Hoàn cảnh ra đời ca khúc Bà mẹ Gio Linh: Tiếng khóc thương xé lòng của người mẹ liệt sĩ mất con

Bà mẹ Gio Linh là một trong những ca khúc nổi bật do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, nói về những người mẹ Việt Nam thời kháng chiến.

Chi Nguyễn
17:15 27/05/2024 Chi Nguyễn
Âm nhạc
Nguồn: Internet

THÔNG TIN VỀ CA KHÚC BÀ MẸ GIO LINH

  • Tên nhạc phẩm: Bà mẹ Gio Linh.
  • Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy.
  • Thể loại: Nhạc cách mạng.
  •  Năm ra đời: 1948.
  • Nằm trong album: Không rõ.
  • Ca sĩ thể hiện đầu tiên: Thái Thanh.

Hoàn cảnh ra đời ca khúc Bà mẹ Gio Linh

Bà mẹ Gio Linh là ca khúc nói về những người mẹ có thật tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ "Gio Linh" trong tên bài hát chính là nói về huyện Gio Linh này.

Ca khúc được sáng tác năm 1948, thời điểm kháng chiến chống Pháp. Bài hát nhanh chóng được phổ biến khắp cả nước, được ưa chuộng ở miền Nam Việt Nam thời điểm trước năm 1975.

Cơ duyên ra đời của ca khúc Bà mẹ Gio Linh

Năm 1948, nhạc sĩ Phạm Duy đi cùng đoàn văn nghệ kháng chiến về Quảng Trị, sau đó đi thực tế ở Gio Linh. Tại đây, ông nghe được câu chuyện cảm động về những bà mẹ liệt sĩ, và từ đó sáng tác thành ca khúc.

Theo đó, vào ngày 16/8, để đàn áp, khủng bố tinh thần người dân ở làng Mai Xá, cũng như dập tắt phong trào kháng chiến, thực dân Pháp đã có bước đi tàn bạo. Chúng chặt đầu anh Nguyễn Đức Kỳ (xã đội trưởng) cùng anh Nguyễn Văn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã), đem bêu ở đình làng, rồi lại đem ra bến đò trước chợ. Biết tin, bà Diêu Cháu (tức Lê Thị Cháu, mẹ anh Kỳ), chị Khương Thị Mén (con dâu cả), bà Hoàng Thị Sáng (mẹ anh Phi) và Bùi Thị Con (em dâu bà sáng) quyết định mang thủ cấp hai anh về.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy

Địch cho quân lùng sục khắp nơi, nhưng cả hai gia đình đã thành công che giấu thủ cấp con mình. Họ cất lên cái tra ở nhà (sàn gỗ trên nóc trần nhà), đợi đến khi giặc rời làng về đồn thì mang đi chôn. Anh Kỳ được chôn ở vùng cồn Go, làng Mai Xá Thị; còn anh Phi được chôn ở nghĩa địa cồn Dài, xóm Kênh tại làng Mai Xá Chánh. Về sau, thân xác anh được mang về chôn cùng thủ cấp, di chuyển về nghĩa trang gia tộc. Hai anh được công nhận là liệt sĩ, ngoài ra ở nghĩa trang liệt sĩ xã cũng có nấm mộ gió đề tên anh Phi nhằm tưởng nhớ.

Diễn giải ca khúc

Thực tế, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác nhiều ca khúc để ca tụng những người mẹ Việt Nam. Bài hát Bà mẹ Gio Linh được coi là một trong những ca khúc bi thương nhất về mẹ của nền âm nhạc nước ta.

Ca khúc vốn lấy cảm hứng trên sự kiện có thật, xảy ra tại huyện Gio Linh, Quảng Trị, khiến người nghe lại càng thêm nỗi xót xa. Mở đầu bài hát, Phạm Duy mô tả khung cảnh vùng quê thời chiến, với những cảnh thôn dân dã. Đó là "mẹ già cuốc đóng trồng khoai", đó là "áo rách sờn vai",...  Dù cuộc sống có khó khăn, bữa no bữa đói, nhưng những người dân ở làng quê luôn hừng hực lòng yêu nước, "nuôi con đánh giặc đêm ngày".

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy

Người mẹ ấy vừa tự hào khi con đi lính đánh giặc, lại vừa lo lắng cho số phận của người con. Giặc tràn đến làng, bà mẹ thôn quê lại tần tảo đi cày cấy, hi vọng con mình an lòng và hứng khởi lên đường. Người mẹ ấy vui mừng khi con giết được nhiều Tây, lại tự hào khi con "sống rất say mê".

Thế nhưng, vào một ngày như bao ngày bình thường khác, tin dữ bất ngờ ập tới. Vốn là khung cảnh bình yên, thoáng chốc trở thành ác mộng, tràn trề một nỗi tang thương: "Mẹ già tưới nước trồng rau/Nghe tin xóm làng kêu gào/Quân thù đã bắt được con/Đem ra giữa chợ cắt đầu"... Quả thực, không có nỗi đau đớn nào bằng nỗi đau của cha mẹ mất con, không có ngôn từ nào có thể tả xiết. Tin dữ ấy bất ngờ ập đến, khiến người mẹ đau đớn, xót xa và nhớ thương vô ngần: "Tay nâng nâng lên/Rưng rức nước mắt đầy/ Mẹ nhìn đầu con/ Tóc trắng phất phơi bay...".

Người mẹ nghẹn ngào nén nỗi đau, khăn gói đi đưa đầu con về. Bà xót xa: "Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ/Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta"... Tuy đau đấy, buồn đấy, nhưng người mẹ đành nén lại nỗi lòng, cắn răng tiếp tục sống tiếp. Để rồi một ngày nọ, khi nỗi nhớ thương con mãi không nguôi, người mẹ ấy trầm ngâm hát: "Con con con ơi//Uống hết bát nước đầy/Ngày một ngày hai/Con nhớ ghé chơi đây"....

Ca sĩ thể hiện đầu tiên

Được biết, ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc Bà mẹ Gio Linh là Thái Thanh. Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, là một trong những giọng ca tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam. Tuy không học nhạc chuyên nghiệp, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ, nhưng Thái Thanh vẫn có kỹ năng xuất sắc và phong cách hát riêng biệt, ảnh hưởng tới nhiều nữ ca sĩ sau này. Nhiều người đánh giá, bà là ca sĩ có "tiếng hát vượt thời gian", giọng ca đầy sang trọng và điêu luyện.

Thực tế, Thái Thanh là em ruột của vợ Phạm Duy - ca sĩ Thái Hằng. Thời điểm bắt đầu sự nghiệp, bà cùng chị gái tham gia kháng chiến, biểu diễn phục vụ tại các chiến khu. Kỹ thuật của bà cũng được nâng cao khi đích thân Phạm Duy huấn luyện, chỉ bảo, chưa kể bà cũng tự luyện tập, trau dồi kỹ năng xướng âm của mình.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy

Đến năm 1951, bà theo Thái Hằng và Phạm Duy vào Sài Gòn để lập nghiệp, tiếp tục sự nghiệp ca hát. Đây cũng là lúc bà bắt đầu trở nên nổi tiếng vô cùng, xuất hiện trên vô số các chương trình phát thanh, truyền hình và phòng trà ở Sài Gòn.

Nhạc sĩ Phạm Duy thường nhiều lần hợp tác với ca sĩ Thái Thanh, nhiều bài hát ông sáng tác là do bà hát đầu tiên. Thậm chí, ông từng khẳng định là không ai có thể thay thế được bà trong sự thể hiện các sáng tác của ông. Ông cũng khen ngợi bà rằng: "Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào". 

Ngoài Thái Thanh, có không ít ca sĩ cũng từng thể hiện bài hát Bà mẹ Gio Linh. Chẳng hạn như Duy Quang, Khánh Ly, Đức Tuấn,...

Sức ảnh hưởng của ca khúc Bà mẹ Gio Linh

Bà mẹ Gio Linh nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ca khúc này vẫn được ưa chuộng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. 

Sau kháng chiến chống Mỹ cứu nước (sau năm 1975), các bài hát do Phạm Duy sáng tác không còn được phổ biến ở Việt Nam, trong đó có Bà mẹ Gio Linh. Dù vậy, đến năm 2005, đây là 1 trong 10 ca khúc đầu tiên của ông được phép lưu hành.

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy

Bài hát thể hiện được sự đau thương, mất mát cũng như nỗi căm phẫn, uất hận của người mẹ, phải nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến cho quê hương đất nước. Người nghe không khỏi bần thần xót xa, tự hỏi liệu có biết bao nhiêu "bà mẹ Gio Linh" ở khắp đất nước Việt Nam? Và không chỉ gói gọn ở đất Gio Linh, ở làng Mai Xá... người mẹ ấy cũng là là hiện thân của những bà mẹ miền Trung quê nghèo gió cát, là bà mẹ Việt Nam thương khó tảo tần gồng gánh nỗi đau.

Lời bài hát Bà mẹ Gio Linh của nhạc sĩ Phạm Duy

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy
hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy

Được biết, ca khúc này được Phạm Duy sửa đổi, thêm bớt nhiều lần, có vô số phiên bản khác nhau. Chẳng hạn, trong phần lời in trong tập nhạc sau khi bài hát được lưu hành trở lại ở Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi: "Bộ đội đã ghé về chơi". Nhưng trong các bản thu của ca sĩ Thái Thanh, bà thường hát là "đoàn người đã ghé nhà chơi".

hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy
hoan-canh-ra-doi-ca-khuc-ba-me-gio-linh-cua-nhac-si-pham-duy

Ông cũng từng đặt lời khác với tầng ý nghĩa khác, dù tình tiết bản gốc vẫn được giữ nguyên. Đó là ca khúc Bà mẹ nuôi nói về người mẹ nuôi binh sĩ thời kháng chiến, cũng được nữ ca sĩ Thái Thanh thể hiện. Bên cạnh đó, cũng từ câu chuyện về bà mẹ Gio Linh, nhạc sĩ Phạm Duy cũng sáng tác bài hát "Mười hai lời ru". 

Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 - 2013) tên thật là Phạm Duy Cẩn, là nhạc sĩ kiêm nhạc công, ca sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi là nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam, có số lượng tác phẩm đồ sộ với đa dạng thể loại. Ngoài ra, ông cũng được coi là nhà văn khi xuất bản 4 tập hồi ký được giới phê bình đánh giá cao.

Ông để lại vô số tác phẩm nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Một trong số đó là ca khúc Bà mẹ Gio Linh - một tác phẩm thể loại nhạc cách mạng.

Xem thêm: Nhạc sĩ Phạm Duy: "Tôi là người Việt Nam, nếu muốn được gọi là nhạc sĩ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca"

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận