Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Hoài cảm": Nỗi nhớ cố xứ da diết của cậu nhạc sĩ tuổi 15
Hoài cảm là thanh âm tuyệt mỹ đến từ tiềm thức của nhạc sĩ Cung Tiến. Đó là thanh âm da diết từ hoài niệm về Hà Nội của những ngày thơ ấu...
VỀ CA KHÚC HOÀI CẢM
Tên ca khúc: Hoài cảm
Thể loại: Nhạc trữ tình
Năm ra đời: 1953
Nằm trong album:
Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Danh ca Lệ Thu
Hoàn cảnh ra đời ca khúc Hoài cảm
Với âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Cung Tiến là một trường hợp vô cùng đặc biệt. Ông đến với âm nhạc từ rất sớm, được mệnh danh là "thần đồng". Ở độ tuổi 14 - 15, bạn bè cùng trang lứa người thì miệt mài học tập, người thì ra sức làm nông... thì ông đã có những ca khúc riêng cho mình.
Nhạc phẩm năm 14 - 15 tuổi của Cung Tiến đã trở thành một trong những bài hát kinh điển của dòng tân nhạc Việt Nam, được yêu thích đến tận ngày nay. Trong hai nhạc phẩm đầu tay được Cung Tiến sáng tác năm 1953 thì ca khúc "Hoài cảm" mang đến sự sửng sốt nhất cho giới một điệu.
Ít ai có thể tin được những tâm sự chất chứa trong từng lời ca lại là của một cậu học trò chưa thành niên. Đáng nói, người nghe từ già tới trẻ đều đắm say, đều ăm ắp suy tư.
Nói về hoàn cảnh sáng tác ca khúc "Hoài cảm" thì không thể không nhắc đến những tháng gia đình nhạc sĩ Cung Tiến di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đó là năm 1952, gia đình quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống, năm đó, Cung Tiến đang học trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội) - nơi có bạn bè thân thiết, thần cô mến thương.
Với một đứa trẻ đang lớn như Cung Tiến, chuyến đi nào cũng để lại những dư chấn cảm xúc huống hồ đây lại là một chuyến đi rất xa, vào tận miền Nam sinh sống. Những cảm xúc chất chứa, dồn nén bao ngày đã thai nghén thành đứa con tinh thần là ca khúc "Hoài cảm" và sau đó nữa là "Thu vàng". Cả hai ca khúc đều được sáng tác năm 1953 khi Cung Tiến mới 15 tuổi, vừa tham gia vào lớp ký xướng âm của nhạc sĩ Thẩm Oánh và Chung Ngân.
Mãi sau này khi được báo chí phỏng vấn, nhạc sĩ Cung Tiến mới chia sẻ: Lời ca trong "Hoài cảm" bị ảnh hưởng một phần từ những bài thơ mà ông từng được học trong trường, đó là thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... Những lời thơ này dần dà bước vào trong trí nhớ và trở thành xúc cảm để Cung Tiến viết lên những lời ca mang hơi hướng chiêm nghiệm cuộc đời mà khi nghe xong ai cũng nói, trưởng thành trước tuổi.
Hoài cảm - ca khúc hoàn toàn từ trí tưởng tượng
Với nhạc sĩ tài hoa Cung Tiến, "Hoài cảm" chưa bao giờ là tác phẩm đầu tay. Ông nhìn nhận "Hoài cảm" là nhạc phẩm không quá quan trọng và không quá có ý nghĩa với cuộc đời ông. Thế nhưng với những người ái mộ âm nhạc Cung Tiến thì họ lại có dòng suy nghĩ khác. Nhiều khán giả nghĩ, sự giản dị của ngôn từ, những thanh âm gần gũi với đời sống chính là thứ âm nhạc quyến luyến, sâu lắng và níu chân người nghe nhất. Và "Hoài cảm" đã làm điều đó rất thành công.
Chia sẻ về cơ duyên ra đời nhạc khúc này, nhạc sĩ Cung Tiến cho biết: "Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó".
Chàng nhạc sĩ trẻ năm đó dựa vào những mảnh ghép ký ức mờ nhạt của mình để tạo nên tuyệt phẩm. Ấy là khi cậu bé Cung Tiến 14 - 15 tuổi trải qua biến cố đầu đời, rởi xa quê hương đầy ắp kỷ niệm để bước vào hành trình "vô Nam", chuyển tới nơi xa lạ. Sự thay đổi đột ngột khiến Cung Tiến rơi vào nỗi nhớ quê da diết.
Tóm lại, ca khúc "Hoài cảm" của Cung Tiến được sáng tác dựa trên trí tưởng tượng, ký ức về một thời ấu thơ êm đềm. Trong ca khúc, mỗi hình tượng, nhân vật đều từ trí tưởng tượng, không có gì là hiện thực ngoài nỗi nhớ quê hương da diết.
Giải mã những thanh âm xưa cũ đổ về từ tiềm thức trong "Hoài cảm"
"Chiều buồn len lén tâm tư" - câu hát mở đầu khiến người nghe như được bước vào một khung cảnh quen thuộc ở một góc phòng nào đó kê xung quanh là bàn học, sách, bút phất phơ theo gió. Đôi mắt cậu học trò phóng ra ngoài cửa sổ, những tâm tư về thời xưa cũ "len lén" ùa về. Đó là những thước phim quay chậm về Hà Nội xưa: "Mơ hồ nghe lá thu mưa. Dạt dào tựa những âm xưa. Thiết tha ngân lên lời xưa".
Thanh âm từ tiềm thức dội về đó là tiếng lá mùa thu rụng như mưa ở mùa đông xứ Bắc, của Hà Nội thương nhớ, thứ mà không thể kiếm tìm được ở Sài Gòn hoa lệ. Tiềm thức rung lên những nốt nhạc du dương của mùa thu Hà Nội khiến cậu học trò cảm thấy bản thân như lạc lõng giữa Sài Gòn.
"Quanh hiu về thấm không gian. Âm thầm như lấn vào hồn", nỗi cô độc, hiu quanh từ từ xâm lấn tâm trí cậu học trò, giống như cây non bị nhổ khỏi đất mẹ, đưa đến trồng ở những mảnh đất xa lạ. Trong khoảnh khắc này, cậu đã cảm nhận được sự rạn nứt, sự chia ly.
Tâm sự chênh vênh, vụn vỡ ở tuổi 15 khiến cậu học trò không thể bày tỏ với bất kỳ ai. Và âm nhạc trở thành nơi giúp cậu bộc bạch tâm sự, giải tỏa nỗi lòng. Cậu đưa những ảo ảnh về "cố nhân" không tên, không mặt vào trong từng lời ca: "Buổi chiều chợt nhớ cố nhân. Sương buồn lắng qua hoàng hôn".
Cái khung cải hiu quanh ấy khiến cậu không thể kìm giữ: "Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ? Chờ hoài trong mơ. Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa". Những tâm tư của cậu học trò đã trút hết vào từng lời ca để rồi người nghe thấy được, đó là cậu bé giàu tình cảm, thủy chung nhưng cũng rất đa sầu đa cảm. Bởi đầu tiên cậu nhớ "người", tiếp đến nhớ "ân tình cũ", nữa nhớ bạn bè làng xóm... nhớ những con người Hà thành chất phác, giản dị. Cậu nhớ đến "lòng điên cuồng", chỉ mong được gặp lại "cố nhân".
Câu hát "Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?", giống như một lời gửi gắm, một lời khẩn cầu trong vô vọng... nhưng chan chứa yêu thương quê nhà.
Nếu để ý, độc giả có thể thấy gần như cả ca khúc đều được Cung Tiến vận dụng lối gieo vần linh hoạt của thể thơ lục bát (6 chữ). Đây là thể thơ rất được ưa chuộng vì dễ gieo vần, dễ thuộc.
Cũng phải nói rằng, ở cái tuổi 15, Cung Tiến câu chữ của Cung Tiến rất bay bổng với những cảm xúc đang trào dâng trong lòng. Và cũng vì thế mà lời ca có đôi khi không đều một nhịp mà theo dòng cảm xúc của người viết, tựa như lớp sóng đêm dập dời lên xuống, lúc êm ả, lúc cuộn trào...
Theo nhiều đánh giá, cái hay của ca khúc "Hoài cảm" là sự giản dị của lời ca ngay từ những câu hát đầu tiên cho đến những câu hát cuối cùng. Bất kỳ người nghe nào cũng có thể dễ dàng hiểu được, hòa quyện trong từng nốt nhạc có khi là trầm buồn nhưng cũng có lúc dữ dội, có khi lại hết sức thanh bình.
Cách mà nhạc khúc "Hoài cảm" được viết ra hết sức tự nhiên như hơi thở, như nhịp tim. Thứ làm nên "Hoài cảm" chính là thần thức âm nhạc của Cung Tiến mà ít người có được.
Xem thêm: Hoàn cảnh sáng tác ca khúc "Vì đó là em": Tình yêu trĩu nặng trong tâm hồn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận