Ca khúc "Nghìn trùng xa cách": Tuyệt phẩm về "mối tình đồng trinh duy nhất" của nhạc sĩ Phạm Duy
"Nghìn trùng xa cách" là lời đáp tạ của nhạc sĩ Phạm Duy dành cho "mối tình thơ nhạc" kéo dài một thập kỷ với nàng Lệ Lan. Đó là chuyện tình trong sáng nhất trong đời người nhạc sĩ đa tình.
VỀ CA KHÚC NGHÌN TRÙNG XA CÁCH
- Tên ca khúc: Nghìn trùng xa cách
- Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm ra đời: 1968
- Nằm trong album:
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh
- Nữ chính trong ca khúc: Nàng Lệ Lan (Alice)
Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Nghìn trùng xa cách"
Phạm Duy (1921 - 2013) là một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ông còn được biết đến với vai trò nhạc công, ca sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc. Riêng với sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại cho đời kho tàng đồ sộ với nhiều ca khúc trở thành kinh điển, quen thuộc với người Việt.
Một số ý kiến cho rằng, nếu như thế hệ nhạc sĩ thập niên 1930 có công khai phá ra thể loại tân nhạc thì Phạm Duy lại là người có công lớn nhất trong việc xây dựng, định hình cho nền tân nhạc Việt Nam từ 1940 trở về sau, nhất là thể loại tình ca viết về tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước. Nhạc của Phạm Duy thường xuyên sử dụng các yếu tố âm nhạc cổ truyền Việt Nam kết hợp với kỹ thuật, cấu trúc Tây Phương tạo nên một phong cách rất riêng có tính đột phá, giàu sức ảnh hưởng.
Bên cạnh âm nhạc, khi nhắc đến Phạm Duy không thể bỏ qua những mẩu chuyện về những mối tình đã ngang qua đời ông. Và những mối tình ấy đã trở thành chất xúc tác, chất liệu rất hay để chàng nhạc sĩ tài hoa năm nào sáng tác nên rất nhiều tuyệt phẩm.
Phạm Duy có những cuộc tình nồng nàn, cháy bỏng nhưng cũng có cuộc tình trong sáng mà ông gọi đó là "mối tình thơ nhạc". Mối tình ấy tác động nhiều đến cảm xúc nhạc của Phạm Duy để sau 10 năm thầm thương trộm nhớ ông tạo ra nhạc phẩm bất hủ "Nghìn trùng xa cách".
Ngược dòng thời gian về năm 1968, khi ấy, người phụ nữ mà Phạm Duy thầm thương trộm nhớ cả một thập kỷ lên xe hoa về nhà chồng. Ông tiễn nàng lên xe bằng ca khúc "Nghìn trùng xa cách". Theo đó, ca khúc này được sáng tác vào năm 1968.
Sau này "Nghìn trùng xa cách" trở thành tuyệt phẩm về tình yêu đôi lứa và được danh ca Thái Thanh thể hiện rất thành công. Năm 2011, trong một đêm nhạc tại Hà Nội, Phạm Duy đã chia sẻ: "Trước đây hát bài này, Thái Thanh lần nào cũng khóc". Dường như Thái Thanh có một sự đồng cảm sâu sắc với câu chuyện phía sau nhạc phẩm này. Bởi trong đời mình, bản thân Thái Thanh cũng từng đi qua những cuộc chia ly "nghìn trùng xa cách". Những lời ca nỉ non, da diết như lời tâm sự khiến nữ danh ca Thái Thanh phải nức nở khi hát.
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy cũng từng kể, "Nghìn trùng xa cách" là cuộc chia ly với mối tình văn nghệ trong sáng, đáng tự hào nhất trong tình sử của ông.
Chuyện về "mối tình đồng trinh duy nhất" của nhạc sĩ Phạm Duy
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng thừa nhận rằng ông là người "nghiện yêu" và "mỗi bài hát là một cuộc tình". Phạm Duy không chỉ yêu mình mà còn yêu đời, yêu người. Với ông, nó giống như kiềng ba chân, lúc nào cũng dựa trên ba điểm đó (yêu mình, yêu đời, yêu người). Yêu đời không yêu mình không được, mà yêu mình không yêu đời cũng không được. Phạm Duy rất yêu nghệ thuật và cũng yêu vợ, nhưng không phải yêu vợ mà bỏ nghệ thuật, và cũng có lúc phải có người tình, giống như chân kiềng thứ ba. Suốt cuộc đời, Phạm Duy sống dựa trên ba nguyên tắc đó, và ba cái đó luôn ngang nhau.
Phạm Duy thường có những cuộc tình chớp nhoáng, đầy nhục dục và rất nồng cháy. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy không ngại nhắc tên những cuộc tình đó. Nhưng cuộc tình khiến Phạm Duy viết nhiều và dài nhất trong hồi ký có lẽ là câu chuyện về "mối tình thơ nhạc" kéo dài 10 năm với nàng Lê Lan. Mối tình này trở chất xúc tác giúp ông viết nên nhiều nhạc phẩm để đời. Phạm Duy cũng từng chia sẻ, trong hơn 10 năm (1957 đến 1968), hầu hết các bản tình ca của ông đều viết cho Lệ Lan như: Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Cỏ hồng, Nha Trang ngày về, Nghìn trùng xa cách... Và trong nhiều năm quen biết nhau, giai nhân này đã làm tặng ông ngót nghét 300 bài thơ.
Năm 1944, Phạm Duy theo gánh hát cải lương đi lưu diễn từ Bắc chí Nam. Khi gánh hát dừng chân ở Phan Thiết, chàng ca sĩ Phạm Duy đã thể hiện ca khúc "Buồn tàn thu" của Văn Cao và quen biết với một góa phụ trẻ mang hai dòng máu Việt - Anh tên Helene.
Nàng sống ở đồn điền Suối Kiết với mẹ già và hai con là Alice (con gái) và Roger b(con trai). Chồng của nàng là một thương gia người Hoa nhưng vắn số. Vì thế, các con nàng thuộc diện "đa chủng tộc" (Việt - Anh - Hoa).
Hai người gặp gỡ và nhanh chóng có cuộc tình mà theo Phạm Duy là rất nhẹ nhàng và trong sạch... Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không dám lên tiếng yêu đương cả... Hai người chỉ đang ở mấp mé một cuộc tình mà thôi. Và rồi "người đẹp Tây lai" cũng nhanh chóng biến mất khỏi ký ức của Phạm Duy.
Phải đến 10 năm sau, họ mới gặp lại nhau giữa lòng Sài Gòn phồn hoa. Lúc này cả hai đã có gia đình. Hélène mời Phạm Duy về chơi nhà (đường Trần Hưng Đạo). Phạm Duy đã ngỡ ngàng khi gặp cô con gái của Helene là nàng Alice (tên Việt là Lệ Lan). Lúc bấy giờ Alice đã trở thành một thiếu nữ trăng tròn, giống mẹ như đúc và phảng phất nét lai Tây.
Hồi ấy, Phạm Duy vừa trải qua vụ "xì căng đan" tình ái. Nó khiến chàng nhạc sĩ tài hoa có cảm giác như ai cũng khinh ghét, xa lánh mình, chỉ có mẹ con Alice là cảm thông. Thế nên, Phạm Duy tìm được sự đồng cảm từ nơi họ.
Và rồi trong suốt 1 năm ròng, cứ đến cuối tuần là Phạm Duy lại lái xe hơi đến đón Alice đi chơi. Cô bé không thích cha dượng nên ít tâm sự với mẹ. Thế nhưng với "chú Phạm Duy" cô lại vô cùng thân thiết có thể trút bầu tâm sự, bộc lộ hết hỉ - lộ - ái - ố của một cô gái vừa qua tuổi dậy thì.
Và Alice còn là nàng thiếu nữ được thừa hưởng tài thi ca và âm nhạc từ mẹ. Nàng thích hát tình ca, tình hoài thương, tình kỹ nữ, bên cầu biên giới... của Phạm Duy. Và dần dần, từ tình chú cháu họ trở thành tình tri kỷ.
Về mối tình thơ nhạc với nàng Alice, trong hồi ký của Phạm Duy có đoạn: "Một chiều mùa thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Helene (mẹ của Alice). Đã gần 10 năm vì quá mê mải soạn nhạc tình tự quê hương, tôi không soạn một bản tình ca nào cả. Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh, dù biết không giữ được nó suốt đời".
Cũng trong hồi ký của mình, Phạm Duy chia sẻ rằng suốt 10 năm thầm thương trộm nhớ Alice cũng là khoảng thời gian ông viết nhạc cho riêng Alice. Cuộc tình trong sáng này gắn liền với tình yêu âm nhạc của ông.
"Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương tình ca (1916). Vì chênh lệch tuổi tác và vì không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngày từ đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ... Trong 10 năm (1956 - 1968), nhạc tình của tôi đều là những bài viết cho nàng...", nhạc sĩ Phạm Duy trải lòng hồi ký.
Và thế là vào một ngày đẹp trời của năm 1968, nàng Lệ Lan lên xe hoa đi lấy chồng khi đã bước sang tuổi 28. Cuộc tình của chàng nhạc sĩ tài hoa bắt đầu bằng ca khúc "Thương tình ca" (1956) và kết thúc bằng "Nghìn trùng xa cách" (1968), ở giữa là biết bao bản tình ca đẹp khác.
Về phần nàng Alice, khi đi lấy chồng đã gửi lại cho Phạm Duy một lá thư từ biệt. Nàng nói, 10 năm quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi. Kể từ đây đến ngày cưới, nàng xin được gặp "chú Phạm Duy" một, hai. Gặp chẳng để làm gì cả. " L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Một mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái. L. chỉ xin giữ lại một chút dư hương để truyền lại cho các con của L. sau này cho chúng nó cũng có một tâm hồn biết yêu thương đằm thắm", nàng viết.
Bình phẩm về lời từ tạ của Phạm Duy trong ca khúc "Nghìn trùng xa cách"
"Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười" - Phạm Duy mở đầu bản tình bằng sự tiếc nuối về cuộc tình trong sáng nhất đời ông. Kể từ nay, nàng Lệ Lan đã đi lấy chồng, những cuộc gặp gỡ sẽ không còn, nó khác nào "nghìn trùng xa cách" đâu.
"Mời người lên xe về miền quá khứ. Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu". Hai câu hát thả xuống nhẹ tênh, lịch lãm như thể một quý ông đang từ biệt người phụ nữ mà ông vô cùng ngưỡng mộ chứ không phải yêu đương muốn sở hữu, chiếm hữu.
"Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu. Sẽ có chẳng nhiều đớn đau. Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm màu. Có lũ kỷ niệm trước sau". Vì yêu chỉ để yêu, yêu trong tâm hồn, yêu trong thi ca nên khi chia tay cũng "sẽ có chẳng nhiều đớn đau". Bước qua rồi sẽ còn lại những "lũ kỷ niệm" và "dĩ vãng nhiệm mầu".
"Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ. Rồi sẽ tan đi mịt mù. Vài tóc nâu khô còn chút thơm. Thả gió bay đi mịt mù". Mối tình đầy ắp những sắc màu đặc trưng của những cuộc tình thơ của các cô cậu học trò. Nhưng trong đoạn ca này có hình ảnh "tóc nâu" mà không phải là "tóc đen"? Ấy là bởi nàng Lê Lan là con lai nên tóc ngả màu nâu, vóc dáng lai Tây rõ nét.
Sau khi đọc lá thư từ biệt của nàng Lệ Lan, nhạc sĩ Phạm Duy đã trong tâm thế chấp nhận nhưng có lẽ ông cũng rất hụt hẫng: "Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi. Còn gì nữa đâu mà giữa cho người".
Phải chia xa rồi, còn gì đâu để nói, để hứa, để giữ gìn. Vậy nên đành xin trả lại: "Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời. Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui. Lời nói, lời cười. Chuyện ngắn chuyện dài. Trả hết cho người, cho người đi. Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi...".
Dẫu trong lòng vẫn còn chút đoái thương, chút buồn vương nhưng nhạc sĩ vẫn gượng cười tiễn bước nàng đi: "Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi. Còn lời trăn trối gửi đến cho người. Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời. Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người".
Và mãi sau này, khi đã bước vào cái tuổi thập cổ lai hy, nhớ lại một thời đã qua, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn dành những lời lẽ yêu thương cho mối tình trong sáng nhất đời mình. Ông nói, ông yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia đình nhạc phẩm của mình, ông dành tặng bà ấy 40 bài hát. Nhưng có 3 ca khúc đánh dấu thời điểm yêu, xa và quên: Ngày ấy chúng mình, Ngàn trùng xa cách và Chỉ từng đấy thôi...
Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc Hoài cảm: Nỗi nhớ cố xứ da diết của cậu nhạc sĩ tuổi 15
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận