“Tiếng xưa” của Dương Thiệu Tước: Tiếng vọng ngàn đời mang theo nỗi sầu oanh liệt

“Tiếng xưa” là ca khúc được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác mang đậm nét âm hưởng của làn điệu dân ca Huế, rất được yêu thích qua tiếng hát của nữ ca sĩ Minh Đỗ.

Âm nhạc
Amnhac.net

CA KHÚC “TIẾNG XƯA”

  • Tên các khúc: Tiếng xưa

  • Nhạc sĩ: Dương Thiệu Tước

  • Năm phát thành: 1950

  • Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Minh Đỗ

Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiếng xưa” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Mặc dù nhạc sĩ Dương Thiệu Tước theo học nhạc Tây từ nhỏ, nhưng từ cuối thập niên 1940, những người yêu nhạc dễ dàng nhận thấy nét nhạc của ông thấm đẫm tính dân tộc. Lúc sinh thời, Dương Thiệu Tước từng nói: “Theo tôi tân nhạc Việt nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để làm được điều này, người nhạc sĩ phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền của dân tộc cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”. Điều này được thể hiện rõ qua các nhạc phẩm của ông như “Ơn nghĩa sinh thành”, “Đêm tàn Bến ngự”, đặc biệt nhất là ca khúc “Tiếng xưa”.

 “Tiếng xưa” là ca khúc chất chứa những dòng tâm sự bàng bạc của người lữ khách khi đứng trước những thành quách rêu phong, cũ kỹ, cảm nhận được những oai linh hùng vĩ một thời. Đứng trước khung cảnh man mác nỗi buồn ấy, người lữ khách bỗng nhớ về câu chuyện Tỳ Bà Hành của cư sĩ Bạch Cư Dị năm xưa và văng vẳng nghe khúc nghê thường vọng về đâu đó từ ngàn năm trước.

hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-tieng-xua-cua-nhac-si-duong-thieu-tuoc (1)
Bìa ca khúc "Tiếng xưa" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Bài hát “Tiếng xưa” này được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác trong lúc thường xuyên đi về giữa Hà Nội và Huế để tìm hiểu những làn điệu dân nhạc và cổ nhạc xa xưa. Thời gian dừng chân ở mảnh đất cố đô, ông đã sưu tầm và ký âm được rất nhiều điện dân ca của miền Trung, có được cho bản thân một cái vốn về dân ca Huế rất phong phú như những điệu hò mái nhất, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giã gạo, Nam bình, Nam ai,… Nên khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã viết theo điệu dân ca Huế trên nhạc kiểu Tây phương vô cùng hoàn mỹ, để bất cứ ai đàn đúng bài là người nghe có thể thấy rõ điệu hát có âm hưởng dân tộc đậm nét, không một chút lai tạp, hòa lẫn.

Vừa ra mắt, ca khúc “Tiếng xưa” đã gây được tiếng vang lớn, khiến tên tuổi nhạc sĩ Dương Thiệu Tước được nhiều người biết đến và yêu mến. Bài hát được ca sĩ Minh Đỗ trình bày lần đầu trên Đài phát thanh Pháp Á. Sau này, được một số ca sĩ khác hát lại như Họa Mi, Thanh Thúy, Hà Thanh, Mai Hương. Ca khúc “Tiếng xưa” được nhà xuất bản Thế Giới xuất bản lần đầu vào năm 1950, sau đó đến nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam tái bản vào năm 1961, tiếp sau đó là các nhà xuất bản Diên Hồng, Minh Phát, Mỹ Hạnh cũng mua bản quyền xuất bản ca khúc này của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Đôi lời bình phẩm ca khúc “Tiếng xưa” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Trong một buổi chiều hoàng hôn, trước khung cảnh rêu phong, cổ kính của những thành quách cũ, người lữ khách bỗng cảm thấy một nỗi buồn man mác dâng lên trong lòng mà chẳng hiểu vì sao.

Hoàng hôn lá reo bên thềm

Hoàng hôn tơi bời lá thu

Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh

Bâng khuâng phím loan vương tình

Lá thu rụng bên thềm, xa xa kia là sương mờ giăng khuất lối. Đứng trước khung cảnh u buồn ấy, lòng người lữ khách cũng chợt bâng khuâng, vươn tình lên những phím loan. “Phím loan” ở đây là một từ cổ, có nghĩa là cung đàn mà ở đoạn sau đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có nhắc lại trong câu hát “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương”.

Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường

Phải tàn một thời liệt oanh xa đưa gió mây lạnh lùng

Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi giòng Châu

Tiếc thay tại sao đành lỡ làng man mác khói hương Bay dịu dàng như tóc mây vương

Dáng liễu mơ màng cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương ai đó tri âm biết cùng.

hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-tieng-xua-cua-nhac-si-duong-thieu-tuoc-1
Lời ca khúc "Tiếng xưa" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước
hoan-canh-sang-tac-ca-khuc-tieng-xua-cua-nhac-si-duong-thieu-tuoc-2
Lời ca khúc "Tiếng xưa" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Đứng trước những phế tích u buồn trầm mặc suốt trăm năm qua, làn gió heo mây lạnh lùng thổi qua như từ cõi xa xăm nào đó, mang theo cả linh khí của những đấng quân vương từng một thời oanh liệt. Người lữ khách nhìn những rêu phong trên thành quách, như nghe thấy khúc nghê thường vọng về bạc bạc trong sương khói mênh mông. Trước cảm giác mơ hồ ấy, bỗng dưng trong lòng ùa về nỗi xót xa, đau đớn và hai “dòng châu” cứ vậy rơi xuống, tri âm, đồng cảm cùng những người xưa.

Hoàng hôn gió sương lạnh lùng

Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung

thiết tha đàn rung tiếng tơ

vấn vương trôi theo mây mờ

đâu khúc cô liêu duyên dáng tiêu điều

dư âm chìm theo giòng Châu tràn lan sóng vương mạch sầu.

Đàn ơi thiết tha vì đâu, tiếng xưa trầm ngâm lắng rung đường tơ bao mơ màng

Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng

Ai có hay chăng Say khúc ưu tư, gió sương chiều thu buồn mơ ai đó tri âm hững hờ

Trong bài “Tiếng xưa” nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sử dụng rất nhiều hình ảnh trong bài thơ “Tỳ Bà Hành” của thi sĩ Bạch Cư Dị. Những hình ảnh như “bóng trăng”, “khúc nghê thường”, “giòng châu” hay “ai đó tri âm” đều là những hình ảnh gắn liền với bài thơ nổi tiếng này.

Bến “Tầm Dương” trong thơ của Bạch Cư Dị mang nét phong sương, lãng đãng của tài tử cùng với nỗi sầu của người kỹ nữ truân chuyên vì quá tuổi. Trong hơi thu quạnh quẽ đêm tàn, người kỹ nữ dáng liễu mơ màng rung lên khúc nghê thường, mong ngóng tìm được chút tri âm của khách qua đường. Trong bài thơ, tiếng đàn của người kỹ nữ, chén rượu tiệc hoa, giọt lệ trên chiếc áo xanh lam của quan Tư Mã trong đêm thu vời vợi tượng trưng cho những phận người chìm nỗi, gian truân giữa đời. Để rồi, hơn 1000 năm sau, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mang với tâm thế người lữ khách đứng giữa trời đất và thành quách cũ, nghe gió thu vọng về khúc nghê thường năm xưa, để lòng trào dâng niềm xót xa trong tâm khảm. “Tầm Dương” đã vượt khỏi một địa danh cụ thể, trở thành “Tầm Dương” chung của muôn triệu lòng người.

Xem thêm: "Đêm tàn Bên Ngự" của Dương Thiệu Tước: Viết cho em, chỉ riêng em thôi đấy!

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận