Duy Khánh và nỗi lòng của người lính già sống kiếp lưu vong thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương

Với một người yêu quê hương tha thiết như Duy Khánh thì còn gì buồn hơn việc phải sống tha hương trên xứ lạ, ngày nhớ đêm mong, thầm ước hẹn ngày được về chết giữa quê hương...

Đỗ Thu Nga
08:00 27/09/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Nguồn: Internet

Duy Khánh không phải là ca sĩ nhạc vàng đầu tiên nhưng Duy Khánh lại là một trong những ca sĩ hát nhạc vàng thành công nhất. Thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Sài Gòn, các ca sĩ hát được giọng Ténor rất hiếm, giọng Ténor của Duy Khánh đặc biệt bởi có độ ngân vượt quá sự tưởng tượng của công chúng. Theo Phạm Duy và Trầm Tử Thiêng, giọng của Duy Khánh có thể ngân dài đến 21 nhịp và chuyển từ thấp lên cao,  vượt hai bát độ một cách nhẹ nhàng. 

Phạm Duy từng phát biểu, trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi cảnh Vọng. Quả vậy, Duy Khánh được xem là ca - nhạc sĩ của miền quê sông Hương núi Ngự, của miền Trung nghèo khó. Mấy mươi năm đi hát, Duy Khánh vẫn dùng giọng đặc sệt Quảng Trị. Bởi ông muốn lưu lại trong chính con người mình những kỷ niệm thân thương nhất về quê hương miền Trung (ở đây là những điều trân quý về Quảng Trị và xứ Huế).

Duy Khánh rất nặng lòng với quê hương, chính vì thế, khi bước chân vào nghiệp sáng tác, ông dành rất nhiều lời hay ý đẹp cho quê hương miền Trung. Ông thả toàn bộ nỗi nhớ quê da diết vào các cung nhạc. Tính sơ qua, Duy Khánh có đến chục bài hát viết về miền Trung như: Thương về miền Trung, Sao không thấy anh về (Thương về miền Trung 2), Ai ra xứ Huế, Bao giờ em quên...

Sau năm 1975, vì nhiều lý do mà Duy Khánh bị cấm hát một thời gian. Mãi sau này khi các đoàn ca nhạc được chính quyền nới lỏng cho hoạt động trở lại, Duy Khánh mới thành lập đoàn Quê Hương - nơi quy tụ các nghệ sĩ tài danh của miền Nam trước năm 1975. Duy Khánh đã tổ chức nhiều buổi lưu diễn và khá thành công.

Đến năm 1988, Duy Khánh đưa vợ con ra nước ngoài định cư qua sự bảo lãnh của người em. Đến đấy Mỹ, ông tiếp tục tham gia các chương trình văn nghệ để kiếm kế sinh nhai. Song ông không còn có thể tìm lại được hình ảnh hào hoa, lịch lãm năm nào. Những dấu vết khắc khổ của thời gian in hằn trên khuôn mặt của ông. Giọng ca nội lực năm nào cũng bị tàn phá bởi những giọt rượu chán đời.

Đối với một người con yêu quê hương da diết như Duy Khánh, còn gì buồn hơn khi phải sống tha hương cầu thực nơi xứ người. Ban ngày đi hát, đêm về ôm nỗi nhớ thương về đất mẹ. 

duy-khanh-va-noi-long-cua-nguoi-linh-gia-song-kiep-luu-vong-0
Ca - nhạc sĩ Duy Khánh mang trong mình nỗi nhớ và tình yêu quê hương thiết tha

Có người nói rằng, trong đời nghệ sĩ của mình, ca sĩ có thể hát hàng trăm, hàng ngàn bài cho khán giả nghe, nhưng trong đó vẫn có đôi ba bài họ hát tặng chính mình. Với Duy Khánh, có lẽ ông hát "Xin anh giữ trọn tình yêu" và "Người lính già xa quê hương" là để dành tặng chính mình.

Trong ca khúc "Xin anh giữ trọn tình quê" do Duy Khánh sáng tác và trình diễn có lời ca chan chứa nhớ nhung quê hương như sau:

"Anh ơi cho dù anh trở về quê hương hoặc còn tha hương

Xin anh còn giữ vẹn câu thề

Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê

Ngày mai ta xa nhau rồi nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi

Quê cũ mừng vui"

Còn ca khúc "Người lính già xa quê hương" lại giống như lời tâm sự, những giọt nước mắt nghẹn ngào nuốt ngược vào trong. Đó là hình ảnh người lính buồn thương, da diết nhớ quê và thương cho kiếp lưu vong của mình.

"Người lính già xa quê hương

Bao nhiêu đêm anh nằm không ngủ

Nhớ quá Mẹ hiền, nhớ quá anh em

Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi

Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về

Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm

Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương"

Nhưng tiếc thay, hiện thực phũ phàng, Duy Khánh không thể hiện thực hóa được ước mong của mình. Thậm chí, ông còn không thể quay về quê hương một lần kể từ khi sống kiếp lưu vong. 

Sau nhiều năm tháng ra vào viện vì mắc những căn bệnh trầm kha, ca - nhạc sĩ Duy Khánh đã qua đời ở tuổi 66 (tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California,). Lễ tang của ông được quay phim và phát hành thành băng, trở thành một hiện tượng băng nhạc thời đó. 

Duy Khánh (1936 - 2003) tên thật là Nguyễn Văn Diệp. Trong cuộc đời nghệ thuật, ông còn dùng một số nghệ danh khác như Tăng Hồng, Hoàng Thanh. 

Duy Khánh nổi danh từ thập niên 1960 với vai trò ca - nhạc sĩ. Ông được mệnh danh là 1 trong 4 giọng nam nổi bật nhất của dòng nhạc vàng (tứ trụ nhạc vàng). 

Trong vai trò nhạc sĩ, Duy Khánh có hơn 30 ca khúc đặc sắc, trong đó có nhiều bài hát về miền Trung - nơi chôn rau cắt rốn của ông.

Ngoài ra, Duy Khánh còn là một người chăm chỉ tìm kiếm, phát hiện và đào tạo các ca sĩ mới và tham gia sản xuất băng nhạc. Người học trò nổi danh nhất của Duy Khánh có lẽ là ca sĩ Băng Châu.

Xem thêm: Cảm nhận về ca khúc "Thương về miền Trung" của Duy Khánh: Càng đi xa càng thương nhớ quê nhà!

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận