NSND Bùi Công Duy: "Âm nhạc là cuộc hành trình mà tôi nghĩ mình sẽ chơi đàn đến hơi thở cuối cùng!"
NSND Bùi Công Duy là một trong những nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay, đặc biệt là sau khi trở thành Phó giám đốc trẻ nhất của Nhạc viện.
- NSND Bùi Công Duy là ai?
- NSND Bùi Công Duy và chuyện đời tư ít người biết
- NSND Bùi Công Duy và sự nghiệp nghệ thuật thành công
- NSND Bùi Công Duy và những thành tựu âm nhạc đáng nể
- NSND Bùi Công Duy và tâm niệm "chơi đàn tới hơi thở cuối cùng"
- Một số hình ảnh của NSND Bùi Công Duy trong suốt sự nghiệp
HỒ SƠ - TIỂU SỬ NGHỆ SĨ NHÂN DÂN BÙI CÔNG DUY
Tên thật: Bùi Công Duy.
Nghệ danh: Bùi Công Duy.
Ngày sinh: 02/02/1981.
Quê quán: Hà Nội.
Nghề nghiệp: Nghệ sĩ violin (violon - đàn vĩ cầm).
Lĩnh vực hoạt động: Nhạc giao hưởng.
Danh hiệu (nếu có): Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT - 2016), Nghệ sĩ nhân dân (NSND - 2023).
Thời gian hoạt động: 1993 - nay.
NSND Bùi Công Duy là ai?
NSND Bùi Công Duy sinh năm 1981 tại Hà Nội, là một nghệ sĩ violin (đàn vi-ô-lông, violon hoặc vĩ cầm) người Việt Nam. Anh là một trong những nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng của nước ta hiện nay, với nhiều giải thưởng và danh hiệu danh giá.
Về học vấn, Bùi Công Duy bắt đầu học vĩ cầm từ năm 4 tuổi, do cha anh là giáo sư Bùi Công Thành dẫn dắt. Anh từng theo học ở Nhạc viện Tchaikovsky (Tchaikovsky Conservatoria), rồi học lên đại học và nghiên cứu sinh ở Nhạc viện Tchaikovsky Moscow (Moscow Conservatory).
Hiện tại, NSND Bùi Công Duy có học vị tiến sĩ. Anh còn là Phó giám đốc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (thường gọi Nhạc viện), và cũng là vị Phó giám đốc trẻ nhất trong lịch sử của trường. Bên cạnh công tác quản lý, anh còn là giảng viên của Nhạc viện, đồng thời tham gia nhiều buổi biểu diễn nhạc giao hưởng thính phòng trong nước và quốc tế.
Năm 2023, anh vinh dự được trao tặng danh hiệu NSND. Cũng trong năm này, nghệ sĩ được phong giáo sư danh dự Đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan.
NSND Bùi Công Duy và chuyện đời tư ít người biết
NSND Bùi Công Duy là con nhà nòi trong gia đình nghệ thuật, biết tới vĩ cầm từ thuở mới lọt lòng. Cha anh là giáo sư kiêm nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Thành, mẹ anh là nghệ sĩ piano Thu Lan. Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, không ngạc nhiên khi Bùi Công Duy được học vĩ cầm từ rất sớm.
Trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2016 với Vietnamnet, nghệ sĩ đã có nhiều chia sẻ thú vị về tuổi thơ. Anh cho biết: "Nguyên tắc của ba tôi là đã làm cái gì thì phải làm đến cùng, và lấy mức cao nhất để vươn lên". Cũng vì thế, từ năm 4 đến 10 tuổi, anh được cha dạy về đàn vĩ cầm vô cùng tỉ mỉ, học miệt mài hàng ngày hàng giờ.
Ban đầu, anh không thích học, vì dù sao cũng đang tuổi ăn tuổi chơi, những lúc ấy không tránh khỏi việc nhận đòn roi từ cha. Có không ít lần, anh tập đi tập lại một đoạn nhạc rất khó, vì cha anh vẫn chưa vừa ý. Lúc ấy, anh nghĩ rằng "học làm gì, đâu có tác dụng đâu chứ!". Nhưng sau khi trưởng thành, anh cho rằng đó là điều đúng đắn, bởi người cha Bùi Công Thành của anh có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Vốn dĩ nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, lại rất khó khăn vì học lâu và tốn kém. Người tài năng đến mấy mà không có môi trường tốt, rồi giáo viên tốt thì khó mà thành tài, chưa kể thiếu đi sự hỗ trợ từ gia đình cũng gặp khó khăn lắm.
Nam NSND tự hào: "Ba Thành là sự may mắn vô cùng của tôi. Ông cùng ngành nghề, truyền cho tôi niềm say mê, để tôi nhìn vào học tập. Ông là tấm gương rất sáng, và sự hy sinh của ông đối với cá nhân tôi là vĩ đại. Đến bây giờ, tôi thấy rằng mình có thể làm những điều khác rất tốt nhưng sẽ không làm được những gì cha đã làm".
Năm lên 10 tuổi, anh theo gia đình sang Nga sinh sống. Tại đây, anh theo học vĩ cầm do Giáo sư A.V. Gvozdev và Giáo sư - NSND I.V.Bochkova giảng dạy. Sau này, nam nghệ sĩ tâm sự, tất cả những giáo viên đã dạy anh đàn đều được coi là "người cha, người mẹ thứ hai".
GS. Gvozdev là người thầy nổi tiếng rất thương học sinh, luôn làm việc chăm chỉ và cần mẫn. GS. NSND I. Bochkova cũng là một nữ nghệ sĩ vô cùng tài năng. Bà đã dạy vô số lớp học sinh nhưng để tìm người vượt qua bà thì chưa có. Bùi Công Duy nhớ lại: "Yêu thương tất cả học sinh là nét tính cách bao trùm của bà. Lớp có trên 30 học sinh, ai đi biểu diễn ở xa bà cũng đi theo, lo học sinh của mình thiếu thốn, bà xách cả đồ ăn mang đi, giúp đỡ học sinh rất nhiều".
Cũng nhờ sự quan tâm, chăm sóc và hết lòng dạy dỗ của những vị giáo viên ấy, mà Bùi Công Duy mới có thể thành công như hiện tại. Những điều tốt đẹp ấy đã ảnh hưởng tới tâm tư của anh, khiến anh khát khao trở thành một người thầy - người cha tốt như họ.
NSND Bùi Công Duy kết hôn với Tiến sĩ - Nghệ sĩ piano Trinh Hương. Cô là con gái nhạc sĩ Phú Quang, hơn chồng 6 tuổi. Cặp đôi quen nhau khi đang học tập ở Nga, kết hôn vào năm 2007, có con trai tên Alex - Bùi Công Duy Anh.
Hiện tại vợ chồng anh đang giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ngoài ra họ cũng tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình nhạc giao hưởng lớn. Nam nghệ sĩ cho hay, vợ anh là một "nhà phê bình" khắt khe, giúp anh luôn có động lực trong công việc và không "ngủ quên" trên chiến thắng.
Bùi Công Duy từng bật mí đôi chút về cuộc sống đời thường. Ngoài thời gian cho âm nhạc, anh là một người rất gắn bó với gia đình. Niềm vui của anh là trò chuyện cùng vợ - nghệ sĩ piano Trinh Hương về nghệ thuật và cuộc sống. Hay việc đưa đón con đi học, chơi đùa với con cũng mang lại cho anh niềm vui thích. Khi bố vợ là nhạc sĩ Phú Quang còn sống, họ cùng xem bóng đá với nhau và tranh luận sôi nổi, cùng niềm yêu thích với đội bóng Manchester United.
Anh có sở thích về xe cộ và công nghệ. Anh cũng thích xem phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim cổ điển như The Godfather (Bố già). Ngoài ra, anh cũng hạnh phúc khi được tổ chức các bữa ăn nho nhỏ tại nhà, mời bạn bè tới thưởng thức và chuyện trò.
NSND Bùi Công Duy và sự nghiệp nghệ thuật thành công
NSND Bùi Công Duy có một sự nghiệp nghệ thuật thành công từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, anh gia nhập của dàn nhạc dây Virtouse Moscow nổi tiếng. Đây cũng là lần đầu tiên có người nước ngoài trở thành thành viên của dàn nhạc này.
Nam NSND cho biết, việc gia nhập dàn nhạc này là điều may mắn và cũng tình cờ. Ông Vladimir Sprvakov, nghệ sĩ violin nổi tiếng với 4 giải thưởng danh giá là nhạc trưởng dàn nhạc này. Ông lại là bạn thân của cô giáo Bochkova từng dạy anh Duy hồi trẻ.
Năm 2005, NSND Bùi Công Duy quyết định về Việt Nam hoạt động. Nói về điều này, anh khẳng định mình đã tính toán từ lâu. Anh nói: "Khi về Việt Nam, môi trường biểu diễn không được như ở Nga nhưng bù lại, tôi có thể giảng dạy. Chính việc giảng dạy cũng rất bổ ích cho hoạt động biểu diễn. Tôi cũng duy trì biểu diễn đều đặn, thành ra có khả năng phát huy mình ở nhiều mặt".
NSND Bùi Công Duy cũng xuất hiện trong vô số dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới với vai trò nghệ sĩ độc tấu. Anh từng tham gia các dàn nhạc như Dàn nhạc Novosibirsk Philharmonic, Samara Philharmonic, Ijhevsk Philharmonic, Saint – Petersburg Kapella Philharmonic, Moscow Philharmonic, Berliner Symphoniker, Trondheim Solisten, London Festival Orchestra, Brno Symphony Orchestra, Macedonian Philharmonie Orchestra, Philippines Philharmonic Orchestra, Busan Philharmonic Orchestra.
Tại Việt Nam, anh cũng tham gia các dàn nhạc của Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, Hanoi Philharmonic Orchestra, Dàn Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam và Sun Symphony Orchestra. Đến nay, anh đã lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ Nga, Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ,... đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và không thể thiếu Việt Nam.
Với tài năng không thể bàn cãi, nam nghệ sĩ từng được mời làm giám khảo của nhiều cuộc thi nổi tiếng. Đó là cuộc thi âm nhạc quốc gia mang tên "Mùa Thu" tổ chức năm 2007, và cuộc thi violin quốc tế "Demidov" tổ chức ở Nga năm 2010.
Nhiều năm qua, NSND Bùi Công Duy tham gia việc giảng dạy âm nhạc của Nhạc viện, cũng là trưởng khoa Đàn dây ở đây. Anh là thầy giáo của nhiều tài năng trẻ như:
- Nguyễn Linh Nguyên: Giải nhì Mozart International String Competition 2011 tổ chức tại Thái Lan.
- Trịnh Đan Nhi: Giải nhì The 4th ASEAN International Concerto Competition 2011 tổ chức tại Indonesia.
- Bùi Cẩm Ly: Giải ba Âm nhạc quốc gia Mùa Thu 2007, Giải ba The 3th Asean International Concerto Competition 2009 tổ chức tại Jakarta.
- Trần Mỹ Dung: Giải nhất The 5th Asean International Concerto Competition 2013 tổ chức tại Jakarta.
- Trần Lê Quang Tiến: Giải đặc biệt Diploma Special Prize cho người biểu diễn tác phẩm hiện đại tốt nhất cuộc thi Tchaikovsky tổ chức tại Astana, Kazakhstan 2017.
NSND Bùi Công Duy cũng là Phó Giám đốc Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, phụ trách hoạt động biểu diễn. Anh là Phó Giám đốc trẻ nhất của Nhạc viện trong suốt chiều dài gần 70 năm qua. Anh còn là Giám đốc Nghệ thuật của Vietnam Classical Players cũng như Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection Music Festival.
Anh cũng từng thử lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh với vai diễn vua Bảo Đại trong phim truyền hình Chiến hạm nổ tung. Đây là phim đề tài lịch sử, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Tri Kỷ - Câu lạc bộ chính khách, đạo diễn bởi NSƯT Khương Đức Thuận và Trần Chí Thành. Tuy chỉ là một vai phụ nhưng nam nghệ sĩ đã gây ấn tượng tốt với tác giả kịch bản Nguyễn Xuân Hải và hai đạo diễn.
NSND Bùi Công Duy và những thành tựu âm nhạc đáng nể
NSND Bùi Công Duy đã gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế danh giá. Những thành tựu đáng nể mà anh đạt được là:
- Giải nhất cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa thu tổ chức tại Hà Nội năm 1990.
- Giải nhất cuộc thi violin quốc tế Demidov quốc tế tổ chức tại Nga năm 1995.
- Giải nhất cuộc thi violin quốc tế Zakhar Bron tổ chức tại Nga năm 1995.
- Giải nhất - Huy chương vàng cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky cho nghệ sĩ trẻ lần thứ 3, tổ chức tại St. Petersburg, Phần Lan năm 1997.
- 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Việt Nam năm 1997.
- 1 trong 50 cá nhân có thành tựu nổi bật do báo điện tử VnExpress bình chọn năm 2012.
- Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016.
- Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2023.
- Giáo sư danh dự của Đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan năm 2023.
Nhiều năm qua, Bùi Công Duy là nghệ sĩ độc tấu tham gia vô số sự kiện âm nhạc và chương trình hòa nhạc uy tín. Dưới đây là một số buổi biểu diễn đó, chẳng hạn như:
- Hòa nhạc khai mạc IPU32 ở Hà Nội.
- Hòa nhạc đặc biệt cho Apec 2017 ở Việt Nam.
- Hòa nhạc đặc biệt tại lễ đón tổng thống Nga Vladimir Putin 2013.
- Buổi hòa nhạc dành cho Tổng thống Ý Giorgio Napolitano tại Rome, 2013.
- Chuyến lưu diễn tour "Chào năm mới" với Dàn nhạc Trondheim Solisten.
- "Chương trình hòa nhạc Mobifone" cùng Dàn nhạc Berliner Symphoniker.
- Tuần lễ Âm nhạc Dàn nhạc Châu Á tại Tokyo và Osaka.
- Liên hoan Âm nhạc Quốc tế "L.V. Beethoven" ở Bonn, Đức.
- Hòa nhạc Gala tại Phòng hòa nhạc Capella St. Petersburg.
- Hòa nhạc cùng Dàn nhạc Quốc gia Việt Nam tại La Fenice, Venice và Teatro del Maggio Musicale Fiorentino.
- Chuyến lưu diễn hòa nhạc với Dàn nhạc Berliner Symphoniker tại Herbert von Karajan.
Ngoài ra, anh cũng có một số màn trình diễn tiêu biểu trong âm nhạc như:
- Violin Concerto in D major, Op 61 (II. Larghetto) của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven.
- Violin Concerto In E Minor, Op.64 của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn.
- Salut D'Amour của nhà soạn nhạc Edward Elgar.
- Concerto Max Bruch No.1 (I), (II), (III) của nhà soạn nhạc Max Bruch.
NSND Bùi Công Duy và tâm niệm "chơi đàn tới hơi thở cuối cùng"
NSND Bùi Công Duy từng chia sẻ trong buổi phỏng vấn với báo Người lao động năm 2024 rằng, với anh hành trình âm nhạc mới đang ở lưng chừng. Anh khẳng định: "Đó là một cuộc hành trình mà tôi nghĩ rằng mình sẽ chơi đàn đến hơi thở cuối cùng".
Với mỗi cột mốc thành tự anh đạt được, anh lại thấy chúng có giá trị khác nhau. Nhưng điều giá trị lớn nhất là ý chí quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, không gục ngã trước thất bại hay thành công. Anh giải thích, thành công giúp ta thăng hoa, nhưng thất bại lại là những bài học giá trị. Với Bùi Công Duy, đôi khi những lần chơi đàn thất bại ê chề lại tốt hơn những buổi diễn thành công. Vì những màn biểu diễn không hoàn hảo đó khiến anh "trăn trở, nỗ lực và tiếp tục chiến đấu với cây đàn".
Chơi đàn vĩ cầm từ năm 4 tuổi, đến giờ nhạc cổ điển thính phòng đã ăn sâu vào máu thịt của nam nghệ sĩ. Anh cảm thấy âm nhạc có giá trị vô giá, khiến tinh thần cảm thấy phấn chấn ngay cả khi thể xác mệt nhoài sau một buổi biểu diễn. NSND Bùi Công Duy dí dỏm nói: "Điều đó khác gì chất kích thích đâu? Nhưng đó là sự kích thích rất lành mạnh. Phần thưởng dopamine tiết ra trong não khi ta làm được điều gì đó hài lòng là thế".
Anh cho rằng, âm nhạc nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng là một thế giới vừa đồ sộ lại sâu sắc, "đậm chất triết học và tính logic cao". Âm nhạc có sức mạnh rất lớn, tuy vô hình nhưng lại mạnh mẽ vô cùng, giúp chữa lành vết thương, giúp ta trở nên nhân văn, vị tha hơn. Âm nhạc cũng có thể biến kẻ thù thành bạn bè, giúp chúng ta biết yêu thương nhau hơn khi "hòa chung một thứ ngôn ngữ của tâm hồn".
NSND Bùi Công Duy bộc bạch: "Điều quan trọng nhất với tôi khi bước vào âm nhạc cổ điển chính là sự kiên trì. Bởi một lần chơi đàn không khác gì một cuộc chiến đấu giữa mình với cây đàn nhưng phần lớn là mình thua vì không thuần hóa được nó. Càng thua cuộc, mình phải càng nỗ lực, kiên trì hơn nữa để chiến thắng được nó.
[...]
Chính vì vậy, với âm nhạc cổ điển thì không bao giờ có sự dừng lại, không bao giờ có điểm đến cuối cùng. Mỗi lần chơi trên sân khấu là một lần khám phá ra điều mới lạ, không lần nào giống lần nào, dù vẫn với tác phẩm ấy. Mỗi lần đánh đàn là mỗi trải nghiệm khác nhau, lại phải học và ngộ ra nhiều thứ khác. Kể cả những lần chơi không tốt, mình cũng rèn luyện được kỹ năng đối mặt với sự thất bại".
Một số hình ảnh của NSND Bùi Công Duy trong suốt sự nghiệp
Xem thêm: Nhạc sĩ Vũ Thành An: Cả một đời dành hết cho tình yêu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận