Nhạc sĩ Phạm Duy: "Thà như giọt mưa" sẽ là một ca khúc "ăn khách"
Mặc dù chưa phổ nhạc xong "Thà như giọt mưa" nhưng nhạc sĩ Phạm Duy chốt chắc như đinh đóng cột, nó sẽ là một ca khúc "ăn khách". Và nhận định đó đã trở thành hiện thực.
CA KHÚC "THÀ NHƯ GIỌT MƯA"
- Tên ca khúc: Thà như giọt mưa
- Tên bài thơ phổ nhạc: Khúc tình buồn
- Thơ: Nguyễn Tất Nhiên
- Phổ nhạc: Phạm Duy
- Ra đời năm: 1970
- Thể loại: Trữ tình
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Ca sĩ Duy Quang
Ca khúc "Thà như giọt mưa" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nói về trình độ phổ nhạc cho thơ thì khó có ai vượt được Phạm Duy. Ông không chỉ giữa nguyên hồn cốt của bài thơ mà còn khiến cho cả tên tuổi của thi sĩ bay cao, bay xa. Và một trong số những thi sĩ được biết nhiều hơn nhờ tài phổ nhạc cho thơ của Phạm Duy chính là Nguyễn Tất Nhiên.
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên in tập thơ đầu tay "Thiên Thai" vào năm 1970 với 16 bài thơ. Vì sao tập thơ này có tên "ngạo nghễ" đến vậy? Có lần nọ, thi sĩ giải thích: Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi cũng nghĩ vậy?"
Nhưng đánh giá một cách khách quan, mức độ nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên không hẳn dựa vào khả năng tan tỏa chữ nghĩa thi ca, mà chủ yếu dựa vào sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc. Đó là ca khúc "Thà làm giọt mưa" được phổ nhạc từ bài thơ gốc "Khúc tình buồn" in trong tập thơ "Thiên Thai".
Nói về cơ duyên gặp gỡ giữa nhạc sĩ Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên dẫn đến sự ra đời của "Thà như giọt mưa" và một loạt ca khúc phổ thơ ăn khách khác xuất phát từ câu chuyện liên quan đến cố thi sĩ Du Tử Lê. Theo lời kể của Du Tử Lê, một hôm nhà thơ học trò Nguyễn Tất Nhiên có đề nghị khá táo bạo, nhờ Du Tử Lê ngỏ lời giúp để nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên - khi ấy còn là thi sĩ vô danh. Nguyễn Tất Nhiên mỗi lần từ Biên Hòa lên Sài Gòn sẽ tạm trú ở nhà Du Tử Lê.
Năm ấy, nhạc sĩ Phạm Duy đã là nhân vật lớn, có tên tuổi cao trong làng nhạc sĩ miền Nam. Đặc biệt, ông không chỉ nổi tiếng như một người sáng tác thông thường mà còn được mệnh danh là "phù thủy" phổ nhạc cho thơ. Ông có thể "hóa phép" để những bài thơ và những thi sĩ tương đối lạ lẫm được cả nước biết đến cho tới tận ngày nay.
Vì cùng trong làng văn nghệ nên Du Tử Lê có nhiều dịp gặp gỡ và làm việc chung với Phạm Duy, nên ông nhận lời. Du Tử Lê đã mang tập thơ đến gặp Phạm Duy và ngỏ ý nhờ ông phổ nhạc.
Sau khi nhận tập thơ "Thiên Thai", Phạm Duy đã nghiền ngẫm đọc các bài thơ trong đó. Chỉ 3 ngày sau, Phạm Duy thông báo với Du Tử Lê là sắp hoàn thành ca khúc "Thà như giọt mưa" phổ nhạc từ bài thơ "Khúc tình buồn". Đồng thời, ông nhắc Du Tử Lê bảo Nguyễn Tất Nhiên đến gặp mặt.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh với Du Tử Lê, với kinh nghiệm nhiều năm viết nhạc, thì đó sẽ là một ca khúc "ăn khách". Vì nó mang nhiều triết lý phù hợp với giới trẻ đương đại, như là: có còn hơn không...
Ngày hôm sau, Nguyễn Tất Nhiên đi từ Biên Hòa lên nhà Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Thi sĩ trẻ kể lại cho nhạc sĩ nghe về chuyện tình với nàng thiếu nữ tên Duyên - nhân vật nữ trong bài thơ "Khúc tình buồn". Chính vì thế, ca khúc "Thà như giọt mưa" đã được Phạm Duy hoàn thiện với những chi tiết không có trong bài thơ, như câu "Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên". Phạm Duy cũng có thêm thắt phần lời cho hay hơn dựa theo lời kể của Nguyễn Tất Nhiên.
Và đúng như nhạc sĩ Phạm Duy nhận định, chỉ sau một thời gian ngắn phổ biến, ca khúc "Thà như giọt mưa" đã trở thành bản "hit" đình đám với giọng ca Duy Quang. Ca khúc được phát trên đài phát thanh Sài Gòn và được giới học sinh - sinh viên vô cùng ưa thích.
Được đà tấn công, Phạm Duy tiếp tục phổ nhạc thêm các bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên như: Hai năm tình lận đận, Em hiền như masoeur, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Anh vái trời...
Nhờ những ca khúc này mà Phạm Duy đã hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ: Lăng - xê tên tuổi và giọng ca của người ca trai cả Duy Quang; đồng thời giúp tên tuổi của thi sĩ trẻ Nguyễn Tất Nhiên bay cao hơn, có chỗ đứng nhất định trong làng văn chương nghệ thuật thời đó.
"Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá... khô trên mặt Duyên"
Được biết, bài thơ "Khúc tình buồn" được Nguyễn Tất Nhiên viết năm 14 tuổi để tặng cô bạn học tên Duyên khi cả hai đang theo học tại trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa). Năm đó, tình cảm với cô nữ sinh tên Duyên chính là nguồn cảm hứng để chàng thi sĩ "vô danh" sáng tác nên những bài thơ tình ấn tượng.
"Thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài", thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên từng chia sẻ.
Thông qua những vần thơ và câu chuyện được chính Nguyễn Tất Nhiên kể lại, nhạc sĩ Phạm Duy đã tạo nên một tuyệt phẩm âm nhạc "Thà như giọt mưa" mới những câu mở đầu:
"Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không"
Mưa thường mang đến cho con người tâm trạng buồn mênh mang, khơi nguồn niềm nhớ. Những giọt mưa lách tách rơi xuống gợi cảm xúc cho những người mang tâm hồn đa sầu, đa cảm. Nhưng để ước làm mưa "vỡ", mưa "khô" rồi mưa "ôm" tượng đá thì không phải ai cũng có lần ước. Bởi đó là tâm tư của người đang mang "nỗi sầu vạn kiếp" thất tình. Lúc bi ai vì tình yêu không như mong ước, bỗng thèm làm giọt mưa rơi xuống vỡ tan trên mặt tượng đá cô đơn.
"Người từ trăm năm về qua sông rộng
người từ trăm năm về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập trùng.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không..."
Đứng trước cơn mưa (bão trong lòng), tưởng như người trong mộng ở đâu từ hàng trăm năm trước trở về ngang qua dòng sông rộng. Câu hát "người từ trăm năm về ngang sông rộng" được lặp lại đem đến cho người nghe tâm trạng của một người lẻ loi, buồn bã đứng chờ người mình yêu ngang qua dòng sông rộng của đời đầy sóng gió của tình trường buồn nhiều hơn vui.
"Ta ngoắc mòn tay" để vẫy ra, để chờ mong tình yêu thiết tha. Nhưng kêu khản giọng, ngoắc mòn tay vẫn chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập chùng. Một tâm tình chất ngất cho đi muốn cạn kiệt nhưng chỉ nhận về chập chùng sóng nước, miên man dòng chảy vô tình...
"Người từ trăm năm về khơi tình động
Người từ trăm năm về khơi tình động
Ta chạy vòng vòng ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không..."
Nhạc sĩ Phạm Duy chỉ dùng ba từ "khởi động tình" thôi mà người nghe có thể thấm thía nỗi bi thương, bão táp phong ba. Người về âm thầm mà mãnh liệt đánh động tình yêu trong lòng và bắt đầu khơi một cuộc tình trong mộng nhưng không được êm đềm hạnh phúc cho kẻ cuồng si. Người nam chạy vòng vòng, chạy mòn chân quanh cuộc tình đơn phương. Trong khi đó cô gái mãi vô tâm khiến tình cạn theo những dấu chân ngày nào.
"Người từ trăm năm về như dao nhọn
Người từ trăm năm về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm
Dòng máu chưa kịp tràn, dòng máu chưa chảy đầm
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không"
"Người từ trăm năm về như dao nhọn" - câu hát lặp lạu khiến người nghe tê buốt lòng, cảm thông với trái tim đau khổ của người trong cuộc. Em đã từ trăm năm về như đâm vào ta vết dao nửa đau đớn, nửa êm ái, là vết thương tình ái ngọt ngào và đau đớn khôn nguôi.
"Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi
Quỵ té trên đường rồi, sợi tóc vướng chân người.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Cò còn hơn không, có còn hơn không"
Sợi tóc của người thương đã vướng để ta quỵ té trên đường đời. Hình ảnh yêu thương tuổi học trò thật dễ thương nhưng bên cạnh đó cũng là dự báo về cuộc tình sớm tàn phai từ "người về phai tóc nhuộm":
"Người từ trăm năm về ngang trường Luật
Người từ trăm năm về ngang trường Luật
Ta hỏng Tú tài, ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc.
Thà là giọt mưa vỡ trên mặt em
Thà là giọt mưa khô trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
Những giọt run run, ướt ngọn lông măng
Những giọt run run, ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên"
Ở đoạn nhạc cuối cùng, nhạc sĩ Phạm Duy mới nhắc đến nhân vật "Duyên". Nhân vật này được nhạc sĩ thêm vào sau khi nghe thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên thuật lại đoạn tình thời học trò của mình. Năm đó, thi sĩ rớt Tú tài, còn nàng vào trường Luật, điều này càng làm xa cách thêm mối tình buồn. Đã 4 năm trôi qua nhưng Duyên vẫn thờ ơ không đoái hoài đến mối tình si của thi sĩ si cuồng, cứ hát hoài điệp khúc "đau lòng ta muốn khóc" dưới trời mưa...
Đoạn nhạc cuối không còn là giọt mưa vỡ trên tượng đá mà là giọt mưa vỡ trên mặt Duyên. Dù thất tình nhưng thi sĩ vẫn mong một ngày nào đó, người trong mộng sẽ "đau khổ ăn năn" và "đau khổ muôn niên" khi Duyên không đáp lại tình yêu của Nhiên.
Giới trẻ Sài thành năm xưa cảm thấy vô cùng thích thú trước những câu thơ dỗi hờn rất trẻ con như vậy của Nguyễn Tất Nhiên. Nhưng kỳ thực, ấy là do nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào chứ không có trong bài thơ gốc.
Xem thêm: "Tuổi ngọc" của nhạc sĩ Phạm Duy - bản Nữ ca dành tặng người cô con gái Thái Hiền
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận