Cảm nhận về ca khúc "Thương về miền Trung" của Duy Khánh: Càng đi xa càng thương nhớ quê nhà!
Duy Khánh là một trong những nhạc sĩ yêu miền Trung vô điều kiện. Ông đã đưa tâm tình của mình vào âm nhạc bằng những ca khúc chan chứa nỗi nhớ quê. Trong số đó không thể không nhắc đến "Thương về miền Trung"
CA KHÚC "THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG"
- Tên ca khúc: Thương về miền Trung
- Nhạc sĩ: Duy Khánh
- Thể loại: Nhạc vàng
- Năm ra đời: 1962
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Duy Khánh, Quang Lê, Đan Nguyên...
Ca khúc "Thương về miền Trung" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nhạc sĩ Duy Khánh yêu miền Trung da diết, bởi đó là nơi "chôn rau cắt rốn", là nơi chứng kiến sự trưởng thành của chàng lãng tử đào hoa yêu âm nhạc. Trên dải đất miền Trung, có Quảng Trị là nơi ông sinh ra và có Huế là nơi ông trưởng thành. Chính vì thế, âm nhạc của Duy Khánh có rất nhiều ca khúc thể hiện nỗi niềm với miền Trung. Trong số đó, không thể không nhắc đến "Thương về miền Trung".
"Thương về miền Trung" là 1 trong 2 ca khúc đầu tay của Duy Khánh (ca khúc còn lại là "Ai ra xứ Huế"). Ca khúc được Duy Khánh sáng tác vào năm 1962. Sau ca khúc này, ông có viết nối tiếp thêm một bài nữa là "Sao anh không về?" (còn được gọi với cái tên "Thương về miền Trung 2").
Nhiều năm nay, ca khúc "Thương về miền Trung" được trình diễn bởi nhiều ca sĩ như Quang Lê, Đan Nguyên, Quang Linh, Cẩm Ly... Tuy nhiên, người trình bày thành công nhất nhạc phẩm này có lẽ vẫn là Duy Khánh.
Đến năm 1975, ca khúc "Thương về miền Trung" được soạn giả Loan Thảo viết thêm lời tân cổ. Bài hát sau đó được đặt trong một số CD băng nhạc của các nghệ sĩ như Cẩm Ly, Phương Mỹ Chi... Thậm chí có 2 chương trình thiện nguyện dựa theo tên ca khúc này để quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung và 1 chương trình gây quỹ ở hải ngoại.
Số phận của ca khúc "Thương về miền Trung" cũng trúc trắc, lênh đênh như chính cuộc đời của Duy Khánh. Cụ thể, sau 1975, ca khúc bị "tam sao thất bản" nhầm lẫn tác giả là nhạc sĩ Châu Kỳ để qua kiểm duyệt. Thời điểm đó, nhạc sĩ Duy Khánh bị cấm về nhân thân ở trong nước, đến năm 2010, tên tác giả của ca khúc này mới được trả lại cho Duy Khánh.
Năm 2016, Châu Huyền Khanh - con gái nhạc sĩ Châu Kỳ lại nói rằng, "Thương về miền Trung" là sáng tác của Châu Kỳ. Song những lời này vẫn chưa có chứng cứ để xác minh.
Đôi lời cảm nhận "Thương về miền Trung"
Miền Trung thường được gọi là "miền thùy dương" trong văn thơ. Đây là vùng quê nghèo phải gánh chịu thiên tai mỗi năm, nhưng bù lại lại có phong cảnh biển hồ sông núi hữu tình, làm nguồn cảm hứng thi ca cho các văn nghệ sĩ.
Ca - nhạc sĩ Duy Khánh có một tình cảm đặt biệt với dải đất miền Trung bởi đây là nơi ông sinh ra và trưởng thành. Ông đã để lại rất nhiều ca khúc hay về mảnh đất này, trong đó có "Thương về miền Trung":
"Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường
Người ơi, có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao niềm thương, cho nhắn đôi lời"
"Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em" - câu mở đầu gợi ra bao tâm tình về nỗi nhớ quê của chàng trai tha hương, xa người em gái mến thương. Đã từ lâu lắm rồi chưa có cơ hội về thăm quê nhà.
Thân trai ngàn sương gió chưa thể về thăm, nhưng dẫu xa xôi cách trở thì lòng vẫn luôn hướng về miền Trung với nỗi canh cánh khôn nguôi. Khi nỗi nhớ dâng cao, niềm thương dâng tràn, ước ao gì mình được về thăm lại miền Trung cho thỏa dạ nhớ mong... Nhưng đời trai ngược xuôi, muốn về thăm miền Trung không phải chuyện đơn giản, nên đành gửi lời tâm sự theo câu hát "người ơi, có về miền quê hương thùy dương".
Miền Trung yêu thương được gọi là "miền thùy dương"; cách gọi này từng xuất hiện trong nhạc phẩm "Về miền Trung" của nhạc sĩ Phạm Duy. Bởi miền Trung ngày đó, dọc theo bờ biển nơi nào cũng trồng cây dương liễu. Nhạc sĩ đã thi vị hóa thành cây thùy dương (theo tên Hán Việt là cây liễu rủ).
"Nước chảy còn vương bao niềm thương" là nước chảy của dòng sông quê miền Trung với bao kỷ niệm và nỗi mong nhớ một chuyến về thăm miền Trung:
"Dẫu xa muôn trùng tôi vẫn còn thương sao là thương
Nhớ ai xuôi thuyền Bến Ngự đẹp trăng soi đêm trường
Và nhớ tiếng hò ngoài Vân Lâu chiều nao
Ước hẹn thề duyên nhau dài lâu Xa rồi còn đâu"
Người ơi có về, cho tôi nhắn đôi lời - đôi lời thôi mà hàm chứa nỗi nhớ thương vô cùng với miền Trung thân yêu. Dẫu có đi đến cùng trời cuối đất thì miền Trung vẫn nằm trọn trong trái tim này.
Trong lời ca của mình, nhạc sĩ Duy Khánh còn nhắc đến thuyền xuyên giữa đêm trăng, bến Vân Lâu, sông Hương... Đây là những hình ảnh thân thương của xứ Huế mộng mơ - là nơi mà chàng nhạc sĩ trẻ yêu tha thiết.
Từng câu hát như từng lời nhắc nhở về những kỷ niệm êm đẹp với miền Trung, cho người nghe cảm giác như chính bản thân mình đang ngồi trên thuyền xuôi dòng Hương Giang mộng mơ năm nào. Cụm từ "xa rồi còn đâu" như lát cắt xoẹt ngang qua dòng hồi tưởng, kéo người nghe về với thực tại đầy tiếc nuối, nhớ nhung mênh mang.
"Em ơi chờ anh về
Dù cho năm tháng xóa mờ thương nhớ
Đêm nao trăng thề, đá vàng ước hẹn đẹp lòng người đi
Em biết chăng em
Đã bao Thu rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương
Mỗi khi sương chiều xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường
Người ơi! Nếu còn vầng trăng soi dòng Hương
Núi Ngự còn thông gieo chiều buông Tôi vẫn còn thương"
Anh sẽ về để sống trọn vẹn tình quê, sống tròn câu hẹn thờ đợi chờ bao ngày. Những cung thương bậc nhớ gửi theo lời nhắc nhở "em ơi, chờ anh về...", nghe dạt dào da diết vô cùng.
Cũng qua lời nhạc của Duy Khánh, người nghe cũng phải cảm thương cảm động trước những lời chân tình thủy chung, trước sau như một của chàng trai gửi trọn vào tình yêu quê hương: Nếu trăng còn soi dòng Hương, thông còn reo núi Ngự thì tôi vẫn còn thương!
Xem thêm: Nếu không phải một mình Duy Khánh, vậy ai mới là "cha đẻ" của "Xuân này con không về"?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận