Ca khúc “Duyên kiếp” – Tiếng lòng của Lam Phương về mối tình thuần khiết buổi ban sơ
“Duyên kiếp” là ca khúc được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào năm 1960, viết với mục đích trình diễn trong vở cải lương mang tên “Duyên kiếp lỡ làng”
CA KHÚC “DUYÊN KIẾP”
Tên các khúc: Duyên Kiếp
Nhạc sĩ sáng tác: Lam Phương
Năm phát thành: 1960
Ca sĩ trình bày tiêu biểu: Kim Cương, Thanh Tuyền
Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Duyên kiếp”
“Duyên kiếp” là ca khúc được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào năm 1960. Ban đầu, bài hát này được viết với mục đích trình diễn trong vở cải lương “Duyên kiếp lỡ làng” của tác giả Hoàng Dũng và người thể hiện đầu tiên trên sân khấu là kỳ nữ sân khấu Kim Cương. Thế nhưng, sau khi vở diễn ra mắt, ca khúc này bất ngờ trở nên nổi tiếng và đứng vững như một nhạc phẩm độc lập. Suốt 60 năm qua, “Duyên kiếp” của Lam Phương đã trở thành một trong những bản tình ca kinh điển của dòng nhạc vàng.
Khi bài hát “Duyên kiếp” nổi tiếng, câu hát mở đầu “Em ơi nếu mộng không thành thì sao” đã trở thành câu cửa miệng thuộc nằm lòng đối với nhiều thế hệ yêu nhạc vàng. Cùng vì quá quen thuộc mà câu hát này của nhạc sĩ Lam Phương được rất nhiều người chế lời và được truyền miệng với nhiều biến thể khác nhau. Theo nhạc sĩ từng chia sẻ, câu hát này được ông lấy cảm hứng từ 2 câu thơ của nhà thơ Diên An là: “Em ơi tình đã lên môi thắm/ Nếu mộng không thành biết nói sao”.
Nội dung bài hát “Duyên kiếp” nói về những nhẹ nhàng, thuần khiết của tình yêu buổi ban sơ, lúc mà ai cũng mang nhiều mộng tưởng và nỗi lo về tương lai, sợ rằng tình duyên đôi lứa sẽ không thành.
Đôi lời bình phẩm về ca khúc “Duyên kiếp”
Em ơi nếu mộng không thành thì sao
Non cao đất rộng biết đâu mà tìm
Đường đời mịt mờ vạn nẻo về đâu
Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu
Tình yêu là thế, dù đang bên cạnh nhau nhưng vẫn cứ lo sợ một mai sẽ mất nhau. Băn khoăn nhiều, suy nghĩ nhiều khiến chàng không khỏi lo âu nếu “mộng không thành” thì “non cao đất rộng” biết đâu tìm nàng. Nếu mà có như thế thật, hai người riêng hai lối rẽ, chắc chỉ biết mong chờ cho duyên kiếp “đưa lối bắc cầu” mà thôi. Vì còn quá yêu nên còn mong chờ vào số mệnh và duyên kiếp, vì lòng còn nhiều hy vọng nên vẫn ôm giấc mộng một ngày mai đôi lứa chung kịp cầu.
Em ơi nhắc lại phút xưa gặp nhau
Trên đê vắng người lúc tan chợ chiều
Ngại ngùng mỗi lần anh đến tìm em
Má em ửng hồng vì quá thẹn thùng
Rồi lòng chàng bỗng miên man nhớ lại thuở mới gặp nhau. Khi ấy “trên đê vắng người lúc tan chợ chiều” – khúc hát vẽ nên khung cảnh làng quê thanh bình, êm ả khiến người nghe như nhìn thấy, như về lại con đường đê chốn thôn xưa. Ngày ấy, mỗi lần chàng đến tìm, nàng lại thẹn thùng đỏ mặt. Ôi những buổi ban đầu hò hẹn, biết bao giờ lòng mới có thể quên.
Em ơi nhớ chăng thuở ấy
Mỗi khi bóng chiều xuống dần
Em về trên quãng đường xa
Gặp em dù không dám cười
Nhìn nhau, nhìn nhau mà lòng vẫn vui
Thuở ấy, mỗi chiều về, nhìn thấy bóng em trên con đường xa, lòng chàng lại rung lên những nhịp bồi hồi, để rồi gặp em lại chẳng dám nở nụ cười. Nhưng dẫu có như thế, chỉ cần nhìn vào mắt nhau, đôi ta vẫn biết tình yêu thế nào. Tình yêu thuở ấy, chỉ cái chớp mắt nhẹ nhàng cũng như nghe hàng trăm nghìn câu nói, chỉ cái liên mắt vô tình cũng khiến đất trời rộn rã cả mùa xuân.
Em ơi phải chăng phút giây ngày ấy
Đôi tim ướp mộng bấy lâu thành lời
Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta
Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa.
Tình yêu thuở xưa, e ấp đơn sơ nhưng quá đỗi êm đềm. Và những gặp gỡ ấy đã trở thành kỷ niệm khó phai trong trái tim của cả hai người. Câu hát “đôi tim ướp mộng” mà Lam Phương viết vào rất hay, cũng rất tình. Đây là một kiểu viết tượng hình được đánh giá rất cao mà không nhiều nhạc sĩ có thể viết được. Dẫu sao này đường đời có ngăn cách đôi ta, thì những kỷ niệm ấy vẫn sẽ mãi không phai nhòa.
Xem thêm: “Phút cuối” – Lời tuyệt vọng nhạc sĩ Lam Phương viết cho đoạn tình oan trái
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận