thuật chứ đừng nghĩ nhiều đến thị hiếu của quần chúng. Và mỗi một sáng tác của cùng một nhạc sĩ đi nữa, thì cũng không nên lặp lại âm điệu mà mình đã sáng tác rồi".

Dù đã đi về chốn vĩnh hằng, nhưng âm nhạc của Xuân Tiên vẫn còn đấy những khúc hát ân tình với nhân gian.

Tổng hợp

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Minh Sơn phổ nhạc bài kinh, tổ chức tour nhạc Phật ở 3 miền

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận