Chuyện ít biết về bản nhạc tình hiếm hoi trong sự nghiệp sáng tác của "cây đại thụ" Lưu Hữu Phước

Phía sau bản nhạc tình "Hương giang dạ khúc" là mối tình qua những cánh thư với cô gái Huế của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Đỗ Thu Nga
10:00 01/08/2024 Đỗ Thu Nga
Âm nhạc
Amnhac.net

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1989) sinh ra và lớn lên tại Ô Môn, Cần Thơ. Ngay từ thuở mới lọt lòng, tâm trí ông đã thấm đẫm cung bậc đờn ca tài tử. Ông được gia đình cho theo học cổ nhạc với các cụ gần nhà, rồi sau đó tự học tân nhạc. Năm 16 tuổi, ông đã chắp bút viết ca khúc đầu tay mang tên "Nong sông gấm vóc". 

Mặc dù theo học trường Y - Dược nhưng Lưu Hữu Phước không trở thành một bác sĩ mà lại được thời cuộc hun đúc thành một nhạc sĩ trứ danh. Chứng kiến đất nước bị ngoại xâm dày vò, ông đã đặt bút viết hàng chục ca khúc cổ vũ tinh thần yêu nước và ý chí cho thế hệ thanh niên như: Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Người xưa đâu tá, Xếp bút nghiên, Tiếng gọi thanh niên, Thiếu nữ Việt Nam... 

Ngoài tài năng sáng tác, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là một nhà quản lý văn hóa cự phách. Ông tham gia thành lập Nhạc viện Âm nhạc quốc gia, Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Nhắc đến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là nhắc đến "cây đại thụ" của nền âm nhạc cách mạng. Ông sáng tác những ca khúc hào hùng, cổ vũ ý chí nhân dân trong chiến đấu. Thế nhưng, ít ai biết được, trong kho tàng âm nhạc khá đồ sộ của ông còn có một bản tình ca đặc biệt mang tên "Hương giang dạ khúc".

chuyen-it-biet-ve-ban-nhac-tinh-hiem-hoi-cua-nhac-si-luu-huu-phuoc
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và ca khúc "Hương giang dạ khúc"

"Hương giang dạ khúc" được chắp bút vào năm 1943, khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đang học tại Hà Nội. Nguồn cảm hứng sáng tác của ca khúc này chính là cô nữ sinh Huế tên Thu Hương (tên thật là Lan). Cô thiếu nữ này đã nhiều lần viết thư cho ông để bày tỏ lòng hâm mộ. 

Trong bài chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác "Hương giang dạ khúc", Giáo sư Trần Văn Khê cho biết: Ca khúc ra đời giữa lúc Lưu Hữu Phước và Thu Hương có mối cảm xúc đặc biệt dù mới chỉ tâm sự với nhau qua những cánh thư. Một lần nọ, Lưu Hữu Phước có dịp qua mảnh đất cố đô và đã lần theo địa chỉ ghi trên thư để tìm cô gái trong mộng. Song khi đến nơi ông mới biết, địa chỉ này không hề tồn tại.

Cảm thấy thất vọng quá đỗi, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết nên ca khúc "Hương giang dạ khúc". Ca khúc được viết với những ca từ đong đầy nỗi nhớ giữa cái khung cảnh trầm buồn mặc nhiên như Huế. Từ đó cho đến mãi sau này, dù đã nhiều lần tìm kiếm nhưng ông không thể nào gặp được Thu Hương. 

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, trong chuyến đi New York dự Hội nghị Âm nhạc Thế giới năm 1961, Giáo sư Trần Văn Khê tình cờ quen được một gia đình người Việt hành nghề bán cơm Huế ở Mỹ. Thật bất ngờ, cô vợ của gia đình nhỏ này chính là người phụ nữ mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng tốn nhiều tâm sức tìm kiếm.

Theo lời Giáo sư Trần Văn Khê, cô gái đó tên thật là Lan, còn Thu Hương chỉ là bí danh. Dù đã qua 2 lần đò nhưng cô gái tên Thu Hương chưa bao giờ quên được chàng nhạc sĩ tài hoa Lưu Hữu Phước. 

Khoảng 15 năm sau, trong một lần gặp lại nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ở Hà Nội, Giáo sư Trần Văn Khê mới kể câu chuyện này. Song khi đó, cô gái Thu Hương cũng đã không còn trên đời nữa. Cô qua đời sau một vụ tai nạn máy bay. 

Cây chuyện này cũng được Giáo sư Trần Văn Khê hồi tưởng và hát hại trong chính ngày truy điệu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vào năm 1989 (ông qua đời đột ngột vì một cơn đau tim).

Ca khúc "Hương giang dạ khúc" được sáng cách đây nhiều năm nhưng mãi đến năm 2015 mới được phổ biến, cấp phép ở Việt Nam. Bản tình ca hiếm hoi của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng được thể hiện bởi Huy Anh trong album "Thiên thanh 3 - Bụi đỏ đường mơ".

Về gia đình của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, theo Báo Công an nhân dân: Cố nhạc sĩ có vợ là họa sĩ Trịnh Kim Vinh và 3 người con. 

Cũng có chí hướng giống nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, họa sĩ Trịnh Kim Vinh rời gia đình ở Hà Nội đi theo cách mạng từ năm 13 tuổi. Sau khóa đào tạo ngắn hạn ở chiến khu Việt Bắc, bà dạy mỹ thuật cho học sinh tiểu học. Đến năm 1960, bà chính thức vào học tại Trường Mỹ thuật Hà Nội rồi đi tu nghiệp ở Đức. Bà có nhiều bức tranh về các nữ du kích.

Vì có sự tương đồng nhất định nên vừa gặp mặt hai người đã phải lòng nhau. Trong lễ cưới của họ, nhà thơ Tố Hữu ứng tác tặng mấy câu thơ: "Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ Cùng nhau tiến bước, anh Phước chị Vinh/ Bây giờ tình đã gặp tình/ Chung lòng bảo vệ hòa bình mạnh hơn”.

Trong thời gian nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tham gia chống Mỹ ở căn cứ Trung ương cục miền Nam, họa sĩ Trịnh Kim Vinh nuôi con một mình suốt 10 năm trời ở Thủ đô. Sau 1975, hai người với được đoàn tụ. 

Xem thêm: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, "cha đẻ" của những bản hùng ca giải phóng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận