Nhạc phẩm "Nhớ nhau hoài" và chuyện tình đơn phương của bạn thân nhạc sĩ Anh Việt Thu
"Nhớ nhau hoài" là ca khúc được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Thiên Hà. Xuyên suốt nhạc phẩm là câu chuyện về tình đơn phương của chàng thi sĩ trẻ.
CA KHÚC "NHỚ NHAU HOÀI"
- Thơ: Thiên Hà
- Phổ nhạc: Anh Việt Thu
- Thể loại: Nhạc quê hương
- Năm ra đời: 1974
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Băng Châu
Ca khúc "Nhớ nhau hoài" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Nhạc sĩ Anh Việt Thu chỉ sống vỏn vẹn 37 năm trên cõi đời này nhưng ông đã sống một cuộc đời đầy rực rỡ. Nhạc sĩ Anh Việt Thu có sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với những nhạc phẩm bất hủ như: Hai vì sao lạc, Tám điệp khúc, Người ngoài phố... Bên cạnh đó, ông còn những đồng nghiệp thân thiết, những người bạn được xem là tri âm tri kỷ. Một trong số đó không thể không nhắc đến thi sĩ Thiên Hà.
Thi sĩ Thiên Hà (tên thật là Dương Cao Thâm) sinh năm 1941 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Trước giải phóng, ông làm thơ, viết văn, viết báo phản chiến, ủng hộ phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam chống bắt lính. Sau giải phóng, ông cộng tác với báo Tuổi trẻ, rồi về "đầu quân" cho Báo Công an TP.HCM đến khi nghỉ hưu (năm 2003).
Thi sĩ Thiên Hà đã góp cho đời hàng trăm bài thơ, truyện ký và hàng nghìn bài báo với đủ thể loại khác nhau. Đặc biệt, ông còn có tình bạn thân thiết với người nhạc sĩ yểu mệnh Anh Việt Thu. Thi sĩ Thiên Hà chính là một trong những người chăm sóc nhạc sĩ Anh Việt Thu trong hơn 100 ngày ông nằm viện trước khi qua đời. Thiên Hà cũng là một trong những người đã cùng gia đình lo liệu tang lễ và tiễn Anh Việt Thu về nơi an nghỉ cuối cùng...
Lúc sinh thời, khi còn khỏe mạnh, Thiên Hà và Anh Việt Thu thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện. Anh Việt Thu cũng là người phổ nhạc, giúp cho 2 bài thơ của thi sĩ Thiên Hà đến gần công chúng hơn: Gió về miền xuôi và Nhớ nhau hoài.
Trong khuôn khổ bài viết này, Amnhac.net xin chia sẻ đến quý độc giả yêu nhạc về hoàn cảnh ra đời và đôi nét cảm nhận về ca khúc "Nhớ nhau hoài".
Nhắc đến hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Nhớ nhau hoài", thi sĩ Thiên Hà từng kể: "Thời sinh viên tôi đi học và ở trọ. Phòng trọ đối diện là một cô bé có mái tóc dài. Mỗi buổi chiều, cô ấy hay ra ban công ngồi chải tóc. Từng lọn tóc dài bay trong gió nhìn rất đẹp. Nhiều lần tôi muốn qua làm quen nhưng ngại nên không dám. Đến một ngày cận kề mùa xuân, tôi không còn thấy cô bé ấy xuất hiện chải tóc mỗi buổi chiều nữa. Tôi thơ thẩn như người thất tình. Thế là cầm bút sáng tác: 'Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?'. Mãi sau này, bài hát được phổ biến, báo chí phỏng vấn thắc mắc nhân vật 'em' trong bài hát, cô ấy đọc mới biết viết cho mình".
Nguyên văn bài thơ "Nhớ nhau hoài" của thi sĩ Thiên Hà:
"Em ở nơi nào,
có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió,
từng đêm nhắc nhở thì thầm
Nắng ở trên đầu,
nắng trong lòng phố
Gió ở trên non
gió quyện mây về
Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn
mà nghe nức nở trong hồn
và nhớ và thương đôi mắt nhỏ!
Tự độ chúng mình quen biết đó,
vì mình thương nhau,
vì mình yêu nhau
nên mới giận hờn
Từ độ đường trần ngăn cách ngõ
vì mình xa nhau nên nhớ nhớ nhau hoài
Anh bên này mong em bên đó,
Em ở bên kia có nhớ bên này?
Em ở nơi nào
có còn mùa xuân không em.
Rừng ngàn lá gió
từng đêm nhắc nhở thì thầm
Mai lỡ không về chắc em buồn biết mấy
dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày".
"Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?
Được biết, bài thơ "Nhớ nhau hoài" được thi sĩ Thiên Hà viết khi còn ở xóm Vườn Chuối (nay ở quận 10) vào năm 1966. Sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng "Nhớ nhau hoài":
"Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm
Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố,
Gió ở trên non, gió cuốn mây về"
Như lời thi sĩ Thiên Hà kể, những lời thơ đó được viết lên vào một hôm ông không còn thấy cô gái cùng xóm trọ nữa. Đó là hoàn cảnh thật, đó là mối tình đơn phương. Khi được viết thành thơ và phổ nhạc thì lại thành tình yêu đôi lứa, vì hoàn cảnh mà phải xa nhau.
"Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?" - câu đầu tiên có lẽ là câu hỏi vu vơ tiếc nuối của thi sĩ Thiên Hà vì sự nhút nhát mà không dám ngỏ lời với cô gái hàng xóm. Hỏi người, nhưng cũng chính là tự hỏi mình. Không biết ở phương nào đó, nàng đã theo chồng thay chưa?
Ở đoạn tiếp theo lại thể hiện rằng đây là một cặp đôi yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh mà phải xa cách. Cũng có thể vì đã lâu không về thăm lại để gặp nhau nên chàng trai có nhiều nỗi băn khoăn, trăn trở. Một lần nọ với tâm trạng cô đơn, trống trải, tâm hồn chàng như là thả vào mây, thả theo gió, và từng đêm về lại nghe gió quyện trong ngàn lá, gợi lòng tương tư:
"Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn
Mà nghe nức nở trong hồn
Và thương đôi mắt nhỏ em buồn.
Vì mình yêu nhau, vì mình thương nhau nên mới giận hờn
Vì mình xa nhau, nên nhớ nhớ nhau hoài
Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm.
Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy.
Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày"
Ngay sau khi phổ nhạc xong ca khúc "Nhớ nhau hoài", nhạc sĩ Anh Việt Thu đã bán bản quyền ca khúc cho nhạc sĩ Duy Khánh. Duy Khánh mua ca khúc này nhằm mục đích để lăng xê cho giọng ca mới nổi là Băng Châu. Cũng nhờ giọng hát của thầy trò Duy Khánh - Băng Châu mà ca khúc "Nhớ nhau hoài" nhanh chóng được công chúng đón nhận.
Xem thêm: Bì báo hiếm hoi về Anh Việt Thu - người khách lạ ngẩn ngơ trong làng nhạc Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận