NSND Y Moan: Tiếc thương tài năng hiếm có nhưng đoản mệnh của núi rừng Tây Nguyên
NSND Y Moan là người nghệ sĩ có sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng. Ông là người sở hữu giọng ca nội lực, rất tài năng nhưng đoản mệnh.
HỒ SƠ - TIỂU SỬ NSND Y MOAN
- Tên thật: Y Moan Êñuôl (tên khai sinh), Y Bliêo (tên thật).
- Nghệ danh: Y Moan.
- Ngày sinh: 06/09/1957 - Ngày mất: 01/10/2010.
- Quê quán: M'Drắk, Đắk Lắk.
- Nghề nghiệp: Ca sĩ - Nhạc sĩ.
- Ca khúc trình bày thành công nhất: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Giấc mơ Chapi, Ly cà phê Ban Mê, Anh muốn sống bên em trọn đời.
- Danh hiệu (nếu có): Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT - 1997), Nghệ sĩ nhân dân (NSND - 2010).
- Thời gian hoạt động: 1975 - 2010.
NSND Y Moan là ai?
NSND Y Moan là một ca sĩ - nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng. Ông có sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng, từ chỉ nổi danh ở buôn làng Tây Nguyên đến một nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế.
Về học vấn, NSND Y Moan từng theo học ở Nhạc viện Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Cường phát hiện ra tài năng âm nhạc nơi ông và đã dốc lòng bồi dưỡng. Sau đó, Y Moan có nhiều cơ hội sang nước ngoài như Bulgaria, Đức, Nga, Hungary, Romania để tu nghiệp.
Ông thể hiện rất thành công các ca khúc mang phong cách đất rừng Tây Nguyên. Không chỉ vậy, ông còn thử sức với vai trò nhạc sĩ, sáng tác nhiều bài hát về Tây Nguyên như "Bài ca quê hương", "Đi chơi với gió".
Y Moan được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1997. 3 năm sau, ông tiếp tục được phong tặng danh hiệu NSND trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. 2 tháng sau khi nhận danh hiệu cao quý này, NSND Y Moan qua đời ở Buôn Ma Thuột, thọ 53 tuổi. Sự ra đi của ông khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả không khỏi xót xa.
NSND Y Moan và chuyện đời tư hiếm ai biết
NSND Y Moan sinh ra ở buôn M'Đrắk, nay là huyện M'Đrắk thuộc tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, gia đình đân tộc Êđê nghèo quyết định chuyển về buôn Dhă, xã Lạc Giao, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk sinh sống.
Theo chia sẻ của nghệ sĩ, bố mẹ ông có tới 13 người con, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Học hết lớp 6, bản thân Y Moan phải bỏ học, theo cha mẹ làm nương rẫy. Cuộc sống của gia đình họ chỉ có phần khởi sắc khi ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh Ngẫu, người phụ nữ gốc Bắc. Họ gặp nhau khi Y Moan khoảng ngoài 20 tuổi, tầm năm 1975. Bà Ngẫu quê ở Thái Bình, vốn là diễn viên múa. Sau khi kết hôn, bà giải nghệ, chủ yếu quán xuyến công việc thay chồng bởi Y Moan rất bận rộn, hay đi lưu diễn, có khi vài năm mới về.
NSND Y Moan từng chia sẻ, họ cưới nhau năm 1976, 1 năm sau thì có con trai đầu lòng tên Y Vol (Y Vol Ênuôl). Cậu con trai thứ 2 tên Y Garia (Y Garia Ênuôl) ra đời năm 1982, và con gái út H'Dresden Ênuôl sinh năm 1992. Được biết, hai người con trai của ông đã nối nghiệp cha, theo đuổi con đường nghệ thuật và tạo được những dấu ấn nhất định.
Sau này, khi trả lời PV báo Tiền Phong, Y Vol cho biết bố anh là một người đã thoát khỏi "chế độ mẫu hệ" buôn làng. Cuộc hôn nhân của Y Moan với một cô vợ người Kinh không được buôn làng chấp nhận, nhưng ông vẫn quyết tâm giữ vững chính kiến. Họ cưới nhau rồi sống ở khu tập thể của Đoàn ca múa Đắk Lắk. Ngay cả sau này khi thành công với sự nghiệp âm nhạc, Y Moan vẫn chọn sống giản dị, mộc mạc. Ông cứ biểu diễn xong lại về nhà, đi làm nương rẫy, dạy nhạc cho con em, rồi đi hát cho đồng bào.
Trong một cuộc PV hiếm hoi trước khi mất, NSND Y Moan đã chia sẻ với Dân Trí rằng: "Cuộc đời tôi vừa được ca hát, vừa trồng cafe, vừa được sống giữa núi rừng, sống với thiên nhiên. Người ta vẫn hỏi tôi, tại sao không dời nhà về thành phố, tại sao không đi diễn nhiều, tại sao không làm kinh tế, câu trả lời của tôi rất giản dị, tôi yêu cuộc sống ở cao nguyên, tôi yêu thiên nhiên quê mình, tôi thích cách sống như vậy, và dù không biết đó có phải là lựa chọn đúng hay không, nhưng tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình".
Trong suốt 35 năm sự nghiệp âm nhạc, NSND Y Moan luôn miệt mài cống hiến, tựa như một con tằm nhả tơ chăm chỉ đến cuối đời. Ngày 01/10/2010, "giọng ca của đại ngàn" qua đời, hưởng thọ 53 tuổi, sau một thời gian chống trọi với căn bệnh ung thư thượng vị dạ dày.
NSND Y Moan và sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng
NSND Y Moan bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ sớm, nhưng có lẽ vì điều kiện gia đình không cho phép mà không thể theo nghề sớm hơn. Theo chia sẻ của con trai Y Vol, Y Moan được truyển vào Đoàn văn công giải phóng Đắk Lắk vào khoảng năm 1975. Tại đây, ông được tiếp xúc với âm nhạc chính thống, và sớm thể hiện tài năng hiếm có khi trở thành ca sĩ hát chính. 1 năm sau đó, ông đã đạt huy chương vàng ở hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, rồi gặt hái nhiều giải thưởng khác.
Năm 1979, Y Moan ra Bắc để theo học ở Nhạc viện Hà Nội. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông, là cơ duyên giúp ông gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Cường. Chính Nguyễn Cường là người đã phát hiện tố chất hiếm có của nghệ sĩ, bồi dưỡng và giúp đỡ ông rất nhiều trong sự nghiệp sau này. Y Moan sau đó được tạo cơ hội để tu nghiệp ở nhiều nước trên thế giới, như Bulgaria, Đức, Nga, Hungary hay Romania.
Trong một cuộc PV sau này, NSND Y Moan đã bộc bạch: "Người thầy ấy vừa là anh, vừa là cha, vừa là người bạn lớn của tôi. Mẹ tôi cũng đã đau mấy năm nay. Từ khi mẹ tôi đau đến khi tôi vào bênh viện, thầy đã lo quá nhiều cho gia đình tôi. Thầy còn lo cho cả con tôi. Thầy quá tốt. Tôi yêu lắm... Thầy đã không chỉ dạy tôi hát, thầy còn dạy cho tôi cách sống. Thầy không biết làm kinh tế, so với những nhạc sỹ khác, thầy khá vất vả. Vậy mà, thầy chăm lo hết mực cho gia đình tôi...".
Năm 1981, Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk mời nhạc sĩ Nguyễn Cường vào Đắk Lắk, nhờ sáng tác những bài hát cho tình. Đó cũng là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Y Moan. Từ đây, khán giả được biết tới một ca sĩ người Êđê với giọng hát hiếm có, vừa thâm trầm sâu lắng, lại vừa cao vút khoan thai.
NSND Y Moan đã biểu diễn thành công vô số ca khúc của các nhạc sĩ sáng tác phong cách đậm chất Tây Nguyên. Đó là các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor, Mạnh Trí, Linh Nga, Đức Hùng, Quang Dũng, Vũ Lân, Sĩ Hùng... Đặc biệt, những bài ca do Nguyễn Cường sáng tác được Y Moan biểu diễn thành công hơn cả. Những ca khúc do NSND Y Moan thể hiện là:
- Bài ca trên đồi
- Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột
- Đến với cao nguyên
- Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời
- Đôi chân trần
- Em muốn sống bên anh trọn đời
- Em sinh cho tôi một thằng con trai
- Giấc mơ Chapi
- H'zen lên rẫy
- Hoa suối
- Ơi M'Đrắk
- Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk
- Yêu sao Đắk Lắk hôm nay
Có thể nói, sự nghiệp âm nhạc của NSND Y Moan thành công rực rỡ. Ông từng đi biểu diễn ở nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc,... Ngoài ra, ông còn là một nhạc sĩ, từng sáng tác một số ca khúc như "Bài ca quê hương", "Đi chơi với gió",...
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam từng chia sẻ rằng, chất giọng của Y Moan vô cùng đặc biệt, hội tụ nhiều yếu tố. Đó là giọng ca mang âm hưởng thính phòng (tenor) với âm vực sâu rộng; đó là giọng ca dân gian rực lửa thấm đẫm chất rock; đó là một tiếng ca khoan thai, thánh thót với những quãng ngân mềm mượt, xa xăm.
Ông nhận xét thêm: "Ngay từ trong tiềm thức, Y Moan đã đặc quánh sự khác biệt. Nhạc sĩ có viết khúc thức kiểu gì thì kiểu, Y Moan sẽ hát theo cách của mình. Thậm chí, dân ca Y Moan vẫn hát theo một lối riêng. Vì thế, không phải tác phẩm âm nhạc nào Y Moan cũng xử lý thành công, trên phương diện kỹ thuật thanh nhạc. Chỉ khi chạm trúng mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên, giọng ca của Y Moan mới thật sự xuất thần, tinh tế và đầy đặn trong xử lý từng cung bậc của tác phẩm âm nhạc".
NSND Y Moan và lần nhận danh hiệu NSND đặc biệt
Có thể nói, lần Y Moan được trao danh hiệu NSND là một dịp hiếm có. Trước đó, vào năm 1997, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu NSƯT. Đến tháng 8/2010, "giọng ca của đại ngàn" được trao tặng danh hiệu NSND.
Thời điểm đó, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cho Y Moan được Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7 ở các cấp cơ sở đồng thuận thông qua với số phiếu tuyệt đối. Đáng nói, theo thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL thời điểm ấy, quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa ban hành thì phải tới ngày 30/8 mới có hiệu lực. Chưa kể, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thường thực hiện vào dịp 2/9, cứ 2 năm/lần. Tức là, theo đúng tiến trình, đợt xét tặng danh hiệu lần 7 sẽ diễn ra vào năm 2011.
Thế nhưng, Y Moan đã được đặc cách phong tặng danh hiệu NSND. Trong liveshow "Ngọn lửa cao nguyên" tổ chức tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội, Bộ VH-TT-DL được sự ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu NSND cho ông. Đây là một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử, và chưa kể cũng khiến Y Moan trở thành NSND duy nhất của người Êđê. Chỉ 2 tháng sau khi nhận được danh hiệu cao quý này, người NSND ấy qua đời vì bạo bệnh.
NSND Y Moan và những giải thưởng, danh hiệu đạt được
Dưới đây là những giải thưởng, danh hiệu mà NSND Y Moan đã đạt được trong suốt sự nghiệp của mình:
- Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Quy Nhơn năm 1977.
- Huy chương Bạc tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại Hà Nội năm 1980.
- Giải Nhì liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Hà Nội năm 1983.
- Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985.
- Ca sĩ xuất sắc trong Hội diễn ca nhạc nhẹ tại Nha Trang năm 1989.
- Giải Nhì tại Cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991.
- Huy chương Vàng tại Hội thi ca múa nhạc dân tộc năm 1992.
- Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại Đà Nẵng năm 1995.
- Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên năm 2002.
- Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh năm 2005.
- Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2000 do Bộ Văn hóa – Thông tin trao tặng.
- Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc năm 2010 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.
Một số hình ảnh về NSND Y Moan theo dòng chảy sự nghiệp
Xem thêm: Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết: Nguyện dành cả đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận