Ca khúc "Kiếp dã tràng" của Từ Công Phụng: Số kiếp con người đôi khi cũng chẳng khác gì kiếp dã tràng!
Ca khúc "Kiếp dã tràng" là dòng suy tư của chàng nhạc sĩ họ Từ về cuộc đời cũng như những cuộc tình đã đi qua.
CA KHÚC "KIẾP DÃ TRÀNG"
- Tên ca khúc: Kiếp dã tràng
- Sáng tác: Từ Công Phụng
- Thể loại: Tình ca
- Năm ra đời: 1968
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Tuấn Ngọc
Ca khúc "Kiếp dã tràng" ra đời trong hoàn cảnh nào?
Từ Công Phụng là một trong số ít những nhạc sĩ Việt dành cả đời người để sáng tác tình ca (hoặc ít nhất là nổi tiếng với các bản tình ca bất hủ). Âm nhạc của Từ Công Phụng là những giai điệu trữ tình, êm đềm, lãng mạn; là những lời ca thiết tha nhưng không bi lụy; là sự hờn trách nhưng không phải những lời chua cay nghiệt ngã... Và sau cùng, âm nhạc của Từ Công Phụng là lời xin lỗi và tạ ơn!
Nhạc sĩ Từ Công Phụng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người yêu nhạc với những bản tình ca như: Bây giờ tháng mấy, Tuổi xa người, Như chiếc que diêm, Trên ngọn tình sầu, Kiếp dã tràng...
Với ca khúc "Kiếp dã tràng", Từ Công Phụng đã mượn hình ảnh con dã tràng xe cát Biển Đông vốn quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam để nói lên nỗi niềm, suy tư muôn thuở của con người về tình yêu, về nghĩa lý của chuyện yêu đương trên cõi đời này.
Tình yêu chẳng khác tập tính của loài dã tràng là bao. Ngày đêm nhọc công se từng viên cát, cứ vun hoài để đến cuối cùng vẫn bị tan theo từng ngọn sóng bạc đầu xô vào bờ cát. Tình yêu tưởng như vẹn tròn đến cuối cùng nhưng cũng chỉ là thoáng chốc rồi lại tan tành theo sóng biển khơi. Người trong cuộc chỉ biết lặng đứng trên bờ cát trắng, hướng ánh mắt về cõi xa xăm nơi biển khơi...
Nói về hoàn cảnh ra đời bản tình ca "Kiếp dã tràng", nhiều tư liệu có ghi: Vào mùa hè năm 1968 - 1969, lúc còn đang học đại học văn bằng 2 ở trường Luật khoa, Từ Công Phụng từ Sài Gòn về quê Ninh Thuận để nghỉ hè rồi ra Nha Trang chơi. Vùng đất này sở hữu nhiều bãi biển đẹp với hàng dừa rợp mát và những bãi cát trắng chạy dài...
Nhạc sĩ họ Từ nằm dưới hàng dừa, nghe gió lao xao trong buổi chiều đầy nắng vàng hanh hao đang dần tắt dưới chân trời. Ông bắt đầu liên tưởng, suy tư về cuộc đời và những cuộc tình đã qua. Tức cảnh sinh lời ca, ông đặt bút viết nên tuyệt phẩm giữa biển khơi "Kiếp dã tràng".
Số kiếp con người đôi khi cũng chẳng khác gì kiếp dã tràng!
"Kiếp dã tràng" của nhạc sĩ Từ Công Phụng là ca khúc đẹp từ giai điệu, hòa âm đến ca từ. Khi giai điệu bài hát vang lên thì một người hòa âm ít sáng tạo nhất cũng có thể chuyển động những hợp âm tuyệt đẹp của ca khúc ở trong đầu. Dẫu cố làm khác cũng không khác được. Vậy nên, "Kiếp dã tràng" mang một vẻ đẹp hòa âm tự nhiên từ chính giai điệu khoan thai như từng bước chân lên cát. Sự tiếp nối nhau, chuyển động hòa âm cho người nghe cảm giác chập chùng của đạo dương nhưng lại rất chặt chẽ và khúc triết.
Biển lúc nào cũng đẹp nhưng cái thời khắc làm cho tác giả cảm xúc nhất và cảm nhận rõ nhất là cái bao la, mênh mông, buồn thăm thẳm. Lúc này, ta mới cảm thấy đời ta bé nhỏ, lênh đênh, trôi dạt. Khi chiều xuống chạng vạng, chỉ còn mình ta với biển, những suy tư về cuộc đời, về tình yêu bắt đầu xuất hiện:
"Chiều vàng vương gót mỏi
ta dừng chân phiêu du
Lặng nghe sóng gọi ngọt ngào
Hàng dừa im bóng ru nhau thầm thì lời âu yếm
Dìu nhẹ đôi cánh mềm rã rời
Đàn chim bé nhỏ ngập ngừng
Nhẹ nương gió đưa về khoảng trời cũ..."
Tưởng như là những kỷ niệm buồn và những day dứt, nuối tiếc của mối tình không thành đã chìm sâu sau những lo toan của đời sống thường nhật. Nhưng khi ở một mình giữa mênh mông sóng nước, tâm hồn dịu lại thì những kỷ niệm chợt ùa về, xé tan không gian tĩnh mịch của chiều hoàng hôn:
"Một mình ta đứng nhìn mối tình duyên tan theo
Ngàn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ sầu lên dấu chân ghi cuộc tình nhòa trên cát"
Những ngọn sóng kéo nhau xô vào bờ cát trắng, lúc nhẹ nhàng, lúc ồ ạt, lần hồi đã xóa đi dấu chân của người in trên bờ bát. Trong phút chốc chỉ còn lại bãi cát trắng thẳng tắp như chưa từng có người đi qua.
Từ hình ảnh con sóng vỗ bờ cát trắng, Từ Công Phụng liên tưởng đến cuộc tình của chính mình: tưởng là mãi mãi thắm thiết chẳng nhạt phai nhưng ai ngờ, rồi thời gian cũng xóa dần, nhạt dần theo những giọt lệ của người tình. Sau cùng rồi chẳng còn gì nữa, như những viên cát dã tràng nhọc lòng vò thành bên bờ biển dễ bị từng đợt sóng miên man xô vào cuốn trôi. Số kiếp con người đôi khi cũng chẳng khác gì kiếp của dã tràng.
"Lời người nghe đã chợt lạc loài
Trên thân dã tràng tủi phận
Hoài công tháng năm xe cát Biển Đông"
Nếu ai đã từng vài lần yêu đương say đắm rồi chia ly, hẳn sẽ đôi lần cảm thấy rằng tình ái thật vô nghĩa. Dù có yêu thương, vun vén cho hạnh phúc tới mức nào đi nữa thì một ngày nào đó cũng như dã tràng xe cát Biển Đông, những cơn gió ập đến, cuốn trôi tất cả. Vậy nên bao năm qua, muôn người vẫn yêu nhau, vẫn mong ức cuộc tình đi đến hồi viên mãn... nhưng đâu đó, vẫn có những cuộc tình tan vỡ như viên cát của dã tràng.
Trong phút chốc suy tư, tác giả đặt câu hỏi: Liệu dã tràng có biết tủi hờn, có biết buồn phiền vì phận mình không? Tác giả dường như cũng cảm thông và cũng liên tưởng đến thân phận mình, giống như dã tràng mong manh nhỏ bé - hoài công xe cát ở Biển Đông.
Trong dòng duy tư ấy, thời gian tưởng như ngưng đọng lại nhưng rồi từng đợt sóng của những nuối tiếc xa xưa lại ào về dồn dập, lớp lớp trùng trùng xô nhau trong lòng người nhạc sĩ. Nỗi nhớ không còn thoáng chốc, không còn mơ hồ như ban đầu, nó hiển hiện rõ ràng hơn. Trong nhớ nhung, trong cảm xúc dâng đầy như sóng cồn, người thầm gọi tên người tình năm xưa:
"Thời gian như ngừng trôi giữa chiều tàn tạ
Thầm gọi tên người đã vắng xa phương trời"
Nhưng người xưa giờ đã không còn trong những buồn, vui của ta nữa rồi. Tình yêu bỗng trở nên xa lạ, tựa như cơn lốc có thể cuốn theo hồn người qua đủ mọi cung bậc: say đắm, đam mê, nhớ nhung, ngọt ngào. Nhưng sau cùng là cơn lốc cuốn ta về chốn trùng dương cô quạnh, nơi tứ bề là biển sâu thăm thẳm một mà, khiến ta không thể không tin rằng tình yêu đã tan vỡ rồi:
"Cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn người
vào trùng dương khép kín u mê ngàn đời
Tình người đâu có thấu cho ta?"
Người tình năm xưa giờ ở phương trời xa xăm nào đó, người có thấu cho lòng ta, cho niềm nhớ nhung và khắc khoải chợt đến trong buổi chiều tưởng là đã được yên bình bên bờ trùng dương. Liệu người có nghĩ giống ta? Liệu trên đời có ai thấu tâm tình của ta?
Những lớp sóng bạc đầu dần dịu xuống trong lòng người, hình ảnh những con dã tràng lại xuất hiện, miệt mài xe cát tựa như loài người mang thân phận dã tràng và "xe từng mảnh tơ duyên":
"Thân mang kiếp dã tràng đem đời xe tơ duyên
Trên bãi cát vàng hão huyền
Chợt nghe lớp sóng xô lên đời mình nhiều cay đắng"
Khi đã yêu, ai chẳng hi vọng và cố gắng vun đắp cho mình có được tình yêu đẹp nhất, viên mãi, trọn đời. Nhưng rồi sóng gió cũng đến, tựa như sóng biển xô đẩy, cuốn đi hết những mộng ước thuở ban đầu. Những gì còn lại phải chẳng chỉ là bãi cát vàng hão huyền như cuộc đời đầy điều hư ảo:
"Cuộc tình trên tháng ngày muộn phiền
Còn in vết hằn đời mình
Người ơi hãy ru tình ta vùi quên"
Cuộc tình buồn vẫn còn đây, những vết xước vẫn còn đây, hằn lên trái tim kẻ thất tình. Một cuộc tình đã trải trên những tháng ngày muộn phiền, chỉ mong buồn sẽ qua đi, bình yên sẽ tìm về.
Ca khúc "Kiếp dã tràng" được viết theo điệu slow nhịp 4/4, cung La trưởng với giai điệu chậm rãi, dìu dặt nhưng cũng không kém phần ngọt ngào, tình tứ. Đây là tình khúc đẹp về giai điệu, lời ca, hình ảnh. Ca khúc đã nói lên nỗi lòng của những người đã yêu: Liệu tình yêu có nghĩa lý gì?
Qua tình khúc này, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã nói lên được một khía cạnh nào đó đáng suy ngẫm của tình yêu đôi lứa, giữa người với người. Nhưng suy cho cùng, cuộc đời vốn đa đoan, ngang trái, làm sao người ta có thể kiểm soát được tất cả những gì sẽ xảy đến với đời, hay là những đau thương sẽ ập đến cho đời mình. Nói là điều hiển nhiên giống như sóng biển, giống như dã tràng xe cát...
Xem thêm: Ca khúc "Ơn em" (Du Tử Lê - Từ Công Phụng): Dù cuộc đời có ra sao, tôi vẫn xin tạ lỗi với nàng!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận