Nhạc sĩ Vũ Thành An: Cả một đời dành hết cho tình yêu

Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, giới mộ điệu sẽ nhớ ngay đến những bản tình ca không tên nổi tiếng, quyện vào tâm hồn người nghe, trở thành dấu ấn lãng mạn của một thời nhạc vàng.

Diệu Nguyễn
08:00 11/06/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ VŨ THÀNH AN

  • Tên thật: Vũ Thành An
  • Ngày sinh: 20/04/1943
  • Quê quán: Đại Lộc, Quảng Nam
  • Nghề nghiệp: Xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
  • Thể loại sáng tác: Tình ca, thánh ca
  • Ca khúc nổi tiếng: Bài không tên, Em đến thăm anh đêm 30, Tình khúc thứ nhất,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Lệ Quyên, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu,…
  • Thời gian hoạt động: Từ 1965 đến nay

Nhạc sĩ Vũ Thành An là ai?

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Nam Định. Dù không phải là một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng cha của Vũ Thành An là một quân nhân nhưng lại rất thích làm thơ và nghe nhạc. Được cha trao truyền đam mê trở thành nghệ sĩ từ khi còn nhỏ, nên Vũ Thành An đã một lòng hướng đến âm nhạc. Khi được khoảng 7 - 8 tuổi, Vũ Thành An được cha mua cho một cây đàn mandolin, cậu bé con khi ấy đã vô cùng vui sướng, ngày đêm mày mò sách vở để chơi cho bằng được.

Năm 1954, cả gia đình ông di cư vào Nam và việc đầu tiên mà cha ông làm khi đến Sài Gòn là đổi tên cho cậu con trai từ Vũ Thành (tên khai sinh lúc nhỏ) thành Vũ Thành An. Cha ông bảo, đổi tên như vậy với hy vọng tên con trai có thể đứng đầu mọi danh sách: “Nếu con đi thi thì cha muốn được nghe tên con đầu tiên khi công bố kết quả!”.

Tại Sài Gòn, ban đầu Vũ Thành An được gửi học tại trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Sau đó chuyển qua nhiều trường khác, nổi tiếng nhất phải kể đến là trường Trần Lục, vốn là một trường được chuyển vào Sài Gòn từ miền Bắc theo làn sóng di cư. Trong thời gian học trung học, nhạc sĩ Vũ Thành An là cây văn nghệ của lớp, tham gia rất nhiều chương trình kịch nghệ, thơ cả do trường, lớp tổ chức. Đây cũng là khoảng thời gian Vũ Thành An được học nhạc với nhạc sĩ Chung Quân (tác giả bài Làng Tôi) cùng với nhiều đồng môn khác như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ Đức Huy.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-1
Nhạc sĩ Vũ Thành An khi còn trẻ

Năm 1959, khi còn đang học trung học, Vũ Thành An đã mày mò sáng tác ca khúc đầu tay trên cây đàn guitar của mình. Nhưng ca khúc này đã bị thầy là nhạc sĩ Chung Quân chê nên ông đem cất, không đưa ra phổ biến.

Năm 1963, sau khi thi đậu tú tài, nhạc sĩ Vũ Thành An được linh mục Trần Đức Huynh – Giám đốc trường Trần Hưng Đạo giúp đỡ, cho dạy lớp đệ thất tại trường để có tiền theo học đại học. Đến cuối năm 1963, ông được nhận vào làm phóng viên tại Đài phát thanh Sài Gòn. Tại đây ông có cơ hội được làm việc chung với nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, người đã dẫn dắt ông đi vào con đường nghệ thuật. Năm 1965, nhạc sĩ Vũ Thành An cho ra mắt ca khúc đầu tiên với tựa “Tình khúc thứ nhất” với phần lời thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Ca khúc này ngay sau khi ra mắt đã được công chúng đón nhận và đưa tên tuổi nhạc sĩ Vũ Thành An tiến sâu vào làng nhạc. Sau thành công này, ông đã cho ra đời thêm nhiều ca khúc khác và cũng rất được yêu thích. Hầu hết những nhạc phẩm này của ông đều viết dựa trên mối tình lệch tuổi với một người đẹp là xướng ngôn viên của đài.

Năm 1967, nhạc sĩ Vũ Thành An nhập ngũ theo lệnh động viên của chính quyền, học khóa 25 tại trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Trong khoảng thời gian học tại đây, Vũ Thành An đã trải qua mối tình sâu sắc thứ 2 của mình và chuyện tình này cũng đã trở thành cảm hứng để ông viết nên ca khúc “Bài không tên số 2”. Ngoài ra trong thời gian này ông cũng cộng tác với Đài phát thanh quân đội để thực hiện chương trình Vũ Thành An.

Đến năm 1969, Vũ Thành An cho phát hành tập nhạc “Những bài không tên”, những bài hát của ông được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Cùng trong năm 1969, ông gặp và yêu một nữ sinh, sau đó hai người kết hôn với nhau.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-2
Nhạc sĩ Vũ Thành An cho ra mắt ca khúc đầu tiên năm 1965

Năm 1973, nhạc sĩ Vũ Thành An tốt nghiệp trường Đại học Luật. Ngoài việc sáng tác nhạc, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các đài phát thanh và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền Sài Gòn khi ấy. Cũng chính vì nắm giữ nhiều vị trí truyền thông quan trọng của chính quyền cũ, nên sau sự kiện năm 1975, Vũ Thành An bị đưa đi cải tạo suốt 10 năm ở miền bắc. Đến năm 1985 ông mới chính thức được thả tự do.

Trong thời gian ở tù, một bước ngoặt lớn đã đến với cuộc đời nhạc sĩ Vũ Thành An. Tại đây, ông đã tìm hiểu và gia nhập Thiên Chúa giáo bằng một lễ rửa tội ngay trong nhà giam do những người bạn tù khác thực hiện. Vũ Thành An cũng bắt đầu sáng tác “Thánh ca”, “Nhân Bản ca” trong thời gian cải tạo.

Năm 1985, sau khi ra tù ông gặp và kết hôn với người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Vân, hai người chung sống với nhau được 5 năm thì di cư sang Mỹ vào năm 1991. Năm 1996, nhạc sĩ Vũ Thành An đăng ký học chương trình Cao Học Thần Học của Tổng giáo phận Portland, Oregon. Cũng từ khoảng thời gian này, nhạc sĩ Vũ Thành An ngưng viết tình ca mà chỉ tập trung sáng tác Thánh Ca và tham gia các hoạt động từ thiện.

Năm 2014, những bài hát của nhạc sĩ Vũ Thành An được chính thức cấp phép biểu diễn trở lại ở Việt Nam. Năm 2017, Vũ Thành An được trở về Việt Nam tham dự một số đêm nhạc mang tên ông và cũng trong dịp này ông cho ra mắt cuốn sách “Chuyện tình không tên” kể về những mối tình và âm nhạc của ông. Năm 2019, nhạc sĩ Vũ Thành An có chuyến trở về Việt nam lần thứ 2 để tham dự các đêm nhạc. Đặc biệt, mỗi khi xuất hiện trước công chúng ông đều mặc cổ áo trắng đúng với chức phận của ông trong giáo hội Công Giáo.

Đời tư nhạc sĩ Vũ Thành An – Tuổi trẻ đào hoa nhưng đau khổ vì tình

Hầu hết những khán giả trung thành với nhạc Vũ Thành An đều biết những sáng tác của ông thời trẻ (đặc biệt là “Những bài không tên” nổi tiếng) đều được viết dựa trên những câu chuyện tình buồn, thậm chí là…rất buồn. Những câu chuyện tình, chuyện đời của nhạc sĩ Vũ Thành An đều được ông kể lại trong hồi ký “Chuyện tình không tên” ra mắt vào năm 2017.

Năm 1963, nhạc sĩ Vũ Thành An được nhận vào làm phóng viên tại Đài phát thanh Sài Gòn. Tại đây, ông bắt đầu quen biết và có mối quan hệ yêu đương sâu sắc với một người phụ nữ xinh đẹp, con nhà khá giả. Người này lớn tuổi hơn ông và là xướng ngôn viên của Đài. Cũng từ đây ca khúc “Tình khúc thứ nhất” ra đời, đánh dấu cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông. Sự thành công của bài hát đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Vũ Thành An tiến sâu vào làng nhạc.

Nhạc sĩ Vũ Thành An chia sẻ về ca khúc này như sau: “Một buổi chiều  mùa Xuân năm 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, một dòng âm thanh vang lên trong đầu anh và cứ thế anh đã viết xuống: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở…”

Sau đó, nhạc sĩ Vũ Thành An tiếp tục viết thêm 2 ca khúc nữa là: “Em đến thăm anh đêm 30” và “Bà không tên cuối cùng” cho mối tình trắc trở không thành với người đẹp. Mối tình hoa mộng lệch tuổi này đã bị ngăn cấm từ cuối năm 1965 do hoàn cảnh gia đình hai bên không môn đăng hộ đối. Và thế là họ chia tay sau 2 năm bên nhau.

Sau khi chay tay với cô gái xướng ngôn viên, đến đầu năm 1967, nhạc sĩ Vũ Thành An trong một lần đến nhà của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã tình cờ gặp gỡ một cô nữ sinh xinh đẹp. Lần gặp gỡ bất ngờ này đã khiến trái tim chàng nhạc sĩ hào hoa loạn nhịp và quyết tâm chinh phục nàng. Nhưng Vũ Thành An lại choáng ngợp vô cùng khi lần đầu hẹn hò nàng đã lái chiếc xe hơi sang trọng sang đón mình. Bất chấp khoảng cách thân thế, hai người đã có một khoảng thời gian yêu đương nồng thắm. Đến khi nhạc sĩ Vũ Thành An nhập ngũ vào năm 1967, ông đã bất ngờ nhận được lá thư chia tay của cô gái. Lúc đó ông đau đớn, bàng hoàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng cũng không thể làm gì vì đang ở trong quân ngũ. Và rồi bài hát “Bài không tên số 2” ra đời: “Đời một người con gái/ Ước mơ đã nhiều/ Trời cho không được mấy/ Đến khi lấy chồng/ Chỉ còn mối tình mang theo”.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-3
Cuốn hồi ký "Chuyện tình không tên" của nhạc sĩ Vũ Thành An

Sau đó, nhạc sĩ Vũ Thành An tiếp tục viết ra “Bài không tên số 3” dành cho một “người bạn đặc biệt” mà ông đã đánh mất trong đời và “Bài không tên số 4” dành cho một người đồng nghiệp xinh đẹp ở đài phát thanh.

Cứ thế, suốt những năm tháng đôi mươi, nhạc sĩ Vũ Thành An trải qua rất nhiều mối tình và hầu hết những mối tình ấy đều chia tay với một lý do là khoảng cách giàu nghèo. Mãi cho đến năm 1969, sau những mỏi mệt, dở dang với những nàng tiểu thư đài cát, nhạc sĩ Vũ Thành An quyết định kết hôn với cô bạn gái Nguyễn Thị Thoa. Đó là một cô nữ sinh hiền lành, thuần hậu, có gia cảnh đáng thương. Sau khi về chung nhà, nhạc sĩ Vũ Thành An đã biết “Bài không tên số 5” với những lời ca đầy nâng niu, đầy ước vọng cho hành trình hôn nhân sắp tới: “Hãy đến chia nhau nghèo khó/ Quên lo tương lai mịt mờ/ Hãy cố yêu người mà sống/ Lâu rồi đời mình cũng qua”. Sau đó không lâu, nhạc sĩ Vũ Thành An tiếp tục viết thêm 4 ca khúc lần lượt là “Bài không tên số 6-7-8-9” để phát hành đủ 10 bài trong tập nhạc “Những bài không tên”.

Nhạc sĩ Vũ Thành An đã chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình là, sau khi lấy vợ nhiều thầy tử vi đã nói rằng vợ ông có số “vượng phu ích tử”. Và quả thật đúng như vậy, sau khi hai người lấy nhau, con đường sự nghiệp của Vũ Thành An mở rộng thênh thang. Năm 1973, khi chỉ mới tròn 30 tuổi, Vũ Thành An đã đảm nhận chức Trưởng ty thông tin Gia Định và nhiều chức vụ lớn khác sau đấy.

Năm 1984, trong lúc nhạc sĩ Vũ Thành An ở trại Nam Hà chưa rõ ngày về, ông đã quyết định ký đơn ly hôn để người vợ hoàn thành thủ tục đưa con sang Mỹ định cư. Mặc dù chia tay nhưng cả hai vẫn trân trọng ký ức đẹp về nhau, một thời tình nghĩa vợ chồng keo sơn gắn bó. Nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết trong hồi ký về người vợ của mình như sau: “Anh cảm phục em mấy mươi năm qua đã một mình nuôi dạy con trai chúng ta khôn lớn nên người. Xin cho em cuối đời mãi được bình yên”.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-4
Nhạc sĩ Vũ Thành An và vợ (bà Nguyễn Thị Vân)

Năm 1983, nhạc sĩ Vũ Thành An ra tù, ông quay trở lại Sài Gòn nhưng khi ấy gia đình đã không còn cạnh bên. Trong lúc chán chường, mệt mỏi Vũ Thành An lại gặp được định mệnh thứ hai của cuộc đời mình. Bà tên Nguyễn Thị Vân, nhỏ hơn nhạc sĩ Vũ Thành An 3 tuổi. Khi hai người gặp gỡ, bà đã trải qua một đời chồng và có 2 người con riêng. Sau 15 năm một mình nuôi dạy các con trưởng thành, thì bà có cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Vũ Thành An. Cảm phục trước hoàn cảnh người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, chịu thương chịu khó nên sau 1 năm quen biết, ông đã ngỏ lời cưới bà. Cứ thế, hai người dọn về ở chung, sau 5 năm thì di cư sang Mỹ. Từ đó đến nay, vợ chồng nhạc sĩ Vũ Thành An sống hạnh phúc cùng 2 người con riêng của bà Vân.

Nhạc sĩ Vũ Thành An và cơ duyên đến với âm nhạc

Nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu xuất hiện trên nhạc đàn xứ Việt vào năm 1965 với ca khúc “Tình khúc thứ nhất”, đến năm 1969 ông phát hành tập nhạc “Những bài hát không tên” và đây chính là tiền đề đưa tên tuổi nhạc sĩ Vũ Thành An vào danh sách những nhạc sĩ bất hủ. Có thể nói cơ duyên để đưa nhạc sĩ Vũ Thành An đến với âm nhạc và gắn bó với nó đến tận hôm nay là những câu chuyện tình buồn. Mỗi lần đau khổ, run rẩy vì những tổn thương, mất mát trong tình yêu là giai điệu, lời nhạc của Vũ Thành An cứ thế tràn ra trên trang giấy, tạo nên những tình khúc đi vào lòng người.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-5
Năm 1969 Nhạc sĩ Vũ Thành An phát hành tập nhạc “Những bài hát không tên” nổi tiếng

Đến khi sang mỹ, sau khi đã trải qua những biến cố đau thương của cuộc đời, âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu có bước chuyển mới. Năm 1966, nhạc sĩ Vũ Thành An đăng ký học chương trình Cao Học Thần Học của Tổng giáo phận Portland, Oregon. Cũng từ năm này, nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu ngưng viết tình ca, thay vào đó ông tập trung sáng tác Thánh ca và tham gia các hoạt động từ thiện công giáo. Bởi  càng thực hành tôn giáo, dung lượng yêu thương trong trái tim của nhạc sĩ Vũ Thành An ngày càng rộng mở, vượt khỏi tình yêu lứa đôi. Ông bộc bạch rằng: “Đức tin là con đường đưa ta về hạnh phúc, hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau”.

Cũng chính nhờ ý niệm này thôi thúc mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác ra 10 bài không tên “Tình yêu tuyệt đối”. Tình cảm trong những nhạc phẩm này của ông đứng cao hơn hẳn tình yêu đôi lứa, nó mang màu sắc của sự lạc quan và hạnh phúc.

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Vũ Thành An

Tính đến nay, nhạc sĩ Vũ Thành An đã có khoảng trên 100 sáng tác. Trong đó nổi tiếng nhất là những bài không tên: Có khoảng 50 bài được nhạc sĩ Vũ Thành An đánh số không theo thứ tự thời gian như “Bài không tên số 1”, “Bài không tên số 2”, “Bài không tên số 3”, “Bài không tên số 4”,…  Ngoài ra, còn một số bài không tên khác không đánh số như: “Bài không tên cuối cùng”, “Bài không tên cuối cùng tiếp nối”,…

Những bài có tên của nhạc sĩ Vũ Thành An: Anh biến mất thôi, Biển vang lời mẹ nhắn, Cảm ơn, Cánh chim xa vời, Cháy bỏng tình cố hương, Chị ơi, Đêm say, Đêm vàng trăng úa, Đời đá vàng, Đừng yêu tôi, Anh đến thăm em đêm 30 (thơ Nguyễn Đình Toàn), Hai mươi năm làm tuổi trẻ, Thân cỏ hoa, Tình đã xa, Tình khúc thứ nhất (thơ: Nguyễn Đình Toàn), Trong tay nhau, Xa lạ. Xin cảm ơn chàng những đêm không ngủ,…

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-6
Nhạc sĩ Vũ Thành An có gia tài hơn 100 ca khúc

Trong đó, ca khúc “Tình khúc thứ nhất” được xem là bản nhạc hay nhất được chắp bút bởi nhạc sĩ Vũ Thành An. Hoàn cảnh ra đời ca khúc này được nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong cuốn hồi ký như sau: “Khi ta mới quen nhau, em đã nhiều lần nói anh hãy viết một ca khúc để kỷ niệm về mối tình của chúng mình. Thế nhưng anh cứ lần nữa hoài không viết. Mãi đến một buổi chiều mùa xuân năm 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, một dòng âm thanh mới vang trong đầu anh và cứ thế anh đặt viết xuống”.

Sau khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Vũ Thành An đã đưa cho nhà thơ Nguyễn Đình Toàn xem và được ông gợi ý viết lại lời giúp. Từ đó, bản nhạc với lời ca da diết, trầm buồn ra đời, tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường âm nhạc lúc đó qua giọng ca “vàng mười” của nữ danh ca Lệ Thu:

“Tình vui theo gió mây trôi

Ý sầu mưa xuống đời

Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi

Mấy tuổi xa người”

Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Vũ Thành An

Sau một chặng đường dài cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ Vũ Thành An đã trở thành một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình miền Nam. Cùng với những nhạc sĩ cùng thời như Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương,… nhạc sĩ Vũ Thành An đã mang lại luồng gió mới vào nền nhạc miền Nam từ thập niên 1960.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-7
Nhạc sĩ Vũ Thành An là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình miền Nam

Giữa khói lửa chiến tranh lúc đó, nhạc tình của nhạc sĩ Vũ Thành An trở thành nơi trú ẩn cho tâm hồn những người trẻ mệt mỏi và cô đơn. Những giai điệu, lời nhạc của ông như một thoáng êm dịu, gợi lên hình ảnh của những người bạn gái năm xưa, thật nhạt, thật mờ nhưng lại khiến người ta phải cay xè khóe mắt. Nhạc tình của Vũ Thành An cứ thế quyện vào tâm hồn người nghe, trở thành dấu ấn lãng mạn của một thời nhạc vàng. Để đến tận ngày nay, mỗi khi nhắc đến cái tên Vũ Thành An, những người yêu nhạc sẽ nhớ ngay đến những “Bài không tên” nổi tiếng, trở thành bất hủ trong lòng người Việt trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Đánh giá về âm nhạc của Vũ Thành An – Từ tình yêu một người trở thành tình yêu “tuyệt đối”

"Nếu trước kia, tầm nhìn của tôi chính là một người đứng dưới gốc cây, bị bóng cây che phủ. Thì giờ đây, khi càng có tuổi, tôi như được trèo lên cao, đứng ở ngọn cây mà phóng tầm mắt nhìn ra xa. Từ đó, tôi mới thấy cuộc sống này mênh mông, sâu rộng biết chừng nào. Và thế là tôi bắt đầu sáng tác trở lại mỗi ngày với nguồn cảm hứng yêu đời dồi dào, bất tận từ bất cứ điều gì trên đời này: một cử chỉ, một lời nói, hay hành động thân ái nào đó chứ không nhất định cứ phải là tình yêu đôi lứa”, nhạc sĩ Vũ Thành An chia sẻ.

Cứ thế, từ một người đào hoa, đau khổ vì tình viết ra những bản tình ca lã lướt, da diết để diễn tả những đau thương, trách cứ, giận hờn trong cảm xúc, nhạc sĩ Vũ Thành An đã có bước chuyển mình cả về trong cách sống lẫn tư duy âm nhạc. Sau những thay đổi của thời thế, nhạc sĩ Vũ Thành An đã dừng hẳn lại việc sáng tác tình ca, thay vào đó ông cho ra đời những sáng tác mới mang chiêm nghiệm về cuộc đời và xã hội. Từ viết nhạc cho một người âm nhạc của Vũ Thành An bây giờ đã trở thành âm nhạc cho tình yêu vạn vật, cho cuộc sống mà ông gọi đó là “tình yêu tuyệt đối”.

Nhac-si-Vu-Thanh-An-la-ai-Nguoi-dem-gia-tai-am-nhac-lam-thien-nguyen-8
Nhạc sĩ Vũ Thành An dành cuối đời để cống hiến cho thiện nguyện, cho xã hội

Ngẫm thấy đồng hồ cuộc đời ngày càng rút ngắn lại, nhạc sĩ Vũ Thành An lại càng vội vàng với bao dự định còn đang dang dở: những chuyến đi từ thiện khắp năm châu, dự án dạy nhạc online qua mạng, dự án tâm linh… Đặc biệt, vào tháng 9 năm 2023, nhạc sĩ Vũ Thành An đã về nước tổ chức buổi công bố chuyển nhượng lại quyền sở hữu tác quyền toàn bộ tác phẩm âm nhạc của ông cho nữ ca sĩ Ngọc Châm với mục đích làm thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ những nghệ sĩ khó khăn và  phát triển tài năng âm nhạc trẻ ở Việt Nam.

Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nhạc sĩ Vũ Thành An thường nói với vợ rằng: "Chào em nhé, hy vọng sáng mai chúng mình còn gặp được nhau". Mộ phần ông cũng đã mua sẵn, một cho mình, một cho vợ. Ông muốn phút cuối cùng, hai vợ chồng được nằm bên nhau, mãi mãi một tình yêu vĩnh cửu ở chốn thiên đàng. Ngoái nhìn cõi tạm, những điều nhạc sĩ Vũ Thành An để lại có khác gì câu ca ông đã viết: "Nếu không gặp lại ở thế gian/ Thì xin cầu chúc bình an cho đời/ Hãy vui từng ngày còn nhau…".

Những câu nói hay của nhạc sĩ Vũ Thành An

“Tùy thế đứng dưới gốc cây hay trên ngọn cây, hay từ trên cao nữa mà ta nhìn cái cây khác nhau. Những ngày cuối đời thế đứng tâm hồn tôi đi ra khỏi những vấn đề của đời thường. Và tôi sáng tác về tình yêu tuyệt đối, thứ mà tôi tin đã sinh ra vũ trụ này” – Nhạc sĩ Vũ Thành An

 “Tôi không đặt tâm hồn mình trong thế gian này nữa” – Nhạc sĩ Vũ Thành An

“Tôi trải qua nhiều cuộc tình, nhưng đều luôn trân trọng những người phụ nữ đã đi qua đời mình” – Nhạc sĩ Vũ Thành An

“Cảm giác không yêu ai đáng sợ lắm” – Nhạc sĩ Vũ Thành An

Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc "Chuyện người trinh nữ tên Thi": Câu chuyện có thật, kể về đời hồng nhan bạc mệnh của một người con gái

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận