Nhạc sĩ Văn Phụng và hoàn cảnh sáng tác đặc biệt của ca khúc "Tôi đi giữa hoàng hôn"
"Tôi đi giữa hoàng hôn" là ca khúc chất chứa tâm sự khó nói thành lời của cố nhạc sĩ Văn Phụng trong tình cảnh đầy ngặt nghèo...
CA KHÚC "TÔI ĐI GIỮA HOÀNG HÔN"
- Tên ca khúc: Tôi đi giữa hoàng hôn
- Sáng tác: Nhạc sĩ Văn Phụng
- Thể loại: Tình ca
- Năm ra đời: 1963
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Châu Hà
Ca khúc "Tôi đi giữa hoàng hôn" ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt thế nào?
So với các nhạc sĩ thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, Văn Phụng sáng tác không quá nhiều nhưng các tác phẩm của ông đều có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Ông sáng tác khá nhiều ở mảng tình ca, đại đa số các ca khúc đều liên quan đến chuyện tình của ông và danh ca Châu Hà. Mỗi ca khúc là một giai đoạn tình yêu khác nhau, thể hiện rõ nét những trắc trở, sóng gió, những hạnh phúc đầy vơi...
Trong số những nhạc phẩm có bóng dáng danh ca Châu Hà, không thể không nhắc đến ca khúc "Tôi đi giữa hoàng hôn". Đây cũng là một trong những ca khúc được yêu thích nhất của nhạc sĩ Văn Phụng. Và đáng nói hơn, ca khúc này được ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Theo lời kể của danh ca Châu Hà những tư liệu tìm kiếm được: Từ cuộc gặp tưởng như vô tình nhưng thực chất lại là cuộc gặp gỡ định mệnh tại căn nhà ở Hải Phòng mà Châu Hà và Văn Phụng nên duyên. Hai người yêu nhau say đắm nhưng lại bị gia đình Châu Hà phản đối kịch liệt. Bởi họ cho rằng, Văn Phụng làm cái nghề "xướng ca vô loài".
Năm 1954, quá phẫn uất trước sự ngăn cản từ gia đình, Châu Hà vào Nam sinh sống và lấy chồng. Cô cũng bắt đầu nghiệp cầm ca từ đây. Cùng năm, nhạc sĩ Văn Phụng di cư vào Sài Gòn. Và cũng từ đây, mối nhân duyên năm nào lại nảy nở. Những lần đúng chung sân khấu lại càng khiến những kỷ niệm xưa ùa về, tình cảm trào dâng. Thời điểm đó, tình cảm của họ lại vướng nỗi ngặt nghèo vì luân lý gia đình (cả hai đã có gia đình riêng), vì ràng buộc xã hội mà chẳng thể thành đôi.
Vào thời khắc tâm tư buồn bã nhất, nhạc sĩ Văn Phụng đã viết nên ca khúc "Tôi đi giữa hoàng hôn". Đó là lời tâm sự của người đàn ông đã có gia đình nhưng vẫn vương vấn tình xưa.
Năm 1963, nhạc phẩm "Tôi đi giữa hoàng hôn" được xuất bản và Châu Hà trở thành ca sĩ thể hiện bài hát này đầu tiên trên sóng đài phát thanh. Và cũng nhờ ca khúc này mà Văn Phụng - Châu Hà nên duyên vợ chồng.
Sau này, ca khúc "Tôi đi giữa hoàng hôn" được biểu diễn khá nhiều ở hải ngoại với nhiều giọng ca khác nhau. Gần đây nhất, trong liveshow, ca sĩ Mỹ Tâm cũng đã biểu diễn ca khúc này.
"Tôi đi giữa hoàng hôn" - lời tâm sự thiết tha về cuộc tình nhiều trắc trở
Sau 3 năm xa cách, Châu Hà - Văn Phụng tái ngộ một cách đầy tình cờ tại Sài Gòn khi cả hai cùng cộng tác cho đài phát thanh. Tình cũ trào dâng nhưng bị ngăn cách bởi ràng buộc (cả hai đã có gia đình). Những tâm sự chất chứa trong lòng đã được nhạc sĩ Văn Phụng giãi bày trong nhạc phẩm "Tôi đi giữa hoàng hôn" với những câu mở đầu đầy vấn vương:
"Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông,
khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài"
Trong thơ ca, nỗi buồn thường gắn với những buổi chiều hoàng hôn hoặc những đêm trăng hiu quạnh. Khi ấy, đứng giữa không gian mênh mông, con người ta càng cảm thấy sầu, thấy buồn, thấy cô đơn. Ngắm cánh chim lạc đàn, chàng trai trong ca khúc tưởng mình như cánh chim kia, xa rời tổ ấm bay đến chân trời vô định. Lời nhạc như nét cọ phớt nhẹ lên cảnh chiều khiến lòng người u hoài, trống vắng hơn.
"Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa
Hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời"
Trong câu hát trên, nhạc sĩ Văn Phụng có nhắc đến "bến Hoàng Hoa". Xin giải thích một chút, Hoàng Hoa ở đây không phải một địa danh cụ thể nào cả. Nó đã được nhạc sĩ thi vị để nói về một nơi thơ mộng, nơi chứng kiến ngọt ngào của tình yêu đôi lứa.
Thời gian trôi qua, giờ nhớ lại chỉ còn là những thương những nhớ năm nào trên bến mộng mơ, đôi uyên ương thường dắt tay nhau đi dạo, tươi cười không muộn phiền lo âu. Những ngày thanh xuân "mắt say sưa thắm mộng đời" đã xa vời vào vĩ vãng.
"Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, mơ ước dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau"
Thương yêu này xin được mãi mãi còn đây, dù cuộc đời có gieo xuống bao mưa gió bên mái tranh nghèo. Dẫu nắng hay sương khói mịt mù thì tình yêu vẫn luôn tinh khiết, vẹn nguyên. Những câu hát thể hiện mối tình thủy chung, dẫu nhiều cách trở thì "niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai".
Năm ấy ước mơ thì dạt dào, nhưng tình cảnh lại trái ngang nên đôi ta chia lìa, không còn chung nhịp đập. Tất cả những ước hẹn cũng trôi theo quá khứ, im lặng gặm nhấm nhớ thương, nhớ vô cùng khi mỗi lần một mình lang thang đi giữa bóng hoàng hôn giăng mắc u hoài...
"Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàn hôn
Lòng thương nhớ..."
Chàng trai vẫn đi giữa hoàng hôn, đi ngược về những ngày ươm dệt mộng tình thắm thiết, vẫn thương yêu mãi không hề phai những ngày thơ mộng của đôi ta. Vẫn đi giữa hoàng hôn nghe lòng thổn thức nhớ thương, chất chứa buồn thương về mộng tình đứng giữa ngã ba đường không biết làm sao...
Được biết, chỉ một năm sau khi ca khúc này được phổ biến, mộng tình năm nào của nhạc sĩ Văn Phụng và danh ca Châu Hà đã được nối lại bằng cuộc hôn nhân viên mãn. Họ vượt lên mọi lời bàn tán, dị nghị để trở lại bên nhau. Họ sống trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng từ năm 1963 đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời vào năm 1999.
Theo nhiều người thân quen kể lại, trong thời gian chung số, họ vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc, luôn trân trọng, thấu hiểu,chia sẻ cùng nhau.
Xem thêm: Ca khúc "Yêu" của nhạc sĩ Văn Phụng: "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ; Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận