Nhạc sĩ Lê Dinh kể chuyện nhạc sĩ Anh Bằng: Tình bạn tri âm tri kỷ kéo dài nửa thập kỷ

Vào dịp sinh nhật năm thứ 82 của nhạc sĩ Anh Bằng, nhạc sĩ Lê Dinh đã viết lại những kỷ niệm vui giữa mình với người anh, người đồng nghiệp, người tri kỷ thân thiết.

Diệu Nguyễn
14:00 14/08/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

Bài viết được đăng vào tháng 4 năm 2008. Dưới đây là phần 2, viết về những kỷ niệm giữa nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng sau năm 1975 ở hải ngoại.

Năm 1979, khi gia đình tôi định cư tại Montreal được gần 1 năm, nhạc sĩ Anh Bằng tha thiết bảo tôi bảo tất cả ở Canada để qua Mỹ tái lập lại tên nhóm Lê Minh Bằng (mặc dù khi ấy chỉ còn 2 người). Bởi anh muốn trở lại hoạt động trong ngành âm nhạc, xuất bản, ra băng đĩa và tổ chức các chương trình nhạc hội. Anh nói anh ít ăn nói, lại không có tài xã giao, giao thiệp, chỉ biết sáng tác thôi nên anh muốn tôi qua để làm cái đầu tàu hoạt động trở lại như ngày trước. Nhưng khi ấy gia đình chúng tôi đã ổn định đời sống phần nào rồi, vợ chồng đều có việc làm, 3 đứa con cũng đã vào trường… nên tôi không làm theo yêu cầu của anh Anh Bằng được.

Lúc đó, nhạc sĩ Anh Bằng dùng nhà xe của mình để làm phòng thu thanh và thực hiện những băng cassette với tên Lê Minh Bằng để cho Trung tâm Thanh Lan độc quyền phát hành. Sau đó, anh đổi tên thành Sóng Nhạc, Dạ Lan rồi cuối cùng là Asia. Những băng cassette này rất được thính giả yêu thích nên thương hiệu của anh Anh Bằng cũng ngày càng phát đạt cho đến khi vợ và cô con gái Thy Vân sang, anh mới thực hiện chương trình sản xuất video Asia trước kia và DVD Asia như bây giờ.

Bước sang lĩnh vực thực hiện video, cùng với sự góp sức của vợ và cô con gái Thy Vân, thương hiệu Asia phát triển thấy rõ. Một phần là nhờ khi ấy chưa có nhiều công ty cạnh tranh, một phần là nhờ Anh Bằng là một nhạc sĩ sáng tác nên những bài bản chủ lực vẫn trội hơn hết và ngoài ra anh còn có một số vốn phong phú là những sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng.

nhac-si-le-dinh-ke-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-anh-bang (4)
Từ trái: Nhạc sĩ Anh Bằng, Tâm Hảo, Nhạc sĩ Lê Dinh, Phan Anh Dũng

Công việc của Trung tâm Asia phát rất tốt, rất khả quan nhưng từ khi chồng của Thy Vân là Bạch Đông đảm nhiệm vị trí kỹ thuật cho Asia ly dị với vợ và tuổi già sức kém, Anh Bằng đã không còn giữ vững tay lái con thuyền Asia nữa. Hay nói một cách khác là nhạc sĩ Anh bằng đã dần dần không còn quyền quyết định mọi sự trong trung tâm Asia nữa. Anh Anh Bằng cũng hay thổ lộ với về việc này. Anh nói, bây giờ quyền quyết định là do cô con gái Thy Vân và những người cộng tác với Asia. Sáng tác mới của anh có cả trăm bài vẫn nằm trong hộc tủ, Asia muốn lấy bài gì, cho vào chương trình nào thì lấy, anh cũng không chú ý tới nữa.

Sức sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng rất sung mãn. Sau năm 1975 ở hải ngoại, anh đã sáng tác rất nhiều ca khúc mới mà chúng ta đã nghe và không thể nào quên được như Khúc thụy du, Cõi buồn, Mất nhau mùa đông, Tango dĩ vãng,…  rồi ít lâu sau là một loạt các bài hát phổ thơ như Chuyện giàn thiên lý, Hồi chuông xóm đạo, Chuyện hoa sim,… Nói về việc phổ thơ, trong lĩnh vực này nhạc sĩ Anh Bằng là nhạc sĩ phổ thơ rất nhiều, nhiều như hay. Trong số những nhạc sĩ thành công trong khuynh hướng sáng tác này như Phạm Duy, Văn Phụng, Song Ngọc,… thì Anh Bằng là người đem nhạc vào thơ rất bền bỉ, từ trước năm 1975 cho mãi tận sau này. Những bài thơ nổi tiếng thời tiền chiến của Nguyễn Bính, Hữu Loan, Thái Can,… đều được nhạc sĩ Anh Bằng khéo léo diễn tả bằng âm thanh. Đây là một minh chứng cho khả năng phổ thơ tuyệt đỉnh của Anh Bằng.

Một khía cạnh khác trong sáng tác mà chúng ta thường tìm thấy ở nhạc sĩ Anh Bằng chính là óc hài hước của anh. Tôi còn nhớ rõ, khi còn làm băng cassette, anh Anh Bằng có thuê một nhân viên người Mỹ về làm dán nhãn, làm hộp băng. Ít lâu sau, trong một dịp sang Cali thăm anh Anh Bằng tôi không thấy anh người Mỹ này nữa, hỏi ra thì được biết anh đã sa thải người đó vì theo lời anh nói: “Ngày xưa Mỹ nó cho tôi nghỉ việc, thì giờ tôi cho Mỹ nó nghỉ việc lại”. Nhưng tôi biết đó là anh nói đùa thôi. Trong số những bản nhạc mà ban AVT với Lữ Liên, Vân Sơn, Tuấn Đăng trình bày trên sân khấu đại nhạc hội thời trước năm 1975, có một số bản nhạc do Anh Bằng sáng tác, nếu không có óc hài hước thì khó mà viết được những bài như “Đánh cờ người”, “Tập lái Vespa”,… như vậy lắm!

nhac-si-le-dinh-ke-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-anh-bang (5)
Nhạc sĩ Anh Bằng, Việt Hải, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Phan Anh Dũng, Nhạc sĩ Lê Dinh

Những ngày đầu sang Mỹ, anh Anh Bằng chưa trở lại nghề cũ, vẫn phải bươn chải để lo cho 2 cậu con trai và cô con gái nhỏ đang tuổi đi học. Anh xin vào làm tại một hiệu bán dụng cụ sắt thép, được buổi sáng thì tới chiều chủ cho anh nghỉ việc luôn vì anh bắt đầu bị bệnh lãng tai, chủ nói một đàng, anh làm một nẻo. Sau đó anh xin thêm vài ba chỗ nữa nhưng đều không làm được bao lâu. Càng ngày, bệnh lãng tai của anh càng trở nên trầm trọng, dù đi chuyên khoa thăm khám, có máy đắt tiền gắn vào tai thì anh cũng chỉ còn nghe được chừng 10%. Có những việc rất buồn cười xảy ra vì việc mất dần khả năng thính giác này của anh. Thời kỳ anh bị mất khả năng thính giác, khi ấy anh vẫn còn lái xe. Một hôm trên đường đi công việc về, mắt hơi kém nên anh vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông đuổi theo sau. Anh vẫn cứ phom phom, từ từ chạy hoài theo đường núi để về nhà. Một lát, lại có thêm một chiếc xe cảnh sát chạy theo xe phía trước nhưng anh vẫn không biết gì. Khi về tới nhà, mở cửa ra khỏi xe anh mới biết có 2 chiếc xe cảnh sát đuổi theo sau. Có lẽ cảnh sát cũng nghĩ họ phải đối phó với một tay khủng bố dữ dằn lắm. Kết quả cuối cùng là anh bị mất bằng lái và từ đó đi đâu anh cũng phải nhờ cháu ngoại chở đi.

Có người hỏi bị mất khả năng thính giác thì có ảnh hưởng gì tới việc sáng tác của anh không thì theo tôi biết, cũng có trở ngại đôi chút nhưng không ảnh hưởng đến việc anh viết nhạc. Tư tưởng, ý nhạc, hồn nhạc là từ óc mà ra và theo đó anh ghi nó lên giấy. Tay anh ghi một câu lên giấy là anh đã có âm điệu câu nhạc này trong đầu, hay nói cách khác là âm điệu của câu nhạc mà anh có trong đầu đã được anh chép ra trên giấy. Còn việc viết lời ca thì dù có lãng tai anh cũng không bị chi phối gì cả. Như gần đây bài “Khóc mẹ đêm mưa” của anh vẫn trau chuốt, vẫn rất là Anh Bằng đấy thôi. Khiếm khuyết về thính giác chỉ gây ra trở ngại duy nhất đối với nhạc sĩ Anh Bằng là nếu nhạc của người khác mà cho anh nghe qua CD hay nhìn lên màn ảnh qua DVD thì anh chỉ tiếp nhận được khoảng 10% thôi. Nhưng nếu kèm theo cho anh một bài nhạc in trên giấy để anh vừa nhìn vừa nghe nhạc thì bằng phương pháp thính thị, nghĩ là phối hợp giữa thính giác và thị giác thì kết quả anh sẽ cảm nhận và hiểu được hoàn toàn,

Một người trưởng thành nơi một thị trấn nhỏ ở tận miền Bắc, một người trưởng thành ở cuối miền Nam, hai người cách biệt nhau 7 tuổi, ở hai đầu non nước thế mà lại gặp được nhau, trở thành những người bạn văn nghệ thân thiết. Đó là gì nếu không phải là duyên? Và căn duyên này đã đưa đến việc hình thành một tình bạn tương thức. Nếu vào ngày đầu năm 1966 đó mà nhạc sĩ Anh Bằng không tìm đến gặp tôi thì sẽ không có nhóm Lê Minh Bằng, sẽ không có những ca khúc như Đêm nguyện cầu, Linh hồn tượng đá hay Chuyện tình Lan và Điệp để lại hậu thế. Nếu không có chuyện “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” đó thì chúng tôi, Lê Minh, Anh Bằng và Minh Kỳ vẫn chỉ là những người đồng nghiệp thông thường, coi nhau như những thân hữu thông thường khác, không có sự gắn bó khăng khít, càng không có tình bạn đồng tâm thắm thiết, tri âm tri kỷ như vậy.

Xem thêm: Lời bài hát “Thương người ở lại” của nhạc sĩ Anh Bằng

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận