Nhạc sĩ Hoàng Nguyên: Người “đội vương miện” cho nhan sắc Đà Lạt

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - "người đội vương miện" cho nhan sắc Đà Lạt có một số phận đầy trắc ẩn sau những giai điệu dìu dặt du dương mà ông để lại cho đời...

Diệu Nguyễn
18:00 08/07/2024 Diệu Nguyễn
Âm nhạc
Amnhac.net

HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN

  • Tên thật: Cao Cự Phúc
  • Nghệ danh: Hoàng Nguyên
  • Ngày sinh: 1930 - 1973
  • Quê quán: xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, giáo viên
  • Thể loại sáng tác: Tình khúc 1954 - 1975
  • Ca khúc nổi tiếng: Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ,…
  • Ca sĩ trình bày thành công nhất: Lệ Thu, Lệ Thanh, Hữu Thiết, Ngọc Cẩm,...
  • Thời gian hoạt động: 1948 - 1973

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên là ai?

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 03/01/1930, tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong một thời gian dài thông tin cá nhân của ông bị nhầm lẫn, người ta cứ đinh ninh rằng ông sinh ngày 03/01/1931 ở Quảng Trị. Vì lúc đến tuổi đi học ông vào Quảng Trị sống với cha cùng mẹ kế, lúc đăng ký vào trường Quốc học Huế nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã quá tuổi nên phải khai xuống 2 tuổi để vào học.

Thuở nhỏ, Hoàng Nguyên học ở trường huyện (nay là trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, ở Diễn Châu, Nghệ An). Vì đam mê nhạc họa nên ông có theo học nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, người từ Huế trở ra Nghệ An (thuộc Khu Bốn khi ấy) để tham gia Việt Minh dưới quyền tư lệ là tướng Nguyễn Sơn.

Năm 1948, nhạc sĩ Hoàng Nguyên tham gia mặt trận Việt Minh. Đến năm 1950, ông theo cha về Quảng Trị. Theo các tài liệu ghi lại, dù rời chiến khu nhưng Hoàng Nguyên vẫn bí mật làm việc cho Việt Nam và nhận những nhiệm vụ đặc biệt. Tại Quảng Trị, ông học trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ tú tài thì ông vào học tại Đại học Huế.

Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã sáng tác ca khúc “Anh đi mai về” với một tâm thế kháng chiến rất rõ ràng. Ngoài ra, ca khúc “Đàn ơi xa rồi” của ông cũng có ẩn chứa ca từ nhắc nhở về những ngày tham gia cách mạng ở liên khu 4.

Sau khi học xong, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đến trường Nguyễn Tri Phương giảng dạy môn văn. Tại đây, một học trò đã từng mô tả về thầy của mình là người trắng trẻo, thư sinh, mắt đeo kính cận, tóc tai bóng loáng.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị chính quyền Quốc Gia Việt Nam giam lỏng vì có liên hệ tới một phong trào chống chính quyền. Năm 1954, trước khi hiệp định Geneve ký kết không bao lâu, ông được thả tự do. Sau sự việc này, ông không ở Huế nữa mà lên Đà Lạt sinh sống. Tại đây, ông tiếp tục dạy nhạc và việt văn tại trường tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang do Thượng tọa Thích Thiện Tấn (anh trai thầy Thích Nhất Hạnh) chủ trì và làm hiệu trưởng. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một trong những học trò của nhạc sĩ Hoàng Nguyên thời đó.

Tại đây, ông đã viết rất nhiều ca khúc về thành phố sương mù – Đà Lạt, nổi tiếng có thể kể đến như: “Đà lạt mưa bay”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào”,…

nhac-si-hoang-nguyen-la-ai-va-am-nhac-hoang-nguyen-gan-lien-voi-da-lat-1
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên thời trẻ

Năm 1957, chính quyền Đà Lạt có cuộc thanh lọc công chức và nhạc sĩ Hoàng Nguyên nằm trong danh sách bị điều tra vì từng có khoảng thời gian tham gia kháng chiến ở Khu Bốn. Cảnh sát khám xét bất ngờ và phát hiện trong nhà ông có bản nhạc Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao, thế là ông bị bắt và đầy ra Côn Đảo. Tại đây ông có một mối tình ngang trái với cô thiếu nữ 19 tuổi, đó cũng là mối tình để ông chắp bút viết ra ca khúc “Cho người tình lỡ” nổi tiếng một thời.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sau khi được thả tự do, tại Sài Gòn ông vừa sáng tác, vừa dạy học tại trường tư thục Quốc Anh. Đến năm 1961, ông tiếp tục theo học ngành Anh văn tại trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Trong thời gian này, ông quen biết và nhận được sự bảo bọc của ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết khi ấy, có tư thất ở Sài Gòn. Vợ của ông Phạm Ngọc Thìn là diễn viên Huỳnh Khanh, vì mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên nên bà đã nhận ông làm em nuôi và dẫn về dạy kèm con gái ông bà là Ngọc Thuận. Và rồi, mối tình thầy trò lại một lần nữa chớm nở, nhạc sĩ Hoàng Nguyên cứ vậy trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn.

Năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Nguyên tham gia khóa 19 trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường, ông được thuyên chuyển về Cục Quân Cụ, làm trong ban tài chính, dưới quyền đại tá nhạc sĩ Anh Việt – Trần Văn Trọng. Một phần trong công việc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên thời ấy là hàng tháng cùng nhân viên mang tiền mặt đi phát lương cho các nhân viên trực thuộc Cục Quân Cụ đóng quân tại Vũng Tàu. Năm 1973, trong một lần đi phát lương bằng xe Jeep, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, nhạc sĩ Hoàng Nguyên qua đời tại dốc 47 Vũng Tàu. Tang lễ của ông được cử hành tại cư xá Chu Mạnh Trinh, nơi tập trung của nhiều gia đình nghệ sĩ thời ấy.

Duyên phận bẽ bàng cho người tình lỡ

Là một nhạc sĩ hào hoa, phong nhã, Hoàng Nguyên cũng có rất nhiều bóng hồng lướt qua cuộc đời mình, để lại những rung cảm thiết tha. Nhưng có lẽ, thiên tình sử với cô nữ sinh 19 tuổi ngoài Côn Đảo vẫn là mối tình khiến ông day dứt, nhớ mãi không quên.

Tại Côn Đảo, sự tài hoa của chàng nhạc sĩ trẻ đã được chỉ huy trại tù mến mộ, thế là ông ta đưa Hoàng Nguyên về tư gia để dạy nhạc và Việt văn cho cô con gái 19 tuổi. Những ngày tháng gần gũi đã khiến đôi trẻ nảy sinh tình cảm, không lâu sau đó cô gái mang thai. Biết tin, chỉ huy ngục Côn Đảo liền lập tức tìm cách giải quyết hậu quả. Đầu tiên, ông vận động để nhạc sĩ Hoàng Nguyên được thả về Sài Gòn. Sau đó, ông tiếp tục sắp xếp đưa con gái tới Huế để “lánh nạn” với ý định chờ con gái sinh xong sẽ sắp xếp cho cả hai một cuộc hôn nhân. Thế nhưng, vì vẫn còn hoài nghi về lý lịch của Hoàng Nguyên nên chỉ huy ngục đã sắp xếp một cuộc hôn nhân khác cho con gái mình. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên nghe tin cô gái lấy chồng, trong giây phút buồn đau ông đã sáng tác ca khúc “Cho người tình lỡ” để tưởng niệm cho mối tình ngang trái của mình.

Năm 1960, nhạc sĩ Hoàng Nguyên lặn lội từ Sài Gòn ra Huế để gặp người xưa. Nhưng cuộc gặp mặt ấy chẳng đi về đâu. Cay đắng, buồn lòng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết bài “Thuở ấy yêu nhau” thay cho lời tạ từ với bóng hình trong tim.

Ôm nỗi đau về lại Sài Gòn, chàng nhạc sĩ liên tiếp sáng tác những tình khúc buồn, khiến người nghe cũng đứt ruột, đứt gan theo lòng chàng. Nếu “Đừng trách gì nhau” là tiếng lòng phân bua trước sự mất mát, thì ca khúc “Em chờ anh trở lại” là sự chấp nhận trước hoàn cảnh oan nghiệt, trớ trêu: “Ngày anh ra đi, đường nắng chưa phai màu/ Dòng sông chia ly, lờ lững chưa hoen sầu”.

Năm 1961, vì những bài tình ca nổi tiếng mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên có cơ hội kết thân với những nhân vật thành đạt trong xã hội Sài Gòn lúc ấy. Một trong số những người có quan hệ gắn bó thân thiết với ông chính là nữ diễn viên Huỳnh Khanh. Cũng nhờ mối duyên này, Hoàng Nguyên có cơ hội làm gia sư cho cô con thiên kim Phạm Thị Ngọc Thuần, con gái của Huỳnh Khánh và Tỉnh trưởng Phan Thiết – Phạm Ngọc Thìn. Cứ thế, mối tình thầy trò lại một lần nữa được thắp lên. Sau một thời gian yêu nhau, cả hai về chung một nhà và có với nhau 3 người con. Tuy nhiên theo những người bạn cùng thời, thì cuộc hôn nhân này không đem lại cho nhạc sĩ hoàng Nguyên một gia đình êm ấm, hạnh phúc vì vợ ông rất ghen tuông, từng đốt mất rất nhiều bản thảo ca khúc do ông sáng tác.

Âm nhạc Hoàng Nguyên đã “đội vương miện” cho Đà Lạt

Nhắc đến âm nhạc của Hoàng Nguyên không thể không nhắc đến những ca khúc gắn liền với thành phố mù sương. Thậm chí có người còn nói rằng, chính nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người đã “đội vương miện” cho nhan sắc Đà Lạt, để đến tận ngày nay, giai điệu những ca khúc ấy vẫn còn vang mãi trong lòng người yêu nhạc vàng, yêu xứ sở ngàn hoa.

Ca khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết về mảnh đất Đà Lạt chính là bài “Bài thơ hoa đào”. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khô nóng, nên lần đầu đặt chân tới Đà Lạt, cảm nhận được cái se se của sương lạnh, ngắm nhìn màu hoa đào mơ màng trong nắng sớm đã khiến chàng nhạc sĩ bật ra cảm xúc để viết nên những lời ca thơ mộng, đầy lãng mạn: “Ngày nào dừng chân phiêu lãng/ Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi”.

Từ ca khúc đầu tiên ấy, thành phố ngàn hoa đã trở thành “nàng thơ” mới của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của ông như “Hoa đào ngày xưa”, “Đà Lạt mưa bay”,…

nhac-si-hoang-nguyen-la-ai-va-am-nhac-hoang-nguyen-gan-lien-voi-da-lat-3
Ca khúc "Ai lên xứ hoa đào" nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, người nghe đã thấy một Đà Lạt mơ huyền, lãng mạn hiện ra trước mắt: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi”. Với phần ca từ tuyệt đẹp, cùng với giai điệu ngọt ngào, du dương đã mang lại cho ca khúc này một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến Đà Lạt là không ai không nhớ tới ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên.

Âm nhạc của Hoàng Nguyên cứ vậy vang lên giữa núi ngàn, nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết như một lời tự sự của chàng trai trẻ dành cho tình yêu của đời mình. Giữa tuổi hoa niên cháy bỏng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã trao hết tài năng, thiên phú của mình vào những bản nhạc dâng tặng thành phố mù sương, nơi ông neo bước trên hành lữ hành không biết ngày mai…

Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Cuộc đời nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Nguyên khá ngắn ngủi, thế nhưng ông đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt rất nhiều ca khúc hay, trong đó nổi tiếng có thể kể đến: Ai lên xứ hoa đào, Anh đi mai về, Bài thơ hoa đào, Cho người tình lỡ, Đà Lạt mưa bay, Đàn ơi xa rồi, Đi giữa quê hương, Đừng trách gì nhau, Đường nào em đi, Đường nào lên Thiên Thai, Duyên nước tình trăng, Em chờ anh trở lại, Gió mới, Gió trang ngàn, Gió thu về, Hương thu về, Lá rụng ven sông, Lời dặn dò, Người em Tây Đô, Nước mắt đêm xuân, Tà áo tím, Thuở ấy yêu nhau, Tiếng chuông Linh Mụ, Tìm về nhà em, Trăng về quê hương,…

nhac-si-hoang-nguyen-la-ai-va-am-nhac-hoang-nguyen-gan-lien-voi-da-lat-4
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc “Cho người tình lỡ” của ông. Bài hát với những lời ca sầu não, được ông viết để kỷ niệm cuộc tình ngang trái với cô gái ông yêu nhưng không đến được với nhau hoàn cảnh, lý lịch:

“Khóc mà chi yêu thương qua rồi

Than mà chi có ngăn được xót xa

Tiếc mà chi những phút bên người

Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua…”.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên – Cung đàn tài hoa bạc mệnh

Năm 1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị tai nạn giao thông qua đời tại Vũng Tàu. Cho đến nay, cái chết bất ngờ ở tuổi 43 của ông vẫn còn rất nhiều đồn đoán với những bí ẩn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa khi ấy đã khiến rất nhiều người thương xót. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, học trò của ông Hoàng Nguyên ngày còn ở Đà Lạt đã xót thương: “Nhạc sĩ Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm. Ông là một cung đàn tài hoa bạc mệnh”.

nhac-si-hoang-nguyen-la-ai-va-am-nhac-hoang-nguyen-gan-lien-voi-da-lat-5
Cái chết của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng từng nhận xét về Hoàng Nguyên như sau: “Trong làng nhạc miền Nam khi ấy không chỉ có nhạc vàng tình yêu, nhạc xanh, nhạc sến mà còn có cả nhạc trẻ, nhạc tây. Âm nhạc của Hoàng Nguyên đã đi từ dòng tiền chiến lãng mạn đến tình yêu sang trọng, rồi nhập vào dòng tân nhạc hiện đại. Những câu chuyện tình yêu trong âm nhạc của Hoàng Nguyên muốn vượt lên thực tại u ám, nhưng vẫn phảng phất trong đó nỗi niềm tủi đau…".

Nhìn lại chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Nguyên ta có thể thấy, những tình khúc về Đà Lạt đầy mỹ cảm, cùng với những bản nhạc tình “Cho người tình lỡ”, “Thuở ấy yêu nhau”, “Tà áo tím”,… đã làm nên một Hoàng Nguyên lãng khách, đa tình. Dù có trôi dạt lúc góc bể Côn Đảo, hay phơi bày nơi đô hội Sài Gòn, dù ngụp lặn trong phù trầm của số phận, hay sấp ngửa trước tình duyên thì cách nhìn đời của ông vẫn nhẹ nhàng, trầm lặng và thiết tha. Chính vì thế mà trong từng nét nhạc của Hoàng Nguyên ta đều cảm nhận được một cõi thiên đường u hoài của thời tuổi trẻ đã qua.

Xem thêm: Cảm động bức tâm thư ca sĩ Trang Mỹ Dung gửi cho nhạc sĩ Anh Bằng: “Một mùa mưa nhớ thầy!”

amnhac.net

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận