Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Tôi muốn": Khát khao đầy nhân văn của Lê Hựu Hà giữa thời tao loạn

"Tôi muốn mọi người biết thương nhau..." là thông điệp đầy tính nhân văn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà khi sáng tác ca khúc "Tôi muốn".

Đỗ Thu Nga
12:13 04/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "TÔI MUỐN"

  • Tên ca khúc: Tôi muốn
  • Nhạc sĩ sáng tác: Lê Hựu Hà
  • Năm ra đời: 1970
  • Thể loại: Nhạc trẻ
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Elvis Phương

Ca khúc "Tôi muốn" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những yếu tố làm nên tên tuổi của Lê Hựu Hà chính là thái độ của ông đối với âm nhạc. Ngay từ khi bắt đầu sáng tác năm 17 tuổi cho đến khi gác bút, ông vẫn cam tâm giấu mình trên những khuông nhạc đầy thăng trầm. Dẫu cuộc đời và dòng chảy lịch sử có nhiều biến động nhưng những ca khúc của ông vẫn ngập tràn sắc màu tươi sáng, thể hiện niềm yêu đời, yêu người, như trong các bài hát: Yêu em, Yêu người yêu đời, Tôi muốn. 

Ca khúc "Tôi muốn" được nhạc sĩ Lê Hựu Hà sáng tác vào năm 1970. Đó là thời điểm giao thời trong sự nghiệp âm nhạc của Lê Hựu Hà. Năm 1963, ban nhạc Hải Âu được thành lập với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Năm đó, ông sáng tác ca khúc Mai Hương, Chiều... nhưng không được chú ý nhiều vì dân mê nhạc khi đó chỉ thần tượng các bản nhạc ngoại. Trước thập niên 1970, Hải Âu tan rã. Năm 1971, nhạc sĩ Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Phượng Hoàng với phong cách Việt hóa pop rock. Thành viên chủ chốt của ban nhạc ngoài Lê Hựu Hà còn có thêm nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-toi-muon-cua-nhac-si-le-huu-ha
Ca khúc "Tôi muốn" được ra đời năm 1970

Ca khúc "Tôi muốn" ra đời sau khi ban nhạc Hải Âu tan ra và trước khi ban nhạc Phượng Hoàng được thành lập. Người đầu tiên hát "Tôi muốn" là lead guitar Nguyễn Ngọc Hải. Ca khúc được trình bày tại phòng trà Chiều Tím. 

Một vài năm sau, khi ban nhạc Phượng Hoàng hoạt động ổn định, ca khúc "Tôi muốn" được thể hiện qua giọng ca Elvis Phương. Và từ đó, "Tôi muốn" trở thành ca khúc nổi tiếng tại Sài Gòn, được giới trẻ yêu thích.

"Tôi muốn" sở hữu giai điệu và lời ca nhẹ nhàng, dễ nghe, in sâu vào tâm trí công chúng trong thời buổi tao loạn. Những mất mát lớn do thời cuộc gây ra đã làm cho lòng người dao động, anh em bạn bè chịu cảnh ly tán.  "Tôi muốn" có tác dụng kết nối giữa người với người và là lời kêu gọi từ tâm "Tôi muốn mọi người biết thương nhau...".

"Tôi muốn" và thông điệp đầy nhân văn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà

Nếu Xuân Diệu được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới với hồn thơ tiêu biểu cho tiếng nói thiết tha, tình yêu cuộc sống, con người và rạo rực khao khát giao cảm với đời thì Lê Hựu Hà được xem là nhạc sĩ trẻ tiên phong trong việc Việt hóa nhạc trẻ Âu - Mỹ tại Việt Nam. Âm nhạc của Lê Hựu Hà tươi sáng, thể hiện niềm tin yêu người, yêu đời giữa cuộc đời đầy đầy thăng trầm, oán ghét, sân hận... Xuân Diệu và Lê Hựu Hà có một điểm chung là niềm tin yêu cuộc sống thiết tha. Họ dám nêu lên quan điểm của bản thân trong chính sáng tác của mình, đó là: "Tôi muốn". Nhà thơ Xuân Diệu muốn "tắt nắng đi", muốn "buộc gió lại", còn nhạc sĩ Lê Hựu Hà muốn "tìm đến thiên nhiên", muốn "sống như loài hoa hiền", muốn "làm một thứ cỏ cây"...

Nhà thơ Xuân Diệu muốn tác động vào vũ trụ để bảo tồn vẻ đẹp của thiên nhiên dẫu đó là điều rất vô lý trong cuộc sống thực tại. Còn nhạc sĩ Lê Hựu Hà muốn hòa mình vào thiên nhiên, sống cuộc đời trọn vẹn, nhẹ nhàng cùng cỏ cây hoa lá và ở đó không còn những ưu phiền của nhân tình thế thái. 

Liên hệ một chút như vậy để thấy rằng, với những con người tài hoa, thiết tha yêu cuộc sống như Xuân Diệu, như Lê Hựu Hà thì dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng có thể tìm ra được những điểm tươi sáng để truyền tải đến độc giả, công chúng. Từ đó, gián tiếp nuôi dưỡng tình yêu người, yêu đời của công chúng.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-toi-muon-cua-nhac-si-le-huu-ha-0
Ca khúc "Tôi muốn"

Quay trở lại với ca khúc "Tôi muốn", dù đã được viết cách đây 50 năm nhưng nó vẫn là nhạc phẩm cuốn hút giới trẻ hiện đại, bởi chất nhạc trẻ trung, sôi động và những lời ca mộc mạc, nguyên sơ, thẳng thắn, ca tư giản dị, không vòng vo nhiều tầng lớp ý tứ như các ca khúc cùng thời.

"Tôi muốn mọi người biết thương nhau

Không oán ghét không gây hận sầu

Tôi muốn đời hết tiếng thương đau

Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..".

Gạt bỏ hết những khái niệm phức tạp của thời cuộc, lý tưởng chính trị thiêng liêng... nhạc sĩ Lê Hựu Hà chỉ muốn mượn lời ca "Tôi muốn" để đại diện cho người trẻ, tiếng nói của thế hệ tương lai của đất nước để nó thể hiện ước muốn nhân văn "Tôi muốn mọi người biết thương nhau.../ Tôi muốn đời hết tiếng thương đau". Ước muốn đó cứ hừng hực cháy trong tâm tưởng của người nhạc sĩ tài hoa giữa thời tao loạn.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà lại viết tiếp: "Em thấy có hoa kia mới nở/ Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời/ Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi/Giờ đâu còn tìm được nét vui...". Hoa nở rồi lại tàn, hội ngộ rồi chia ly, hạnh phúc rồi khổ đau, còn đó rồi mất đó... tất cả những biến thiên đó của đời sống sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Đời người luôn phải quay cuồng trong vòng biến chuyển liên tục đó, không có gì có thể thay đổi được. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà chắc hẳn rất thấu tỏ cái sự vô thường đó nhưng ông vẫn khao khát muốn "thoát ly" khỏi nó. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-toi-muon-cua-nhac-si-le-huu-ha-7
Ca sĩ Elvis Phương thể hiện rất thành công ca khúc "Tôi muốn"

Có lẽ nhiều người Việt trong thời kỳ này đã quá chán ngán với cảnh thương đau, loạn lạc, điêu tàn của chiến chinh, của hỉ - nộ - ái - ố. Họ muốn "thoát ly" khỏi sự bế tắc này. Nhưng những dây mơ rễ má của đời sống trói buộc, những ước mơ không thể dứt ra, đành mượn lời ca, tiếng đàn để giải phóng năng lượng, để khỏa lấp những khát khao: 

"Tôi muốn thành loài thú đi hoang

Tôi muốn sống như loài chim ngàn

Tôi muốn cười vào những khoe khoang

Tôi muốn khóc nhưng đời điêu tàn..."

Song song với ước mơ được "thoát ly" là nỗi đau đáu khôn nguôi của tác giả về nhân tình thế thái, về thói đời, phận người và những điêu tàn của thời cuộc... Nhạc sĩ Lê Hựu Hà muốn "thành loài thú đi hoang" để trốn thoát khỏi sự tao loạn của thời cuộc; muốn được sống tự do "như loài chim ngàn"; muốn phê phán thói đời hay khoe khoang; và muốn khóc thật to cảm thán cho cuộc đời điêu tàn, chiến chinh loạn lạc. 

Xuyên suốt ca khúc có đoạn vui vẻ hoan ca nhưng cũng có khúc lắng lại vài nhịp để suy tư. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, đây là một ca khúc tươi sáng, trong trẻ và ẩn chứa thông điệp nhân văn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà: "Tôi muốn mọi người biết thương nhau".

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà bắt đầu tập tành sáng tác từ năm 17 tuổi với những ca khúc đầu tay mang phong cách nhạc trẻ trung. Khi còn là sinh viên đại học, ông đã cùng bạn bè thành lập ban nhạc Hải Âu, sau đó là ban nhạc Phượng Hoàng thành lập cùng nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. 

Nhận xét về âm nhạc của Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ: Lê Hựu Hà là một trong những nhạc sĩ bị "underrated (bị đánh giá thấp hơn giá trị đóng góp) nhất trong làng nhạc Việt từ xưa đến nay, khi giá trị mang tính tiên phong và khai phá của ông vẫn đang xuất hiện ở mọi nẻo của âm nhạc hiện đại, nhưng công lao đó bị phủ lấp vì nhiều lý do.

Xem thêm: Nhạc sĩ Lê Hựu Hà: Người tiên phong Việt hoá nhạc trẻ Âu – Mỹ và bi kịch cuối cùng của một con người tài hoa

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận