"Thu, hát cho người": Nhạc phẩm lừng danh ra đời trong một giây xuất thần

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chắp bút "Thu, hát cho người" trong giây phút xuất thần, vào thời điểm mà sự giao hòa của hoàn cảnh, của cảm xúc, của sự suy tưởng đến một cảnh giới khó có thể lặp lại lần thứ hai. 

Đỗ Thu Nga
16:00 17/07/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

VỀ CA KHÚC "THU, HÁT CHO NGƯỜI"

  • Tên ca khúc: Thu hát cho người
  • Nhạc sĩ sáng tác: Vũ Đức Sao Biển
  • Thể loại: Nhạc trữ tình
  • Năm ra đời: 1968
  • Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Bảo Yên. Bằng Kiều... 

Ca khúc "Thu, hát cho người" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trong hơn 60 ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, "Thu, hát cho người" được xem là nhạc phẩm bất hủ, đã đi vào lòng công chúng mến mộ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ca khúc được trình bày thành công bởi rất nhiều ca sĩ với những giọng ca khác nhau. Người ta thống kê, đến nay có 92 ca sĩ thể hiện, mỗi người một vẻ. Với người yêu nhạc thời nay thì Quang Dũng, Bảo Yến, Lệ Thu, Ngọc Lan Tuấn Ngọc, Bằng Kiều thể hiện xuất sắc nhất. 

"Thu, hát cho người" được cố nhạc sĩ sáng tác vào năm 1968. Theo lời nhạc sĩ, ông sáng tác lúc trong trạng thái "lên đồng". Có nghĩa là, ca khúc được ra đời vào một giây phút xuất thuần, vào thời điểm có sự giao hòa của hoàn cảnh, cảm xúc, sự suy tưởng đã đạt đến cảnh giới khó lặp lại lần thứ hai. 

"Theo tôi, 'Thu, hát cho người' có sức sống vô cùng bền bỉ. Nó là một bản tình ca đẹp về giai điệu, giàu tính tư tưởng và tính nghệ thuật về ca từ. Nó ra đời ở năm đôi mươi khi người ta còn trẻ, nỗi si tình cũng mới tinh khôi. Âm nhạc là một trong bảy nghệ thuật nên ca từ của ca khúc phải đẹp, nếu không đẹp thì không phải là âm nhạc ca khúc. Tôi thích viết ca từ đẹp", nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chia sẻ. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thu-hat-cho-nguoi-cua-vu-duc-sao-bien
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác "Thu, hát cho người" trong một lần về thăm quê Quảng Nam

"Thu, hát cho người" là một bản tình ca bất hủ với giai điệu sang trọng, ca từ diễm lệ. Câu chữ hợp lại thành một bài Đường thi; hình ảnh chứa đựng nỗi hoài cảm thăm thẳm nơi tâm hồn của người nhạc sĩ từng yêu và mãi yêu. 

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khẳng định, mùa thu trong nhạc phẩm bất hủ này là mùa thu trên đất Quảng Nam - quê hương dấu yêu của ông. Cố nhạc sĩ cũng từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời "Thu, hát cho người" như sau:

"Thuở ấy, tôi 20 tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi đã không còn nữa, chỉ còn lại đây khu đền tháp với nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm. Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim màu tím, cái màu nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên và viết: Thu, hát cho người". 

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết, bài hát của ông đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thực. Thu trong "Thu, hát cho người" không chỉ là mùa thu xứ Quảng bình thường mà còn là nhân vật có thật... Người đó là ai?

Đi tìm bóng hình "Thu" trong "Thu, hát cho người"

Như đã chia sẻ, "Thu, hát cho người" kể về câu chuyện chàng trai nhớ nhung bóng dáng người yêu cũ khi về thăm lại quê hương. Ôm mối tình si, chàng trai chờ cô gái "giữa bao la đồi nương", để hái tặng cô gái đóa hoa sim "đẫm tương tư".

Trong cuốn "Phượng xa" - tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ông có kể rằng bài hát gắn liền với thời hoa mộng, khi còn học cấp 3 ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thời ấy, ông học trò nên chiều thứ 7 nào cũng phải đi bộ về nhà, trưa hôm sau lại ngược về trường để kịp bắt đầu tuần học mới. Ông có người bạn cùng quê, học dưới 2 lớp, tên ở nhà là Thu. Vì sợ cô đi một mình nên lần nào cũng chờ. Sóng bước bên ông, cô ngại ngùng nói: "Đừng bao giờ bỏ em một mình nghe". Có lần, thấy ông ôm guitar nghêu ngao, cô nói: "Ngày sau nếu trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát nghe".

Ngày ấy, ông thường đi phía sau để nhìn kỹ vóc dáng cô, từ mái tóc xõa một bên cho đến bờ vai gầy guộc. Lần nọ, cô bị gai tre đâm vào chân, ông lơ ngơ ngồi gỡ. Lần đầu hẹn hò, đi giữa ruộng dâu xanh ngát, ông chợt thấy hai cụm hoa lay ơn mọc rất đẹp. Ông rụt rè hái tặng bạn - lần đầu và cũng là lần duy nhất trong đời. Họ nắm tay nhau đi một quãng đường dài, không nói câu nào, dẫu trong tâm trí đong đầy cảm xúc. 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thu-hat-cho-nguoi-cua-vu-duc-sao-bien-8
"Thu" trong ca khúc của Vũ Đức Sao Biển là một ký ức đẹp ở tuổi học trò

Năm 1966, Vũ Đức Sao Biển đậu khoa Việt - Hán của trường Sư phạm, thuộc Viện Đại học Sài Gòn (cũ). Hai người mất liên lạc với nhau từ đây. Năm 1968, ông về quê thọ tang cha và có tìm về căn gác trọ cũ của cô gái nhưng cô đã chuyển đi tự bao giờ. Tháng 9 cùng năm, ông ngồi bên sông Thu Bồn, giữa đồi sim tím nở rộ. Nhớ về lời dặn của bạn năm xưa, ông cầm giấy và đàn lên bắt đầu viết: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa...".

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng nhấn mạnh, "Thu" chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Cô gái trong nhạc phẩm của ông có tên thật là H.". Sau này có một số bản in đã bỏ mất dấu phẩy nằm ở đằng sau chữ "Thu". Bởi họ nghĩ rằng từ này chỉ một mùa thu trong năm mà quên mất, vốn là tên của một người con gái.

Ca từ trong nhạc phẩm "Thu, hát cho người" có thể được xem như một bài thơ với 4 khổ, mỗi khổ 4 câu cùng một câu cuối cùng khép lại. Không biết là vô tình hay hữu ý, tên cô gái cũng là tên của thời gian nghệ thuật được nhắc đến trong bài: Mùa Thu. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng thời gian và hoài niệm mối tình là tinh thần chủ đạo tạo nên một mạch hồn cốt xuyên suốt nhạc phẩm.

Ngoài "Thu, hát cho người", nhạc sĩ Vũ Đức Biển còn nhắc đến cô gái tên "Thu" trong hai ca khúc khác của mình là: Đôi mắt và Phố giáng hương.

"Thu, hát cho người" và phần ca từ đẹp như một thi phẩm

Ca khúc "Thu, hát cho người" với phần ca từ tựa như một thi phẩm tuyệt diệu. Ca từ trong ca khúc này giống như một bài thơ, mỗi khổ 4 câu và một câu cuối cùng khép lại. 

Khổ đầu tiên, không gian và thời gian đã được mở ra mênh mang, một đi không trở lại:

"Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt

Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ"

Mới ngày nào, bóng người yêu thương còn rõ nét, còn gần gũi mà nay thoắt cái đã trở thành xa vắng ngút ngàn, chỉ còn những nhớ mong vô vọng. Dòng sông thời gian mải miết vô tình, sau này ta còn gặp lại trong ca từ của rất nhiều ca khúc khác, ví như: "Dòng sông cũ vẫn trôi cô đơn anh ngồi nơi đây" (Ca khúc 'Đi về nơi xa - Nhạc và lời: Lê Quang). 

Cánh hạc vàng trong thơ Thôi Hiệu năm nào như một biểu tượng về ước mơ hạnh phúc qua đây quay lại trong lời ca của Vũ Đức Sao Biển. Đồi sim cũng nhắc đến bao câu chuyện, bao ân tình. Hình ảnh đồi sim cũng từng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Việt Nam: "Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt” (Hữu Loan)...

"Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,

Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư

Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió

Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ"

Cái hay của Vũ Đức Sao Biển khi viết nhạc là ông không mượn quá nhiều những điển tích, điển cố mà sử dụng những hình ảnh hết sức quen thuộc nhưng cũng đầy hình tượng: "gốc sim già", "đóa đẫm tương tư", "sáng linh lan"... 

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-thu-hat-cho-nguoi-cua-vu-duc-sao-bien-7
Ca khúc "Thu, hát cho người" đã bị bỏ mất dấu phẩy

"Gốc sim già" trong câu hát "Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó" như kéo cả không gian, thời gian xung quanh chàng trai vào miền miên viễn. Chỉ với "đóa đẫm tương tư" trong câu hát "để hái dâng người một đóa đẫm tương tư" cũng đủ để lột tả hết khối tình sâu nặng đang đè nặng trái tim người trai. Nhưng đặc biệt nhất vẫn phải kể đến câu hát "sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ".

"Linh lan" là một loại hoa trắng muốt, tinh khôi có dáng tự như giọt nước mắt đang nhỏ xuống. Đó là nỗi niềm tương tư, sầu muộn tê dại cả thể xác lẫn linh hồn, liên tục không ngừng nghỉ ngày đêm: "Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió, sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ".

Tác giả lại viết:

"Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương

Trong mênh mông chiều sương

Giữa thu vàng, bên đồi sim chín

Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay"

Người nhạc sĩ tài hoa đã dùng những nét vẽ mộc mạc, chân phương và thuần Việt để tạo nên bức tranh phong cảnh mùa thu với "đồi sim trái chín", với "bao la đồi nương" và "mênh mông chiều sương". Đó là bức tranh đồi nương bao la mờ nhạt dưới sương, là màu tím sầu buồn hoang hoải của sim chín, là màu vàng loang lổ của nắng chiều pha sương. Và trong bức tranh bao la đó, hình ảnh người nhạc sĩ si tình trở nên nhạt nhòa, bé nhỏ cô độc hơn bao giờ hết.

"Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay", là câu hát đầy hình ảnh ẩn dụ, thuần Việt và hay xuất sắc. Người con trai dù đã trưởng thành, đã đi xa, nhưng khi trở về miền đất kỷ niệm vẫn như một đứa trẻ, bỗng òa khóc, bởi thứ quý giá nhất của mình đã bay về phương trời xa... 

"Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người

Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi

Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi

Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người"

Đâu đó trong lời hát thấp thoáng những suy tư vừa chớm nở cuộc đời, phận người, biệt ly của chàng nhạc sĩ tuổi đôi mươi. Lý trí chấp nhận nhưng trái tim vẫn thổn thức tương tư. Trong từng chuyển động của thời gian và màu sắc của không gian, ta nghe như có cả những âm thanh rất khẽ trong lời hát, thanh âm vút lên nhè nhẹ của "màu vàng lên". Đó là thứ thanh âm rơi khẽ,  ngân vang như tiếng chuông xa của "ánh chiều rơi": "Thu hát cho người, Thu hát cho người, người yêu ơi!".

Những lời hát vang vọng, da diết, đắm say tưởng như chẳng bao giờ có thể kết thúc, tưởng như tiếng gọi người thương nhưng thật ra lại là khúc nhạc để nhạc sĩ tự vuốt ve, tự hát cho mình.... 

Xem thêm: Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Một "vầng trăng sáng", một tấm chân tình dành cho nghệ thuật

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận