Nhạc phẩm "Ngăn cách" - "lỡ tình ca" của Y Vân ra đời sau ngày mối tình đầu lên xe hoa
Nhạc phẩm "Ngăn cách" được sáng tác khi nàng Tường Vân - mối tình đầu của nhạc sĩ Y Vân lên xe hoa với người chồng "môn đăng hậu đối".
NHẠC PHẨM "NGĂN CÁCH"
- Tên ca khúc: Ngăn cách
- Nhạc sĩ sáng tác: Y Vân
- Thể loại: Tình ca
- Năm ra đời: 1962
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thanh Thúy, Khánh Ly, Thanh Lan, Lệ Thu...
Từ mối tình đầu không "môn đăng hậu đối"...
Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, quê gốc ở Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ thiên phú về âm nhạc. Ông từng có khoảng thời gian ngắn theo học nhạc của thầy Tạ Phước.
Năm 17 tuổi, Trần Tấn Hậu bắt đầu đi dạy nhạc và chơi nhạc ở các tụ điểm giải trí kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em nhỏ. Ông luôn nghĩ rằng mình sẽ giữ vai trò nhạc công mãi, nếu không có khúc quanh bất ngờ của số phận.
Đấy là một lần tình cờ đang lang thang quanh Hồ Gươm thì Trần Tấn Hậu vô tình bắt gặp nàng thiếu nữ mặc áo dài trắng ôm cặp sách đi về phía phố Tràng Thi. Trần Tấn Hậu chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt thoáng chút kiêu sa của nàng trước khi một chiếc xe hơi sang trọng đón đi.
Tương tư cô thiếu nữ lần đầu chạm mặt đã khiến Trần Tấn Hậu tốn không ít ngày lang thang trên Hồ Gươm để hi vọng sẽ gặp lại nàng lần nữa, nhưng vô vọng. Rồi từ sợ vô vọng ấy lại dẫn Tấn Hậu đến một điều may mắn khác.
Trong lúc loay hoay tìm kiếm thay thế cho công việc trong ban nhạc (ban nhạc giải tán) thì Trần Tấn Hậu được bạn giới thiệu đến căn nhà nguy nga trên phố Hàng Bông để làm gia sư âm nhạc. Sau khi trao đổi và thống nhất thù lao với phụ huynh thì cô học trò xuất hiện. Ông giật thót rồi ngây ra như pho tượng sau khi nhận ra cô học trò chính là thiếu nữ trên Hồ Gươm hôm nào. Nàng thiếu nữ đó tên là Tường Vân.
Sau nửa năm làm gia sư, Trần Tấn Hậu đã chinh phục được cô học trò Tường Vân. Tình cảm của hai người lớn dần theo năm tháng. Đến khi Tường Vân công khai với gia đình thì bị phản đối kịch liệt và hợp đồng gia sư của Trần Tấn Hậu cũng chấm dứt.
Bố mẹ Tường Vân kiên quyết phản đối tình yêu này vì cho rằng dan díu với nghệ sĩ nghèo chỉ khổ thân. Trần Tấn Hậu khi ấy hoàn cảnh cũng khá khó khăn và đây là cuộc tình không môn đăng hậu đối.
Sau khi kết thúc hợp đồng gia sư, hai người vẫn lét lút gặp nhau. Những ngày hẹn hò lén lút đã khiến Hậu có cảm hứng sáng tác. Ca khúc đầu tay của ông viết tặng nàng Vân với tên gọi "Tình ta nở giữa mùa đông". Ở tác phẩm này, ông ký tên Y Vân, có nghĩa là yêu Vân.
Nàng Tường Vân đã đem ca khúc này về nhà và hát một vài lần thì bố mẹ quyết định đưa cô sang Phap du học. Và bản tình ca "Tình nở giữa mùa đông" rời khỏi Việt Nam và hầu như không còn ai hát nữa. Mối tình đầu chỉ còn lại hai lá thư Tường Vân viết cho Y Vân.
Sau cuộc tình bị chia cắt vì không "môn đăng hậu đối", Y Vân cùng mẹ và các em chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Trong thời gian đầu mới vào, Y Vân dành hết thời gian, tâm sức cho âm nhạc. Thế nhưng nỗi nhớ nhung xót xa cho mối tình đầu tiên vẫn còn nguyên.
Hình ảnh của Tường Vân thuở nào vẫn in đậm trong ký ức. Mối tình đầu không chỉ mang đến cái bút danh, mà còn góp cho Y Vân những bản tình ca day dứt. Trong đó không thể không nhắc đến nhạc phẩm "Ngăn cách".
... đến nhạc phẩm day dắt "Ngăn cách"
Nhạc phẩm "Ngăn cách" được Y Vân chắp bút năm 1962. Đây là thời điểm cô gái Tường Vân lên xe hoa với một người đàn ông "môn đăng hậu đối". Tuy ở phương xa nhưng Y Vân vẫn theo dõi nhưng thông tin liên quan đến mối tình đầu từng yêu say đắm.
Nhận tin nàng theo chồng, trái tim Y Vân một lần nữa như quặn thắt lại, những rung cảm lần yêu đầu tiên ùa về và ông đặt bút viên ca khúc "Ngăn cách".
"Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời
Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài
Khi chia tay lần đầu, duyên chưa đậm màu cũng đã say nhiều
Một thời gian quen biết, tình ta tha thiết muôn phần..."
Mở đầu nhạc phẩm là giai điệu yêu thương tha thiết: "Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài" mà nhạc sĩ trải bày hết tâm tình để người nghe thấu được lỗi lòng của người trai trẻ trong lần yêu đầu tiên.
Dẫu là mới quen nhưng tưởng đâu như đã thân thuộc lắm rồi, tưởng như đã hẹn hò với nhau từ kiếp trước, nguyện hứa sẽ thương nhau đến trọn đời. Khi yêu nhau, có lúc phải tạm chia tay nhau đã nghe buồn da diết, dẫu "duyên chưa đượm màu cũng đã say nhiều". Say đắm từ ngày đầu gặp gỡ đến mãi về sau.
"Nhưng không ai nào ngờ, duyên đang mặn mà bỗng đã chia lìa
Đêm chia ly lạnh lùng, đưa tay một lần, đến mai không còn
Đêm nay không còn dài, xin cho vài lời, chớ trách nhau hoài
Lời từ ly êm ái, để đâu không nói đêm nay..."
Dẫu thế gian có vận đổi sao dời cũng không làm xa cách đôi ta, chia rẽ đôi uyên ương đang liền cách chung cành. Nhưng cuộc đời ai ngờ được chuyện bể dâu, duyên tình mặn mà bỗng phải chia xa...
"Đêm chia ly lạnh lùng, đưa tay một lần, đến mai không còn" - đây là câu hát nghe thật chùng lòng. Đêm chia ly nắm tay nhau một lần để mai đây xa nhau mãi mãi. Chỉ xin được nói vài lời thôi trước khi xa cách.
Vài lời cuối cùng chớ trách gì nhau. Nhưng lời từ ly êm ái không thốt được lên lời, những lời giã từ sau cùng "để đâu không nói đêm nay", không nói hết cho vơi nỗi sầu.
"Từ mai ngăn cách, hết rồi là khi đưa đón
Có mấy ai không buồn lúc duyên chưa tròn thương mến
Em lên xe hoa rồi! Biết rằng sầu để một người
Rượu hồng chẳng được say mà đành lòng nếm chua cay!"
Chỉ còn lại đêm nay thôi, mai sẽ chia cách đôi đường. Hết rồi những tiếng cười rộn vang và nước mắt hờn dỗi. Có mấy ai không buồn khi ly biệt, và có mấy ai nghe câu hát buồn này mà lòng không rưng rưng thương cảm cho cuộc tình tan vỡ.
Người lên xe hoa, vui với rượu hồng pháo hoa, người quay về ôm kỷ niệm sầu thương chất cao như núi. Đau lòng thay, lúc còn bên nhau anh đã mơ có một ngày mình chung đôi, về cung nhà. Vậy mà giờ đây, rượu hồng men hạnh phúc chung đôi chẳng có, anh đành quay về nếm men cay đắng tiễn em theo chân người...
"Mây sao quên hạn kỳ? Cho trăng buồn vì nhớ mãi câu thề
Mây đem mưa trở lại, mưa hay nhiều lời, khiến trăng mỉm cười
Không! Trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng
Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình"
Mây là người, trăng là ta. Sao người vội quên lời nguyện ước năm nào để ánh trăng này vàng vọt nơi khung trời nhớ thương những kỷ niệm đã qua.
"Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình" - tình duyên lỡ làng muôn kiếp, mình không thể chung đường vì số phận đã ngăn cách mỗi người một hướng. Cuộc đời như cơn gió trôi vô tình mà lòng người như chiếc lá mong manh bị cuốn theo dòng chia cách xa lìa không như ước muốn.
Được biết, trước năm 1975, nhạc phẩm "Ngăn cách" là một trong những bài hát được nhiều ca sĩ hát nhất. Trong đó phải kể đến: Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu...
Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Cô láng giềng": Tuyệt phẩm trữ tình của nhạc sĩ tài hoa nhưng vắn số
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận