Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết: Nguyện dành cả đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết là một nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam, người đã có công giúp phát triển dòng nhạc dân tộc trong nước và ra quốc tế.
HỒ SƠ - TIỂU SỬ NHÀ SOẠN NHẠC TÔN THẤT TIẾT
- Tên thật: Tôn Thất Tiết.
- Nghệ danh: Tôn Thất Tiết.
- Ngày sinh: 1933.
- Quê quán: Huế.
- Nghề nghiệp: Nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu.
- Lĩnh vực hoạt động: Nhạc cổ điển, nhạc đương đại.
- Danh hiệu (nếu có): Không.
- Thời gian hoạt động: 1965 - nay.
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết là ai?
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết (尊室節) là một nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng. Ông là một nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc, nhà nghiên cứu lĩnh vực âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Tôn Thất Tiết sinh năm 1933 tại Huế, hiện đang định cư ở Pháp và đã có quốc tịch nước này. Tuy đã sang nước ngoài, nhưng ông luôn hướng về cội nguồn, nỗ lực giúp âm nhạc dân tộc phát triển. Con trai ông là Tôn Thất An, cũng là một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất phim nổi tiếng.
Năm 1958, nhà soạn nhạc gốc Huế sang Paris, Pháp du học. Ông theo học ngành soạn nhạc ở Học viện Âm nhạc Paris, do các giáo sư danh tiếng Jean Rivier và André Jolivet hướng dẫn, chỉ bảo. Năm 1977, ông lấy quốc tịch Pháp và sinh sống, làm việc ở nước này đến bây giờ.
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và cơ duyên đến với âm nhạc
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây từ nhỏ. Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí UNESCO Courier năm 1998, đăng tải lại trên website cá nhân, ông đã chia sẻ nhiều câu chuyện thời ấu thơ. Amnhac.net xin phép được lược dịch bài phỏng vấn này của nhà soạn nhạc.
Tôn Thất Tiết chia sẻ: "Năm tôi 14-15 tuổi, tôi muốn thử học violin. Các anh chị em tôi biết chuyện liền cùng nhau mua cho tôi một chiếc, gửi từ bên Pháp về Việt Nam. Thời điểm đó, một người anh họ của tôi biết chơi một chút đàn, nên anh ấy đã dạy tôi. Sau đó, anh lại di cư sang Pháp, tôi không thể tìm thấy ai ở Huế có thể dạy thay anh ấy. Thế là, tôi đành tự học thôi, với một phương pháp của riêng mình cũng như các bản nhạc được tôi đặc biệt đặt hàng".
Nhà soạn nhạc cho hay, càng học đàn violin, ông càng mơ ước được sang Paris và đăng ký vào Nhạc viện. Để có tiền đi học, ông đã chăm chỉ làm việc, tiết kiệm tiền trong 2 năm ròng.
Tôn Thất Tiết nhớ lại: "Khi đến Paris, tôi được giới thiệu với một giáo viên tại Nhạc viện là thầy Georges Dandelot. Kiến thức về lý thuyết âm nhạc của tôi còn sơ sài đến mức tôi phải bắt đầu lại từ đầu, hoặc gần như vậy. Tôi có quá nhiều điều phải học đến nỗi tôi phải từ bỏ cây vĩ cầm.
Tôi sớm biết rằng tôi không thể vừa làm việc với một nhạc cụ vừa tham gia nghiên cứu lý thuyết nâng cao cùng một lúc. Tôi cũng học đối âm với Madame Honegger tại Paris Ecole Normale de Musique. Sau 2 năm, tôi lấy được bằng về hòa âm và nộp đơn xin vào Nhạc viện".
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và sự hết lòng với âm nhạc dân tộc truyền thống
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết tâm sự, đây chính là bước đệm để ông chính thức theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Khi mới theo học, ông chưa sáng tác bao giờ, nhưng Nhạc viện lại yêu cầu phải nộp một tác phẩm. Thế là, ông thử soạn một bản cho tứ tấu đàn dây nhưng cũng không có ấn tượng gì.
Vào những năm 1960, ông bắt đầu học sáng tác và lập tức bị thu hút thể loại âm nhạc tiếp nối (tạm dịch từ serialism). Ông thử sức nghiên cứu lĩnh vực này, nhưng gặp không ít khó khăn. Thực tế, lúc đó không ít bạn học của ông đã thành công sáng tác thể loại này.
Do đó, thầy của ông là Jean Rivier đã khuyên ông từ bỏ nó. Một ngày nọ, giáo sư đã nói với Tôn Thất Tiết rằng: "Hãy quay lại châu Á và cố gắng tìm con đường riêng cho mình đi". Người thầy khuyên nhủ rằng, ông nên tìm về cội nguồn, về âm nhạc truyền thống châu Á cũng như nghiên cứu triết học phương Đông.
Andrew Jolivet là một người thầy khác của Tôn Thất Tiết, cũng góp phần đáng kể trong việc định hình âm nhạc. Nhờ vậy, ông có thể khám phá ra tư duy âm nhạc phương Đông, từ đó phát triển thành một "vũ trụ tinh thần" của riêng mình để sáng tác.
Nhà soạn nhạc nhớ lại: "Bảo tàng Guimet ở Paris có một bộ sưu tập các bản thu âm nhạc Việt Nam và được sử dụng để tổ chức các buổi hòa nhạc âm nhạc phương Đông. Nhà âm nhạc học Trần Văn Khe, người làm việc ở đó, đã giới thiệu cho tôi về âm nhạc Phật giáo".
Sau đó, Tôn Thất Tiết bắt đầu nghiên cứ về triết học Trung Quốc, đặc biệt là Kinh dịch. Nhờ đó, ông đã sáng tác tác phẩm đầu tiên vào năm 1972, có tên là Ngũ hành (Five Elements). Đến năm 1981, ông lại sáng tác một nhạc phẩm khác, cũng dựa vào Kinh dịch. Tuy nhiên, ông nói rằng sáng tác của mình không vận dụng "tùy tiện" như John Cage.
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết chia sẻ thêm: "Tôi quan tâm đến Phật giáo Đại thừa, nhưng hoàn toàn từ quan điểm triết học, vì tôi không theo bất kỳ tôn giáo nào. Hai chủ đề chính trong tác phẩm của tôi là nhân loại và vũ trụ. Phật giáo và các triết lý phương Đông khác nhấn mạnh đến tình yêu thương phổ quát và sự thật rằng tất cả con người đều là anh em".
Năm 1992, nghệ sĩ có cơ hội tham dự một số khóa học về âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội. Lúc ấy, ông rất ngạc nhiên khi biết được âm nhạc đã thay đổi ra sao, với những hòa âm mới và khía cạnh mới. 1 năm sau đó, vẫn ở Hà Nội, ông tình cờ gặp một người cụ bà cao tuổi đặc biệt thành thạo ca trù. Đây vốn là một thể loại hát nổi tiếng nhờ kỹ thuật rung và thanh nhạc đặc biệt. Tôn Thất Tiết cho hay: "Bà là người duy nhất còn sống sót của phong cách này. Tôi nhờ bà đào tạo một số ca sĩ trẻ để truyền thống không bị mai một. Thực tế, gia đình nhạc sĩ đi cùng bà có một cô con gái hát được một chút ca trù. Bà Quách Thị Hồ đồng ý nhận nuôi cô".
Cũng trong năm 1993, ông đứng ra thành lập Hiệp hội Âm nhạc Pháp Việt (France – Vietnam Music Association). Sau khi về Huế, ông đã liên hệ với tất cả những người biểu diễn âm nhạc truyền thống có thể. Ông tổ chức một cuộc gặp với 3 nhạc sĩ bậc thầy hàng đầu và đề nghị họ thành lập một dàn nhã nhạc cung đình Huế.
Nhà soạn nhạc nhớ lại: "Họ thường xuyên gửi cho tôi những băng cassette để tôi có thể nghe được những tiến bộ mà họ đã đạt được. Sau 1 năm, dàn nhạc cung đình đã thành thạo nhưng các nhạc công trẻ vẫn cần đào tạo thêm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô gái học cải lương đã thành thạo kỹ thuật thanh nhạc một cách hoàn hảo. Sau đó tôi đã có thể tổ chức một buổi hòa nhạc truyền thống Việt Nam tại Maison des Cultures et du Monde ở Paris vào năm 1995". Những năm sau đó, Tôn Thất Tiết đứng ra bảo trở cho vô số nghệ nhân nhã nhạc và ca trù. Cũng nhờ vậy, nhiều nghệ nhân đã có cơ hội đi trình tấu ở nhiều quốc gia, như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo,...
Không chỉ thành công trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, ông còn là nhà soạn nhạc phim thành công. Ông Tôn Thất Tiết chính là người đã soạn nhạc cho 3 bộ phim Mùi đu đủ xanh, Xích lô và Mùa hè chiếu thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng. Ông cũng soạn nhạc cho bộ phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
Với vai trò là nhạc sĩ, ông đã sáng tác vô số tác phẩm, chẳng hạn như viết nhạc cho các đoạn trình tấu ballet của Régine Chopinot: Parole de feu (năm 1995) và Danse du temps (năm 1999). Năm 2007, Tôn Thất Tiết cộng tác với đoàn đồng ca Musicatreize ở Pháp, rồi soạn nhạc cho một ca kịch về cổ tích Việt Nam do Tam Quy ("L'arbalète Magique") thực hiện.
Tôn Thất Tiết vinh dự nhận vô số giải thưởng danh giá như giải Lili Boulanger năm 1972 của Hội SACEM, giải Diễn đàn Quốc tế những Nhà soạn nhạc ở UNESCO (Tribune Internationale des Compositeurs à l’Unesco) năm 1975, giải Sáng tác của Bộ Văn hóa Pháp.
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và những nhạc phẩm để đời
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết đã có một sự nghiệp sáng tác âm nhạc thành công và bền bỉ. Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu của ông trong từng thời kỳ:
Thời gian | Một số tác phẩm tiêu biểu |
Giai đoạn 1965 - 1970 | Công việc không ngày tháng (1965); Incarnations structurales (1967); Tứ đại cảnh (1968), Hy vọng 267 (1969), Hy vọng 14 (1970). |
Giai đoạn 1970 - 1975 | Ngũ hành 1 (1971); Ái vân 1 - Ái vân 2 (1972); Ngũ hành 2 (1973); Niệm, Vô vi, Ấn tượng (1975) |
Giai đoạn 1976 - 1980 | Chu kỳ 1, Chu kỳ 2 (1976); Chu kỳ 3, chu kỳ 4 (1977); Trùng dương (Trung dzuong - 1980) |
Giai đoạn 1981 - 1985 | Terre–Feu (Đất - Lửa - 1981); Jeu des cinq éléments I, Jeu des cinq éléments II (1982), Chu kỳ 5 (1983); Jeu des cinq éléments III (1985) |
Giai đoạn 1986 - 1990 | Chu kỳ 7, Dzao (1986); Doi dzien (Đối diện), Prajna Paramita (Ba la mật da) (1988); Jeu des cinq éléments IV (Ngũ hành 4 - 1990) |
Giai đoạn 1991 - 1995 | Le chemin de Bouddha (Con đường Đức Phật - 1991)Thuy, lam... Vo (1992); Chu kỳ 6, Xuan vu, Mùi đu đủ xanh, Thu phong (1993); Xích lô (1995) |
Giai đoạn 1996 - 2000 | Lang dzu (1996); Lang dzu II (1997); Mùa hè thẳng đứng (1999); Et la rivière chante l’éternité (2000) |
Giai đoạn 2001 - nay | Les sourires de Bouddha (2001); Vô đề 1, Vô đề 2, Jeu des cinq éléments V (Ngũ hành 5 - 2003) |
Một số hình ảnh của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết trong suốt sự nghiệp
Xem thêm: NSND Bùi Công Duy: "Âm nhạc là cuộc hành trình mà tôi nghĩ mình sẽ chơi đàn đến hơi thở cuối cùng!"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận