Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Giọt lệ đài trang”: Tiếc thương nàng tiểu thư khuê cát một thời!
"Giọt lệ đài trang" của nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của dòng nhạc phổ thông đại chúng, ra đời vào năm 1969.
CA KHÚC “GIỌT LỆ ĐÀI TRANG”
- Tên ca khúc: Giọt lệ đài trang
- Nhạc sĩ sáng tác: Châu Kỳ
- Thể loại: Nhạc trữ tình
- Năm phát thành: 1969
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Chế Linh
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Giọt lệ đài trang”
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Giọt lệ đài trang” có nhiều giai thoại khác nhau. Tuy nhiên, vào năm 2007 trong chương trình Paris by Night 78, chính nhạc sĩ Châu Kỳ đã kể lại như sau:
Vào khoảng năm 1940, nhạc sĩ Châu Kỳ còn đang học phổ thông ở Huế thì có đem lòng tương tư nàng tiểu thư xinh đẹp con quan Thượng Thư triều đình, dòng dõi Tôn Thất, tên là Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh. Khi đó, nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ vừa mới học đàn mandolin, nốt nhạc còn không biết.
Một lần, khi Kim Anh ngồi đan áo trên ban công ở dinh lầu son gác tiếc, Châu Kỳ vì quá say mê nàng nên đã đứng dưới đất vừa đàn vừa hát tỏ tình.
Ấy vậy mà, nàng tiểu thư xinh đẹp chỉ ghé mắt nhìn xuống, buông một câu phũ phàng: “Cái đồ xướng ca vô loài”, rồi lạnh lùng quay bước vô nhà.
Sau lần đó, nhạc sĩ Châu Kỳ không gặp lại nàng tiểu thư kiêu kỳ ấy thêm một lần nào nữa. Ôm theo nỗi bẽ bàng và xấu hổ, nhạc sĩ Châu Kỳ đi vào Sài Gòn lập nghiệp và trở thành nhạc sĩ nổi tiếng của làng nhạc vàng miền Nam. Vào Sài Gòn nhạc sĩ Châu Kỳ nên duyên với ca sĩ Mộc Lan, nhưng được một thời gian, cả hai chia tay. Sau đó, ông đi bước nữa với cô nữ sinh Sài Gòn tên Kha Thị Đàng và chung sống với nhau hạnh phúc đến lúc cuối đời. Về phần cô tiểu thư quyền quý Kim Anh, sau khi học xong cô lấy chồng là một sĩ quan người Pháp.
Tròn 30 năm sau cuộc tỏ tình bẽ bàng đó, nhạc sĩ Châu Kỳ mới gặp lại nàng tiểu thư Kim Anh. Thế nhưng thế sự xoay vần, năm 1945 triều đình phong kiến sụp đổ, chế độ quan quyền không còn, nên chức quan Thượng Thư của cha cô cũng trở thành dân thường. Chồng của Kim Anh cũng theo quân Pháp về nước với người vợ Pháp ở quê nhà, để lại cô một mình lang thang, cô độc như kẻ không nhà ở Sài Gòn phồn hoa.
Nhạc sĩ Châu Kỳ nói rằng, lúc đó ông đang ngồi ở một quán nước trên đường Nguyễn Trãi thì thấy một hình bóng quen thuộc lướt qua. Ông thấy quen nên chạy theo xác nhận thì đúng là cô tiểu thư xinh đẹp năm xưa. Sau khi hỏi thăm Châu Kỳ mới biết được hoàn cảnh đáng thương của cô.
Xót thương cho số phận bi thảm của người cũ, nhạc sĩ Châu Kỳ dốc hết tiền trong túi ra cho cô, rồi ngỏ ý chở cô về nhà. Cô tiểu thư kiêu sa ngày nào nay đã trở thành một người đàn bà khắc khổ, cầm những đồng tiền của Châu Kỳ đưa, cô ngồi xuống đất, bật khóc nức nở.
Sau lần gặp lại cố nhân này, nhạc sĩ Châu Kỳ đem niềm cảm thương viết thành ca khúc “Giọt lệ đài trang” làm rung động lòng người.
Năm 1969, bài hát ra đời với phần thu âm của ca sĩ Chế Linh trên Dĩa hát Việt Nam với phần hòa âm của Văn Phụng. Sau này để tưởng niệm cô tiểu thư Kim Anh, nhạc sĩ Châu Kỳ còn viết thêm bản “Túy ca” vài năm sau khi cô qua đời.
Đôi lời bình phẩm về ca khúc “Giọt lệ đài trang”
Vật đổi sao dời, chẳng ai ngờ được nàng khuê các cao sang ngày nào lại có số phận lênh đênh và bi thương đến thế. Cảm thương trước điều ấy, nhạc sĩ Châu Kỳ đã dùng câu từ dẫn người nghe vào bước ngoặt số phận cuộc đời nàng:
“Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng
Ngày xưa ai quyền quý cao sang
Em chính em ngày xưa đó
Ước xây đời lên tột đỉnh nhân gian.
Ngày xưa ai tiếng nhạc cung đàn
Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang
Tôi chính tôi ngày xưa đó
Cũng đèo bòng mơ người đẹp lầu hoang…”
Em của ngày xưa đó, lá ngọc cành vàng sống trong quyền quý cao sang. Em như con cưng của trời, được thừa hưởng mọi điều tốt đẹp của thế gian. Khi ấy, tôi chỉ là một chàng trai nghèo lạc lối trong sắc đẹp kiêu sa của em, mơ ước được cùng em nói tiếng yêu. Nhưng chuyện đời, “con chim quý phải ở lầu son”, tôi đành ngậm ngùi ôm nỗi tương tư, da diết thương nhớ bóng hình em.
“Rồi một hôm tôi gặp nàng
Ðem tiếng hát cung đàn với niềm yêu lai láng
Nhưng than ôi quá bẽ bàng
Bao tiếng hát cung đàn người chẳng màng còn chê chán…”
Cũng ngày xưa ấy, chẳng biết làm gì để giải bày, tôi đành đem đàn hát tiếng lòng mình cho em. Chàng nghệ sĩ lang thang ôm mối hy vọng mơ hồ, mong tiếng đàn làm mềm lòng người đẹp chốn lầu quan.
“Nhưng than ôi quá bẽ bàng
Bao tiếng hát cung đàn
Người chẳng màng còn chê chán…”.
Nhưng tiếng lòng nào được em đáp lại mà còn bẽ bàng bị em xem như “xướng ca vô loài” rồi cứ thế quay lưng bước đi. Chắc khi ấy em nghĩ, người nghệ sĩ lang thang làm sao xứng với lá ngọc cành vàng như em. Điều em mong đợi khi ấy phải chăng là một người tình tuyệt đỉnh nhân sang đến sánh vai cùng.
“Còn đâu đâu lá ngọc cành vàng
Còn đâu đâu quyền quý cao sang
Em chính em ngày xưa đó
Ðến bây giờ phiêu bạt giữa trần gian
Đời tôi vẫn tiếng nhạc cung đàn
Ðời tôi vẫn nghệ sĩ lang thang
Em nhớ xưa rồi em khóc
Tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang…”
Thế nhưng có ai ngờ được, ngày tôi gặp lại em nào đâu còn bóng dáng nàng tiểu thư cao sang quyền quý một thời. Giông tố cuộc đời đưa vào em hoàn cảnh xót thương. Em ngại ngùng khi gặp lại anh, người nhạc sĩ nghèo ngày xưa em từng chối bỏ. Dù gặp em trong hoàn cảnh không mong đợi, nhưng cớ sao thấy giọt nước mắt trên má em, lòng anh lại đau nhói, buồn thương vô hạn… ôi dòng lệ đài trang!
Dị bản khác về hoàn cảnh ra đời “Giọt lệ đài trang”
Câu chuyện trên được nhạc sĩ Châu Kỳ kể vào năm 2007, nhưng chỉ trước đó 1 năm, trong một đêm nhạc được tổ chức trong nước, ông lại kể một câu chuyện khác đằng sau ca khúc trữ tình bất hủ này.
Nhạc sĩ Châu Kỳ nói rằng, người con gái trong câu chuyện tên là Đoàn Thị Sum ở Nha Trang. Khi ấy, cô Sum chỉ mới 16 tuổi nhưng rất mê tiếng hát lẫn tiếng đàn của ông. Cô Sum là con quan trị huyện, gia thế thuộc hàng nhất nhì Nha Trang thời ấy.
Khi đoàn ca hát của Châu Kỳ ghé đến Nha Trang biểu diễn, họ đã vô tình gặp nhau. Đến khi đoàn hát dọn đi, cô Sum vì quá mê Châu Kỳ nên đã trốn nhà đi theo đoàn hát, nhưng lại bị gia đình phát hiện, bắt lại và nhốt trong nhà. Vì uất ức nên cô đã nghĩ quẩn…
Sau này, vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ đến Nha Trang thì có ghé đến thăm mộ cô Sum. Cảm thương cho số phận cô thiếu nữ năm nào ông đã viết nên bài “Giọt lệ đài trang”.
Tuy nhiên, hầu hết khán thính giả đều đồng tình thân phận nàng tiểu thư Kim Anh ở Huế khớp với nội dung bài hát hơn.
Nhạc sĩ Châu Kỳ (1923 – 2008) là một trong những nhạc sĩ tiên phong của làng tân nhạc. Ông cũng là người chủ trương của ban nhạc Tiến Thùy Dương vang tiếng một thời.
Nhạc sĩ Châu Kỳ bắt đầu sáng tác năm 1943 với ca khúc đầu tay mang tên “Trở về”. Sau quá trình miệt mài cống hiến cho nghệ thuật và âm nhạc, ông để lại cho đời khoảng 400 ca khúc, trong đó có 200 nhạc phẩm đã ra mắt khán giả, đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Xem thêm: Nhạc sĩ Châu Kỳ: Dù lệ rơi phím đàn vẫn muốn giữ trái tim yêu để sáng tác
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận