Vén màn cái chết bí ẩn của nhạc sĩ Hoàng Nguyên ở tuổi 43

Cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Nguyên ngoài những tình khúc bất hủ để lại cho đời, còn có những bí ẩn xoay quanh đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Diệu Nguyễn
10:50 09/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Cuộc đời đầy trắc ẩn của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Sau hiệp định Geneve, nhạc sĩ Hoàng Nguyên chuyển lên Đà Lạt sinh sống. Tại đây, ông dạy nhạc và Việt văn tại trường Tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang ở khu số 4 do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. 

Trong những năm tháng sinh sống ở Đà Lạt, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã cho ra đời rất nhiều nhạc phẩm hay về thành phố này, nổi tiếng nhất là “Bài thơ hoa đào” và “Ai lên xứ hoa đào”. Năm 1956, trong một đợt truy lùng của chính quyền Sài Gòn, ông bị nghi vấn có hoạt động chống phá chính phủ do giữ hai bản nhạc “Tiến quân ca” và “Thiên thai” của Văn Cao trong nhà. Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo.

Ngoài Côn Đảo, chàng nhạc sĩ hào hoa được chỉ huy trại tù mến mộ, đưa về tư gia để dạy nhạc và Việt văn cho con gái. Nào ngờ, lửa tình bùng cháy, khiến cô thiếu nữ 19 tuổi mang thai. Lúc biết tin, chỉ huy ngục Côn Đảo lập tức tìm cách giải quyết hậu quả. Ông vận động để nhạc sĩ Hoàng Nguyên về lại Sài Gòn, rồi sau đó đưa con gái tới Huế với ý định chờ con gái sinh xong thì sẽ sắp xếp để cả hai kết hôn với nhau. Nhưng vì vẫn còn hoài nghi về lý lịch của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, nên chỉ huy ngục đã sắp xếp một cuộc hôn nhân khác cho con gái mình ở Huế. 

Ven-man-cai-chet-bi-an-cua-nhac-si-Hoang-Nguyen-o-tuoi-43 (1)
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên mất năm 1973 trong một vụ tai nạn xe hơi tại Vũng Tàu

Sau khi được trả tự do về lại Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Nguyên vừa dạy học ở trường Tư thục Quốc Anh, vừa tiếp tục sáng tác nhạc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự việc ở Côn Đảo là do Hoàng Nguyên đang thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cách mạng giao, vì thực tế khi ấy thân phận của ông vẫn chưa bại lộ. Nhưng đó chỉ là lời đồn đoán, không rõ thực hư.

Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Nguyên tiếp tục theo học ngành Anh văn tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Trong thời gian học, do sớm nổi tiếng nên ông có cơ hội quen biết với Thị trưởng Thành phố Phan Thiết – Phạm Ngọc Thìn. Vợ của ông Thìn là nữ diễn viên nổi tiếng Huỳnh Khanh, vì mến mộ tài năng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên nên nhận ông làm em nuôi và nhờ ông dạy kèm cô con gái của mình, tiểu thư Phạm Thị Ngọc Thuần. Duyên tình một lần nữa ghé đến bên đời chàng nhạc sĩ hào hoa, đôi trai tài gái sắc cứ thế phải lòng nhau và quyết định nên duyên vợ chồng.

Năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị động viên vào khóa 19 trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau khi ra trường ông được thuyên chuyển về làm tại Cục Quân Cụ, dưới quyền Đại tá Anh Việt. Năm 1973, trong một chuyến công tác bằng xe Jeep, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã qua đời tại dốc 47 Vũng Tàu vì một vụ tai nạn xe hơi đầy bí ẩn.

Bí ẩn xoay quanh cái chết của nhạc sĩ Hoàng Nguyên ở tuổi 43

Sau khi thông tin về cái chết của nhạc sĩ Hoàng Nguyên nổ ra vào ngày 21/08/1973, báo chí Sài Gòn đã có rất nhiều tranh cãi. Người ta xôn xao bàn luận cho rằng Hoàng Nguyên do bại lộ thân phận nằm vùng nên mới bị thủ tiêu một cách bí ẩn và đột ngột như vậy.

Thông tin đó được nhiều người đồng ý, bởi ngay từ những năm đầu thập niên 1940, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã tham gia hoạt động tại mặt trận Việt Minh. Năm 1950, trong số những người “dinh tê” – những người được quân ta bí mật cài cắm vào cơ quan địch để nhận những nhiệm vụ đặc biệt, thì Hoàng Nguyên là một trong số đó. Đặc biệt, trong khoảng thời gian đó, ông đã viết ca khúc “Anh đi mai về” với một tâm thế kháng chiến rất rõ như:

Ven-man-cai-chet-bi-an-cua-nhac-si-Hoang-Nguyen-o-tuoi-43
Hai ca khúc mang yếu tố kháng chiến của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

“Quên đi những chiều nhìn mây vương sau đèo

Nắng vàng đùa thông reo bên bờ dòng suối lắng 

Cùng nhau vỗ súng ca cho đời biên khu…”

Hay trong “Đàn ơi xa rồi” cũng có những ca từ nhắc nhớ những ngày ông hoạt động cách mạng ở liên khu 4:

"Xa rồi ơi đàn 

Đâu đêm trăng vàng cùng chung vui bên rừng 

Tiếng trầm hùng vang vang, bóng từng đoàn chiến sĩ nguyền dâng sức sống cho quê nhà…”

Ngoài ra, khi lên Đà Lạt sinh sống, dạy học, nhạc sĩ Hoàng Nguyên cũng là một trong những người tích cực tham gia hoạt động phong trào văn hóa Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm. 

Quy chung lại, tất cả những giả thuyết trên đều là những lời đồn đoán, chưa có chứng cứ xác thực. Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày nhạc sĩ Hoàng Nguyên qua đời vì vụ tai nạn xe hơi kỳ lạ, tất cả như một màn sương bao phủ lên những bí ẩn chưa có lời giải đáp. Nhưng dù sự thật phía sau có là gì đi chăng nữa, thì trong lòng những người yêu nhạc, những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vẫn sẽ mãi mãi ngân vang… 

Xem thêm: Nhạc sĩ Hoàng Nguyên: Người “đội vương miện” cho nhan sắc Đà Lạt

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận